2008-12-26 13:46:32

Thảm cảnh của người di cư tị nạn Georgia


Phỏng vấn Đức Cha Giuseppe Pasotto, Giám Quản Tông Tòa Công Giáo Latinh vùng Caucase, về thảm cảnh của người di dân Georgia

Trong các tuần Mùa Vọng vừa qua Caritas giáo phận Parma đã cùng với nhiều hiệp hội và tổ chức bác ái xã hội dân sự thành phố phát động chiến dịch quyên góp đễ trợ giúp người tị nạn Georgia. Chiến dịch này được giáo phận Parma phối hợp với Caritas Georgia, có sự tham dự của Ủy ban trợ giúp Georgia của thành phố, Ngân qũy Cariparma và Monte di Parma, Liên hiệp các kỹ nghệ gia, nhật báo Gazzetta Parma, và cả đội bóng đá của thành phố này nữa.

Như đã biết hồi tháng 4 năm nay, 2008, các tương quan giữa Nga và Georgia đã trở nên tồi tệ. Vào tháng 7 đã xảy ra nhiều vụ chạm súng, bắt cóc và đột kích trong vùng biên giới giữa Cộng hòa Georgia và miền Nam Ossezia, là vùng đang đòi độc lập và muốn sát nhập vào miền Bắc Ossezia thuộc Liên Bang Nga. Ngày 31-7-2008 binh sĩ miền Nam Ossezia đã tấn công một xe quân đội Georgia khiến cho tình hình trong vùng căng thẳng. Ngày mùng 7-8-2008 quân đội của chính quyền Tbilisi tấn công Tskhinvali, thủ đô Nam Ossezia. Nga trả đũa bằng cách ra lệnh cho hàng trăm xe tăng và mấy ngàn binh sĩ tràn vào Georgia theo hai hướng từ miền bắc Ossezia, là vùng nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền Matscơva và đa số dân chúng có quốc tịch Nga; và qua ngã Abkhazia, là vùng đòi tách rời khỏi Georgia. Chỉ sau 5 này giao tranh quân Nga đã giải phóng thủ đô Tskhinvali, các xe tăng và binh sĩ Nga đã tiến tới gần thành phố Gori, chỉ còn cách thủ đô Tbilisi ít cây số.

Theo số liệu của tổ chức ân Xá Quốc Tế, các cuộc giao tranh đã khiến cho 159 binh sĩ Nga và Nam Ossezia tử trận và 475 binh sĩ bị thương. Hiện nay họ vẫn đang được điều trị trong hai nhà thương Tskhinvali và Vladikavkaz. Về phía Georgia đã có 405 người chết, trong đó có 220 thường dân, 169 binh sĩ và 16 cảnh sát viên. Số người bị thương là 2.234 người trong đó có 1.965 binh sĩ và 170 thường dân.

Không ai biết rõ số người tị nạn chiến tranh là bao nhiêu, vì có nhiều người đã tìm cách trở về làng mạc hay quận lị của họ. Và có nhiều vùng các nhà báo và phóng viên truyền hình bị cấm không được bén mảng tới. Nhưng theo ông Gabashvili, đại sứ Georgia cạnh chính phủ Italia, tại Abkhazia có khoảng 300.000 người tị nạn, trong khi tại Ossezia có khoảng 25.000.

Ngày 12-8-2008 Liên Bang Nga và Georgia đã quyết định ngưng chiến và chấp nhận chương trình hòa bình do tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Chủ tịch theo lượt của Liên Hiệp Âu châu đề nghị. Tổng thống Sarkozy và ngoại trưởng Bernard Krouchner đã lần lượt hội kiến với tổng thống Dimitrij Medvedev và với tổng thống Mikhail Saakashvili để trình bầy chương trình hòa bình này. Chương trình gồm 6 điểm: thứ nhất không dùng sức mạnh; thứ hai chấm dứt tức khắc mọi thù nghịch; thứ ba để cho các tổ chức bác ái nhân đạo tự do cứu trợ các nạn nhân và người tị nạn; thứ bốn binh sĩ Georgia rút lui về các vị trị cũ, tức các trại binh; thứ năm rút quân đội nga về các vị trí trước khi xảy ra xung khắc. Để thành lập các cơ cấu quốc tế, các lực lượng xen kẽ nga đưa ra các biện pháp an ninh bổ túc; thứ sáu cộng đồng quốc tế bắt đầu thảo luận về quy chế của miền Nam Ossezia và Abkhazia cũng như các phương tiện giúp bảo đảm sự ổn định và an ninh cho toàn vùng này.

Thật ra các tranh chấp trong vùng này đã xảy ra hồi thập niên 1990, khi vùng nam Ossezia muốn tách rời khỏi Georgia, nổi lên đòi độc lập và hiệp nhất với vùng Bắc Ossezia thuộc Liên Bang Nga. Các xung đột đã khiến cho chính quyền Matscơva gửi quân sang trấn đóng tại miền Nam Ossezia. Hồi năm 2006 tổng thống Georgia đề nghị dành nhiều quyền tự tri hơn cho vùng Nam Ossezia, nhưng tổng thổng Ossezia nhất quyết đòi độc lập. Thế là chiến cuộc bùng nổ.

Tuy nhiên quân đội Nga vẫn đóng tại miền Nam Ossezia và Abkhazia, là vùng tự tách rời khỏi Georgia, cũng như tại Gori. Ngày 26-8-2008 chính quyền Matscơva chính thức thừa nhận quyền tối thượng của miền Nam Ossezia và Abkhazia. Ngày mùng 8 tháng 9 Nga chấp nhận rút quận khỏi lãnh thổ Georgia trước ngày mùng 10 tháng 10. Và Liên Hiệp Quốc gửi 200 quan sát viên quốc tế tới Georgia để giám sát tình hình tại đây.

Vùng tranh chấp Abkhazia có diện tích 8.600 cây số vuông và 340.000 dân, trong đó có 45% là người Georgia, 37% là người Nga, và 18% là người Abkhazi. Vùng này tự tuyên bố độc lập hồi năm 1992. Tuy không được quốc tế thừa nhận như là một quốc gia có chủ quyền, nhưng trên thực tế nó đã trở thành một cộng hòa độc lập được Liên Bang Nga ủng hộ. Vùng tranh chấp Nam Ossezia rộng 3.900 cây số vuông, có 95.000 dân người Osseti, là một nhóm chủng tộc phát xuất từ các vùng đồng bằng ở mạn nam sông Don bên Nga. Họ đến sinh sống tại Nam Ossezia hồi thế kỷ XIII, khi chạy trốn các đạo quân Mông Cổ xâm lăng.

Chiến tranh Georgia đã khiến cho các tương quan quốc tế căng thẳng, vì Liên Bang Nga ủng hộ Abkhazia và Nam Ossezia, trong khi Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu châu ủng hộ Georgia. Lý do là vì Georgia là vùng có các ống dẫn dầu và khí đốt chạy ngang qua để cung cấp nhiên liệu cho các nước Liên Hiệp Âu châu. Vì thế chiến tranh Georgia không chỉ là chiến tranh chính trị và quân sự, nhưng cũng là chiến tranh kinh tế và thương mại nữa.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Giuseppe Pasotto, Giám Quản Tông Tòa Công Giáo Latinh vùng Caucase, về thảm cảnh của người di dân Georgia. Đức Cha Pasotto sống trong thủ đô Tbilisi của Georgia. Giáo đoàn công giáo la tinh chỉ gồm 50 ngàn tín hữu sống trong 25 giáo xứ giữa đa số dân theo Chính Thống giáo. Chỉ có vài dòng tu, trong đó có dòng các cha Camilliani và các nữ tu Thừa Sai bác ái.

Hỏi: Thưa Đức Cha Pasotto, mặc dù chỉ là thiểu số Giáo Hội Công Giáo Latinh Georgia đi tiên phong trong công tác trợ giúp các người tị nạn, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, như là tín hữu công giáo, chúng tôi chia sẻ các nỗi vui buồn và các khổ đau của dân chúng tại những nơi họ sinh sống, mà không chú ý tới sự kiện họ là thiểu số hay đa số. Đây là cái luận lý của sự nhập thể và nhập thế của Chúa Kitô. Tại Georgia chỉ có hai cộng đoàn công giáo là cộng đoàn Gori và cộng đoàn Akalkisa. Hai cộng đoàn này phải gánh chịu các hậu qủa nặng nề của chiến tranh, với một số người trẻ bị chết, nhà cửa bị cháy và dân chúng phải chạy trốn sang nơi khác. Tôi cũng phải nói là các người trẻ của hai cộng đoàn này tị nạn tại Tbilisi rất có tinh thần vì họ đã lập tức gia nhập các nhóm tình nguyện để trợ giúp các người tị nạn khác.

Hỏi: Tình hình hiện nay tại thủ đô Tbilisi và các nơi khác trong nước Georgia ra sao thưa Đức Cha?

Đáp: Tại thủ đô mọi sự đã bình thường trở lại: nếu có ai viếng thăm một vài nơi đặc biệt đã xảy ra chiến tranh, sẽ không nhận ra dấu vết của các cuộc giao tranh nữa, vì trong đa số các trường hợp các nhà cửa đã được sửa sang lại như cũ. Gần thành phố Gori chính quyền đã mau chóng xây lại hàng loạt nhà giống nhau cho những người không thể trở về sống tại miền nam Ossezia, vì các làng mạc của họ hầu như đã bị tàn phá hết. Nhưng các xây cất này xem ra giống như là các trại tù cải tạo nhỏ, khộng có các cơ cấu xã hội và các tổ chức phục vụ người dân. Có hai nhân viên thiện nguyện thuộc cộng đoàn Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã tới thăm miền nam Ossezia và cho tôi biết hầu hết các gia cư vùng này đều đã bị đốt cháy và hiện nay không thể nào ở được. Họ đã chỉ tìm thấy một vài cụ già. Dân chúng tị nạn rất là nghèo: họ không có công ăn việc làm, cũng không có thực phẩm, và tương lai của họ thật là đáng lo ngại.

Hỏi: Chiến tranh Georgia đã để lại các hậu qủa nào thưa Đức Cha?

Đáp: Một linh mục đã kể cho tôi nghe cách đây mấy hôm cha ấy đem Mình Thánh Chúa đến cho mấy cụ già. Cha chỉ nghe họ nói chuyện với nhau về chiến tranh. Người dân không chỉ sống bằng cơm bánh, họ cũng không chỉ cần có củi để sưởi trong mùa đông lạnh, nhưng cũng có các vết thương tâm lý cần được săn sóc và chữa trị nữa.

Hỏi: Các tương quan giữa Matscơva và Tbilisi có gặp nguy hiểm nào không? Đức Cha thấy tương lai như thế nào?

Đáp: Tâm tình bài Nga tại Cộng Hòa Georgia là một yếu tố lịch sử thường hằng. Nó đã có từ thời Liên Bang Xô Viết. Và ngược lại từ phía dân Nga tâm tình bài Georgia cũng sâu đậm như thế. Cách đây mấy hôm có một linh mục Georgia đã viếng thăm San Pietroburgo. Khi ra khỏi Nga để trở về Georgia, các nhân viên quan thuế kiểm soát thông hành. Và khi thấy cha là người Georgia, họ liền tịch thu hết hành lý của cha, kể cả những cái nhỏ nhặt nhất. Nhưng mà tôi nghĩ rằng hai nước Nga và Georgia phải tìm ra một điểm quân bình và chung sống an hòa với nhau.

(Avvenire 7-12-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.