2008-12-01 15:30:36

Trách nhiệm của các Giám Mục trong công tác bác ái của Giáo Hội


Phỏng vấn Đức Hồng Y Paul Josef Cordes, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm, về chuyến viếng thăm và gặp gỡ các Giám Mục Hoa Kỳ vừa qua

Ngày 9-11-2008 Đức Hồng Y Paul Josef Cordes, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Cor Unum Đồng Tâm, đã tham dự cuộc hội thảo của các Tổ chức bác ái công giáo Hoa Kỳ và Cơ quan cứu trợ công giáo Hoa Kỳ, tiến hành tại thành phố Baltimore. Hôm sau đó Đức Hồng Y cũng đã tham dự đại hội nùa thu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Phát biểu trong cuộc hội thảo của các cơ quan bác ái, Đức Hồng Y đã nêu bật những điểm liên hệ gữa Thông Điệp ”Deus Caritas est Thiên Chúa là Tình Yêu” của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với các hoạt động từ thiện bác ái. Trong đại hội của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ Đức Hồng Y Cordes đã thuyết trình hai lần về các yếu tố thần học trong Thông Điệp của Đức Thánh Cha, và ngài ca ngợi lòng quảng đại của các Giám Mục trong việc hỗ trợ các chương trình từ thiện trên thế giới. Đức Hồng Y mới trở lại Roma trong tuần vừa qua.

Linh Mục Larry Snyder, Chủ tịch các Tổ chức bác ái Công Giáo Hoa Kỳ cho biết cách đây 50 năm phần lớn các tổ chức bác ái do các linh mục tu sĩ đảm trách. Họ có căn bản về thần học và linh đạo, nhưng lại thiếu kinh nghiệm quản trị. Ngày nay phần lớn các tổ chức bác ái do giáo dân điều khiển, họ điều hành giỏi nhưng lại thiếu nền tảng thần học. Vì thế các tổ chức bác ái Công Giáo cố gắng bổ túc sự thiếu sót này nơi các nhân viên giáo dân của mình.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Paul Cordes về chuyến viếng thăm vừa qua tại Hoa Kỳ.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y vừa kết thúc chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, trong đó Đức Hồng Y đã tham dự cuộc hội thảo của các tổ chức bác ái của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ cũng như đại hội mùa thu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ diễn ra tại Baltimore. Đức Hồng Y đã nói gì với các Giám Mục trong hai buổi thuyết trình về Thông Điệp ”Thiên Chúa là Tình Yêu” của Đức Thánh Cha?

Đáp: Tôi đã trình bầy sự kiện Thông Điệp của Đức Thánh Cha diễn tả một sự liên lụy mạnh mẽ đối với các Giám Mục trong toàn lãnh vực hoạt động bác ái. Tôi đã muốn nêu bật khía cạnh này và mời gọi các Giám Mục lãnh trách nhiệm của mình. Nhiều khi các Giám Mục có cảm tưởng rằng các tổ chức bác ái có thể tiến bước một mình. Nhưng có một nguy cơ: đó là các tổ chức này ngày càng xa rời sứ mệnh của Giáo Hội. Thật thế, có biết bao nhiêu trợ giúp do các ân nhân ngoài Giáo Hội gửi tới, nhưng việc quản trị được tập trung vào một nhiệm vụ đặc thù nào đó, và như thế rốt cuộc sứ mệnh bác ái của Giáo Hội cũng bị cột buộc vào các điểm đó và xa rời sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Vì thế các Giám Mục phải lấy lại trách nhiệm của mình liên quan tới việc rao giảng Tin Mừng, mà sự trợ giúp bác ái là một phần của nó.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, dựa trên những gì Đức Hồng Y đã trông thấy trong chuyến viếng thăm vừa qua, đâu là các thách đố mới mà các cơ cấu bác ái công giáo phải đương đầu tại Hoa Kỳ?

Đáp: Trước hết luôn luôn có cám dỗ của khuynh hướng duy đời. Tổ chức bác ái cho hải ngoại của các Giám Mục Hoa Kỳ gọi là Catholic Relief Services - CRS hàng năm có ngân khoản dự trù khoảng 500 triệu mỹ kim, trong đó có 2 phần 3 là do chính quyền tài trợ. Điều này cũng có nghĩa là nhà nước đòi hỏi phải có kết toán chính xác, có các biên nhận. Và nó đỏi hỏi công việc quản trị với rất nhiều khía cạnh như việc kiểm soát, sự cộng tác của các nhân viên chuyên môn, và về lâu về dài nó có khuynh hướng tách rời khỏi sứ mệnh của Giáo Hội. Khuynh hướng duy đời này không chỉ xảy ra tại Hoa Kỳ mà cũng xảy ra cho các nước bên Âu châu nữa. Chẳng hạn bên Đức tổ chức Caritas có 500.000 nhân viên do Caritas trả lương. Đây là điều biểu lộ một hướng đi mới liên quan tới tính cách chạy việc, các hiệu qủa xã hội, và không nhất thiết bao gồm một lợi ích đối với lòng tin. Do đó Thông Điệp ”Thiên Chúa là Tình Yêu” rất quan trọng, vì nó nhấn mạnh rằng sứ mệnh của Giáo Hội đã luôn luôn có hai khía cạnh: loan báo Lời Chúa và làm việc thiện, nghĩa là sống kinh nghiệm Thiên Chúa yêu thương dân Ngài.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Hội Đồng Tòa Thánh Cor Unum Đồng Tâm do Đức Hồng Y làm chủ tịch đang trợ giúp bác ái cho các quốc gia nào?

Đáp: Khi có xảy ra các tai ương thiên nhiên hay có các khó khăn đặc biệt Đức Thánh Cha thúc đẩy chúng tôi có một cử chỉ bầy tỏ lòng thương xót và nhậy cảm của ngài đối với các nạn nhân của các hoàn cảnh này. Trong các thời gian qua chúng tôi thường can thiệp để trợ giúp các nạn nhân động đất bên Pakistan.

Chúng tôi cũng gửi tiền trợ giúp tới các Giám Mục Cuba và Haiti để cứu trợ các nạn nhân cuồng phong. Và mới đây chúng tôi cũng đã nhận được đơn xin trợ giúp của Đức Giám Mục Bukavu, vì cuộc chiến hiện nay tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Tất cả các nạn nhân đều cần đến sự trợ giúp cụ thể về vật chất, và chúng tôi đã gửi tiền cứu trợ nhân danh Đức Thánh Cha. Chúng tôi cũng đã gửi tiền trợ giúp các nạn nhân động đất tại Trung Quốc. Chúng ta biết là các tương quan của chính quyền Trung Quốc với Giáo Hội không đươc dễ dàng lắm, nhưng sự trợ giúp của Đức Thánh Cha đã được đón nhận tốt.

Hỏi: Trong các tháng qua thế giới đã rơi vào một cuộc khủng hoàng tài chánh trầm trọng. Nó có khiến cho tổ chức Cor Unum bị liên lụy hay không? Đức Hồng Y có nhận được nhiều đơn xin trợ giúp hơn hay không?

Đáp: Chưa. Chúng tôi chưa nhận được các đơn xin trợ giúp. Nhưng chúng tôi cũng cảm thấy ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này, vì chúng tôi không có tiền mặt như trước đây. Bây giờ chúng tôi cũng phải suy nghĩ nhiều hơn về việc kiếm ra các ngân khoản, và chúng tôi rất biết ơn các ân nhân đã trợ giúp chúng tôi kể cả trên bình diện vật chất nữa.

Hỏi: Như là Chủ tịch của Hội Đồng Tòa Thánh Đồng Tâm, Đức Hồng Y đã viếng thăm nhiều nước trên thế giới như: Ấn Độ, Ba Lan, Pháp, Hoa Kỳ, Phi Luật Tân. Đức Hồng Y có thể rút tỉa ra tổng kết nào từ các chuyến viếng thăm này?

Đáp: Một trong các khía cạnh quan trọng của các chuyến viếng thăm này là cuộc gặp gỡ các Giám Mục. Thông Điệp ”Thiên Chúa là Tình Yêu” nhấn mạnh rất nhiều trên trách nhiệm của chính vị Giám Muc, và nói rõ rằng bác ái là một công tác của Giáo Hội. Nó không phải là một việc thương người, nó không phải là công việc của Hội Hồng Thập Tự, nhưng nó là công tác của Giáo Hội. Thần học cho chúng ta biết ”Vị Giám Mục có trách nhiệm loan báo Lời Chúa, cử hành phụng vụ, nhưng cũng có trách nhiệm phục vụ nữa”. Các Giám Mục có biết bao nhiêu việc phải làm, và khi tôi đi thăm các phần đất khác nhau trên thế giới và suy tư về văn bản của Thông Điệp, tôi tìm cách thôi thúc để điều Đức Thánh Cha viết trong Thông Điệp được thực hiện: đó là các Giám Mục không thể ủy thác công tác bác ái cho người khác. Dĩ nhiên vị Giám Mục phải để cho các người khác giúp mình, nhưng phải luôn nhớ rằng ngài là người định đoạt đối với công tác bác ái của Giáo Hội.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, tổ chức ”Cor Unum Đồng Tâm” đã phát động một sáng kiến mới đó là tổ chức các khóa tĩnh tâm cho các vị hữu trách các tổ chức bác ái tại nhiều nơi trên thế giới. Đâu là tinh thần của đề nghị này thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Khi gặp gỡ các Giám Mục tại Roma này trong dịp các vị về Roma viếng mộ hai Thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh - vì các vị cũng đến thăm cơ quan Cor Unum của chúng tôi, đặc biệt là các vị thuộc các nước nghèo - chúng tôi thấy các vị chú ý nhiều hơn tới phần thứ hai của Thông Điệp, là phần đề cập tới các khía cạnh cụ thể. Nhưng không phải vô tình mà Đức Thánh Cha đã viết cả phần một về Thiên Chúa, bằng cách khẳng định rằng vấn đề về Thiên Chúa là vấn đề quan trong nhất ngày nay. Do đó chúng tôi tự hỏi: chúng tôi có thể làm gì cho các cộng sự viên của tổ chức Caritas, để nêu bật phần một của Thông Điệp? Vì thế chúng tôi đã mời các vị chủ tịch và giám đốc Caritas của miền Bắc và miền Nam Mỹ tham dự một cuộc tĩnh tâm tại Guadalajara bên Mehicô. Một phần là các Giám Mục, số khác là các linh mục, và số khác nữa là giáo dân nam nữ. Chúng tôi đã gửi 2.000 thư mời và đã có 500 vị nhận lời mời tham dự tĩnh tâm. Cha Cantalamessa, thuyết giảng viên của Phủ Giáo Hoàng đã nhận lời giảng tĩnh tâm cho họ trong gần một tuần và tuần tĩnh tâm đã gây được tiếng vang rất tích cực. Chúng tôi đã kể cho nhau nghe biết bao nhiêu chứng từ rất hay đẹp của những người đã tham dự. Họ nói với chúng tôi: ”Sau cùng có ai đó đã cống hiến cho chúng tôi cơ may này. Bình thường người ta chỉ chờ đợi hoạt động của chúng tôi. Nhưng lần này họ chú ý tới chúng tôi, và gợi ý cho chúng tôi biết phải thi hành bác ái như thế nào. Điều đó có nghĩa là lòng tin của chúng tôi đã được củng cố và chúng tôi đã đối chiếu cuộc sống và công việc của chúng tôi với Tin Mừng.

Tiếng vang đã tích cực tới độ khiến cho chúng tôi nghĩ tới việc tổ chức tuần tĩnh tâm cho các nhân viên Caritas bên Á châu. Vào tháng 7 năm tới chúng tôi mời tất cả các vị chủ tịch và giám đốc Caritas các nước Á châu tham dự cuộc tĩnh tâm tại Đài Loan.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y đại diện cho Đức Thánh Cha trong lãnh vực trợ giúp bác ở nhiều nơi trên thế giới. Khía cạnh bác ái diễn tả điều gì trong triều đại của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI?

Đáp: Không phải tình cờ mà Đức Thánh Cha đã chọn tình bác ái như là đề tài Thông Điệp đầu tiên của ngài. Trước hết theo tôi thấy ngày nay khắp nơi trên thế giới người ta rất nhậy cảm đối với giới răn yêu thương tha nhân.

Ngày nay không ai có thể nói rằng người đau khổ, người sống trong cảnh bần cùng không liên hệ gì tới tôi. Tình bác ái cũng có sức lôi cuốn nào đó, vì cả những nhân vật quan trọng của các lãnh vực văn hóa chính trị cũng khoe khoang là họ làm nhiều việc hay đẹp cho dân nghèo và những người bị gạt bỏ ngoài lề xã hội. Vì thế theo tôi xem ra Đức Thánh Cha đã tiếp nhận sự nhậy cảm rất xinh đẹp này để gióng lên một sứ điệp nói rằng: bạn yêu thương tha nhân là vì bạn được Thiên Chúa yêu thương. Đức Thánh Cha đã chọn đề tài ”Thiên Chúa là Tình Yêu” để khiến cho sự nhậy cảm nhân bản trên đây trở thành trong sáng, vì tất cả mọi điều này đều có thể làm được nhờ sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô là Đấng yêu thương chúng ta. Và sau cùng là để thông truyền một chiều kích lòng tin cho khuynh hướng nhân bản, cho lòng yêu thương con người này.

(RG 21-11-2208; CNS 10-11-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.