2008-11-17 14:58:43

Thảm cảnh của người dân Congo


Một số nhận định của Linh Mục Silvano Roaro, dòng Dehoniani, về thảm cảnh của người dân Congo

Từ đầu tháng 11 này các xung đột giữa quân đội và các lực lượng bán quân sự của chính quyền Congo với phiến quân thuộc lực lượng ”Quốc Đại bảo vệ nhân dân Congo” do tướng Laurent Nkunda lãnh đạo, đã khiến cho hàng trăm người chết và hơn 1 triệu người trong vùng Goma và Kivu phải bỏ làng mạc đi lánh nạn.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin chung với tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật mùng 9-11-2008 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tái kêu gọi hòa bình cho dân nước Congo. Ngài xin tất cả mọi người cộng tác với nhau để tái lập hòa bình, trong niềm tôn trọng pháp luật và phẩm giá của mỗi người. Đức Thánh cha cũng yêu cầu cộng đồng thế giới quan tâm đến thảm cảnh của người dân nước này và trợ giúp làm sao để chấm dứt cuộc nội chiến đã khiến cho mấy triệu người thiệt mạng trong các năm qua.

Kivu là vùng tây bắc Congo giáp giới với Rwannda, có rất nhiều quặng mỏ kể cả mỏ vàng và Coltan, từ nhiều năm nay vẫn được khai thác một cách bất hợp pháp. Chính quyền của tổng thống Joseph Kabila không kiểm soát được vùng này nữa, và nó bị xâm chiếm bởi các lực lượng dân quân Rwanda thuộc chủng tộc Hutu, từng liên lụy trong cuộc diệt chủng tại Rwanda hồi năm 1994. Từ tháng 8 năm nay đã liên tục xảy ra các xung đột mới giữa 20.000 binh sĩ Congo trấn đóng trong vùng và một số phiến quân Hutu thuộc các ”Lực lượng dân chủ giải phóng Rwanda” với 4.000 phiến quân Tutsi do tướng Laurent Nkunda lãnh đạo.

Tướng Nkunda đã được huấn luyện bởi ”Mặt trận ái quốc Rwanda” do tướng Paul Kagame đương kim tổng thống Rwanda, lãnh đạo. Vào cuối cuộc chiến của Congo giữa các năm 1998-2003 ông Nkunda theo quân đội Congo. Tiếp theo đó Nkunda đào ngũ, rồi chỉ huy lực lượng phiến quân tấn công khắp nơi trong vùng biên giới. Ông bị cộng đồng quốc tế truy nã và ra lệnh bắt giữ vì các tội phạm chống lại nhân loại, nhưng lệnh này đã không bao giờ được thi hành. Hiện nay Nkunda lãnh đạo lực lượng ”Quốc đại bảo vệ nhân dân”, có mục đích bênh vực người Tutsi chống lại các ”Lực lượng giải phóng Rwanda” của người Hutu.

Các quan sát viên độc lập cho rằng các xung đột tái diễn trong vùng biên giới giữa Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Rwanda và Uganda bên ngoài có sắc thái xung đột bộ tộc, nhưng thực ra là vì các lý do tranh giành và chia chác các tài nguyên thiên nhiên, ở đây là các quặng mỏ. Liên lụy trong việc khai thác và chia chác này cũng có nhiều công ty đa quốc.

Tuy Liên Hiệp Quốc có gửi lực lượng bảo hòa gồm 17.000 binh sĩ tới vùng này, nhưng hiện nay các binh sĩ bảo hòa thất bại trong việc bảo vệ hòa bình và an ninh cho dân chúng sống trong miền tây Congo rộng lớn này. Trong khi đó thì chính quyền Rwanda có thái độ hàm hồ, khi tuyên bố muốn truy nã các thành viên của ”Lực lượng giải phóng Rwanda” trấn đóng bên kia biên giới, trong đất Congo. Cùng với Uganda, từ nhiều năm nay Rwanda bị tố cáo là cung cấp khí giới cho các lực lượng dân quân miền Tây Congo, nhắm mục đích chia chác lợi lộc của các quặng mỏ.

Ông Domenico Quirico, chuyên viên về vấn đề Phi châu của nhật báo Ý La Stampa, cho biết chiến tranh Congo bao gồm nhiều cuộc chiến chồng chéo lên nhau. Trước hết nó là cuộc chiến tranh giành các quặng mỏ. Congo là một trong những quốc gia giầu quặng mỏ nhất thế giới và có khả năng cải tiến nhất. Tiếp đến nó cũng là cuộc chiến diệt chủng kéo dài của Rwanda: nghĩa là giữa các dân quân Hutu trốn tránh trên đất Congo sau cuộc diệt chủng hồi năm 1994 và người Tutsi muốn tiêu diệt họ. Nó cũng là cuộc chiến giữa hai nước Congo và Rwanda, vì Rwanda vừa nhỏ bé vừa qúa đông dân, nên muốn đánh chiếm vùng tây Congo, là vùng vừa giầu quặng mỏ vừa ít dân, lại có người Tutsi sinh sống. Ngoài ra đàng sau hậu trường nó còn là cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Hoa Kỳ ủng hộ Rwanda, và Pháp cùng các nước Âu châu ủng hộ Congo. Bên cạnh đó còn có Trung Quốc đang đẩy mạnh ảnh hưởng chính trị và các liên hệ thương mại với các nước Phi châu, và mới ký hiệp đồng khai thác mỏ đồng của Congo.

Bà Simona Venturoli, đặc trách văn phòng Hội Bạn người cùi Raoul Follereau Italia, cho biết theo các tin mới nhất hiện nay số người tị nạn đã lên tới 2 triệu. Dân chúng bỏ làng mạc để chạy trốn chiến tranh và tuốn về các thành phố. Nhà cửa của họ bị cướp bóc, đốt phá và họ phải gánh chịu mọi thứ bạo lực ức hiếp. Nhưng các trại tị nạn chung quanh các thành phố không có đủ chỗ để tiếp đón họ. Tình trạng thiếu lương thực, nước uống, thuốc men, và những vật dụng cần thiết rất trầm trọng. Bệnh dịch tả bắt đầu khiến cho nhiều người chết.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục Silvano Roaro, dòng Dehoniani, về thảm cảnh của người dân Congo. Từ 39 năm nay cha Silvano sống và làm việc tại Mambasa, là một thành phố có 40.000 dân cư, ở mạn tây bắc Congo. Tại Mambasa từ năm 1989 tới nay cha điều khiển Học viện Bernardo Longo, là một trường trung học. Suốt ngày cha chỉ nghĩ tới các cộng sự viên, các học sinh và bạn bè. Mambasa nằm cách Goma 450 cây số, là nơi xảy ra các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ Congo và lực lượng phiến quân từ mấy tuần qua.

Hỏi: Thưa cha Silvano, cha có nhn định gì về ông Laurent Nkunda, lãnh tụ lực lượng “Quốc Đại bảo vệ nhân dân” trong các tuần qua đang giao tranh vi quân đội của chính phủ Congo?

Đáp: Ông Laurent Nkunda là một dụng cụ nằm trong tay của tướng Kagame nhằm thực hiện ảo tưởng của ông ta: đó là thiết lập một ”đế quốc Tutsi vĩ đại”. Nhưng đàng sau lưng tổng thống Paul Kagame của Rwanda ẩn dấu các lợi nhuận địa lý chính trị và kinh tế của các người tây âu che chở bảo vệ ông.

Hỏi: Thưa cha, trong vùng Goma và Kivu có lc lượng bảo hòa của Liên Hiệp Quốc mà, thế họ không bảo vệ đưc các thường dân hay sao?

Đáp: Lực lượng bảo hòa Liên Hiệp Quốc gồm các binh sĩ gốc á châu và bắc phi. Nhưng họ tỏ ra không có khả năng ngăn cản bước tiến của phiến quân ”Quốc Đại bảo vệ dân chủ” do ông Nkunda lãnh đạo.

Hỏi: Điều gì đang thực sự xảy ra trong vùng này của Cộng Hòa Dân Chủ Congo thưa cha?

Đáp: Một trong những lý do chính khiến cho các xung đột quân sự tái bùng nổ trong vùng đó là các lợi nhuận kinh tế. Miền bắc và miền nam Kivu, nơi đang xảy ra các cuộc giao tranh, là vùng có rất nhiều quặng mỏ, đặc biệt là các mỏ thiếc, vàng, coltan, và gỗ qúy. Mới đây người ta đã khám phá ra mỏ dầu hỏa dọc biên giới hồ Albert nữa. Việc buôn bán các quặng mỏ này, đa số là bất hợp pháp và hoàn toàn không bị trừng phạt, do các nhóm phiến quân võ trang và quân đội chính phủ chủ mưu, và nó là lý do chính gây ra chiến tranh từ năm 1998 tới nay khiến cho hơn 4 triệu người chết. Cho tới khi nào còn có những lái buôn sẵn sàng tham gia vào việc thương mại này, thì các nhóm võ trang thuộc mọi lực lượng sẽ không có lý do gì để buông khí giới.

Hỏi: Nhưng mà chiến tranh Congo chắc chắn không phải chỉ có lý do kinh tế mà thôi. Theo chính quyền Congo tướng Laurent Nkunda do tổng thống Paul Kagame của Rwanda điều khiển, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Đúng thế. Chứ làm sao mà một người như tướng Nkunda, đã bị trát bắt giam của cộng đồng quốc tế vì các tội phạm chống lại nhân loại, mà vẫn tự do đi lại và tiếp tục được hưởng tình trạng không bị trừng phạt được? Thế rồi tiền bạc mua sắm khí giới và quân trang quân dụng cho 4.000 quân của ông ta từ đâu mà có? Đây là một cuộc tấn công quân sự do nước Rwanda chủ mưu. Rwanda cảm thấy mình mạnh mẽ vì được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Đã từ lâu tướng Kagame nuôi mộng thành lập một ”đế quốc Tutsi vĩ đại” bao gồm Rwanda và hai vùng Kivu.

Hỏi: Ảo tưởng này của ông Kagame nảy sinh từ đâu thưa cha?

Đáp: Nó bắt nguồn từ việc tìm kiếm một giải pháp cho tình trạng dân số phát triển qúa nhanh của Rwanda, là quốc gia chỉ có diện tích 26.338 cây số vuông, nhưng lại có tới 9 triệu dân. Đã thế Rwanda lại có đa số dân sống về nghề nông, đất đai lại khô cằn, và không có các cơ cấu kỹ nghệ.

Hỏi: Như thế theo cha, các tranh chấp này có nguy cơ tạo ra một chiến tranh phi châu thứ ba hay không?

Đáp: Tôi tin là sẽ không đến nỗi xảy ra một chiến tranh phi châu thứ ba. Và tôi rất tin tưởng nơi tân tổng tống Hoa Kỳ Barak Obama. Từ phía Âu châu tôi hy vọng các chính quyền tìm ra một đường hướng chung đối với tình hình hiện nay của Cộng Hòa Dân Chủ Congo.

(Avvenire 9-11-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.