2008-12-09 15:48:12

Mưu toan loại trừ Kitô hữu khỏi Irak


Một số nhận định của ông Joseph Yacoub, giáo sư khoa học chính trị đại học công giáo Lyon, về mưu toan loại trừ Kitô hữu khỏi Irak

Sau 18 tháng thảo luận dưới áp lực của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ngày 27-11-2008 Liên Hiệp Âu châu đã loan báo sẽ tiếp nhận 10.000 người tị nạn Irak, đa số đang sống trong các trại tị nạn bên Siria và Giordania, trong đó có một số tín hữu Kitô. Những người tị nạn này không có hy vọng trở về quê hương. Chính phủ Đức tuyên bố sẽ nhận 2.500 người tị nạn Irak, ưu tiên cho những người cần được chữa trị bệnh tật, các nạn nhân bị tra tấn và lạm dụng, các bà mẹ độc thân phải nuôi con và những người thuộc các tôn giáo thiểu số.

Đức Cha Louis Sako, Tổng Giám Mục Kirkuk thuộc Giáo Hội Công Giáo Canđê không đánh giá tiêu cực quyết định của Liên Hiệp Âu châu tiếp nhận người tị nạn Irak, nhưng ngài chống lại các biện pháp khuyến khích dân Irak, nhất là các tín hữu Kitô, ồ ạt bỏ nước ra đi.

Tuyên bố với hãng tin Asianews hôm mùng 1-12-2008 Đức Tổng Giám Mục nhận định rằng quyết định như thế cũng giống như khuyến khích các tín hữu Kitô chạy trốn khỏi Irak. Nay mười ngàn, mai mười ngàn, như thế tại Irak sẽ không còn sự hiện diện của các tín hữu Kitô nữa. Và đây là điều có hại cho toàn thể đất nước này.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng đón tiếp người tị nạn là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là loại trừ các nguyên nhân làm cho dân chúng phải tản cư lánh nạn, đồng thời giúp người dân Irak sống an bình và hòa hợp tại quê hương của họ. Đức Cha Sako cũng phê bình các cộng đồng Kitô không có một đường lối chung để đương đầu với tình hình, vì các Kitô hữu chia rẽ trong nội bộ, một số muốn ở lại một số muốn rời khỏi Irak. Ngài cũng phê bình sự thiếu vắng các nhà lãnh đạo chính trị vững mạnh, biết hướng dẫn mọi người về một dự án cụ thể, vững chắc, có sức thuyết phục người dân ở lại, dù có phải chịu đau khổ và khó khăn.

Hôm mùng 1-12-2008 bạo lực vẫn tiếp diễn với hai vụ nổ bom: một tại Baghdad khiến cho 15 người chết, một tại Mossul khiến cho 45 người bị thiệt mạng. Riêng tại Mossul các vụ khủng bố bách hại và kỳ thị đã khiến cho hơn 15.000 tín hữu Kitô trên tổng số hơn 20.000 người rời bỏ thành phố này. Nếu tình hình bạo lực chống lại các Kitô hữu không thuyên giảm, cộng đoàn Kitô Mossul có nguy cơ biến mất.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Jospeh Yacoub, giáo sư khoa học chính trị tại đại học công giáo Lyon bên Pháp, chuyên viên nghiên cứu tình hình Trung Đông, về mưu toan loại trừ Kitô hữu khỏi Irak. Giáo sư Yacoub mạnh mẽ tố cáo đường lối chính trị của chính quyền Irak kỳ thị các nhóm thiểu số, đặc biệt là các tín hữu Kitô, và bất lực không bảo đảm hiệp nhất và an ninh cho một đất nước bị chia rẽ và ích kỷ.

Hỏi: Thưa giáo sư Yacoub, giáo sư có nhận định gì về việc rút quân đội Hoa Kỳ khỏi Irak nội trong năm 2011, đã được chính quyền Irak ký và được quốc hội chấp nhận?

Đáp: Đây chỉ là một thay đổi mặt ngoài. Trong ba năm nữa quân đội Hoa Kỳ sẽ vẫn còn ở trên đất Irak, và như thế đất nước Irak trên thực tế vẫn ở trong tình trạng bị xâm chiếm. Tình trạng này đã kéo dài từ 5 năm qua, và đã không đem lại các thay đổi chính yếu nào liên quan tới vấn đề an ninh. Giờ đây cần phải xem sau khi chính thức nhận chức, chính quyền của tổng thống tân cử Barak Obama xoay sở như thế nào đã. Ngoài ra còn có một khoản đặc biệt trong hiệp định liên quan tới giả thuyết của một cuộc rút quân trước thời hạn định hay sau thời hạn định.

Hỏi: Thưa giáo sư, trong những ngày vừa qua chính quyền Irak tuyên bố là Irak đã tìm lại được quyền quốc gia tối thượng của mình, có thật vậy không?

Đáp: Theo tôi thì đây chỉ là một việc hợp thức hóa hình thức mà thôi, trong thực tế ít có thay đổi. Chẳng hạn chính quyền đã đưa vào hiệp định khoản Hoa Kỳ có thể can thiệp trong trường hợp các cơ cấu dân chủ của Irak bị đe dọa. Nhưng ngày nay có thể khẳng định rằng Irak thực sự dân chủ hay không? Sự hiện diện và vai trò của Hoa Kỳ trong thực chất không thay đổi gì cả.

Hỏi: Thế mà tại sao người ta lại nói rằng đã có sự đồng ý rộng rãi trong cuộc bỏ phiếu của quốc hội Irak, thưa giáo sư?

Đáp: Quốc hội đã bị áp lực để bỏ phiếu chấp thuận chương trình rút quân của Hoa Kỳ, và lần bỏ phiếu cuối cùng chứng minh cho thấy điều đó. Người ta đã tìm cách chiếm được đại đa số để hợp thức hóa văn bản hiệp định, nhưng sự kiện 86 trên tổng số 275 dân biểu vắng mặt, và 35 người bỏ phiếu chống, chứng minh cho thấy trên thực tế đó là một đa số tương đối.
 
Hỏi: Giáo sư nghĩ gì về luật bầu cử chỉ dành cho các nhóm thiểu số 6 ghế trong quốc hội?

Đáp: Điều đã xảy ra đối với các nhóm thiểu số là một thái độ kỳ thị đáng bị chỉ trích. Đã có các cuộc biểu tình phản đối, nhưng luật này đã được chấp nhận rồi. Hiển nhiên đây là đường lối chính trị gạt bỏ cộng đoàn Kitô ra ngoài lề xã hội Irak. Và trong trường hợp của tỉnh Mossul, thì nó đã trở thành một cuộc bách hại. Xem ra có một chính sách được lựa chọn, nhằm mục đích loại trừ các Kitô hữu Irak trên bình diện chính trị.

Hỏi: Như thế, ai là người tìm lợi lộc đàng sau chính sách kỳ thị này thưa giáo sư?

Đáp: Lỗi là nơi người cai trị Irak. Trên lý thuyết các nhóm thiểu số được Hiến Pháp thừa nhận và bảo vệ, nhưng đây cũng chỉ là trình diễn bề ngoài, vì thực tế chứng minh cho thấy ngược lại.

Hỏi: Thưa giáo sư, các Kitô hữu còn ở lại Irak xem ra bị đẩy tới hai ngã phải lựa chọn: hoặc là đi ra nước ngoài, hoặc là chạy trốn về đồng bằng Ninive. Không có con đường thứ ba hay sao?

Đáp: Đây là vấn đề. Cần phải lý luận trong các phạm trù đầy đủ và nhìn đất nước Irak trong sự toàn vẹn của nó. Hiển nhiên là có sự chia rẽ nội bộ. Vì thế trước hết phải đưa ra một cái nhìn toàn diện, rồi sau đó mới duyệt xét tình trạng sống và tính cách đại diện của các tín hữu Kitô. Đất nước Irak phải hiệp nhất và đặt các nền móng riêng cho mình, nhưng không dựa trên các tiêu chuẩn tín ngưỡng, tôn giáo, bộ lạc chỉ dẫn đưa tới các chia rẽ. Phải ra khỏi cái luận lý đó, vì nó chỉ khiến cho đất nước đổ vỡ thêm mà thôi.

Hỏi: Người ta đã nghĩ tới một quốc gia liên bang, có phải thế không thưa giáo sư?

Đáp: Đề cập tới một quốc gia liên bang cũng là điều có thể, nhưng theo tôi trước hết phải khởi hành từ chỗ thừa nhận nguyên tắc hiệp nhất bên trong các khác biệt. Hiến Pháp như đã được soạn thảo, đưa tới khuynh hướng tách rời. Do đó trước hết cần phải ký kết một thỏa hiệp luân lý giữa các nhóm khác nhau, vì nếu thiếu sự hiệp nhất, thì quốc gia sẽ sụp đổ.

Hỏi: Nhưng mà người dân Irak có ý chí hiệp nhất không?

Đáp: Đây là vấn đề. Chúng ta hãy trở lại với các Kitô hữu: sự kiện thành lập một vùng đóng kín trong thung lũng Ninive sẽ chỉ đưa tới các phức tạp, các thay đổi tiêu cực bên trong cộng đoàn Kitô và trong nước Irak mà thôi. Trong trường hợp tốt nhất thì nó sẽ trở thành vùng gối đệm giữa người Arập và người Kurdes, và sẽ có thể bị lèo lái lợi dụng. Đây không thể là một giải pháp cho một cộng đoàn đã từng sống hàng ngàn năm nay trong đất nước Irak này, là chứng tá cụ thể của khuynh hướng đa nguyên, đa văn hóa và là sự phong phú của đất nước Irak. Các Kitô hữu là công dân Irak với tất cả các hiệu qủa của nó. Sứ mệnh của Giáo Hội là sứ mệnh của một cây cầu nối liền các nền văn hóa khác nhau, và điều kiện là điều kiện của một đất nước Irak dựa trên các tiêu chuẩn công dân. Không phải một đất nước chia rẽ, có nguy cơ co cụm trong chính mình và tự cô lập khỏi cộng đoàn thế giới. Chính quyền được nâng đỡ bởi cộng đoàn quốc tế phải bảo đảm cho thực tại này.

Hỏi: Giáo sư nghĩ gì về quyết định của Liên Hiệp Âu châu tiếp nhận 10.000 người tị nạn Irak?

Đáp: Cả ở đây nữa, cần phải bảo đảm an ninh và cho họ, và cho phép họ trở về quê quán. Đặc biệt đối với tín hữu Kitô, yếu tố tâm lý rất là quan trọng. Họ phải biết rằng họ không lẻ loi và cô đơn. Nếu họ biết họ được che chở, thì họ sẽ không mất tin tưởng và không cảm thấy mồ côi. Tôi còn nhớ điều mẹ chúng tôi đã nói với chúng tôi cách đây 50 năm khi chúng tôi còn bé: có ai đó nghĩ tới chúng tôi, và mẹ tôi muốn nói tới Đức Giáo Hoàng. Chúng tôi không mồ côi. Kitô hữu cần tới sự trợ giúp tâm lý và tình liên đới này. Lý tưởng hơn cả là giúp họ ở lại trên quê hương của họ.

Hỏi: Thưa giáo sư Yacoub, giáo sư có thấy tương lai nào cho đất nước Irak hay không?

Đáp: Vấn đề là Irak có tìm lại được con đường của sự hiệp nhất, ổn định và hòa bình hay không. Chúng tôi tất cả là người Irak, thuộc đất nước này mà không phân biệt chủng tộc và tôn giáo.

(ASIANEWS 2-12-2008; Avvenire 2-12-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.