2008-08-27 17:11:20

Đức Thánh Cha tiếp kiến hơn 8 ngàn tín hu hành hương
 


VATICAN. Sáng 27-8-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã mở lại các cuộc tiếp kiến chung hằng tuần sáng thứ tư tại Vatican, sau 7 tuần lễ bị gián đoạn.

Ngài đã đáp trực thăng từ Castel Gandolfo về Roma để khởi sự buổi tiếp kiến lúc 10 giờ 30 tại Đại thính đường Phaolô 6 ở Nội Thành Vatican. Trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến, ĐTC đã tiếp tục loại bài giáo lý về thánh Phaolô Tông Đồ, nhân dịp năm nay là năm kỷ niệm 2000 năm sinh nhân của thánh nhân. Ngỏ lời với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC nói:

”Anh chị em thân mến, tôi muốn nối tiếp bài giáo lý của tôi về thánh Phaolô để gợi lại toàn thể cuộc sống của thánh nhân, như sách Tông Đồ Công Vụ và các thư của ngài trình bày cho chúng ta. Thánh Tông Đồ sinh tại thành Tarso, thuộc miền Cilicia. Ngài vốn là người Do thái sinh sống ở hải ngoại và là công dân Roma, nói tiếng Hy Lạp. Saulo học nghề làm len và vải thô. Năm 12 tuổi, Saulo rời thành Tarso, đến sống tại Jerusalem để đón nhận giáo huấn của Rabbi Gamaliel, theo các qui luật nghiêm ngặt của giới biệt phái. Lòng nhiệt thành đối với giáo pháp đã đưa Saulo đi bách hại các tín hữu Kitô tiên khởi. Chính trên đường đi Damas mà cuộc sống của Saulo đã bị thay đổi. Tôi sẽ nói về biến cố này vào tuần tới. Cuộc hoán cải của Saulo đã biến ngài thành chứng nhân của Chúa Giêsu và thành môn đệ không biết mệt mỏi của Tin Mừng nơi các dân nước. Ngài đã thực hiện 3 cuộc hành trình truyền giáo. Barnabê là bạn đồng hành của thánh nhân trong cuộc hành trình thứ I; Sila và Timôthê tháp tùng thánh Phaolô trong hành trình thứ II; cùng với hai ông, thánh Phaolô đi tới các thành phố lớn ở miền Tiểu Á và Hy Lạp. Ngài bị bắt trong hành trình thứ III vì một hiểu lầm, và thánh nhân khiếu tại tới hoàng đế La Mã bấy giờ là Nero. Pháp quan Porcius Festus của La Mã đã gửi Phaolô đến Roma, ngài bị quản thúc hai năm tại đây trước khi được trả tự do. Lưu Truyền nói rằng thánh nhân bị cầm tù lần thứ 2 và chịu tử đạo.

Ước gì gương thánh Phaolô dạy chúng ta làm chứng không biết mệt mỏi về Chúa Kitô và can đảm đương đầu với những thử thách của cuộc sống, để đặt những thử thách ấy dưới cái nhìn của Thiên Chúa. Như thánh nhân, chúng ta hãy quan tâm tới các dân nước trong kinh nguyện và trong sự dấn thân truyền giáo của chúng ta”.
Trước bài tóm tắt bằng tiếng Pháp trên đây, trong phần đầu của buổi tiếp kiến, sau phần tôn vinh Lời Chúa với bài đọc một đoạn thư của Thánh Phaolô, nói về sự quyết tâm của Thánh Nhân trở nên mọi sự cho mọi người, để góp phần cứu vớt mọi người, ĐTC đã diễn giảng sâu rộng bài giáo lý bằng tiếng Ý. Nhiều lúc ngài dừng lại để ứng khẩu giải thích.

ĐTC nhận định rằng ngày sinh của thánh Phaolô tông đồ phần lớn tùy thuộc thời điểm của Thư gửi Filemone. Theo truyền thống, lá thư này được viết sau trong thời gian thánh Phaolô bị cầm tù ở Roma, tức là khoảng giữa thập niên 60. Thánh Phaolô sinh ra năm thứ 8, vì thế, lúc đó ngài hơn kém 60 tuổi, và khi thánh Stephano bị ném đá, thì ngài được 30 tuổi. Ngày tháng đó kể là chính xác, và việc mừng kỷ niệm 2000 sinh nhật của thánh Phaolô mà chúng ta đang cử hành, là theo thời kỳ ấy. Năm 2008 được chọn vì thánh nhân sinh ra hơn kém vào năm thứ 8.
ĐTC cũng giải thích thêm rằng thành Tarso nơi thánh Phaolô sinh ra bấy giờ là thủ phủ hành chánh của miền nam Cilicia, và năm 51 trước Chúa Kitô, quan lãnh sự ở đó là ông Marco Tullio Cicerone. 10 năm sau đó, tại Tarso đã diễn ra cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Marco Antonio và Cleopatre.

Khi tới Jerusalem, Saulo đã theo học tài trường của Rabbi Gamaliele đại lão, vốn là cháu của Đại Rabbi Hillèl. Theo truyền thống đạo lý chính thống đã học hỏi được, Saulo nhận thấy phong trào do Đức Giêsu thành Nazareth khởi xướng là một nguy cơ đe dọa căn tính của Do thái giáo là đạo thật của cha ông để lại, vì thế ông đã hăng say đi bách hại Giáo Hội mới này, hành động mà sau này, 3 lần trong các thư, Thánh Phaolô gọi là việc 'bách hại Giáo Hội của Thiên Chúa” (1 Cor, 15,9; Gal 1,13; Fil 3,6). Cho dù không dễ tưởng tượng việc bách hại ấy hệ tại làm gì, nhưng chắc chắn thái độ của Saulo là một thái độ bất bao dung. Và chính trong bối cảnh này đã xảy ra biến cố trên đường đi Damas.

Trong bài giáo lý bằng tiếng Ý, ĐTC trình bày với nhiều chi tiết hơn về 3 cuộc hành trình truyền giáo của thánh Phaolô Tông Đồ, và đặc biệt là hành trình tới Roma, qua đảo Creta rồi Malta, đến thành phố Siracusa, Reggio Calabria và Pozzuoli. Các tín hữu Kitô đến gặp thánh nhân trên đường Appia cho đến Foro di Appio, cách Roma 70 cây số. Tại Roma, thánh nhân đã gặp gỡ đại biểu các cộng đoàn Do thái, và cho biết chính vì niềm hy vọng của Israel mà mình phải mang xiềng xích như thế này (TĐCV 28,20).

ĐTC cho biết ngài sẽ trình bày sau này về cuộc tử đạo của Thánh Phaolô và ngài mời gọi các tín hữu cầu xin Chúa làm cho chúng ta, giống như thánh nhân, cũng được thấy ánh sáng của Chúa, để tâm hồn chúng ta cũng được Lời Chúa đánh động, và có thể mang lại Ánh sáng Tin Mừng và sự thật của Chúa Kitô cho thế giới ngày nay đang khao khát Tin Mừng.

Trước khi kết thúc buổi tiếp kiến, ĐTC dùng tiếng Ý để chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới, ngài nói: ”Ước gì mẫu gương của thánh nữ Monica mà Giáo Hội kính nhớ hôm thứ tư này và thánh Augustino Giáo Hội kính như thứ năm ngày mai giúp các tín kiên cường tín thác nhìn lên CHúa Kitô là ánh sáng giữa những khó khăn, là sự nâng đỡ giữa những cơn thử thách và là vị hướng dẫn trong mọi lúc của cuộc sống con người”.

G. Trần Đức Anh OP







All the contents on this site are copyrighted ©.