2008-10-18 16:17:11

Chính trị và tôn giáo không thể chống đối nhau khi thực sự phục vụ công ích


  Ngày mùng 4 tháng 10 vừa qua, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chính thức viếng thăm tổng thống Cộng Hòa Italia, ông Giorgio Napolitano, để đáp lễ cuộc viếng thăm của tổng tống tại Vaticăng ngày 20 tháng 11 năm 2006. Đây là lần thứ 9 một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm tổng thống Italia tại điện Quirinale, kể từ cuối năm 1939, tức 10 năm sau khi Italia và Tòa thánh ký kết hiệp đinh Laterano. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã viếng thăm điện Quirinale lần đầu tiên ngày 24 tháng 6 năm 2005 thời tổng thống Azeglio Ciampi, tức là 5 tuần sau khi được bầu làm chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ.

Trong diễn văn chào mừng Đức Thánh Cha tổng thống Napolitano nhấn mạnh rằng các nỗ lực nhằm phục vụ công ích không hề làm lu mờ sự phân biệt giữa lãnh vực chính trị và tôn giáo. Trái lại nó củng cố ý niệm về đặc tính đời của Nhà Nước. Và đặc tính đời này bao hàm việc nhìn nhận chiều kích xã hội và công cộng của sự kiện tôn giáo. Nó không chỉ bao gồm sự tôn trọng việc kiếm tìm đáp ứng các nhu cầu thiêng liêng đang thúc đẩy tất cả và từng tín hữu, nhưng cả việc đối thoại nữa, một sự đối thoại dựa trên thái độ tự nhiên và cởi mở.

Tổng thống Napolitano cũng khẳng định rằng có một giá trị tối cao hướng dẫn các hoạt động của Nhà Nước: đó là việc tôn trọng phẩm giá con người dưới mọi hình thức và ở khắp mọi nơi. Đó là điều Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI và giáo huấn Giáo Hội vẫn dậy. Sự tôn trọng đó bao hàm ý thức và việc thực thi tình liên đới, trong đó có cả vấn đề của người di cư vào Âu châu.

Ngỏ lời với tổng thống và đông đảo các vị lãnh đạo cấp cao nhất của chính quyền Italia cũng như quan khách đạo đời, Đức Thánh Cha bầy tỏ hài lòng vì sự chung sống hòa bình và cộng tác hiệu qủa giữa chính quyền Italia và Tòa Thánh. Ngài nói: ”Chuyến viếng thăm này của tôi muốn khẳng định rằng Quirinale và Vaticano không phải là hai ngọn đồi làm lơ không biết tới nhau, nhưng đúng hơn chúng biểu tượng cho sự tôn trọng hỗ tương chủ quyền của Nhà Nước và của Giáo Hội, sẵn sàng cộng tác với nhau để thăng tiến và phục vụ thiện ích toàn diện của con người và cuộc chung sống hòa bình”.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong diễn văn: ”Trong thời đại có nhiều biến chuyển thường là đau thương như hiện nay, Giáo Hội tiếp tục đề nghị với mọi người sứ điệp cứu độ của Tin Mừng, và dấn thân góp phần xây dựng một xã hội dựa trên sự thật và tự do, dựa trên việc tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, dựa trên công lý và tình liên đới xã hội. Vì thế, như tôi đã nhắc nhở trong các dịp khác, Giáo Hội không nhắm chiếm hữu quyền bính, cũng chẳng đòi hỏi đặc ân, hoặc khao khát những lợi thế kinh tế và xã hội nào khác. Mục đích duy nhất của Giáo Hội là phục vụ con người, noi theo giáo huấn và gương lành của Chúa Giêsu Kitô, và Giáo Hội coi đây là quy luật hành xử tối cao của mình.

Để chu toàn sứ mệnh đó, Giáo Hội cần được hưởng quyền tự do tôn giáo, luôn luôn và ở khắp mọi nơi, trong toàn bộ của nó. Tại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc năm nay nhân kỷ niệm 60 năm ban hành Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền, tôi đã muốn tái khẳng địnih rằng: ”Người ta không thể giới hạn việc bảo đảm sự tự do toàn vẹn vào việc tự do thi hành việc phụng tự. Trái lại cần phải chú ý tới chiều kích công cộng của tôn giáo một cách đúng đắn, và như thế có nghĩa là để ý tới việc các tín hữu có thể đóng góp phần mình vào việc xây dựng trật tự xã hội (Diễn văn ngày 18-4-2008).

Tiếp đến ĐTC đề cập tới trách nhiệm và sự đóng góp của Giáo Hội và của các tín hữu cho các thế hệ trẻ. Vì vấn đề giáo dục giới trẻ với sự tham dự của gia đình và học đường vốn là chìa khóa không thể thiếu được trong nỗ lực xây dựng xã hội.

Vì thế Đức Thánh Cha cầu mong các cộng đoàn kitô và các tổ chức của Giáo Hội Italia biết huấn luyện con người, đặc biệt là giới trẻ, trở thành những công dân có tinh thần trách nhiệm và dấn thân trong đời sống dân sự. Ngài nói: ”Tôi chắc chắn rằng các vị chủ chăn và tín hữu sẽ tiếp tục đóng góp phần quan trọng để xây dựng công ích của đất nước, cũng như của Âu châu và toàn gia đình nhân loại, nhất là trong giai đoạn bấp bênh về kinh tể và xã hội hiện nay, cần đặc biệt chú ý tới người nghèo và các anh chị em bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, cũng như các người trẻ đang tìm công ăn việc làm và những người thất nghiệp, các gia đình và người già. Tôi cũng cầu mong sự đóng góp của Giáo Hội được mọi người sẵn sàng đón nhận. Không có lý do gì để lo sợ rằng Giáo Hội và các phần tử của mình lạm dụng gậy hại cho sự tự do. Giáo Hội và các tín hữu cũng mong muốn rằng quyền tự do không phản bội lương tâm của mình được nhìn nhận”.

Lậy Chúa, trong lịch sử tương quan giữa các chính quyền và Giáo Hội đã có qúa nhiều ác ý, vu khống, lẫn lộn và hiểu lầm tạo ra các xung khắc căng thẳng làm tiêu hao biết bao nhiêu tài lực và nhân lực một cách uổng phí vô ích và vô lý. Xin Chúa giúp hàng lãnh đạo chính trị xã hội khắp nơi trên thế giới một cách đặc biệt tại Việt Nam, biết tôn trọng quyền tự do của các tôn giáo và để cho các tôn giáo góp phần chung xây đất nước qua các sinh hoạt giáo dục, y tế, bác ái xã hội và thăng tiến an sinh.

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.