2008-11-24 11:36:44

TÂN TỔNG THƯ KÝ BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN


Ngày 9-7-2008, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chỉ định Linh Mục Luis Francisco Ladaria Ferrer, 64 tuổi, Dòng Tên, người Tây Ban Nha, làm Tổng Thư Ký Bộ Giáo Lý Đức Tin. Ngài thay thế Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato, người Ý, dòng Salésien Don Bosco. Trước đó, Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato được chỉ định làm Tổng Trưởng bộ Phong Thánh thay thế Đức Hồng Y José Saraiva Martins, người Bồ Đào Nha, đến tuổi về hưu. Ngày 26-7-2008, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã tấn phong Giám Mục cho Cha Luis Francisco Ladaria Ferrer tại đền thờ thánh Gioan Laterano.

Đức Tổng Giám Mục Luis Francisco Ladaria Ferrer chào đời ngày 19-4-1944 tại Manacor trên đảo Majorque thuộc vùng Baléares của nước Tây Ban Nha. Trong cuộc phỏng vấn dành cho nguyệt san ”30 NGÀY” Đức Tổng Giám Mục Ladaria Ferrer nói về ơn gọi Linh Mục Dòng Tên và những biến cố trong cuộc đời ngài như sau.

Không phải chính tôi chọn Dòng Tên, nhưng nói đúng hơn, tôi thấy một con đường rộng mở trước mặt và tôi tiến vào. Đơn sơ thế thôi! Con đường - tức ơn gọi - mà tôi bắt đầu trông thấy, đó là lúc tôi theo học tại trường Trung Học của các Cha Dòng Tên tại Palma trên đảo Majorque. Sau đó tôi ghi danh vào phân khoa Luật ở thủ đô Madrid. Học Luật nhưng lòng tôi lại ý thức đây không phải con đường tôi yêu thích. Điều tôi mong muốn chính là trở thành Linh Mục Dòng Tên!

Tôi xuất thân từ một gia đình Công Giáo khá đạo đức. Trong tuổi học sinh, tôi được hồng phúc quen biết nhiều gương mặt đáng trọng đáng kính của quý Linh Mục Dòng Tên nơi Học Viện Mont Sion. Đây là Học Viện cổ kính được thành lập từ năm 1561, 5 năm sau khi thánh Ignazio di Loyola (1491-1556) qua đời. Nơi Học Viện lan tỏa một bầu khí trong lành đạo đức. Chính tại đây nẩy sinh nơi tôi ước muốn tận hiến toàn thân cho THIÊN CHÚA.

Năm 1968 tôi tuyên khấn trong Dòng Tên. Đó cũng là năm giao động mạnh tại nhiều thành phố khắp Âu Châu, kể cả tại Tây Ban Nha. Nhưng tuổi trẻ của tôi nằm ngoài cái vòng giao động lỉnh-kỉnh ấy! Vì thế tôi vẫn an tâm theo đuổi ơn gọi tu dòng, mặc cho bao xôn xao náo động bên ngoài.

Tôi học thần học tại Francfurt bên Đức quốc. Hồi ấy tôi hân hạnh theo học với các tôn sư đáng kính. Tôi xin nhắc lại vài danh tánh nổi bật như Cha Alois Grillmeier (1910-1998), sau này được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vinh thăng hồng y. Ngài là giáo sư chuyên về thần học tín lý. Ngoài ra có hai Linh Mục khác là Cha Otto Semmelroth và Cha Herman Josef Sieben, sau đó trở thành các chuyên viên cột trụ có tầm cỡ quốc tế về ý tưởng Công Đồng Chung Vatican II. Đây cũng là thời kỳ Đức Joseph Ratzinger là giáo sư tại đại học Regensburg. Tôi không hân hạnh quen biết riêng ngài, nhưng tôi biết các tác phẩm và các biên khảo của ngài, đặc biệt cuốn ”Introduction au Christianisme - Dẫn Vào Kitô Giáo” là tác phẩm được rất nhiều người biết. Tiếp đến là cuốn ”Peuple de DIEU - Dân THIÊN CHÚA” cũng rất nổi tiếng. Tôi nhớ rất rõ là vào thời kỳ đó, nơi phân khoa thần học của chúng tôi, các sinh viên chuyền tay nhau các bản sao chụp một số các môn dạy của ngài.

Vào năm 1992, với tư cách thành viên Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, tôi có nhiều dịp tiếp xúc gần hơn với Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin. Tôi còn nhớ những cuộc bàn thảo thật sôi động về vấn đề liên hệ giữa Kitô Giáo và các tôn giáo khác. Các bài phát biểu của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger luôn luôn mang nét chính xác, rõ ràng, sâu sắc và các cuộc trao đổi tranh luận luôn luôn nằm ở mức độ trang trọng cao cả. Đối với cá nhân tôi thì bầu khí làm việc nơi Ủy ban Thần Học Quốc Tế rất hấp dẫn, xét vì các vấn đề được đưa ra bàn thảo rất quan trọng. Thêm vào đó, Ủy Ban lan tỏa bầu khí vừa có tầm mức quốc tế vừa mang nét đẹp ”công giáo” đáng trọng đáng quý.

Trong một thời gian dài tôi làm giáo sư tại Đại Học Giáo Hoàng Gregoriana ở thủ đô Roma và từng làm Phó Viện Trưởng trong vòng 8 năm. Tuy nhiên, chức vụ không quan trọng cho bằng công việc giảng huấn và hướng dẫn sinh viên viết luận án. Khung trời đại học Gregoriana dạy cho tôi biết cách thức sống trong một môi trường mang sắc thái quốc tế với các sinh viên đến từ 100 quốc gia khác nhau với đủ thứ ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa khác nhau. Nhưng tất cả đều hiệp nhất trong cùng niềm yêu thích học hỏi và nhất là, trong cùng một lòng yêu mến THIÊN CHÚA và yêu kính Giáo Hội Công Giáo duy nhất, thánh thiện và tông truyền. Trong một Đại Học đúng nghĩa nhất thì thường thường các sinh viên học hỏi nhiều điều đến từ giáo sư. Thế nhưng ngược lại, các giáo sư cũng học hỏi được nhiều điều tốt đẹp từ phía các sinh viên. Và đó là trường hợp của tôi.

... ”Lạy THIÊN CHÚA, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đi trông, như mnh đất hoang khô cằn, không giọt nưc. Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh đin, để thấy uy lực và vinh quang của Ngài. Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống, miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương. Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng, và giơ tay cầu khẩn danh Ngài. Lòng thỏa thuê như khách vừa dự tiệc, môi miệng con rộn rã khúc hoan ca. Con tưởng nhớ Chúa trên giường ngủ, suốt năm canh thầm thĩ với Ngài. Quả thật Ngài đã thương tr giúp, nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui. Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó, giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì” (Thánh Vịnh 63).

(”30 JOURS dans l'Église et dans le monde”, XXVIè Année, n.8, 2008, trang 38-41)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.