2009-01-12 11:41:57

Giáo Hội Italia và cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế hiện nay


Phỏng vấn Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia, về vai trò của Giáo Hội trong tình hình khủng hoảng tài chánh kinh tế hiện nay

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật lễ Thánh Gia ngày 28-12-2009 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã bầy tỏ lo âu đối với các hình thức làm việc bấp bênh, và kêu gọi các giới chức hữu trách nỗ lực tạo ra các điều kiện làm việc xứng đáng với phẩm giá con người. Đức Thánh Cha nói: trong ngày lễ kính Thánh Gia Giáo Hội cầu nguyện cho sự ổn định của gia đình, và có công ăn việc làm xứng đáng là một yếu tố quan trọng của sự ổn định ấy.

Như đã biết, từ nhiều tháng qua cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh trên thế giới đã khiến cho điều kiện sống của hàng trăm triệu gia đình lâm vào cảnh khó khăn, và nó có nguy cơ khiến cho hàng triệu người bị mất công ăn việc làm.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Tổng Giám Mục Genova, kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia, về vai trò của Giáo Hội trong tình hình khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Giáo Hội Italia có lo âu trước số gia đình gặp khó khăn gia tăng trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay hay không?

Đáp: Có chứ, làm sao mà không lo âu trước cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này được? Giáo Hội rất âu lo đối với số gia đình gặp khó khăn về tài chánh gia tăng, và đối với số người đang mất công ăn việc làm cũng như đối với các người vốn đã từng phải sống trong cảnh tài chánh bấp bênh. Thế rồi Giáo Hội cũng quan ngại cho biết bao nhiêu người già cả càng ngày càng gặp khó khăn và không có các điều kiện sống xứng đáng với phẩm giá con người. Chúng tôi cũng sống và chia sẻ tình hình hiện nay với người dân, và Giáo Hội cũng sẽ gia tăng các sáng kiến riêng để chống lại cuộc khủng hoảng này, trước hết bằng cách trợ giúp các người cần được trợ giúp nhất.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, trong diễn văn khai mạc phiên họp khoáng đại của Hội Đồng Giám Mục Italia hồi năm 2007 Đức Hồng Y đã đề cập tới số gia đình gặp khó khăn gia tăng. Các dữ kiện do các giáo xứ cung cấp hiện nay có cho thấy tình hình trở thành tồi tệ hơn hay không?

Đáp: Tình hình đã trở nên tồi tệ hơn rất nhiều trong các tháng qua. Khoảng cách giữa người giầu và người nghèo gia tăng, đặc biệt giới trung lưu trở thành nghèo hơn. Qua các trung tâm bác ái, các cơ cấu của tổ chức Caritas và hội thánh Vinh Sơn, các giáo xứ đã phải gia tăng số lượng trợ giúp thực phẩm cũng như trợ giúp tài chánh cho nhiều gia đình để họ trang trải các chi phí, kể cả tiền thuê nhà. Tình trạng này là dấu chỉ cho thấy cảnh nghèo túng ngày càng gia tăng. Dĩ nhiên trước khi có cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh nói trên, hệ thống liên đới trợ giúp của các giáo xứ đã liên tục hoạt động từ nhiều thập niên qua, nhưng nay hoạt động một cách mạnh mẽ hơn.

Hỏi: Như thế có thể nói là Giáo Hội đã dấn thân trong lãnh vực này từ lâu, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vâng, đúng thế, đây đã là truyền thống và sứ mệnh ngàn đời của Giáo Hội. Nhưng vẫn cần phải gia tăng các can thiệp trợ giúp và huy động tối đa các khả năng và tài nguyên mà chúng tôi có, cả việc trích từ qũy tám phần ngàn của Giáo Hội nữa. Đàng khác Giáo Hội hiểu biết rất rõ các vấn đề và nhu cầu thiết thực của dân chúng, vì Giáo Hội hiện diện giữa người dân qua các cha xứ, các tu sĩ nam nữ và nhân viên mục vụ. Đây không phải chỉ là một sự hiểu biết trừu tượng lý thuyết, mà là sự hiểu biết hiện sinh, cụ thể, vì Giáo Hội được mời gọi sống và chia sẻ các hoàn cảnh sống và các nhu cầu thường ngày của dân chúng.

Hỏi: Vào ngày lễ Giáng Sinh vừa qua Đức Hồng Y Tettamanzi, Tổng Giám Mục Milano, đã tuyên bố thành lập ngân qũy liên đới trong giáo phận. Giáo phận Prato và các giáo phận khác cũng có các dự án tương tự. Đức Hồng Y đã tiếp nhận các sáng kiến này như thế nào?

Đáp: Tôi rất hài lòng đối với các sáng kiến này. Mọi hình thức diễn tả sự liên đới nhằm thoa dịu khổ đau và giảm bớt các điều kiện sống nghèo túng của người dân đều diễn tả truyền thống và sứ mệnh bác ái ngàn đời của Giáo Hội. Tuy nhiên tôi muốn nêu bật một sự kiện khác nữa: đó là tất cả các giáo phận Italia đều đã có các hoạt động liên đới trợ giúp các gia đình. Tôi xin đơn cử hai thí dụ. Tại tổng giáo phận Genova này chúng tôi có ”Trung tâm chống cho vay ăn lời cắt cổ”, giúp cho các người cần vay tiền không bị rơi vào mạng lưới của các cá nhân hay tổ chức cho vay ăn lời cắt cổ; và ”Trung tâm trợ giúp cấp thời cho gia đình gặp khó khăn”, cả bằng cách giúp các gia đình ấy giải quyết các lý do gây ra tình trạng của họ như mất công ăn việc làm, bệnh tật, ly thân vv...

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, ông Brunetta, Bộ trưởng Bộ Xã Hội Italia, cho rằng Giáo Hội phải làm nhiều hơn nữa ngoài biết bao nhiêu hoạt động xã hội rất có công, nhiều khi vì hình ảnh của mình Giáo Hội cũng có các sinh hoạt không phù hợp với các nhiệm vụ xã hội. Đức Hồng Y nghĩ sao?

Đáp: Tôi thật sự không hiểu ông bộ trưởng muốn ám chỉ cái gì, khi đề cập tới các hình ảnh. Từ 2000 năm nay Giáo Hội đã can thiệp trợ giúp người nghèo và những anh chị em yếu đuối nhất, hay còn đúng hơn nữa Giáo Hội đã sống bên cạnh họ. Và đây là điều Giáo Hội đã làm dọc dài các thế kỷ, vì sứ mệnh của Giáo Hội là rao giảng Tin Mừng và thăng tiến tình bác ái liên đới, như Chúa Giêsu đã dậy.
 
Hỏi: Trong số các bác bẻ của ông bộ trưởng, có bác bẻ cho rằng Giáo Hội chỉ hạn chế trong việc xử dụng các ngân khoản đến từ Nhà Nước, qua ngân qũy tám phần ngàn. Xem ra đây là một bóp méo tính chất phụ đới của dụng cụ này, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Chắc chắn đây không phải chỉ là việc sử dụng qũy tám phần ngàn, như là một việc luân chuyển thụ động. Một phần lớn ngân khoản tám phần ngàn được dùng để tài trợ cho các chương trình bác ái tại Italia và tại các quốc gia đang trên đường phát triển, như mọi người đều biết qua các thông báo Giáo Hội thường xuyên đăng tải. Nhưng bên cạnh các ngân khoản do qũy tám phần ngàn - mà chúng tôi rất biết ơn các tín hữu đã đóng góp - cũng có một ngân khoản khá lớn mà Giáo Hội có được nhờ các cuộc quyên góp trong các giáo xứ, hay sự đóng góp của các tổ chức và hiệp hội công giáo cũng như của biết bao nhiêu tín hữu tin tưởng nơi sự trong sáng và hữu hiệu trong các việc làm của Giáo Hội.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, ở đây tưởng cũng nên minh giải các nhiệm vụ khác nhau: một bên là của lãnh vực chính trị xã hội, bên kia là của Giáo Hội.

Đáp: Nhiệm vụ của các tổ chức chính trị xã hội là thăng tiến công lý. Nghĩa là tìm bảo đảm cho tất cả mọi người có được các quyền căn bản như nhau như: quyền sống, quyền có công ăn việc làm, có nhà ở, có phương tiện xứng đáng để trợ giúp gia đình. Trái lại sứ mệnh đầu tiên của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô và đào tạo lương tâm con người. Tuy nhiên nhiệm vụ của Giáo Hội sẽ không trọn vẹn nếu không thêm việc loan báo chiều kích bác ái và sự gần gũi, nghĩa là việc thăng tiến nhân bản cho con người. Do đó thường khi Giáo Hội đảm trách nhiệm vụ bổ túc cho Nhà Nước trong các công tác cứu trợ. Nhưng Giáo Hội không được và không muốn thay thế Nhà Nước. Giáo Hội chỉ cống hiến sự cộng tác với Nhà Nước để lo lắng cho con người. Nhưng không phải vì thế mà Giáo Hội không được mời gọi chu toàn sứ mệnh ngôn sứ của mình và hoạt động cho việc nâng cao nền văn hóa của người dân, theo một nền nhân chủng học đâm rễ sâu trong trong Tin Mừng, và ngoài ra nó còn là nền tảng của nền văn minh âu châu nữa.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 28-12-2008 Đức Thánh Cha đã đề cập đến tình hình công ăn việc làm bấp bênh của nhiều công nhân và đã kêu gọi các giới hữu trách tạo ra các điều kiện làm việc xứng đáng với phẩm giá con người. Vấn đề có được duyệt xét nghiêm chỉnh hay không hay cần phải có nhiều dự án và dấn thân hơn?

Đáp: Giáo Hội không có các công thức kỹ thuật cho các vấn đề này, nhưng Đức Thánh Cha đã minh nhiên một nguyên tắc: đó là phẩm giá con người phải là trung tâm và là điểm quy chiếu mọi sinh hoạt và nỗ lực. Thế rồi trong thời hiện đại Giáo Hội đã cố gắng hoạt động để giải quyết nạn nghèo đói từ gốc rễ, bằng cách chỉ cho thấy các tiêu chuẩn can thiệp cũng như thôi thúc tất cả mọi người cộng tác. Đôi khi chính Giáo Hội đứng ra giúp tạo công việc làm cho dân nghèo. Tôi nghĩ tới việc thăng tiến các hợp tác xã và các chương trình kinh doanh nhỏ. Điển hình như dự án Policoro của Giáo Hội Italia, cũng như rất nhiều các sáng kiến khác của các tổ chức và hiệp hội công giáo. Tuy chúng bé nhỏ và có giới hạn, nhưng chúng đáp ứng các nhu cầu cụ thể, cống hiến công ăn việc làm và sự phong phú cho toàn nước.

Hỏi: Cuối năm vừa qua cũng được ghi dấu bởi một biến cố biểu tượng khác nữa: đó là vụ tòa án cho phép rút các ống cung cấp thực phẩm và nước uống cho cô Eluana Englaro, sống trong tình trạng thực vật từ hơn 16 năm qua. Ngoài việc không thể chấp nhận quyết định từ chối nhiệm vụ luân lý đáp ứng các nhu cầu nền tảng nhất là cung cấp thực phẩm và nước uống cho người bệnh, Đức Hồng Y còn có lý do phản bác nào khác nữa không?

Đáp: Tôi chỉ xin nêu bật tình yêu thương mà các nữ tu đã có đối với cô Eluana trong việc săn sóc cô từ hơn 16 năm qua. Các chị đã yêu cầu để Eluana lại trong nhà thương để các chị tiếp tục săn sóc. Đây là cung cách hành xử mà một xã hội văn minh phải có. Đây không phải là chuyện cố gắng bám víu bằng mọi cách vào các phương thế trị liệu hay các săn sóc y khoa đặc biệt, mà là tiếp đón một người cần được nuôi nấng săn sóc với lòng yêu thương trìu mến.
 
(Avvenire 30-12-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.