2009-01-20 12:04:57

TÂM LÝ HỌC TRONG NHÂN SINH QUAN


Ông Rudolf Allers là một học giả mang nhiều tước hiệu: nhà tâm lý, triết gia và khoa học gia. Nhưng trước hết ông là tư tưởng gia Công Giáo. Chính ông khai sinh môn tâm lý học trong nhãn quan đích thật của con người. Tuy nhiên, ông khiêm tốn thú nhận:

- Tôi chưa viết ra hết những gì tôi mong ước, nghĩa là, tôi chưa trình bày thấu đáo nền triết học toàn phần về bản tính con người.

Với ước nguyện đó, ông Rudolf Allers đã dâng hiến trọn cuộc đời cho công cuộc nghiên cứu, chữa trị, giảng dạy môn tâm lý học và phân tâm học. Ông không ngừng tìm kiếm và cống hiến cho người đương thời một nền triết học căn bản vững chắc về môn tâm lý học.

Chào đời năm 1883 tại Vienne, thủ đô Áo Quốc, Rudolf học ngành y khoa và chọn môn chuyên về phân tâm học. Sau khi ra trường, Allers hành nghề ban đầu tại Praga, bên Tiệp Khắc, rồi tại Muenchen, thủ phủ bang Bavière ở miền Nam nước Đức. Nơi đây ông cộng tác với nhiều nhân vật Đức nổi tiếng trong thời đệ nhất thế chiến 1914-1918. Đầu thập niên 1920, ông Rudolf Allers hợp tác với Hiệp Hội Tâm Lý Cá Thể do ông Alfred Adler (1870-1937) thành lập. Ông Adler là bác sĩ kiêm tâm lý gia người Áo. Từ đó ông Rudolf Allers dành thời giờ cho việc thực hành tâm lý trị liệu.

Sau khi giật mảnh bằng tiến sĩ triết học ông Rudolf Allers sang làm việc tại Milano, Bắc Ý, thể theo lời mời của Cha Agostino Gemelli (1878-1959) vào năm 1934. Lúc ấy Cha Agostino Gemelli - Linh Mục dòng Phanxicô - là bác sĩ kiêm tâm lý gia. Cha là sáng lập viên và là Viện Trưởng Đại Học Công Giáo Thánh Tâm tại Milano.

Khi nhóm đức quốc xã lên nắm chính quyền ông Rudolf Allers di tản sang Hoa Kỳ. Ban đầu ông dạy học tại Catholic University of America ở thủ đô Washington. Sau đó ông chuyển sang dạy học tại Georgetown University. Những năm cuối đời ông dời về sống tại nhà hưu dưỡng ở Hyattsville thuộc bang Maryland, Hoa Kỳ. Ông biến chỗ ở thành nơi dạy học cho các sinh viên, những người trẻ kiên trì nối gót theo thầy, mãi cho đến khi ông qua đời vào năm 1963, hưởng thọ 80 tuổi.

Công trình biên khảo của ông Rudolf Allers gồm 16 tác phẩm và khoảng 600 bài viết dài ngắn. Ông dành phần lớn thời giờ để nghiên cứu về hóa sinh học và sinh lý học thần kinh trong tương quan với các tìm tòi lịch sử về khái niệm của triết học dưới thời thượng cổ và trung cổ sang đến thời hiện đại.

Trọng tâm các học hỏi tìm tòi cũng như mối ưu tư chính yếu của ông luôn luôn là tìm hiểu con người. Việc thực hành phân tâm và chữa trị tâm lý cống hiến cho ông một hành trang quí giá. Ông nói:

- 6 năm hành nghề tại dưỡng đường phân tâm ở Praga nước Tiệp và ở Muenchen bên Đức, cộng thêm với kinh nghiệm thủ đắc trong nơi hành nghề tư giúp tôi có hai xác tín:

- Thứ nhất, nền phân tâm theo triết thuyết của Sigmund Freud (1856-1939), người Áo, là sai lầm.
- Thứ hai, cần phải làm sáng tỏ quan niệm nền tảng về y khoa tâm lý và cung ứng cho nền phân tâm và chữa trị tâm lý một nền triết học vừa căn bản vừa vững chắc.

Trong thời đại hiện nay của con người, các nghiên cứu và kinh nghiệm của ông Rudolf Allers với tư cách là tín hữu Công Giáo, thật vô cùng trang trọng và quí hóa. Làm sao cho các quan niệm, nghiên cứu, thực hành và chữa trị tâm lý, phân tâm lý phải hòa hợp và ăn khớp với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo.

... ”Nếu anh chị em thật sự nghe tiếng THIÊN CHÚA của anh chị em, mà lo đem ra thực hành tất cả những mệnh lệnh của Ngài mà tôi truyền cho anh chị em hôm nay, thì THIÊN CHÚA của anh chị em sẽ cho anh chị em vượt mọi dân tộc trên mặt đất, và mọi phúc lành sau đây sẽ đến với anh chị em và bao trùm anh chị em, bởi vì anh chị em đã nghe tiếng THIÊN CHÚA của anh chị em .. Anh chị em sẽ được chúc phúc trong thành, anh chị em sẽ được chúc phúc ngoài đồng. Con cái anh chị em, hoa màu đất đai anh chị em, gia súc anh chị em đều được chúc phúc .. THIÊN CHÚA sẽ đặt anh chị em lên làm dân thánh hiến cho Ngài, như Ngài đã thề với anh chị em. Mọi dân trên mặt đất sẽ thấy rằng anh chị em được mang danh THIÊN CHÚA và chúng sẽ sợ anh chị em” (Sách Đệ-nhị-luật 28,1-10).

(SYNTHESIS, Anno II - n.1, Gennaio-Febbraio/2006, trang 5)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.