2008-10-13 17:02:07

Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới kỳ 12 (5)


VATICAN. Sáng 13-10-2008, 234 nghị phụ Thượng HĐGM thế giới đã nhóm phiên họp toàn thể thứ 12 dưới quyền chủ tọa theo lượt của ĐHY William Levada, người Mỹ, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin.

Đã có 29 nghị phụ phát biểu ý kiến về các vấn đề như hội nhập Tin Mừng vào các nền văn hóa địa phương, Lời Chúa trong việc đối thoại liên tôn, bàn tiệc Lời Chúa trong Thánh Lễ, cụ thể là vấn đề các bài giảng: các vị giảng thuyết phải chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng, trong kinh nguyện và suy tư, làm sao để mang lại của ăn tinh thần cho các tín hữu suốt trong một tuần lễ. Một vài nghị phụ than phiền vì có những bài giảng thánh lễ chúa nhật chẳng ăn nhập gì với Tin Mừng và cuộc sống thường nhật. Một số vị khác nói về việc huấn luyện về Kinh Thánh cho các chủng sinh tại chủng viện, việc sử dụng các phương tiện truyền thông để rao giảng Lời Chúa, sự quan tâm đến tiếng kêu của dân nghèo v.v..

Ban chiều Thượng HĐGM không nhóm họp. ĐTC và các nghị phụ đã đến hành hương tại Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành nhân dịp Năm Thánh Phaolô Tông đồ, và đã tham dự buổi hòa nhạc từ lúc 6 giờ chiều do Ban nhạc Philharmonica của thành phố Vienne bên Áo trình diễn tại đây tặng Thượng HĐGM. Dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Christoph Eschenbach, ban nhạc đã trình bày bản hợp ca số 6 của Anton Bruckner. Buổi hòa nhạc này cũng nằm trong khuôn khổ Lễ Hội quốc tế lần thứ 7 về Âm Nhạc và Nghệ Thuật thánh diễn ra tại Roma từ ngày 12-10 đến 29-11 tới đây.

Sau đây là một số ý kiến của các nghị phụ qua các bài phát biểu.

Khuyến khích tín hữu có sách Kinh Thánh

Một số nghị phụ nêu vấn đề cơ bản: để khuyến khích giáo dân đọc Kinh Thánh thì trước tiên phải làm sao để họ có sách Kinh Thánh và phải cổ võ việc dịch Kinh Thánh ra các ngôn ngữ chưa có bản dịch Kinh Thánh.

Trong bài tham luận hôm 9-10-2008 Đức Cha Ignatius Kaigama, TGM giáo phận Jos bên Nigeria, đề nghị khuyến khích mỗi tín hữu Công Giáo có một cuốn Kinh Thánh riêng, và chắc chắn là điều sẽ giúp gia tăng lòng yêu mến và quí chuộng Kinh Thánh. Đức Cha Kaigama cho biết nhiều khi Giáo Hội tại Nigeria đòi các tín hữu phải có một cuốn Kinh Thánh như một điều kiện trước khi họ được lãnh nhận phép rửa tội, thêm sức hoặc hôn phối.
Giáo Hội tại Nigeria cũng cổ võ các tín hữu Công Giáo có phương tiện hãy giúp cung cấp sách Kinh Thánh cho người khác thiếu thốn hơn, vì các ấn bản Kinh Thánh Công Giáo rất đắt, và các ấn bản Kinh Thánh bằng tiếng địa phương hầu như không có.

Đức TGM Kaigama cho biết các cha mẹ cũng được yêu cầu mang một cuốn Kinh Thánh đến nhà thờ trong lễ rửa tội cho con cái, cuốn sách này sẽ được giữ cho con cho đến khi em có thể đọc được. Ngài nói: ”Chúng tôi khuyến khích việc đặt Kinh Thánh trên bàn thờ và chia sẻ Kinh Thánh tại gia giữa các phần tử trong gia đình, chúng tôi cũng khuyến khích sở hữu Kinh Thánh, cả những người không thể đọc được.. Lời Chúa sẽ phải mang lại hương vị cho đời sống Kitô chân chính”.

Đức Cha Kaigama nhận xét rằng: ”Rất tiếc là khi đụng đến các vấn đề bộ tộc hoặc chính trị, thì những người cùng chia sẻ Lời Chúa và Thánh Thể, lại sẵn sàng cầm võ khí chống lại nhau. Sở dĩ những cuộc xung đột như thế có thể xảy ra là vì Chúa Giêsu và Kinh Thánh không có chỗ đứng quan trọng và chỉ chiếm hàng thứ yếu trong đời sống dân chúng. Cũng có thể là khi Lời Chúa chỉ được hiểu và đón nhận hời hợt, thì các tín hữu dễ rơi vào tình trạng tôn giáo hỗn hợp, vừa là phần tử bình thường của Giáo Hội và đồng thời lại theo những hội kín”.

Theo Đức TGM Kagaima, cần có những cuộc họp liên gia, các nhóm học hỏi giáo lý, đọc và chia sẻ Kinh Thánh hằng ngày để Lời Chúa có thể giúp các tín hữu Kitô ăn rễ sâu trong các giá trị Tin Mừng và giúp biển cải xã hội và gia đình về mặt kinh tế, chính trị và xã hội.

Dịch và phổ biến Kinh Thánh

Đức Cha Vincenzo Paglia, GM giáo phận Terni, Chủ tịch Liên hiệp Kinh Thánh thế giới, trong bài tham luận, cũng nói về việc cung cấp Kinh Thánh cho các tín hữu, đặc biệt là các bản dịch trong các ngôn ngữ chưa có Kinh Thánh. Ngài nói:

”Cần cấp thiết có một Lễ Hiện Xuống mới. Chúng ta phải ra khỏi nhà Tiệc Ly và rao giảng Tin Mừng duy nhất trong các ngôn ngữ khác nhau cho ”70 dân tộc”, tức là cho tất cả mọi dân tộc trên trái đất. Một thách đố được mở ra cho chúng ta: trên trái đất có hơn 6 ngàn ngôn ngữ nhưng Kinh Thánh trọn bộ mới được dịch ra 480 thứ tiếng mà thôi, và Tân Ước được dịch ra 1.168 ngôn ngữ. Còn lại hơn 4 ngàn thứ tiếng nữa. Chúng ta đang có trước mặt một công tác lớn, kể cả về mặt kinh tế nữa. Đối với một số ngôn ngữ, có thể tái diễn một cuộc phiêu lưu, đó là hình thành chữ viết của ngôn ngữ ấy nhờ bản dịch Kinh Thánh. Hiển nhiên, đây là một thách đố thuộc phạm vi mục vụ. Hiệp định giữa Liên hiệp Kinh Thánh Công Giáo thế giới với các Hội Kinh Thánh của các Giáo Hội Kitô khác là một thí dụ nhỏ về sự hiệp thông cả trong lãnh vực đại kết. Điều cần thiết là làm sao để từ Thượng HĐGM này nảy sinh một nhiệt huyết hăng say mới mẻ đối với Kinh Thánh, như chân phước Giáo Hoàng Gioan 23 đã nói. Có những điều kiện để đạt được sự hăng say đó vì người ta cũng thấy sự hăng say phấn khởi ấy nơi dân chúng.

”Cuộc điều tra do Liên hiệp Kinh Thánh Công Giáo thực hiện cho thấy sự hưởng ứng của nhiều người đối với Kinh Thánh. Phần lớn những người được hỏi ý kiến tại 16 quốc gia trên thế giới đều nghĩ rằng thật là một điều tốt đẹp nếu Kinh Thánh được giảng dạy tại học đường. Nhưng đồng thời tất cả đều cho rằng Kinh Thánh thật là khó hiểu và dân chúng cần được giúp đỡ để hiểu Kinh Thánh. Các dữ kiện trong cuộc điều tra cho thấy nguyên Kinh Thánh mà thôi (Sola scriptura) vẫn không đủ. Cần phải có sự tháp tùng. Đó thực là thách đố được đề ra cho chúng ta.

”Nhưng chúng ta không nên sợ đặt Kinh Thánh vào tay tất cả mọi người, không những các tín hữu mà thôi, nhưng cả những người khác nữa. Điều đáng tiếng là tuy nhiều gia đình đều có sách Kinh Thánh, nhưng rất ít khi mỗi tín hữu Kitô có cuốn Kinh Thánh riêng. Theo ý tôi, điều này phải là một trong những đối tượng của Thượng HĐGM này. Vả lại, như các Giáo Phụ đã nói, nếu Kinh Thánh là ”lá thư tình của Thiên Chúa gửi cho con người, thì tại sao lại chậm trễ hoặc tệ hơn nữa, tại sao lại tránh né không trao lá thư tình ấy cho con người? Hơn nữa, chúng ta cần cố gắng gấp đôi để thực hiện chương trình tháp tùng việc đọc Kinh Thánh. Dân chúng cần phải học cầu nguyện với Kinh Thánh. Rất tiếc là cuộc điều tra cho thấy chỉ có một số rất nhỏ tín hữu thực hành việc này. Mục tiêu mà chúng ta phải đề ra là làm sao giúp các tín hữu và mọi người đọc Kinh Thánh đi sâu vào cuộc nói chuyện huyền nhiệm và cứu độ trong toàn thể Kinh Thánh. Việc siêng năng đọc Kinh Thánh mở rộng tâm trí và sưởi ấm tâm hồn”.

Đc Cha Louis Pelâtre, Đại diện Tông Tòa Istanbul, Thổ Nhĩ kỳ, trong bài phát biểu đã nói rằng:

”Tôi đến từ Tiểu Á, hiện nay là Thổ Nhĩ Kỳ. Phần lớn các sách Tân Ước đã được viết ra tại miền này. Sứ vụ của các Tông Đồ qua các miền này đặt cho chúng tôi vấn đề thông truyền sứ điệp qua các ngôn ngữ địa phương. Tiếng Hy Lạp truyền lại cho chúng tôi đã đi sau truyền khẩu và là một cố gắng dịch thuật. Hiến chế Dei Verbum của Côngđồng chung Vatican 2 nhắc nhở rằng các GM là những vị trách nhiệm đầu tiên trong việc giải thích Kinh Thánh và lưu ý về số 25 liên quan tới việc dịch Sách Thánh với những giải thích cần thiết đi kèm.

”Hiện nay trên thế giới có những Ủy ban rất tốt để dịch Kinh Thánh trong nhiều tiếng quốc tế, nhưng còn những ngôn ngữ ít người nói thì sao? Đây là một vấn đề thực sự ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cần phải ca ngợi các anh em thuộc các Hội Kinh Thánh Tin Lành, từ lâu đã hoạt động rất tốt trong lãnh vực này, nhưng đồng thời cũng phải lấy làm tiếc vì Giáo Hội Công Giáo không hiện diện đủ và thiếu nhân sự có khả năng để tham gia vào nỗ lực dịch Kinh Thánh có chất lượng, vốn là điều kiện tiên quyết để thực thi việc rao giảng Tin Mừng trong ngôn ngữ của dân chúng. Vì thế, tôi kêu gọi tất cả các hội thừa sai hãy dành ưu tiên cho việc chọn lựa những người có khả năng về ngôn ngữ Kinh Thánh cũng như tiếng địa phương để thực hiện những bản dịch Kinh Thánh xứng đáng với Lời Chúa mà chúng ta muốn loan báo. Đáng tiếc là người ta dễ tìm được tiền bạc để in những sách đẹp, nhưng lại lại khó tìm được phương tiện để đảm bảo chất lượng của nội dung. Điều này giả thiết là phải tìm được những người thiện nguyện sẵn sàng làm công tác âm thầm lâu dài và vất vả này, như một bước đầu tiên để thực hiện công trình truyền giáo của Giáo Hội.

Tại sao giáo dân Công Giáo không đọc Kinh Thánh?

Đức Cha Benoit Comlan Messan Alowonou, GM giáo phận Kpalimé ở Togo, Phi châu, trong bài phát biểu đã nêu câu hỏi:

”Tại sao có nhiều tín hữu Công Giáo cảm thấy dửng dưng lãnh đạm đối với Kinh Thánh?”. Câu hỏi này đã được các GM Togo đặc biệt lưu ý. Biết rõ tại sao nhiều tín hữu Công Giáo không quan tâm đọc và học hỏi Kinh Thánh là một điều tiên quyết để thành công trong phần lớn các sáng kiến Kinh Thánh, đáp ứng yêu cầu của Hiến chế Dei Verbum.

”Tại Togo, người ta ghi nhận rằng trong hầu hết các giáo xứ, có nhiều tín hữu Công Giáo tỏ ra khao khát Lời Chúa, nhưng chẳng bao lâu họ không quan tâm đến vấn đề này nữa.

”Để giúp các vị bản quyền tổ chức một nền mục vụ Kinh Thánh, một cuộc nghiên cứu đã được các nhà xã hội học, các LM, tu sĩ và giáo dân được thực hiện. Cuộc nghiên cứu cho thấy lý do tại sao nhiều tín hữu Công Giáo không quan tâm đến Kinh Thánh.

”Lý do thứ I quan trọng hơn cả, có là sự không quan trọng của việc học Kinh Thánh. Các nghiên cứu học hỏi Kinh Thánh chỉ làm cho các tín hữu quan tâm theo mức đọ nó hay ho, tức là giúp họ giải quyết những vấn đề sơ đẳng hay ít là đối với họ là một nguồn gợi ích hữu hiệu. Kinh Thánh hữu ích thế nào trong đời sống thường nhật? về phương diện tinh thần, về phương diện kinh tế, chính trị và xã hội, v.v. Tóm lại, Kinh Thánh hữu ích thế nào trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

”Các tín hữu Công Giáo không được huấn luyện đủ về tầm quan trọng của Kinh Thánh và về các chương trình giảng dạy. Các giáo dân được huấn luyện kỹ có thể giúp họ tổ chức và hướng dẫn các nhóm.

Những khó khăn về kinh tế: thời gian học Kinh Thánh được coi như thời giờ uổng phí. Đàng khác, khả năng yếu về kinh tế không cho phép họ mua Kinh Thánh Công Giáo quá đắt đỏ.

G. Trần Đức Anh OP







All the contents on this site are copyrighted ©.