2008-09-06 11:03:05

TU SĨ TRẺ THÁNH THIỆN DÒNG THƯƠNG KHÓ


Trước nửa đêm thứ bảy 29-5-1915, thầy Eugenio Cavallotti lập lại lời khấn và tận hiến cho Đức Mẹ MARIA. Thầy siết chặt trong tay tràng chuỗi Mân Côi và tượng Thánh Giá rồi êm ái ra đi về Nhà CHA, hưởng dương 21 tuổi.

Tất cả những ngày đáng ghi nhớ trong cuộc đời thầy Eugenio Cavallotti đều diễn ra trong tháng Năm, tháng Hoa dâng kính Đức Mẹ. Và thật sự, thầy đã dành cho Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA lòng hiếu kính đặc biệt. Vì thế, có thể nói Tháng Năm là Tháng của thầy Eugenio.

Eugenio Cavallotti chào đời ngày 8 năm 1894; rước lễ lần đầu và Thêm Sức ngày 13 năm 1902; lãnh nhận tu phục dòng Thương Khó ngày 14 năm 1909; tuyên khấn ngày 15 năm 1910 và qua đời ngày 29 năm 1915. Tất cả biến cố quan trọng vừa kể đều diễn ra trong tháng Năm. Chưa hết, mồ côi Mẹ năm lên 7 tuổi, vào một ngày tháng 5 năm 1901, bé Eugenio chọn Đức Mẹ MARIA làm hiền mẫu. Từ đó, Eugenio tận hiến toàn thân, trọn cuộc đời cho Đức Mẹ.

Eugenio Cavallotti chào đời tại Vinchio, tỉnh Asti, Tây Bắc nước Ý. Eugenio là con út trong gia đình có 8 người, 3 trai và 5 gái. Vì thế, sau khi thân mẫu từ trần, Eugenio được các hiền tỷ hết mực yêu thương, chăm sóc và chìu chuộng, để bù trừ phần nào chỗ trống do Mẹ để lại. Ơn gọi dòng Thương Khó hình như nẩy sinh trong lòng Eugenio từ ngày cậu còn thơ. Đàng khác, hai hiền huynh của Eugenio đã nhập dòng Thương Khó. Lúc còn bé tí teo, mỗi lần có người hỏi: ”Lớn lên con làm gì?” Eugenio đáp ngay không do dự:

- Con sẽ làm tu sĩ dòng Thương Khó như hai anh con!

Đến tuổi niên thiếu, Eugenio xin vào dòng Thương Khó. Để hù dọa tinh thần em, một người anh là Linh Mục dòng Thương Khó nói với Eugenio:

- Kẻ nào vào dòng Thương Khó, không phải chỉ để trở thành tu sĩ, mà còn phải trở thành vị thánh, vị đại thánh nữa!

Nhưng Eugenio không nao núng, bởi vì đó cũng chính là điều cậu mong ước.

Năm 1907, Eugenio - 13 tuổi - chính thức gia nhập chủng viện Thương Khó tại Molare, thuộc tỉnh Alessandria. Năm sau - 1908 - một tu sĩ trẻ tuổi cùng dòng là thầy Gabriele dell'Addolorata (1838-1862) được nâng lên hàng chân phước. Eugenio tức khắc chọn Á thánh Gabriele làm mẫu mực về cuộc sống tươi vui và sùng kính Đức Mẹ MARIA.

Cuộc sống thánh thiện nẩy nở đặc biệt trong thời kỳ thầy Eugenio làm nhà tập và kết thúc với nghi lễ tuyên khấn vào ngày 15-5-1910. 4 năm sau, thầy bắt đầu chương trình thần học với tâm lòng hớn hở chuẩn bị tiến đến chức Linh Mục. Nơi cộng đoàn, thầy nổi bật về đức tính trẻ trung, nhã nhặn và dễ thương.

Mùa chay năm 1915, bỗng xuất hiện triệu chứng không lành như cảm cúm, ho hen. Đặc biệt chứng ho kéo dài không dứt. Và thầy Eugenio ngã bệnh nặng. Bác sĩ khám phá ra thầy bị bệnh lao phổi ở giai đoạn chót.

Mọi người hốt hoảng vội đưa thầy xuống nhà liệt, sống biệt lập hẳn, để khỏi lây bệnh cho anh em trong cộng đoàn. Vốn bản tính thích đời sống chung: học chung, giải trí chung và cầu nguyện chung, thầy Eugenio thật đau khổ khi phải sống lẻ loi nơi nhà bệnh. Nhưng thầy can đảm chấp nhận. Thầy dùng thời giờ sống một mình trong thinh lặng để nghĩ đến Đức Mẹ MARIA, đến Đức Chúa GIÊSU KITÔ Chịu-Đóng-Đinh và mơ ngày trở về Thiên Quốc. Thầy cũng kín múc sức mạnh nơi Bí Tích Thánh Thể.

Trong lúc chờ đợi giờ Chúa gọi, thầy Eugenio thưa với Cha Bề Trên:

- Về Thiên Đàng là điều tốt đẹp nhất. Như thế không còn có nguy hiểm phạm tội làm mất lòng Chúa.

Thầy Eugenio không buồn sầu. Trái lại, chính thầy an ủi anh em trong cộng đoàn đừng buồn vì không được phép đến thăm thầy nơi nhà liệt.

Chiều ngày thứ bảy 29-5-1915, thầy Eugenio bỗng trở bệnh nặng. Thầy thở cách khó khăn nhưng vẫn tỉnh táo. Cha Giải Tội cúi xuống trên thầy lộ vẻ lo lắng, nhưng thầy trấn an và nói:

- Thưa Cha, chả có gì làm con lo âu cả!

Rồi với trọn ý thức và niềm vui, thầy lập lại lời khấn và tái tận hiến cho Đức Mẹ MARIA. Đến trước nửa đêm, tay nắm chặt tràng chuỗi Mân Côi và cây Thánh Giá, thầy Eugenio Cavallotti êm ái trút hơi thở cuối cùng, hưởng dương 21 tuổi.

... ”Người công chính dù có chết non, cũng vẫn được an nghỉ. Vì tuổi thọ đáng kính không phải bởi sống lâu, cũng không do số tuổi. Đối với con người, sự khôn ngoan còn quý hơn tóc bạc, sống không tì ố đã là sống thọ. Ngưi công chính đẹp lòng THIÊN CHÚA, nên đưc THIÊN CHÚA yêu thương. Và họ sống giữa những người tội lỗi, nên được THIÊN CHÚA dời đi nơi khác. Ngưi đã cất họ đi, kẻo trí khôn họ bị thói gian ác biến đổi, hay tâm hồn họ bị tật xảo trá phỉnh lừa. Vì sức mê hoặc của sự ác làm lu mờ sự thiện, và dục vọng quay cuồng biến đổi tâm hồn chất phác. Người công chính nên hoàn thiện chỉ trong một thời gian ngắn, thì kể như đã hoàn tất sự nghiệp lâu dài. Tâm hồn họ đẹp lòng THIÊN CHÚA, nên Người vội đem họ ra khỏi nơi gian ác” (Sách Khôn Ngoan 4,7-14).

(”L'Eco di San Gabriele”, Giugno/1998, trang 59)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.