2008-10-04 16:07:55

Cái sẩy nẩy cái ung, sai một ly đi một dặm


Từ hơn một tháng qua các nhóm ấn giáo cuồng tín đã liên tục tấn công bách hại các kitô hữu, bắt đầu tại Kandhamal trong bang Orissa, sau đó tình hình bách hại lan sang nhiều bang khác như Karnataka, Madhya Pradesh, Tamil Nadu và cả Kerala ở miền nam Ấn nữa.

Bạo lực bùng nổ chiều ngày 23 tháng 8, sau khi lãnh tụ ấn giáo Swami Saraswati và 5 đệ tử bị du kích quân mao trạch động ám sát. Các nhóm ấn cuồng tín vu khống kitô hữu dính líu tới vụ này. Và thế là từ đó tới nay các vụ bạo lực tấn kích chống lại kitô hữu đã khiến cho 60 người bị chết, hơn 18 ngàn người bị thương và 50 ngàn người phải tị nạn, 178 nhà thờ và 4600 nhà ở bị đốt phá, 13 trường học và trung tâm xã hội bị phá hủy, trước sự thờ ơ của các lực lượng cảnh sát và nhân viên an ninh. Tại nhiều nơi tín hữu kitô đã biểu tình phản đối trước trụ sở cảnh sát, và tố cáo các lực lượng an ninh là đã bất động trước các làn sóng bạo lực bách hại các tín hữu kitô, nhưng đã không có hiệu qủa gì. Để đối phó với tình trạng bạo lực, chính quyền liên bang đã quyết định gửi 10 lữ đoàn bán quân sự tới các nơi nói trên, nhưng các lực lượng này đã không khiến cho tình hình lắng dịu hơn.

Trong thủ đô New Dehli dân chúng đã tham gia cuộc tuàn hành tưởng niệm ngày sinh của Gandhi kết thúc 7 ngày ngồi biểu tình phản đối của Kitô hữu chống lại làn sóng bách hại. Kitô hữu yêu cầu tôn trọng các nhóm tín hữu thiểu số và tẩy chay nhóm Bajrang Dal, là tổ chức bạo động nhất trong các nhóm ấn giáo cuồng tín.

Làn sóng bạo lực chống kitô hữu đã gây khó khăn cho chính quyền trung ương New Dehli. Xem ra tình hình vuột khỏi tầm kiểm soát của Nhà Nước Ấn. Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vaticăng những ngày vừa qua ông Michelgugliemo Torri, giáo sư Lịch sử cận kim và hiện đại của Á châu thuộc đại học Torino, tác giả cuốn sách tựa đề ”Lịch sử Ấn Độ” cho biết Ấn Độ đang trải qua một cuộc khủng hoảng của trào lưu duy đời. Nhưng đây không phải là hiện tượng mới, mà là một hiện tượng đã bắt đầu từ cuối thập niên 1980. Người ta phổ biến tư tưởng cho rằng chỉ những ai theo Ấn giáo mới là người Ấn độ đích thật, còn các tín hữu theo các tôn giáo khác như Hồi giáo và Kitô giáo và cả nhưng người vô thần, đều không phải là người Ấn.

Có nhiều đảng phái chính trị, đặc biệt là đảng Nhân Dân Ấn cầm quyền giữa các năm 1989-2004 đã biến tư tưởng này thành ý thức hệ. Và trong các năm qua các tổ chức bên ngoài quốc hội ủng hộ ý thức hệ này đã phát động phong trào bách hại các kitô hữu một cách tàn bạo khiến cho hàng chục người bị giết, trong số đó có cả linh mục và tu sĩ, đặc biệt là tại hai bang Orissa và Karnataka. Họ được sự ủng hộ của các chính quyền địa phương và các lực lượng an ninh, nên hầu như đã không có ai can thiệp chống lại các nhóm đàn áp để bênh vực các kitô hữu, trái lại các lực lượng an ninh lại đàn áp các kitô hữu biểu tình phản đối các vụ tấn công này. Tuy hai lãnh tụ chính của chính quyền trung ương và đảng cầm quyền không phải là người Ấn, nhưng phản ứng của chính quyền cho tới nay rất là yếu ớt.

Xem ra khuynh hướng duy đời giảm thiểu và trào lưu ấn giáo cuồng tín gia tăng, nhưng vẫn có một loạt các nhóm cơ bản tranh đấu bảo vệ các giá trị dân chủ, cũng như bênh vực các nhóm thiểu số và khuynh hướng đời. Tại Ấn độ có một lực lượng truyền thông tiếng Anh thường xuyên cho tin tức về các vụ bách hại và tấn kích các kitô hữu với các tài liệu được kiểm chứng do các nhóm chủ hòa cung cấp. Nhưng rất tiếc hai đảng chính là đảng Nhân Dân và đảng Quốc Đại Ấn lại chủ trương theo các nguyên tắc của ấn giáo chính trị.

Từ các sự kiện kể trên giới quan sát viên và dư luận quốc tế nên thận trọng, khi nói tới một nước Ấn dân chủ và tiến bộ. Thực tại của Ấn Độ phức tạp hơn nhiều. Ấn Độ là một quốc gia dân chủ, đúng, nhưng nó cũng là một nước mà các lơi lộc kinh tế nằm trong tay 10% dân sống tại thành thị và 5% dân sống tại nông thôn trên tổng số gần một tỷ dân. Các tư tưởng như Ấn giáo chính trị, tìm ra một kẻ thù nội tại, một con dê đền tội cá nhân trong các nhóm thiểu số, có thể là một cách làm cho dư luận lãng quên các vấn đề thật sự nghiêm trọng. Một trong các vấn đề thật đó là vấn đề của một sự phát triển: một thiểu số người trở nên giầu có còn lại đa số dân Ấn phải sống trong cảnh nghèo túng bần cùng tột độ.

Ngoài ra tư tưởng lệch lạc cho rằng chỉ có các tín hữu Ấn giáo mới thực sự là công dân Ấn, qủa là một tiền đề hoàn toàn sai lạc. Xem ra chẳng có gì quan trọng, nhưng thật sự nó là ”cái sẩy nẩy cái ung, sai một ly đi một dặm” vô cùng tai hại cho cuộc sống chung hài hòa, vì nó dẫn đưa tới chỗ công khai chà đạp các quyền tự do căn bản của con người, trong đó đứng đầu là quyền tự do tông giáo.
 
Linh Tiến Khải










All the contents on this site are copyrighted ©.