2008-09-23 17:29:05

Nỗ lực của Đức Giáo Hoàng Pio XII trong việc cứu sống người do thái


Phỏng vấn giáo sư Andrea Riccardi về nỗ lực của Đức Giáo Hoàng Pio XII trong việc cứu sống người Do thái tại Roma thời thế chiến thứ II

Trong các ngày vừa qua giáo sư Andrea Riccardi, sáng lập viên cộng đồng thánh Egidio, đã cho xuất bản cuốn sách tựa đề ”Mùa đông đài nhất: 1943-1944: Đức Pio XII, người do thái và người đức quốc xã tại Roma”.

Trong sách giáo sư chứng minh cho thấy kiểu Đức Giáo Hoàng Pio XII và Tòa Thánh kháng cự chống lại Đức Quốc Xã trong thời thế chiến thứ II.

Đó đã không phải là một cuộc chiến đấu vũ trang, cũng không phải là một trận chiến du kích nhằm phá hoại hay tuyên bố lén lút, mà là một mạng lưới thầm lặng của các hoạt động trợ giúp và cứu sống những người tị nạn và những người bị Đức Quốc Xã truy lùng. Sự kháng cự của Đức Giáo Hoàng Pio XII và của Tòa Thánh đã bao gồm một loạt các thương lượng ngoại giao với người Đức chiếm đóng Italia và Roma, và hàng loạt các sáng kiến để trợ giúp mọi người ”kháng cự” bạo lực, ở đây đặc biệt là nỗ lực cứu sống các anh chị em do thái khỏi cuộc diệt chủng do Đức Quốc Xã phát động. Trong 9 tháng trời Roma bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, Giáo Hội Công Giáo đã không im lặng thụ động chứng kiến, như có người vẫn cố tình vu khống.

Chất liệu của cuốn sách nói trên đã được giáo sư Riccardi bắt đầu thu thập từ thập niên 1970 qua các cuộc phỏng vấn các anh chị em do thái còn sống sót nhờ sự can thiệp của Đức Giáo Hoàng Pio XII và Tòa Thánh.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn giáo sư Andrea Riccardi, sáng lập viên cộng đoàn thánh Egidio, về nỗ lực của Đức Giáo Hoàng Pio XII trong việc cứu sống người Do thái tại Roma thời thế chiến thứ II.

Hỏi: Thưa giáo sư Riccardi, có thể nói tới ”sự kháng cự” của Đc Giáo Hoàng Pio XII đối với chế đ đức quốc xã hay không?

Đáp: Không. Trước hết vì Giáo Hội không muốn ”kháng cự” mà muốn cứu mạng sống con người. Ngoài ra cần phải tránh việc chú ý thái qúa tới con người của Đức Giáo Hoàng. Sau ngày mùng 8 tháng 9 năm 1943 tại Roma các nam nữ tu sĩ, các linh mục đã tự động rộng mở các giáo xứ và dòng tu để trợ giúp các anh chị em do thái đang trốn tránh Đức quốc xã. Và phong trào cứu sống các anh chị em do thái này đã không chỉ được Tòa Thánh, tức là Đức Giáo Hoàng Pio XII và Đức Ông Montini, Phụ tá Quốc Vụ Khanh, cho phép, mà nhiều lần đã được chính Đức Giáo Hoàng Pio XII và Đức Ông Montini yêu cầu cứu sống các anh chị em do thái. Như thế nếu có nói tới sự kháng cự, thì đó là một kiểu kháng cự thụ động, không trực tiếp và công khai đương đầu với bạo lực.

Hỏi: Giáo sư có thể đưa ra vài con số liên quan tới việc cứu sống các anh chị em do thái tại Roma hay không?

Đáp: Hồi đó người ta thường nói rằng ”nửa thành phố Roma này che dấu cho nửa thành phố Roma kia”. Lý do là vì Tòa Thánh Vaticăng ở bên này sông Tevere, còn hội đường Do thái ở phía bên kia sông. Đã có hơn 4000 anh chị em do thái được tá túc trong các cơ sở của Giáo Hội, nhưng tổng cộng là 10.000 người, nếu kể cả những người lẩn trốn trong các tư gia, trong các tu viện, trong các nhà thương. Chẳng hạn như đại học Laterano đã trở thành một pháo đài của những người lẩn trốn, vì đã tiếp đón 1000 người do thái. Đó đã là một cuộc sống hầm trú, cận kề với thế giới của Giáo Hội.

Hỏi: Trong sách giáo sư đã công bố thông cáo viết bằng hai thứ tiếng Ý và Đức, mà ngày 25 tháng 10 năm 1943 Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã cho dán trên các nhà thờ và các nơi thờ tự trong thành phố Roma. Thông cáo viết rằng: ”Nơi thờ tự này trực thuộc Quốc Gia Thành Phố Vaticăng. Cấm bất cứ cuộc lục soát và khám xét nào”. Có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng thế. Đàng sau bảng thông cáo đó đã có các tiếp xúc giữa Tòa Thánh Vaticăng và Đức Quốc Xã, đã có các trung gian tế nhị, và cả các cám dỗ rũ rê nữa. Đã có một nỗ lực ngoại giao lớn được huy động, và trong một ít lúc nào đó đã bị lung lay, đôi khi do sự nồng nhiệt qúa đáng của quân phát xít. Chẳng hạn như trường hợp của Nhóm Koch đã vào được đan viện Thánh Phaolô, nhờ sự đồng lõa của một đan sĩ. Đây là trường hợp cộng tác duy nhất mà tôi đã tìm ra, khi người cộng sản và người do thái bị khám phá ra tại Laterano.

Hỏi: Như vậy nói rằng Đức Giáo Hoàng Pio XII thinh lặng không can thiệp để cứu sống người Do thái hồi thế chiến thứ hai là không đúng sự thật, có phải vậy không, thưa giáo sư?

Đáp: Đức Pio XII chắc chắn đã chọn kiểu phản ứng không phải bằng việc lên tiếng phản đối hay kêu la, điều này đã là một sự kiện. Tuy nhiên ngài đã xây dựng bên trong Giáo Hội Roma cả một khoảng không gian rất lớn nhằm cứu sống người do thái, bằng cách mở rộng nó ra trong các vùng đất thuộc Giáo Hội và trong tất cả mọi tu viện. Đàng khác chúng ta phải vượt qua lời tố cáo thường tình về ”các thinh lặng” của Đức Pio XII, vì lịch sử không phải là một tòa án: nhiệm vụ của nó là tìm hiểu các sự kiện. Sự tìm hiểu của tôi không có mục đích lên án, cũng không nhằm mục đích ca tụng Giáo Hội, nhưng là thử tìm hiểu một vụ việc đòi buộc phải vượt qua các rào cản của các nhận định hay ý kiến theo các công thức thuộc lòng có sẵn lập đi lập lại. Kể cả ý kiến cho rằng hàng lãnh đạo cấp cao của Tòa Thánh và Giáo Hội rất thận trong hay sợ hãi, nên thinh lặng không lên tiếng để cho tình hình đừng tồi tệ thêm, hay ý kiến cho rằng các thành phần tín hữu khác bên dưới hoàn toàn quảng đại.

Hỏi: Nghĩa là sự thật đã không phải như thế?

Đáp: Giữa nhiều chuyện khác, tôi dựng lại cuộc thảo luận đã xảy ra trong Vaticăng giữa những vị đồng ý cho các anh chị em do thái tá túc trong các cơ sở của Giáo Hội, như Đức Hồng Y Canali, và những vị chống lại lập trường này như Cha Ronca, viện trưởng đại học Laterano. Hồi đó cả trong Tòa Thánh nữa người ta cũng đã không có được một toàn cảnh rõ ràng về các biến cố xảy ra trên thế giới. Trong Tòa Thánh cũng có các gián điệp, và người ta đã hành động dưới ảnh hưởng của nỗi lo sợ thường xuyên là Đức Giáo Hoàng Pio XII có thể bị Đức Quốc Xã bắt đem sang Đức.

Hỏi: Thế Tòa Thánh cũng đã không biết gì về vụ càn quét khu ghetto của ngưi do thái ngày 16 tháng 10 năm 1943, ”ngày kinh hoàng” đó hay sao, thưa giáo sư?

Đáp: Tôi có cảm tưởng là cả Tòa Thánh Vaticăng cũng đã không biết tới vụ lùng bắt này. Liên quan tới phản ứng thì Tòa Thánh theo đường lối ngoại giao của đại sứ Đức, là kênh thông tin duy nhất và hàm hồ không rõ ràng, có được thời đó. Có người cho rằng Tòa Thánh đã thành công trong việc can thiệp cho một vài người trên tổng số 1000 người do thái bị bắt được tự do. Nhưng tin này không được xác định. Cả ở đây nữa, Đức Giáo Hoàng Pio XII đã lựa chọn không lớn tiếng kêu ca. Đây đã không phải là lập trường vô lý, vì trong các người do thái cũng có người nuôi ảo tưởng rằng quân đức quốc xã sẽ bằng lòng với ít vàng cống hiến cho họ, và rất ít người Do thái có được trực giác là sẽ xảy ra nguy cơ điệt chủng.

Hỏi: Nhưng du sao đi nữa sự kiện một Giáo Hội không phò người Do thái, mà lại quảng đi như thế có là điều gây ngạc nhiên hay không thưa giáo sư?

Đáp: Có người đã cho đó là giai đoạn chuẫn bị cho cuộc đối thoại do thái Kitô. Nhưng đã không phải như vậy. Tuy nhiên mọi người đều đã hiểu rằng họ đang sống một thảm cảnh lớn đòi hỏi phải có các nhân đức đặc biệt, và người ta ghi nhận một phản ứng tập thể của thế giới kitô dựa trên các tình cảm nhân đạo. Chẳng hạn tôi đã điều tra về hiện tượng hoán cải: các vụ theo đạo đó có được dẫn dắt hay không? Tình hình thay đổi tùy trường hợp: có những môi trường rất là tôn trọng đối với tới hữu do thái: trong một vài tu viện người ta cho các anh chị em do thái một phòng riêng để cầu nguyện.

Trái lại người ta cũng ghi nhận có vài trường hợp khác rõ ràng có sự thúc đẩy tín hữu do thái theo Kitô giáo. Liên quan tới sự kiện các anh chị em do thái được cứu giúp có trả tiền hay không? Có người nói họ trả các món tiền lớn, nhưng đó là các trường hợp rất họa hiếm. Nói chung thì họ đóng góp những gì có thể, còn bình thường là không có gì cả. Cả trong điểm này nữa cũng cần phải loại bỏ các đơn giản hóa sự kiên đi.

Hỏi: Nhưng mà trong sách giáo sư có kể lại một lần Đc Pio XII đã lên tiếng, có đúng thế không, thưa giáo sư?

Đáp: Đúng thế. Ngày 12 tháng 3 năm 1944, khi Đức Pio XII triệu tập dân chúng Roma tới quảng trường thánh Phêrô để bầy tỏ sự tham gia của ngài vào các thảm cảnh của thành phố. Đó đã là vụ biểu lộ tự do duy nhất của toàn Âu châu bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Và trong số những người lắng nghe Đức Pio XII nói có cả ông Nenni, thuộc đảng cộng sản, lúc đó đang lẩn trốn trong đại chủng viện Roma.

Hỏi: Chỉ vài ngày sau đó là xảy ra vụ tàn sát người dân Roma tại hố Ardeatine. Đc Pio XII đã phản ứng như thế nào thưa giáo sư?

Đáp: Tòa Thánh Vaticăng đã rất là giận dữ trước vụ tàn sát này. Báo Quan Sát Viên Roma định nghĩa hành động của các du kích quân cộng sản mưu sát binh sĩ Đức là ”vô trách nhiệm”. Nó đã là một sai lầm chỉ khiến cho người Đức trở thành cứng rắn hơn mà thôi, trong khi Tòa Thánh Vaticăng tìm cách tránh cho thành phố Roma khỏi trở thành bãi chiến trường và điều khiển được việc chuyển quyền không đau đớn từ binh sĩ Đức sang cho lực lượng Đồng Minh.

(Avvenire 19-9-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.