2008-09-11 18:04:08

Các đặc thái của tông đồ theo quan điểm của thánh Phaolô


Buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 10-9-2008

Sáng thứ tư 10-9-2008 đã có 9000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung với Đức Thánh Cha trong đại thính đường Phaolô VI. Bên cạnh các đoàn hành hương Tây Âu và Bắc Mỹ có các nhóm đến từ Phi châu như Nam Phi và Zambia. Từ Á châu có nhóm Ấn Độ và từ châu Mỹ Latinh có các mhóm Chile, Mehicô, Venezuela và Brasil.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã đề cập đến các đặc tính tông đồ trong cuộc đời thánh Phaolô. Cuộc gặp gỡ đổi đời với Chúa Kitô phục sinh đã khiến cho Phaolô từ chỗ bắt bớ Kitô hữu trở thành tông đồ loan báo Tin Mừng cứu độ.

Bình thường chúng ta theo các Phúc âm và gọi Nhóm Mười Hai với tước hiệu tông đồ, qua đó có ý nói rằng các vị là những bạn đồng hành của Chúa Giêsu và là những người đã lắng nghe lời giảng dậy của Chúa. Nhưng thánh Phaolô cũng cảm thấy ngài là tông đồ thật và xem ra rõ ràng là ý niệm tông đồ của thánh nhân không chỉ hạn hẹp trong Nhóm Mười Hai. Đương nhiên là thánh Phaolô biết phân biệt trường hợp riêng của mình với trường hợp của những người ”đã là tông đồ trước” thánh nhân (Gl 1,17) và thừa nhận thế đứng đặc biệt của các vị trong cuộc sống Giáo Hội. Nhưng mọi người đều biết là thánh nhân hiểu mình là tông đồ trong nghĩa hẹp. Đã không có ai bôn ba trên đường rao truyền Tin Mừng nhiều như thánh nhân. Và Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này như sau:

Như vậy thánh nhân có một quan niệm tông đồ vượt qúa sự gắn bó với nhóm Mười Hai và được thánh Luca truyền lại trong sách Công Vụ (x. Cv 1,2.26; 6,2). Thật thế, trong thư thứ I gửi tín hữu Côrintô thánh Phaolô đã phân biệt rõ ràng giữa ”Nhóm Mười Hai” và ”tất cả các tông đồ khác”, được nhắc tới như là những người đã được Chúa Phục Sinh hiện ra (x. 14,5.7). Cũng trong văn bản này thánh nhân gọi mình là ”người hèn mọn nhất trong các tông đồ”, so sánh mình với một bào thai bị phá và khẳng định rằng: ”Tôi cũng không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Giáo Hội Chúa. Nhưng tôi có là gì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa ở với tôi” (1 Cr 15,9-10). Hình ảnh ám tỷ ”bào thai bị phá” diễn tả sự khiêm tốn tột cùng cũng được thánh Ignazio thành Antiokia dùng trong thư gửi tín hữu Roma: ”Tôi là người rốt hết trong tất cả, tôi là bào thai bị phá, nhưng tôi được phép là cái gì đó, nếu tôi đạt tới Thiên Chúa” (9,2). Điều Giám Mục thành Antiokia sẽ nói liên quan tới cái chết tử đạo gần kề sẽ đảo lộn điều kiện bất xứng của người, được thánh Phaolô nói tới trong tương quan với dấn thân tông đồ: chính đó là nơi ơn thánh Chúa trở thành phong phú, vì Thiên Chúa biết biến đổi một người không thành công trở thành một tông đồ tuyệt vời. Từ chỗ là người bắt đạo trở thành người thành lập các Giáo Hội: đó là điều Thiên Chúa đã làm đối với một người đã có thể bị coi là đồ bỏ trên bình diện Tin Mừng.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã khai triển ba đặc tính của quan niệm tông đồ theo thánh Phaolô. Thứ nhất là ”đã trông thấy Chúa” (x. 1 Cr 9,1) nghĩa là đã có một cuộc gặp gỡ định đoạt đối với cuộc sống của mình. Trong thư gửi tín hữu Galát (Gl 1,15-16) thánh nhân nói ngài đã được kêu gọi và như là được tuyển chọn nhờ ơn thánh Chúa với sự mặc khải của Chúa Con để loan báo tin vui cho dân ngoại.

Nói cho cùng chính Chúa là Đấng đặt một người làm tông đồ, chứ không phải tự mình đặt mình làm tông đồ được. Vì thế vị tông đồ cần luôn luôn quy hướng về Chúa. Không phải vô tình mà thánh Phaolô nói rằng ngài là ”tông đồ vì ơn gọi” (Rm 1,1), nghĩa là ”không phải do con người, mà do Chúa Giêsu Kitô và Thiên Chúa Cha” mời gọi (Gl 1,1). Đức Thánh Cha nói tới đặc tính thứ hai trong quan niệm tông đồ củua thánh Phaolô như sau:

Đặc tính thứ hai là ”được gửi đi”. Chính từ hy lạp ”apostolos” có nghĩa là “được gửi đi, được sai phái”, tức là ”đại sứ” và là người đem sứ điệp. Như vậy người tông đồ phải hành động như là đặc nhiệm và đại diện người sai đi. Chính vì thế thánh Phaolô tự định nghĩa như là ”tông đồ của Chúa Giêsu Kitô” (1 Cr 1,1; 2 Cr 1,1), nghĩa là đặc sứ, hoàn toàn phục vụ Chúa, đến độ thánh nhân tự gọi mình là ”tôi tớ của Đức Giêsu Kitô” (Rm 1,1). Một lần nữa tư tưởng nổi bật ở đây là sáng kiến của một người khác, sáng kiến của Thiên Chúa nơi Đức Kitô Giêsu. Nhưng nhất là nhấn mạnh trên sự kiện nhận được từ Chúa một sứ mệnh phải chu toàn nhận danh Người, và gạt bỏ mọi lợi lộc cá nhân.

Đặc tính thứ ba là loan báo Tin Mừng, với việc thành lập các giáo đoàn. Thật thế ”tông đồ” không thể là tước hiệu danh dự. Nó dấn thân một cách cụ thể và thê thảm trong suốt cuộc sống của đương sự. Thánh Phaolô la lên trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: ”Tôi không phải là tông đồ ư? Tôi đã không thấy Đức Giêsu Chúa chúng ta sao? Và anh chị em lại không phải là công trình của tôi trong Chúa sao?” (1 Cr 9,1). Cũng thế trong thư thứ II gửi tín hữu Côrintô thánh nhân khẳng định: ”Bức thư của chúng tôi là chính anh em... một bức thư của Chúa Kitô do chúng tôi sáng tác, không được viết bằng mực nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống” (2 Cr 3,2-3).

Vì thế chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi thánh Crisostomo nói về thánh Phaolô như là ”một linh hồn kim cương” (Panegirici, 1,8): giống như lửa càng mạnh mẽ hơn khi đụng tới các chất liệu khác nhau... lời của thánh Phaolô chinh phục được tất cả những ai bước vào trong tương quan với nó, và những người giao chiến với thánh nhân và bị lời người bắt giữ trở thành lương thực cho ngọn lửa tinh thần này” (ibid., 7,11). Điều này giải thích tại sao thánh Phaolô định nghĩa các tông đồ là ”các cộng sự viên của Thiên Chúa” (1 Cr 3,9; 2 Cr 6,1). Ơn thánh Chúa hoạt động với họ.

Có một yếu tố đặc thù của vị tông đồ đích thực được thánh Phaolo nêu bật đó là một kiểu đồng hóa giữa Tin Mừng và người rao giảng Tin Mừng. Không có ai đã minh nhiên như thánh Phaolô rằng việc loan báo thập giá là một gương mù gương xấu và là sự ngu dại (1 Cr 1,23) bị nhiều người phản ứng bằng sự không hiểu và khước từ. Điều này đã xảy ra thời thánh nhân và cả ngày nay nữa. Thánh Phaolô chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống này của ngài với tín hữu khi viết Thiên Chúa đã để cho các tông đồ ở chỗ rốt hết, như bị án tử, để trở thành trò cười cho thế gian cho thiên thần và loài người. Chúng tôi điên đại vì Đức Kitô, còn anh em thì khôn ngoan; chúng tôi yếu đuối còn anh em thì mạnh mẽ. Cho tới giờ này chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt, chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng. Bị nguyền rủa chúng tôi chúc lành, bị bắt bớ chúng tôi cam chịu; bị vu khống chúng tôi đem lời an ủi. Cho đến bây giờ chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối với mọi người” (1 Cr 4,9-13). Đó là chân dung tông đồ của Phaolô: trong tất cả mọi khổ đau đó nổi bật niềm vui là người đem phước lành của Thiên Chúa và ơn thánh của Tin Mừng tới cho người khác.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: ngoài ra Phaolô còn chia sẻ tư tưởng của triết thuyết khắc kỷ thời đó là sự kiên trì trong mỗi khó khăn. Nhưng ngài vượt xa viễn tượng nhân văn bằng cách nhắc tới tình yêu của Thiên Chúa và của Chúa Kitô: ”Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi sự ấy chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế tôi tin chắc rằng, cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương qủy lực, hiện tại hay tương lai hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39). Đó là xác tín niềm vui sâu thẳm hướng dẫn tông đồ Phaolô trong mọi hoàn cảnh. Không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Và tình yêu đó là sự giầu có đích thật của cuộc sống con người.

Thánh Phaolô đã tận hiến toàn cuộc sống cho Tin Mừng có thể nói 24 giờ trên 24 giờ, và chu toàn thừa tác của mình với lòng trung thành và niềm vui để cứu được ai đó (1 Cr 9,22). Đối với các giáo đoàn người sống như cha mẹ nhưng trong thái độ hoàn toàn phục vụ. Đó cũng là sứ mệnh của tất cả mọi tông đồ của Chúa Kitô thuộc mọi thời đại: là cộng sự viên của niềm vui đích thật.

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.