2008-10-04 15:53:49

Đức Thánh Cha viếng thăm tổng thống Italia


ROMA. Sáng 4-10-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã viếng thăm chính thức tổng thống Cộng hòa Italia, Ông Giorgio Napoletano.

ĐTC đáp lễ cuộc viếng thăm của tổng thống Napoletano tại Vatican ngày 20-11 năm 2006, ít lâu sau khi ông được bầu làm vị nguyên thủ của Italia. Đây là lần thứ 9 một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm tổng thống Italia tại điện Quirinale kể từ cuối năm 1939, tức là 10 năm sau khi Italia và Tòa Thánh ký kết hiệp định Laterano. Điện Quirinale trước khi là dinh của Đức Giáo Hoàng trong 2 thế kỷ, cho đến khi bị Italia chiếm hồi năm 1870, chấm dứt nước Tòa Thánh.

ĐTC Biển Đức 16 đã viếng thăm tại Điện Quirinale lần đầu tiên ngày 24-6-2005 thời tổng thống Carlo Azeglio Ciampi, tức là 5 tuần sau khi được bầu làm Giáo Hoàng.

Khi ĐTC rời khỏi quảng trường thánh Phêrô và tiến vào lãnh thổ Italia, ngài được ngoại trưởng Franco Frattini cùng với một số quan chức chính quyền Italia chào đón. Sau đó, khi tới Quảng trường Venezia, ngài đã xuống xe chào Ông Đô trưởng Allemano, trước khi được đoàn quân kỵ mã danh dự tháp tùng đến Điện Quirinale.
Sau nghi thức tiếp đón, ĐTC đã hội kiến riêng với Tổng thống Giorgio Napoletano.

Trong diễn văn lúc 12 giờ tại phòng khánh tiết, trước sự hiện diện của đông đảo quan khách đạo đời, trong đó có các vị lãnh đạo cấp cao nhất của ĐTC, bày tỏ hài lòng vì tại thành Roma này, Nhà Nước Italia và Tòa Thánh sống chung hòa bình và cộng tác hiệu quả với nhau. Ngài nói: ”Cuộc viếng thăm này của tôi muốn khẳng định rằng Quirinale và Vaticano không phải là hai ngọn đồi làm lơ không biết nhau hoặc đối đầu với nhau; đúng hơn đó là những nơi biểu tượng sự tôn trọng hỗ tương chủ quyền của Nhà Nước và của Giáo Hội, sẵn sàng cộng tác với nhau để thăng tiến và phục vụ thiện ích toàn diện của con người và cuộc sống chung hòa bình. Đó là một thực tại diễn ra hầu như hằng ngày ở các cấp độ và các nước khác có thể nhìn để rút ra những bài học hữu ích”.
ĐTC đặc biệt nhắc đến sự kiện cuộc viếng thăm của ngài diễn ra vào ngày lễ kính thánh Phanxicô Assisi, bổn mạng của Italia. Ngài nhận định rằng:

”Nơi vị thánh này, chúng ta có thể nhận thấy hình ảnh sứ mạng trường kỳ của Giáo Hội và tương quan với xã hội dân sự. Trong thời đại hiện nay với những biển chuyển sâu rộng, và thường là những thay đổi đau thương, Giáo Hội tiếp tục đề nghị cho mọi người sứ điệp cứu độ của Tin Mừng và dấn thân góp phần xây dựng một xã hội dựa trên sự thật và tự do, trên niềm tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, trên công lý và tình liên đới xã hội. Vì thế, như tôi đã nhắc nhớ trong những dịp khác, Giáo Hội không nhắm quyền bính, cũng chẳng đòi đặc ân hoặc khao khát những địa vị lợi thế về kinh tế và xã hội. Mục đích duy nhất của Giáo Hội là phục vụ con người, lấy hứng từ lời nói và gương lành của Chúa Giêsu Kitô và coi đây là qui luật hành xử tối cao”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Để chu toàn sứ mạng của mình, Giáo Hội cần được hưởng quyền tự do tôn giáo luôn luôn và ở mọi nơi, quyền này được nhìn trong toàn bộ. Tại Đại hội đồng LHQ năm nay, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Tuyên Ngôn quốc tế nhân quyền, tôi đã muốn tái khẳng định rằng: ”Người ta không thể thu hẹp việc bảo đảm toàn vẹn tự do vào việc tự do thi hành việc phụng tự; trái lại, cần phải để ý đúng đắn đến chiều kích công cộng của tôn giáo và như thế có nghĩa là để ý tới việc các tín hữu có thể đóng góp phần của mình vào việc xây dựng trật tự xã hội” (Dv ngày 18-4-2008).

ĐTC nhắc đến trách nhiệm và sự đóng góp của Giáo Hội và các tín hữu trong trách nhiệm đối với các thế hệ trẻ, vấn đề giáo dục giới trẻ vốn là chìa khóa không thể thiếu được, với sự can dự của gia đình và học đường.
ĐTC cầu mong cho các cộng đoàn Kitô và các tổ chức của Giáo Hội Italia biết huấn luyện con người, đặc biệt là giới trẻ, thành những công dân trách nhiệm và dấn thân trong đời sống dân sự. Ngài nói: ”Tôi chắc chắn rằng các vị chủ chăn và tín hữu sẽ tiếp tục đóng góp phần quan trọng để xây dựng công ích của đất nước, cũng như của Âu Châu và toàn gia đình nhân loại, nhất là trong thời điểm bất bênh về kinh tế và xã hội hiện nay, đặc biệt để ý tới những người nghèo và bị gạt ra ngoài lề, những trẻ đang tìm việc làm và những người không có công ăn việc làm, các gia đình và người già.. Tôi cũng cầu mong sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo được mọi người đón nhận với tinh thần sẵn sàng”.
ĐTC nói thêm rằng: ”Không có lý do gì để sợ một sự lạm dụng từ phía Giáo Hội và các phần tử của mình để gây hại cho tự do. Giáo Hội và các tín hữu cũng mong muốn được nhìn nhận quyền tự do không phải phản bội lương tâm của mình được Tin Mừng soi sáng”.
Trước đó, trong diễn văn chào mừng ĐTC, tổng thống Napoletano cho biết Nhà Nước Italia chia sẻ lời nhắc nhở liên lỷ của ĐTC về nguyên tắc công công bình trong việc phân phối tài nguyên và những cơ hội phát triển, đứng trước sức ép của sự bất bình đẳng và nghèo đói, sẽ kéo dài và tái diễn chiến tranh, và những tình cảnh đau khổ và tủi nhục cùng cực tại nhiều miền trên thế giới.

Tổng thống Napoletano nói rằng: ”Một giá trị tối cao hướng dẫn các hoạt động của chúng ta, như ĐTC và giáo huấn của Giáo Hội vẫn dạy, đó là sự tôn trọng phẩm giá con người, dưới mọi hình thức và ở mọi nơi. Sự tôn trọng này, hơn bao giờ hết, bao hàm sự ý thức và thực hành tình liên đới, trong đó có cả vấn đề phức tạp như vấn đề di dân vào Âu Châu, vấn đề mà trách nhiệm và các quyết định của các chính phủ không thể không để ý tới”.
Tổng thống Italia cũng nhận xét rằng sự tập hợp các nỗ lực để phục vụ công ích, giữa tôn giáo và chính trị, không hề làm lu mờ sự phân biệt giữa lãnh vực chính trị và tôn giáo. Trái lại nó củng cố ý niệm đặc tính đời (laicità) của Nhà Nước. Đặc tính này bao hàm sự nhìn nhận chiều kích xã hội và công cộng của sự kiện tôn giáo, nó bao hàm không những việc tôn trọng sự tìm kiếm đang thúc đẩy tất cả và từng tín hữu, nhưng cả sự đối thoại nữa. Một sự đối thoại dựa trên việc thực hành lý trí, dựa trên thái độ tự nhiên tự hỏi và cởi mở. (SD 4-10-2008)

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.