2008-11-04 16:02:18

Cung cấp lương thực và nước uống cho các bệnh nhân sống trong tình trạng thực vật là bỗn phận luân lý


Một số nhận định của bà Maria Elena Villa, Chủ tịch hiệp hội Cầu vồng 92, về bổn phận cung cấp lương thực và nước uống cho các bệnh nhân trong tình trạng thực vật

Ngày 30-10-2008 hiệp hội Khoa học và Sự sống Giarre Riposto thuộc tỉnh Catania, trên đảo Sicilia nam Italia, đã cùng giới chức địa phương tổ chức một cuộc hội thảo nhằm minh giải một số từ thường dùng trong cuộc sống như: làm cho chết êm dịu, cố bám víu vào việc chữa trị bằng mọi cách, ngưng việc trị liệu vv... Bác sĩ Angelo Rito, Chủ tịch hiệp hội Khoa Học và Sự sống cho biết cuộc hội luận muốn đi từ việc phân tích ý niệm về trợ tử hay làm cho chết êm dịu, để đi tới trường hợp cụ thể được báo chí và truyền hình Italia nói tới nhiều từ một năm qua. Đó là trường hợp của cô Eluana Englaro, đang sống trong tình trạng thực vật, sau khi bị tai nạn lưu thông ngày 18 tháng giêng năm 1992 tức cách đây 16 năm.

Từ năm 1999 thân phụ cô, ông Beppino Englaro, yêu cầu ngưng việc trị liệu để cho cô chết, và ngày mùng 9-7-2008 Tòa kháng án Milano đã cho phép ông Englaro rút ống cung cấp lương thực và nước uống cho Eluana. Đáng lý ra phán quyết đã được thi hành trong thời gian 90 ngày, nhưng biến cố này đã gây ra nhiều phản ứng của các giới chức tôn giáo, các tổ chức bảo vệ sự sống, các chuyên viên luân lý đạo đức cũng như pháp luật và giới chức chính trị. Lý do là vì trong bất cứ tình trạng nào, bệnh nhân vẫn là một bản vị phải được tôn trọng và có quyền được chữa trị và săn sóc. Việc cung cấp thực phẩm và nước uống là một bổn phận thánh thiêng phải chu toàn đối với tất cả mọi người không phân biệt ai. Vì thế không ai có quyền quyết định sự sống hay cái chết của một người khác. Hiệp hội khoa học và sự sống đã ra thông cáo kịch liệt phản đối quyết định nói trên của tòa án Milano, vì nó cho thấy người ta hợp thức hóa việc giết chết một bản vị con người bằng cách không cung cấp cho nó các điều tối thiểu nhất là thực phẩm và nước uống. Xã hội của những người khỏe mạnh từ chối săn sóc một người trong điều kiện rất yếu đuối giòn mỏng tùy thuộc người khác, và kết án họ phải chết đói chết khát. Phán quyết của tòa án Milano có thể mở màn cho một nền văn hóa lệch lạc lấy sự tự lập nền tảng làm tiêu chuẩn cho cả nơi không thể có sự tự lập. Phán quyết này lệch lạc vì coi một người trong tình trạng thưc vật chỉ là một sự sống sinh học, mà quên rằng khi có sự sống sinh học thì đó vẫn luôn luôn là một sự sống con người.

Hiệp Hội Y Khoa và Con Người cũng đã mạnh mẽ phê bình phán quyết sai trái của tòa án Milano và khẳng định rằng nhiệm vụ của thẩm phán không phải là thiết định các tiêu chuẩn bệnh xá có thể dựa trên đó để tuyên bố rằng một bệnh nhân không thể chữa trị được nữa.

Trong y khoa ý kiến không thể phục hồi của bất cứ điều kiện bệnh lý nào không phải là tiêu chuẩn tự đủ để xin thôi việc chữa trị. Do đó ngưng cung cấp thực phẩm và nước uống cho một bệnh nhân trong các điều kiện ổn định, tuy bị hôn mê từ nhiều năm nhưng không có dấu chỉ cho thấy tình trạng bệnh lý tồi tệ thêm hay sắp chết, thì là giết người êm dịu.

Bác sĩ Adrian M. Owen, phó giám đốc phân bộ Khoa Học Nhận Biết Não Bộ của đại học Cambridge Anh quốc cho biết các bệnh nhân sống trong tình trạng thực vật như Eluana tuy không thể phản ứng nhưng vẫn ý thức. Họ nhận thức được những gì xảy ra trong môi trường chung quanh. Bác sĩ Owen chuyện nghiên cứu tình trạng các bệnh nhân sống trong tình trạng thực vật qua kỹ thuật đo từ trường hoạt động não bộ, và là tác giả của 160 bài viết trên các nguyệt san y khoa thế giới. Cuộc nghiên cứu năm 2006 có tựa đề ”Kiểm sát ý thức trong tình trạng thực vật”, trong đó bác sĩ Owen cùng với bác sĩ Martin Colemann và chuyên viên não bộ người Bỉ Steven Laureys so sánh ý thức của một người khỏe mạnh và một bệnh nhân trong tình trạng thực vật và chứng minh cho thấy bệnh nhân sống tình trạng thực vật không chỉ có ý thức đối với những gì xảy ra chung quanh, mà còn có thể hiểu các lời người khác nói với họ. Từ năm 2006 tới nay nhóm bác sĩ nói trên đã áp dụng phương pháp đo từ trường hoạt động của não bộ của 17 bệnh nhân sống trong tình trang thực vật, bắt đầu là một thiếu nữ 23 tuổi bị tai nạn y như trường hợp của Eluana.

Thật ra đã có trường hợp người bị hôn mê tỉnh dậy sau nhiều năm sống trong tình trạng thực vật. Điển hình nhất là trường hợp của anh Terry Wallis, thợ máy tại Arkansas, bị hôn mê sau tai nạn xe hơi xảy ra ngày 13 tháng 7 năm 1984, và đã tỉnh lại sau 19 năm sống trong tình trạng thực vật ngày 11 tháng 6 năm 2003. Hôm đó cô ý tá đưa bà mẹ anh vào thăm anh và hỏi thuộc lòng anh có biết ai đây không anh trả lời ”mẹ”.

Phán quyết của tòa án Milano liên quan tới vụ cô Eluana đã khiến cho các đảng phái chính trị Italia phò hay chống việc trợ tự đều phản đối. Họ đòi phải đem vấn đề ra quốc hội thảo luận và bỏ phiếu làm thành luật, viện cớ rằng Italia chưa có luật cho phép giết người êm dịu, nên phán quyết của tòa tổng biện lý Milano không có hiệu lực.

Ngày 11 tháng 11 tới đây Tòa Thượng Thẩm Italia sẽ đưa ra phán quyết định đoạt chung kết về vụ này. Trong khi các nữ tu săn sóc Eluana từ 14 năm qua trong nhà thương do các chị điều khiển tại Lecco, cho biết các chị sẽ không bao giờ rút ống chuyền thực phẩm và nước cho Eluana. Nếu thân phụ của chị muốn làm điều đó thì đến đón chị về. Các chị nói rằng nếu ông coi con gái của ông đã chết rồi, thì cứ để Eluana sống với các chị, vì Eluana giờ đây là thành phần trong cộng đoàn các nữ tu làm việc tại nhà thương.

Liên quan tới cuộc thảo luận ngày 30-10-2008 tại Catania trên đảo Sicilia, bác sĩ Rito nói: ”Chúng tôi không muốn chỉ thảo luận một cách triết lý và trừu tượng, nhưng muốn chứng minh cho thấy các quyết định vội vã của luật lệ Italia có thể đưa tới các hậu qủa nào, như đã xảy ra tại vài nước Âu châu”.

Hiệp hội Khoa Học và Sự Sống quy tụ các thành viên thuộc nhiều chuyên viên và các giáo sư cộng tác trong chương trình thăng tiến sự sống và bảo vệ các quyền con người, bắt đầu bằng quyền sống của các bệnh nhân hôn mê hay trong tình trạng thực vật. Họ có quyền được cung cấp thực phẩm và thuốc men. Năm 2007 hiệp hội đã tổ chức các buổi hội thảo về đề tài luân lý sinh học tại các trường học để gây ý thức cho các học sinh đối với các vần đề phẩm giá con người và cuộc sống.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của bà Maria Elena Villa, Chủ tịch hiệp hội Cầu Vồng 92, về bổn phận cung cấp lương thực và nước uống cho các bệnh nhân trong tình trạng thực vật.

Hiệp hội Cầu Vồng 92 là một hiệp hội có trụ sở tại Roma, nhắm mục đích phục hồi người bị hôn mê, và là một trong số các hiệp hội thuộc Mạng Lưới bênh vực các bệnh nhân bị chấn thương não sọ và phải rơi vào tình trạng hôn mê hay thực vật. Mục đích của các hiệp hội này là làm sao để các gia đình có thể săn sóc người thân của họ bị rơi vào tình trạng này. Nó theo cùng đường hướng với sứ điệp cho Ngày Sự Sống 2009 của Hội Đồng Giám Mục Italia. Trong đó các Giám Mục mạnh mẽ chống lại việc giết người êm dịu và khẳng định rằng sự sống con người là một thiện ích không thể bị xúc phạm và không thể bị định đoạt thế nào cũng được. Vì thế không bao giờ được hợp thức hóa hay dễ dãi đối với việc bỏ săn sóc các bệnh nhân cũng như bám víu vào việc chữa trị bằng mọi cách.

Hỏi: Thưa bà Villa xin bà gii thích chương trình của hiệp hội Cầu Vồng 92. Nó là chương trình gì vậy?

Đáp: Chúng tôi đang cộng tác với nhà thương thánh Raffaele ở Roma để thực hiện một “nhà” trong đó các thân nhân của một bệnh nhân ở trong tình trạng thực vật có thể được chuẩn bị trên bình diện cụ thể và tâm lý để săn sóc người thân của họ tại gia. Chúng tôi tin rằng đem các bệnh nhân đó về săn sóc trong gia đình là điều có thể làm được.

Hỏi: Các hiệu qủa của việc đưa bệnh nhân về săn sóc ti nhà như thế nào thưa bà và nó rất tốn phí có đúng thế không?

Đáp: Các hiệu qủa rất nhiều và khác nhau. Chúng ta biết là tại Italia các cơ cấu loại này không có nhiều và thường khi chúng khiến cho các bênh nhân và người thân của họ lang thang khắp nơi trong nước Italia để tìm nơi tiếp nhận họ. Điều này cũng có nghĩa là cuộc sống của họ bị đảo lộn, lại rất tốn kém và tạo ra các vấn đề kinh tế. Và đương nhiên nó cũng có nghĩa là phải giải tỏa các giường của các phòng hồi sinh và nơi ở dành cho người già. Bất đắc dĩ phải làm như thế, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời quan trọng nhưng không thích hợp.

Vì việc săn sóc một bệnh nhân tại gia đình như thế rất tốn phí nên trong dự án thực hiện tại Roma này chúng tôi sẽ lôi cuốn các hiệp hội y tế địa phương cộng tác với Trung tâm chuyển tiếp để yểm trợ việc săn sóc các bệnh nhân tại gia với các chuyên viên cũng như các dụng cụ thích hợp. Chúng tôi xác tín rằng sự đầu tư vào việc đào tạo có thể là một trợ giúp lớn cho các gia đình có các bệnh nhân não bộ tiết kiệm các chi phí. Và đây là cơ cấu đầu tiên loại này tại Italia. Ngày 12 tháng 12 năm nay chúng tôi cũng sẽ tổ chức một đại hội tại nhà thương San Raffaele tỉnh Velletri để thảo luận về dự án này và các vấn đề của những người ở trong tình trạng thực vật.

Hỏi: Thưa bà, hiệp hội Cầu Vồng 92 còn có các sinh hoạt nào khác nữa không?

Đáp: Từ năm 1999 tới nay cùng với Ngân Qũy Thánh Nữ Lucia tại Roma chúng tôi còn có ”Nhà Dago” là một cơ cấu tiếp đón các bệnh nhân ra khỏi tình trạng hôn mê và một người thân của họ sau khi ra khỏi nhà thương để giúp họ hồi phục và tái hội nhập cuộc sống gia đình, cuộc sống xã hội cũng như cuộc sống nghề nghiệp. Trong cơ cấu này có một nhóm các chuyên viên đa nghành làm việc nhằm mục đích thăng tiến các khả năng và tiềm lực còn lại của một bệnh nhân đã ra khỏi tình trạng hôn mê.

Hỏi: Trong các tháng qủa bà và các thành viên hiệp hội Cầu Vồng 92 đã sống các tin tức liên quan tới trường hợp của cô Eluana Englaro như thế nào?

Đáp: Như qúy vị có thể tưởng tượng được. Chúng tôi đã theo dõi và đã sống kinh nghệm này một cách rất đau khổ. Bởi vì hằng ngày chúng tôi tiếp xúc với các anh chị em phải sống trong các tình trạng tương tự như cô Eluana, và chúng tôi rất lo sợ. Chúng tôi rất hiểu và tôn trọng nỗi đớn đau và âu lo của thân phụ của cô là ông Beppino Englaro, nhưng chúng tôi tự hỏi các lựa chọn của ông quyết định không chuyền thực phẩm và nước cho Eluana nữa và để cho cô chết, vì thiếu thực phẩm và nước, các quyết định đó sẽ có các âm hưởng tiệu cực nào trên những gia đình có thân nhân ở trong cùng tình trạng như vậy. Nếu người ta cho rằng người sống trong tình trạng thực vật không phải là sự sống nữa, thì một số các bệnh nhân mà chúng tôi trợ giúp cũng cảm thấy được phép xin như thân phụ của cô Eluana. Nhưng chúng ta có chắc đó là phương thế duy nhất không?

Hỏi: Như vậy thì phải theo con đưng nào thưa bà Villa?

Đáp: Cần phải gây ý thức cho dư luận công cộng và xã hội biết và nói rằng các bệnh nhân ở trong tình trạng thực vật là các bản vị con người với tất cả mọi quyền lợi, tuy não bộ của họ thôi hoạt động, nhưng họ vẫn duy trì nguyên vẹn tất cả các nhiệm vụ sinh động khác. Nếu người ta phủ nhận họ là bản vị con người có quyền được nuôi dưỡng, thì mọi công việc chúng tôi làm đều tan thành mây khói. Như chúng ta cho các trẻ em ăn uống vì chúng không thể tự ăn uống được, thì các bệnh nhân ở trong tình trạng thực vật cũng thế, vì thế cần phải cung cấp thực phẩm và nước uống cho họ, vì họ không tự ăn uống được. Nếu không thì các bệnh nhân trong tình trạng thực vật sẽ chết đói chết khát và phải vô cùng đau đớn.

Hỏi: Trên đây chúng ta đã nói là khó mà có thể tìm ra một cơ cấu tiếp nhận một bệnh nhân loại này, vì thế nên hiệp hội Cầu Vồng 92 mới đưa ra chương trình đào tạo thân nhận để cóp thể đem bệnh nhân về nhà săn sóc...

Đáp: Vâng, chắc chắn là như thế. Tôi tin rằng các nữ tu đang săn sóc cho cô Eluana tại tỉnh Lecco từ biết bao nhiêu năm nay đang làm một việc trợ giúp rất tốt, và không dễ tìm ra một nơi như thế tại các tỉnh khác của Italia. Có biết bao nhiệu gia đình phải lo lắng cho người thân của họ ở trong tình trạng này, mà không nhận được sự trợ giúp nào. Vì thế cô Eluana đã may mắn tìm được một nơi trong đó cô được săn sóc với nhiều tình thương mến như vậy.

(Avvenire 16-10-2008)
 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.