2009-01-13 17:15:01

Ai muốn loại trừ Kitô hữu khỏi Irak?


Phỏng vấn bà Erica Hunter, chuyên viên nghiên cứu nền văn chương Aramei về thảm cảnh của Kitô hữu Irak

Trong các tuần vừa qua Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã liên tục lên tiếng kêu gọi hòa bình cho Thánh Địa và vùng Trung Đông trong đó có Irak. Đức Thánh Cha tái khẳng định Giáo Hội không xin xỏ đặc quyền đặc lợi, nhưng chỉ muốn cho quyền tự do tôn giáo được các giới chức hữu trách tôn trọng và để cho Giáo Hội góp phần mình vào việc mưu cầu hạnh phúc cho các dân nước. Như đã biết, trong các năm qua số Kitô hữu Irak bỏ nước ra đi ngày càng gia tăng, vì họ bị các nhóm tín hữu hồi qúa khích bách hại. Điển hình nhất là cộng đoàn Kitô Mossul từ 25.000 tín hữu nay chỉ còn không đầy 5.000 người. Các người khác hoặc trốn chạy về mạn bắc, hoặc di cư ra nước ngoài, đặc biệt là Syria và Giordania.

Ngày mùng 1-1-2009 binh sĩ Hoa Kỳ đã trao quyền kiểm soát vùng xanh của thủ đô Baghdad cho binh sĩ Irak. Nó là một bước tiến trên con đường thỏa hiệp giữa chính quyền Hoa Kỳ và chính quyền Irak trong tiến trình hoàn toàn triệt thoái binh sĩ Mỹ khỏi Irak vào năm 2011.

Vùng Xanh của thủ đô Baghdad là một loại pháo đài, bao gồm các dinh thự của chính qyuền và quốc hội, cũng như nhiều tòa đại sứ của các nước tây âu, bắt đầu là hai tòa đại sứ Hoa Kỳ và Anh quốc. Trong buổi nói chuyện với quốc dân trên đài truyền hình, thủ tướng Al Maliki đã định nghĩa ”ngày mùng 1 tháng Giêng là ngày quyền tối thượng của Irak, và nó sẽ được ghi nhớ như ngày lễ của quốc gia. Cách đây một năm việc rút các binh sĩ nước ngoài khỏi Irak đã chỉ là một giấc mơ. Nhưng giấc mơ đó hôm nay đã thành sự thật và là lý do vui mừng của toàn dân Irak”. Theo thỏa hiệp ký kết giữa Hoa Kỳ và Irak vào giữa năm 2009 này binh sĩ Hoa Kỳ sẽ rút lui khỏi các đường phố và các làng mạc.

Thống kê của chính quyền Irak cho biết trong năm 2008 vừa qua số nạn nhân của các cuộc khủng bố đã giảm 75%. Số người dân Irak bị chết vì các vụ đặt bom và tấn công trong năm 2008 là 5.714 người, gần phân nửa tại thủ đô, tức giảm hai phần ba so với 16.252 người chết của năm 2007. Nhưng có nhiều tổ chức cho rằng số người chết trong năm 2008 nhiều hơn khoảng 8 hay 9 ngàn.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của bà Erica Hunter, người Anh, chuyên viên nghiên cứu nền văn chương Aramei thuộc ”Trường nghiên cứu Đông Phương và Phi châu” tại Luân Đôn. Hiện bà cũng là giáo sư dậy môn lịch sử sự hiện diện của Kitô hữu tại tại Á châu, Phi châu và vùng Trung Đông từ đầu cho tới ngày nay. Giáo sư Erica hiểu biết tường tận tình trạng sống của các người Mandei, Zoroastriani và Yazidi. Trong thời gian qua giáo sư đã nghiên cứu tình tại Irak và Iran. Trong số nhiều sách đã xuất bản có cuốn ”Kitô giáo tại Irak: các viễn tượng và nhận thức”, ấn hành năm 2006.

Hỏi: Thưa giáo sư Erica, trong các năm qua làn sóng bách hại các Kitô hữu đã gia tăng mạnh mẽ tại Irak. Phải đọc hiểu các cuộc bách hại này như thế nào?

Đáp: Các cuộc bách hại các Kitô hữu Irak đã chỉ thực sự bắt đầu từ giữa năm 2006, khi xảy ra vụ thanh lọc chủng tộc trong khu phố Dora của thủ đô Baghdad, là khu phố có đông tín hữu Kitô sinh sống. Trước đó các linh mục Irak, mà tôi tiếp xúc, đã không tỏ ra đặc biệt lo lắng trong tương quan với Hồi giáo. Thật thế, các vị cho rằng các hoạt động của các giáo phái tin lành Mỹ nguy hiểm hơn Hồi giáo rất nhiều. Vì vậy thật khó mà xác định được các yếu tố đã gây ra khúc quanh này trong tình hình của Irak.

Có một số các khẩu hiệu viết trên tường như sau: ”Dora chỉ là khu vực dành riêng cho các người Kitô và Sunnít”. Điều này có nghĩa là các người Shiít bị loại trừ. Vào giữa năm 2006 bắt đầu xuất hiện các khẩu hiệu: ”Dora chỉ dành cho người Sunnít mà thôi”. Và như chúng ta đã biết, đa số các gia đình Kitô đã bị đuổi khỏi nhà cửa của họ trong khu phố này. Thật rất khó mà theo dõi hoạt động của các nhóm qúa khích chủ mưu cuộc thanh lọc chủng tộc và các vụ sát hại này. Các nhóm này giống như loài tắc kè, thay đổi mầu sắc và hình dạng liên tục, quy tụ rồi tan rồi lại quy tụ, ngoài mọi lược đồ có thể thấy trước. Chúng có thể thay đổi việc trực thuộc nhóm này nhóm kia, tùy theo các lợi lộc phù hợp với mục đích của chúng. Điển hình như nhóm ”Lữ đoàn cách mạng hồi giáo thập niên 1920” nổi tiếng chống Mỹ, nhưng cách đây vài năm lại kết hiệp với các lực lượng Mỹ nhằm chiếm một vị thế cao hơn tổ chức Al Qaeda. Sự thay đổi này không có nghĩa là xét lại các nguyện tắc căn bản, mà chỉ là một quyết định thực tiễn hữu ích cho việc biện minh cho quyền bính gia tăng và sự kiểm soát của họ mà thôi.

Hỏi: Thưa giáo sư, các lý do gây ra tình trạng này có từ khi chế độ của Saddam Hussein sụp đổ cho tới nay hay là đã có từ lâu trước?

Đáp: Các lý do gây ra tình trạng hiện nay phần lớn phát xuất từ bên ngoài Irak. Irak nằm giữa Iran và A rập Sauđi, và các lợi lộc của cả hai nước này hiện nay được diễn tả ra tại Irak. Chỉ cần nghĩ tới sự kiện cả hai nước nói trên đều yểm trợ tài chánh cho các nhóm nổi loạn. Sự tranh chấp tổng quát nhất là giữa người Sunnít và người Shiít với các nhóm theo họ. Nó cũng liên quan tới các tham vọng của người Kurde nữa. Riêng các tín hữu Kitô chỉ là thiểu số nên không có chỗ trong cuộc chiến đấu chia chác quyền bính này.

Hỏi: Giáo sư nghĩ gì về sự kiện thiểu số Kitô chỉ được có một ghế trên tổng số 440 ghế trong quốc hội Irak, trong khi do đề nghị của Liên Hiệp Quốc chính quyền hứa dành cho thiểu số Kitô 13 ghế?

Đáp: Sự kiện này là dấu hiệu cho thấy việc thiếu tôn trọng các quyền dân chủ của các nhóm thiểu số, nhưng nó cũng là bằng chứng cho thấy tiến trình hồi giáo hóa Irak gia tăng. Việc dành cho thiểu số Kitô một ghế duy nhất trong quốc hội không tương xứng với số các cộng đoàn Kitô. Xem ra nó theo lược đồ của Iran, theo đó tất cả các cộng đoàn tôn giáo thiểu số khác cũng chỉ được một ghế đại diện duy nhất trong quốc hội. Nó chỉ là để làm cảnh, chứ không cho các cộng đoàn Kitô có tiếng nói trong quốc hội.

Hỏi: Nhìn về lịch sử qúa khứ các cộng đoàn Kitô đã nắm giữ vai trò nào tại Irak dọc dài các thế kỷ thưa giáo sư? Và cách đại đa số dân nhìn các Kitô hữu có thay đổi hay không?

Đáp: Tôi chỉ có thể ghi nhận vai trò tuyệt vời mà tín hữu Kitô đã nắm giữ trong đất nước Irak dọc dài các thế kỷ. Các cộng đoàn Kitô đầu tiên đã hiện diện tại Irak từ thế kỷ thứ II, và chúng đại diện cho một thiểu số đáng kể và có ảnh hưởng trong thời đại Sassanide. Sự va chạm đầu tiên của Hồi giáo trong vùng Lưỡng Hà đã xảy ra với trung tâm Hira, mà các sử gia hồi giáo coi là trung tâm quan trọng nhất của Kitô giáo. Ảnh hưởng của trung tâm Kitô này quan trọng đối với việc đào tạo tư tưởng hồi giáo, đặc biệt trong các vùng pháo đài của hệ phái Shiít là Najaf và Kerbala, cũng như Kufa, là trung tâm đã phát triển một cách trực tiếp từ trung tâm Kitô Hira. Vào thế kỷ thứ VIII việc truyền bá triết lý hy lạp cho nền văn hóa hồi đã được thực hiện với phần đóng góp của các dịch giả Kitô. Cả trong thời đại Mông Cổ các Kitô hữu cũng đã nắm giữ một vai trò rất nổi tiếng. Một cách mâu thuẫn có vài bà vợ của các Khan lãnh chúa Mông Cổ là tín hữu của Giáo Hội Kitô Đông Phương, là Giáo Hội đã truyền giáo trong vùng Trung Á và bên Trung Hoa từ thế kỷ thứ VII. Gần đây hơn trong thế kỷ XX các Kitô hữu đã góp phần vào việc phát triển đất nước Irak, như là một quốc gia tân tiến, đặc biệt trong lãnh vực y khoa, và các tín hữu Kitô tiếp tục truyền thống cao qúy đã có trong lãnh vực này từ thế kỷ thứ VIII.

Các vụ thanh lọc và sát hại Kitô hữu hiện nay là do các nhóm hồi nổi loạn chủ mưu. Họ là các thành phần theo khuynh hướng vô chính phủ, một phần bao gồm người Irak, nhưng cũng có cả người ngoại quốc nữa. Tôi không tin là các công dân Irak bình thường đã thay đổi cái nhìn của họ đối với các tín hữu Kitô. Dĩ nhiên người ta có thể tránh né các Kitô hữu để khỏi bị liên lụy, vì họ đã trở thành mục tiêu tấn công và sát hại của các nhóm hồi nổi loạn.

Cũng có cả lý do kinh tế nữa: các Kitô hữu được coi như những người có cuộc sống dễ thở, vì có thân nhân bên Tây Phương và có nguồn lợi tiếp tế tốt. Kỹ nghệ bắt cóc người để đòi tiền chuộc không phải chỉ có các lý do chính trị, nhưng cũng có các lý do kinh tế: đó là kỹ nghệ làm tiền.

Hỏi: Giáo sư có thấy các giải pháp nào giúp ngăn chặn việc bách hại các Kitô hữu Irak khiến cho họ rời bỏ quê hương để trốn chạy đi nơi khác hay không?

Đáp: Trả lời cho câu hỏi này là điều rất phức tạp. Cho tới khi nào chưa đưa được các mhóm nổi loạn này vào khuôn phép vâng lời - và đây là điều rất khó làm, vì chúng được tài trợ từ nước ngoài - thì bạo lực sẽ tiếp diễn tại Irak. Một trong các yếu tố quan trọng là phải làm sao để cho nền kinh tế Irak tái hoạt động. Các nhóm nổi loạn cống hiến cho người trẻ công việc làm, nếu không giới trẻ không có viễn tượng tương lai nào. Thật ra cũng có những người ôm ấp lý tưởng cao, nhưng tôi tin chắc là nếu có cơ may tìm ra công ăn việc làm ổn định, thì các người trẻ này sẽ bỏ ngay những gì mà các nhóm nổi loạn đang cống hiến cho họ.

Điểm thứ hai cần ghi nhận: đó là phải chấm dứt các trò chơi tranh giành quyền bính giữa hệ phái Sunnít và hệ phái Shiít, giữa người A rập và người Kurde. Vì nếu không thì các Kitô hữu thiểu số sẽ không bao giờ có được vai trò nào cả và hoàn toàn bất lực. Hiện nay số người Mandei được khoảng 2.000 người, so với 50.000 hồi năm 2003. Các Kitô hữu là nhóm thiểu số đông nhất tại Irak, nhưng vẫn không thể tranh đua trong việc chia sẻ quyền bính một cách tương xứng. Hoặc là họ bị lèo lái bởi các giới chức chính trị, như đang xảy ra với các Kitô hữu người Kurde. Hoặc là họ bị coi như là một vết nhơ cần phải tẩy xóa qua tiến trình hồi giáo hóa, là chương trình của nhiều nhóm hồi nổi loạn tại Irak hiện nay.

(Avvenire 30-12-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.