2008-11-12 17:01:54

Tín hữu Kitô không muốn ngày tàn của thế giới, nhưng muốn thế giới bất công này chấm dứt


Buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha thứ tư 12-11-2008

”Khi kêu cầu ”Lạy Chúa, xin hãy đến”, Kitô hữu không muốn ngày tàn của thế giới, nhưng muốn thế giới bất công này chấm dứt, muốn thế giới này được biến đổi một cách triệt để và bắt đầu sống nền văn minh tình thương, bắt đầu một thế giới công bằng, hòa bình không bạo lực và không đói khát. Nhưng nếu không có sự hiện diện của Chúa Kitô, thì sẽ không bao giờ có một thế giới thực sự công bằng và được canh tân”.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước hơn 15.000 tín hữu và du khánh hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hằng tuần 12-11-2008 tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài ”Sự chờ đợi Chúa trở lại trong tư tưởng của thánh Phaolô”. Đây là đề tài gắn liền với sự phục sinh của Chúa Kitô, và nó giúp chúng ta suy tư về tương quan giữa thời gian hiện tại, thời gian của Giáo Hội và của Nước Chúa Kitô. Mọi diễn văn về ngày cánh chung đều luôn luôn khởi hành từ biến cố phục sinh: trong biến cố này các sự cuối cùng đã bắt đầu, và trong một nghĩa nào đó, đã hiện diện. Đề cập tới bối cảnh tư tưởng về ngày cánh chung Đức Thánh Cha nói:

Chắc hẳn vào năm 52 thánh Phaolô đã viết bức thư đầu tiên trong các thư của người: đó là thư thứ I gửi tín hữu Thexalonica, trong đó thánh nhân nói tới ngày Chúa Giêsu trở lại, gọi là ngày cánh chung, ngày Chúa đến, sự hiện diện tỏ tường và vĩnh viễn (x. 4,13-18). Thánh Phaolô miêu tả ngày Chúa Kitô đến với các sắc thái sống động và hình ảnh biểu tượng, nhưng chuyển đạt một sứ điệp đơn sơ và sâu sắc: sau cùng chúng ta sẽ luôn ở với Chúa. Bên kia các hình ảnh, đây là sứ điệp nòng cốt: tương lai của chúng ta là ”ở với Chúa”; trong nghĩa là tín hữu, trong cuộc sống của mình chúng ta đã ở với Chúa; tương lai của chúng ta, cuộc sống vĩnh cửu đã bắt đầu rồi.

Tiếp tục bài huấn đụ Đức Thánh Cha nói trong thư thứ II gửi tín hữu Thexalonica, thánh Phaolô thay đổi viễn tượng: thánh nhân đề cập tới các biến cố tiêu cực phải xảy ra trước biến cố sau cùng chung cục đó. Thánh nhân khuyên tín hữu đừng để mình bị lừa, làm như thể biến cố đó đang gần kề theo thứ tự thời gian (2 Tx 2,1-3). Vì trước khi Chúa đến, phải có hiện tượng chối đạo, và người ta phải thấy xuất hiện ”kẻ gian ác”, ”đứa con của sự hư mất” (2,3), mà truyền thống sẽ gọi là ”Tên phản Kitô”. Nhưng trước hết thư của thánh Phaolô có mục đích cụ thể. Thánh nhân phiền trách một số tín hữu có cuộc sống vô kỷ luật, không làm gì cả, luôn luôn giao động và khuyên họ nên yên ổn làm việc để nuôi thân (3,10-12). Nói cách khác, việc chờ đợi Chúa Giêsu đến không miễn trừ cho tín hữu bổn phận dấn thân trong thế giới này. Trái lại nó gia tăng trách nhiệm của chúng ta phải làm việc trong và cho thế giới này. Đó cũng là ý nghĩa dụ ngôn mười nén bạc trong Phúc Âm Chúa Nhật tuần tới đây.

Thư gửi tín hữu Philiphê cho chúng ta thấy cùng mối dây nối kết sự trở lại của Chúa Cứu Thế-Thẩm Phán và dấn thân của chúng ta trong cuộc sống, nhưng trong một bối cảnh khác. Thánh Phaolô đang bị tù và chờ bị kết án tử hình. Trong hoàn cảnh này thánh nhân nghĩ tới cuộc sống trong tương lai với Chúa, nhưng cũng nghĩ tới cộng đoàn Philiphê đang cần một người cha. Đối với thánh nhân ”sống là Chúa Kitô và chết là một mối lợi... ước ao của tôi là ra đi để được ở với Chúa Kitô điều này tốt hơn bội phần nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn vì anh chị em” (1,21-26). Thánh Phaolô không sợ chết, trái lại cái chết ám chỉ việc được hoàn toàn ở với Chúa Kitô. Nhưng thánh nhân cũng chia sẻ các tâm tình của Chúa Kitô, là Đấng không sống cho chính mình mà sống cho chúng ta. Sống cho người khác trở thành chương trình cuộc đời thánh nhân, và vì thế ngài chứng minh cho thấy sự hoàn toàn sẵn sàng tuân theo ý Chúa muốn và điều Chúa định đoạt. Nhất là thánh nhân sẵn sàng sống trên trần gian này cho người khác cả trong tương lai, sống cho Chúa Kitô, sống cho sự hiện diện sinh động của Chúa và như thế để canh tân thế giới. Chúng ta thấy việc ở với Chúa Kitô tạo ra một sự tự do nội tại lớn lao: tự do trước sự đe dọa của cái chết, mà cũng tự do trước tất cả mọi dấn thân và các khổ đau của cuộc sống.

Trong phần thứ hai của bài huấn dụ Đức Thánh Cha duyệt xét các khía cạnh khác nhau của việc chờ đợi Chúa Kitô đến, hay các thái độ nền tảng mà tín hữu Kitô phải có đối với cái chết và ngày tận thế. Đức Thánh Cha nói:

Thái độ thứ nhất là xác tín chắc chắn rằng Chúa Giêsu đã sống lại, đang ở với Chúa Cha và vì thế cũng ở với chúng ta luôn mãi. Không có ai mạnh mẽ hơn Chúa Kitô, bởi vì Ngài ở với Thiên Chúa Cha và với chúng ta. Vì thế chúng ta chắc chắn, chúng ta được giải thoát khỏi sự sợ hãi. Đây là hiệu qủa nòng cốt của lời rao giảng Kitô. Sự sợ hãi các thần linh đã rất là phổ biến trong toàn thế giới cổ xưa. Cả ngày nay nữa, bên cạnh biết bao nhiêu yếu tố tốt lành các các thừa sai cũng tìm thấy sự sơ hãi các thần linh, các quyền lực đen tối đe dọa chúng ta. Chúa Kitô sống, Ngài đã chiến thắng tất cả mọi quyền lực đó. Chúng ta sống trong xác tín ấy, trong sự tự do đó và trong niềm vui.

Thái độ thứ hai của Kitô hữu là xác tín rằng Chúa Kitô ở với tôi. Và với Chúa Kitô thế giới tương lai đã bắt đầu, điều này trao ban niềm hy vọng chắc chắn. Tương lai không phải là tăm tối, trong đó không ai định hướng được. Không phải thế. Nếu không có Chúa Kitô, cả ngày nay nữa đối với thế giới tương lai là tăm tối, và người ta sợ hãi tương lai biết bao nhiêu. Tín hữu Kitô biết rằng ánh sáng của Chúa Kitô mạnh mẽ hơn, và vì thế họ sống trong một niềm hy vọng chắc chắn không mơ hồ, và có can đảm đương đầu với tương lai.

Thái độ thứ ba của Kitô hữu là tinh thần trách nhiệm đối với thế giới này và đối với các anh chị em khác, và xác tín về lòng xót thương của Chúa. Chúa Kitô, vị Thẩm Phán và là Đấng Cứu Độ đã giao phó cho chúng ta các nén bạc, các tài năng cần phải đầu tư.

Chúng ta không sống như thể là sự thiện và sự ác đều như nhau, vì Thiên Chúa xót thương. Thật ra chúng ta có trách nhiệm rất lớn. Chúng ta có các tài khéo và có nhiệm vụ phải làm việc để cho thế giới này rộng mở cho Chúa Kitô và được canh tân. Tuy làm việc và ý thức rằng Thiên Chúa là thẩm phán đích thật, nhưng chúng ta cũng xác tín rằng vị thẩm phán đó tốt lành. Chúng ta biết gương mặt của Người, gương mặt của Chúa Kitô phục sinh, của Chúa Kitô chịu đóng đanh vì chúng ta. Vì thế chúng ta chắc chắn về lòng lành của Người, và can đảm tiến bước.

Giáo huấn sau cùng của thánh Phaolo liên quan tới ngày cánh chung là lời mời gọi đại đồng của lòng tin hiệp nhất người Do thái và Dân ngoại, như dấu chỉ và việc thực hiện trước thực tại mai sau. Vì thế chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã ngự trên trời với Chúa Giêsu Kitô, nhưng là để cho thấy ơn thánh phong phú trong tương lai (x. Ep 2,6 tt.): điều xảy ra sau này đã được cho thấy trước, để minh nhiên tình trạng thực hiện khởi đầu mà chúng ta đang sống. Điều này khiến cho chúng ta chịu đựng được các khổ đau hiện tại không thể nào so sánh được với vinh quang mai sau (x. Rm 8,18).

Thánh Phaolô kết thúc thư thứ II gửi tín hữu Côrintô với lời khẩn cầu ”Maranà, thà” ”Lậy Chúa chúng con, xin hãy đến”. Đây là lời cầu của các cộng đoàn Kitô tiên khởi, và cũng là lời cầu kết thúc sách Khải Huyền.

Trong cuộc sống và trong thế giới ngày nay chúng ta khó mà cầu nguyện thực sự cho thế giới này chết đi, cho thành Giêrusalem mới, cho sự phán xét và Chúa Kitô thẩm phán đến. Nhưng chúng ta có thể cầu nguyện cho thế giới bất công này chấm dứt, cho thế giới bắt đầu sống nền văn minh tình thương, cho một thế giới công bằng, hòa bình, không bạo lực và nghèo đói, cho một thế giới được canh tân. Trong các hoàn cảnh cấp thiết thời nay chúng ta có thể và phải nói lên lời khẩn cầu ấy một cách sâu xa: Lậy Chúa, xin hãy đến! Xin hãy đến theo cách thức của Chúa! Xin hãy đến trong những nơi có bất công và bạo lực! Xin hãy đến trong các trại tị nạn, tại Darfur, tại miền bắc Kivu, tại biết bao nhiêu vùng đất của thế giới này. Xin hãy đến ở những nơi ma túy thống trị. Xin hãy đến cả với những người giầu có đã quên Chúa, và chỉ sống cho chính mình. Xin hãy đến ở những nơi Chúa chưa đươc biết tới. Xin hãy đến theo kiểu cách của Chúa và canh tân thế giới ngày nay. Xin hãy đến trong con tim chúng con, xin hãy đến và đổi mới cuộc sống chúng con, xin hãy đến trong con tim chúng con để chúng con có thể trở thành ánh sáng của Thiên Chúa và sự hiện diện của Chúa. Maranà, thà! Lậy Chúa, xin hãy đến!

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.