2008-09-07 16:25:58

100 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha tại Sardegna


CAGLIARI. Sáng chúa nhật 7-9-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã cử hành thánh lễ tại Đền thánh Đức Mẹ Bonaria tại Cagliari, thủ phủ đảo Sardegna, Italia, trước sự hiện diện của 100 ngàn tín hữu, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ được tôn xưng làm vị Bổn Mạng tối cao của đảo này.

Thánh lễ là cao điểm trong chương trình viếng thăm dài 10 tiếng đồng hồ tại tổng giáo phận Cagliari, có 560 ngàn tín hữu Công Giáo.

Khi từ Roma bay đến thành phố cảng này, ĐTC đã được thủ tướng Italia, Silvio Berlusconi, cùng với Đức TGM sở tại Giuseppe Manni, và các chức sắc đạo đời đón tiếp. Liền đó, ngài về Đền Thánh Đức Mẹ Bonaria để kính viếng và hành lễ.

Lịch sử Đền Thánh

 
Đền thánh Đức Mẹ Bonaria cổ kính với một lịch sử từ 673 năm nay, tọa lạc trên ngọn đồi tên là Bonaria, nghĩa là không khí trong lành. Hồi đảo Sardegna còn thuộc quyền vua Alfonso miền Aragon bên Tây Ban Nha, năm 1335 nhà vua tặng cho các cha dòng Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi một ngôi thánh đường và các cha xây một tu viện bên cạnh để bảo quản nhà thờ. Năm 1704, các cha dòng quyết định xây một thánh đường rộng lớn hơn để tôn kính Đức Mẹ Bonaria. Công trình trải qua nhiều thăng trầm và nhiều lần bị tạm ngưng và mãi đến năm 1926 mới hoàn tất và được Đức Piô 11 nâng lên hàng tiểu Vương cung Thánh đường. Trong thời thế chiến thứ hai, thánh đường bị hư hại nặng vì các cuộc dội bom, mái vòm bị phá hủy, gian chính nhà thờ cùng với các bức bích họa cũng bị hư hại. Thánh đường được tu bổ lại trong những năm sau đó với sự giúp đỡ của chính quyền và quyết tâm của các tín hữu. Nhà thờ này trở thành thánh đường lớn nhất trên toàn đảo Sardegna. Hai vị Giáo Hoàng liền trước đây, Đức Phaolô 6 đến Đức Gioan Phaolô 2 đều đến hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ Bonaria, và nay đến lượt Đức đương kim Giáo Hoàng.

Trong thánh đường có tôn kính tượng Đức Mẹ cổ kính. Theo tương truyền ngày 25-3 năm 1370, một con tàu khởi hành từ Tây Ban Nha bị bão bất ngờ. Các thủy thủ quyết định vất tất cả đồ đạc hành lý xuống biển, trong đó có một thùng gỗ nặng mà không ai biết trong đó chứa đựng vật gì. Nhưng vừa khi thùng này bị quăng xuống biển thì sóng yên biển lặng. Thùng gỗ ấy trôi dạt vào Cagliari, ngay dưới chân đồi Bonaria, Nhưng không ai kéo lên bờ được. Một em bé nói: hãy đi kêu các cha dòng Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi. Các tu sĩ dòng xuống đồi, kéo thùng gỗ lên, đưa về nhà thờ, và khi mở ra mở ra, mọi người thấy một tượng Đức Mẹ bằng gỗ rất đẹp, một tay bồng Chúa Hài Đồng Giêsu và tay kia cầm cây nến sáng. Trước cảnh tượng này tất cả đều quì gối tôn kính. Lòng sùng kính đối với tượng ảnh lạ lùng này lan ra mau lẹ trên toàn đảo Sardegna, nhất là nơi các thủy thủ. Họ cầu khẩn Mẹ như người bảo vệ họ. Những người Tây Ban Nha lúc đó còn làm chủ đảo Sardegna đã tặng tượng Đức Mẹ danh hiệu là tên thủ đô Buenos Aires của Argentina, nghĩa là Bonaria, không khí trong lành. Ngày nay, hầu như không có con tàu nào khởi hành từ cảng Cagliari mà không có một ảnh Đức Mẹ Bonaria trên tàu.

Ngày 13 tháng 9 năm 1907, Đức Thánh Giáo Hoàng Piô X đã tôn xưng Đức Mẹ Bonaria làm Bổn mạng tối cao của đảo Sardegna. Để kỷ niệm 100 năm biến cố này, Tổng Giáo phận Cagliari đã bắt đầu chương trình mừng lễ từ ngày 13 tháng 9 năm ngoái và sẽ kết thúc vào ngày 21-9 tới đây. Trong bối cảnh đó, cuộc viếng thăm của ĐTC Biển Đức 16 tại đây là cao điểm trong chương trình năm kỷ niệm.

 
Thánh lễ

 
Tại quảng trường trước Đền THánh Đức Mẹ, lúc gần 11 giờ sáng, ĐTC đã chủ sự thánh lễ đồng tế với 20 GM thuộc 10 giáo phận trên đảo Sardegna và lối 600 linh mục. Phần thánh ca do ca đoàn 800 ca viên đảm trách. Đặc biệt có 30 tín hữu cao niên, hơn 100 tuổi, tham dự thánh lễ từ bên trong thánh đường.

Trong bài giảng thánh lễ, sau khi chào thăm giáo quyền, các tín hữu và chính quyền, ĐTC đã diễn giảng về 3 bài đọc của ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ được cử hành trước vì hoàn cảnh đặc biệt, nhất là bài Tin Mừng về gia phả của Chúa Giêsu. Ngài nêu bật vai trò của Mẹ Maria trong lịch sử cứu độ và nói rằng: ”Một lần nữa, chúng ta có thể chiêm ngưỡng chỗ đứng của Mẹ Maria trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, kế hoạch mà chúng ta cũng thấy trong bài đọc thứ 2 rút từ thư gửi tín hữu Roma.. Đây là một kế hoạch cứu độ hoàn toàn thấm nhuần tự do của Thiên Chúa, nhưng tự do này cũng chờ đợi nơi tự do của con người một sự đóng góp cơ bản, đó là sự đáp lại của thụ tạo đối với tình yêu của Đấng tạo dựng nên mình. Và chính trong không gian này của tự do con người, chúng ta nhận thấy sự hiện diện của Đức Trinh Nữ Maria: trong Chúa Kitô, Mẹ là hoa quả đầu mùa và là mẫu gương của những người yêu mến Thiên Chúa (Rm 8,28). Và ĐTC nói:

”Các bạn Cagliari và Sardegna, cả dân chúng các bạn, nhờ niềm tin nơi Chúa Kitô và nhờ tình mẫu tử thiêng liêng của Mẹ Maria và của Giáo Hội, cũng được kêu gọi tháp nhập vào gia phả thiêng liêng của Tin Mừng. Tại Sardegna, Kitô giáo không được truyền vào đây với gươm giáo của những kẻ chinh phủ hoặc do sự áp đặt từ bên ngoài, nhưng được nẩy mầm từ máu của các vị tử đạo, đã hiến mạng sống mình như một cử cử yêu thương đối với Thiên Chúa và loài người. Chính nơi các hầm mỏ của anh chị em mà Tin Mừng được vang lên lần đầu tiên, Tin Mừng được mang đến đây do ĐGH Ponziano và LM Ippolito và bao nhiêu anh chị em bị kết án phải làm việc trong các hầm mỏ vì niềm tin nơi Chúa Kitô...”

ĐTC cũng ghi nhận rằng Sardegna không bao giờ là lãnh thổ của các lạc giáo; dân chúng tại đảo này luôn bày tỏ niềm trung thành con thảo với Chúa Kitô và Tòa Thánh Phêrô. Đúng vậy, các bạn thân mến, qua những đợi xâm lăng và chiếm đóng, thống trị, niềm tin nơi Chúa Kitô vẫn tồn tại trong tâm hồn dân chúng tại đây như một yếu tố cấu thành chính căn tính của người dân đảo Sardegna.

ĐTC cũng ca ngợi lòng sùng kính của nhân dân đảo này đối với Đức Mẹ. Chúng ta tụ họp nhau nơi là để kỷ niệm một hành vi cao cả của đức tin các cha ông của anh chị em cách đây một thế kỷ đã thực hiện khi phó thác cuộc sống của mình cho Mẹ Chúa Kitô, khi họ chọn Mẹ là vị Bổn Mạng tối cao của Đảo. Lúc ấy họ không thể biết rằng thế kỷ 20 là một thế kỷ rất khó khăn, nhưng chắc chắn chính sự thánh hiến cho Mẹ Maria đã giúp họ tìm được sức mạnh để đương đầu với những khó khăn xảy đến, đặc biệt là hai kỳ thế chiến. Đúng vậy, hải đảo Sardegna của anh chị em không thể có một vị bảo trợ nào khác ngoài Đức Mẹ... Có tới 350 thánh đường và đền thánh dâng kính Đức Mẹ tại Sardegna.

ĐTC nói tiếp: ”Tôi biết rõ Mẹ Maria ở trong tâm hồn anh chị em. Sau 100 năm, hôm nay, chúng ta muốn cảm tạ Mẹ vì sự bảo trợ và tái bày tỏ lòng tín thác nơi Mẹ và nhìn nhận Mẹ là Ngôi Sao hướng dẫn công cuộc truyền giáo mới, nơi trường của Mẹ, học cách mang Chúa Kitô Cứu Thế cho con người thời nay. Xin Mẹ Maria giúp anh chị em mang Chúa Kitô cho các gia đình, là những tiểu Giáo Hội tại gia và là tế bào của xã hội, ngày nay hơn bao giờ hết, đang cần sự tín thác và nâng đỡ về phương diện thiêng liêng cũng như về xã hội. Xin Mẹ giúp anh chị em tìm được những kế hoạch mục vụ để các bạn trẻ gặp được Chúa Kitô, tự bản tính, họ là những người có những đà tiến mới, nhưng thường là nạn nhân của chủ thuyết hư vô lan tràn, họ khao khát sự thật và các lý tưởng, chính lúc họ có vẻ chối bỏ những điều ấy. Xin Mẹ làm cho anh chị em có khả năng rao giảng Tin Mừng cho thế giới lao động, kinh tế, chính trị đang cần một thế giới mới các giáo dân Kitô dấn thân, có khả năng tìm kiếm một cách nghiêm túc và đầy khả năng những giải pháp phát triển dài hạn.

Bài giảng của ĐTC bị ngắt quãng nhiều lần vì những tiếng vỗ tay của các tín hữu, nhất là khi ngài nhắc đến lịch sử đức tin can trường khích lệ các tín hữu Sardegna.

Cuối thánh lễ, trước khi đọc kinh Truyền Tin, theo lời thỉnh cầu của Đức TGM sở tại Giuseppe Mani, nhân danh các GM toàn đảo Sardegna, ĐTC đã đặt vào bàn tay trái của tượng Đức Mẹ Bonaria hình một con tàu nhỏ bằng vàng với cây nến sáng, biểu tượng lòng kính mến và biết ơn. Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh tái phó thác Giáo Hội và toàn thể nhân dân đảo này cho sự bảo trợ của Đức Mẹ. Các tín hữu đã vỗ tay hưởng ứng nhiệt liệt. ĐTC cũng dâng tặng Đức Mẹ đóa hoa hồng bằng vàng.

Kinh truyền tin

 
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin kế đó, ĐTC nói: ”Theo vết các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm, tôi cũng chọn Đền thánh Đức Mẹ Bonaria để thực hiện cuộc viếng thăm mục vụ muốn bao trùm toàn đảo Sardegna..
”Hôm nay, chúng ta hãy lập lại sự phó thác thành Cagliari, đảo Sardegna và mỗi người dân tại đây cho Mẹ Maria. Xin Đức Trinh Nữ chí thánh canh chừng trên tất cả và từng người, để gia sản các giá trị Tin Mừng được thông truyền trọn vẹn cho các thế hệ trẻ, và để Chúa Kitô hiển trị trong các gia đình, trong các cộng đoàn và các môi trường xã hội. Đặc biệt xin Mẹ bảo vệ những người trong lúc này đây đang cần sự can thiệp hơn cả của Mẹ hiền: các trẻ em và người trẻ, người già và các gia đình, các bệnh nhân và mọi người đau khổ.

Sau cùng, ĐTC nhắc đến các nạn nhân bị bão tại Haiti và nói rằng: ”Dưới cái nhìn của Mẹ Maria, tôi muốn nhắc đến dân chúng quí mến tại Haiti, bị thử thách nặng nề trong những ngày qua vì 3 trận cuồng phong thổi qua. Tôi cầu nguyện cho đông đảo các nạn nhân, và những người không còn gia cư. Tôi gần gũi với toàn thể quốc gia Haiti và cầu mong các viện trợ cần thiết sớm được đưa tới đây. Tôi phó thác tất cả cho sự bảo vệ từ mẫu của Đức Mẹ Bonaria..

Đã có gần 600 người dân tại Haiti bị thiệt mạng vì cuồng phong và thiệt hại vật chất rất nặng nề.
Thánh lễ ĐTC cử hành tại Đền thánh Đức Mẹ Bonaria kết thúc lúc gần 1 giờ trưa. Ngài đến viếng Đại chủng viện miền, làm phép nhà nguyện chủng viện và dùng bữa trưa với hơn 20 GM thuộc đảo Sardegna.

Ban chiều, sau khi gặp ban tổ chức cuộc viếng thăm, ĐTC đã gặp gỡ các LM, chủng sinh và cộng đoàn Phân khoa thần học Sardegna tại Nhà thờ chính tòa Cagliari vào lúc 5 giờ. Tiếp đến ngài gặp gỡ giới trẻ tại Quảng trường Yenne trong thành phố Cagliari trước khi ra phi trường đáp máy bay trở về Roma, kết thúc cuộc viếng thăm thứ 11 tại Italia.

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.