2008-07-14 11:29:42

GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ÚC VÀ NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ


Giáo Hội Công Giáo Australia đón tiếp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XXIII tại Sydney là một Giáo Đoàn trẻ trung nhưng năng động và nắm giữ vai trò trọng yếu trong đời sống xã hội cũng như công cộng của đất nước. Theo thống kê do Hội Đồng Giám Mục Australia phổ biến thì tín hữu Công Giáo chiếm tỉ số cao nhất giữa các Kitô hữu khác trong toàn nước.

Thật thế, tín hữu Công Giáo chiếm hơn một phần tư trên tổng số 20 triệu 343 ngàn dân Úc, tức chiếm 27,7% với 5 triệu 635 ngàn tín hữu Công Giáo. Giáo Hội Công Giáo Australia có 33 giáo phận với 1.390 giáo xứ. Hiện tại có 65 Giám Mục và hơn 3100 Linh Mục với hơn phân nửa là Linh Mục triều. Ngoài ra còn có khoảng 2200 nam tu sĩ, 7.167 nữ tu và 8.200 giáo lý viên.

Giáo Hội Công Giáo Australia nắm vai trò sinh động trong lãnh vực xã hội và giáo dục. Giáo Hội điều khiển 1.749 trường tiểu học, 473 trường trung học, 30 trường Cao Đẳng và Đại Học với hơn 700 ngàn sinh viên học sinh.

Trong phạm vi xã hội, Giáo Hội Công Giáo Australia điều khiển 58 bệnh viện, 407 Trung Tâm săn sóc người cao niên và người tàn tật, 164 viện cô nhi và vườn trẻ, 480 trung tâm tái hội nhập xã hội và 210 văn phòng cố vấn nhằm giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn và bênh vực sự sống con người.

Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Australia hiện nay là Đức Cha Philip E Wilson, Tổng Giám Mục Adelaide và Phó Chủ Tịch là Đức Cha Barry J Hickey, Tổng Giám Mục Perth.

Một điểm đáng chú ý trong lịch sử hiện đại của Giáo Hội Công Giáo Australia là sự gia tăng đáng kể con số tín hữu Công Giáo giữa các cộng đoàn thổ dân. Hiện nay có 100 ngàn thổ dân Công Giáo, tức là gia tăng 7% so với năm 2001. Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội có con số tín hữu Công Giáo thổ dân đông nhất so với các Giáo Hội Kitô khác. 26% thổ dân là tín hữu Công Giáo.

Các chuyến viếng thăm mục vụ của các Đức Giáo Hoàng tại Australia

Với chuyến công du nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XXIII tại Sydney, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là vị Giáo Hoàng thứ ba viếng thăm Giáo Hội Công Giáo Australia và là chuyến viếng thăm thứ tư của một vị Giáo Hoàng. Vị Giáo Hoàng đầu tiên đặt chân lên đất Australia là Đức Phaolô VI (1963-1978) vào tháng 11 năm 1970. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) viếng thăm Australia ba lần. Lần đầu tiên vào năm 1973 khi còn là Tổng Giám Mục Cracovia nhân Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế XL diễn ra tại Melbourne. Hai lần sau trong tư cách Chủ Chăn Giáo Hội Hoàn Vũ, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viếng thăm mục vụ Australia vào năm 1986 và năm 1995. Trong lần viếng thăm vào năm 1986 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II rảo quanh toàn lãnh thổ Australia. Biến cố đáng ghi nhớ và cảm động nhất trong lần viếng thăm này là cuộc gặp gỡ với cộng đoàn thổ dân ở miền Trung Australia. Vào năm 1995 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trở lại Sydney để tôn phong vị chân phước đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo Australia là nữ tu Mary McKillop (1842-1909). Buổi lễ tôn phong chân phước đã diễn ra tại sân đua ngựa Randwick. Đây cũng là nơi sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với giới trẻ trong khung cảnh Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XXIII vào tối thứ bảy và sáng Chúa Nhật 20-7-2008.

Sơ lược lịch sử Giáo Hội Công Giáo Australia

Có thể nói được rằng, lịch sử Giáo Hội Công Giáo Australia đi song song với lịch sử các cuộc di dân. Vào thế kỷ XIX khi khối thực dân Âu châu đến đóng tại Australia thì cùng lúc họ cũng mang theo tôn giáo của các nhóm di dân như: Anh Giáo, Công Giáo và các hệ phái tin lành. Nhóm Kitô hữu đầu tiên đặt chân lên Australia vào năm 1788 là các tín hữu Công Giáo đến từ Ái-nhĩ-lan trên chiếc tàu do thuyền trưởng Arthur Philip điều khiển.

Mãi đến 15 năm sau, Australia mới có Thánh Lễ đầu tiên được cử hành vào ngày 15-5-1803 và do một Linh Mục Ái-nhĩ-lan. Đó là Cha James Dixon. Cha được quan toàn quyền Australia giao trách nhiệm trông coi cộng đoàn nhỏ bé các tín hữu Công Giáo. Từ đó ngày 15-5 đi vào lịch sử. Hàng năm Cộng đoàn Công Giáo cử hành ngày này như một biến cố đánh dấu nền tự do tôn giáo được dành cho các tín hữu Công Giáo.

Trước khi hàng giáo phẩm Giáo Hội Công Giáo chính thức thành hình tại Australia phải nói đến công cuộc truyền giáo của Giáo Hội Anh Giáo, xét vì sự có mặt đông đảo của các tín hữu Anh Giáo đi theo các tàu bè của người Anh. Do đó, trong bước đầu, chỉ có Anh Giáo được xem như tôn giáo được chính thức thừa nhận tại Australia.

Không biết bao nhiêu lần, các Linh Mục Công Giáo tìm cách đặt chân đến thường trú tại Australia nhưng không có kết quả. Do đó nhóm tín hữu Công Giáo ít ỏi bị bắt buộc phải tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật với tín hữu Anh Giáo. Chưa hết, các tín hữu Công Giáo phải xin các linh mục Anh Giáo cử hành các nghi lễ như Rửa Tội, Hôn Phối và An Táng.
Năm 1802 con số tín hữu Công Giáo tại Australia lên đến 1700 người nhưng vẫn chưa có Linh Mục Công Giáo trông coi. Phải đợi mãi đến ngày 15-5-1803 khi quan toàn quyền chính thức cho phép cử hành Thánh Lễ đầu tiên cho một nhóm tù lưu đày là tín hữu Công Giáo tại The Rocks.

Sau đó cộng đoàn Công Giáo lại yêu cầu có Linh Mục Công Giáo đến giúp đỡ và ban các bí tích nhưng đơn xin vẫn bị bác bỏ. Mãi cho đến năm 1819, cộng đoàn Công Giáo mới có được 2 Linh Mục được chính quyền bảo hộ cho phép đến trông coi. Đó là hai Cha Joseph Therry và Philip Connolly. Vào năm 1828 số tín hữu Công Giáo tại Australia lên đến 10 ngàn người.

Năm 1834 Đức Thánh Cha Gregorio XVI (1831-1846) thiết lập tòa Giám Quản Tông Tòa tại New Holland và chỉ định Cha John Bede Polding làm Giám Quản Tông Tòa đầu tiên. Đức Cha John Bede Polding là một đan sĩ Biển Đức người Anh. Ngài trở thành vị Giám Mục Công Giáo đầu tiên của Australia.

Nguyện ước của Đức Cha Polding là xây dựng Giáo Hội Công Giáo Australia trên lý tưởng đan tu Anh quốc. Thế nhưng các Linh Mục thuộc quyền Đức Cha Polding - đa số là các Linh Mục triều Ái-nhĩ-lan - lại có những nguyện ước khác. Và các Linh Mục Ái-nhĩ-lan đã thắng thế. Chính các ngài đã tạo ảnh hưởng đạo đức mạnh trên Giáo Hội Công Giáo Australia cho tới năm 1930 thì chấm dứt khi con số Linh Mục địa phương Australia chiếm đại đa số.

Vào thập niên 1950 Giáo Hội Công Giáo Australia gia tăng đáng kể và bắt đầu chiếm tỉ số cao giữa lòng dân tộc Australia và được phân phối thành các giáo xứ trên toàn nước Australia. Cộng Đoàn Công Giáo lớn mạnh đúng theo ước nguyện của các Linh Mục và Giám Mục Ái-nhĩ-lan ngay từ thưở ban đầu, nghĩa là một Cộng Đoàn Công Giáo vững chắc sống theo khuôn mẫu Đức Tin và tâm thức tôn giáo Ái-nhĩ-lan.

Xã Hội Australia bắt đầu biến chuyển mạnh với các đợt di cư ồ ạt trong các thập niên 1960 và 1970. Đó là những đợt di cư đến từ Ý, Đại Hàn, Phi-luật-tân, HongKong, Nam Mỹ, Sudan, Croat, Hungari, Liban và Việt Nam. Giáo Hội Công Giáo Australia không thể nằm ngoài vòng biến chuyển này, vì trong số các di dân cũng có tín hữu Công Giáo. Các tín hữu Công Giáo di dân mong muốn tham dự Thánh Lễ trong tiếng mẹ đẻ và có các trường học cho con em của họ.

Giáo Hội Công Giáo Australia tìm cách đáp ứng nhu cầu các tín hữu Công Giáo di dân bằng cách cho xây các nhà thờ và trường học mới. Giáo Hội Công Giáo Australia cũng rất chú tâm trên bình diện mục vụ hầu có thể săn sóc tinh thần cho tất cả các nhóm di dân Công Giáo. Các nhóm di dân Công Giáo đông nhất thường qui tụ tại hai thành phố Sydney và Melbourne.

Quan Thầy Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XXIII tại Sydney

Thể theo truyền thống, Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XXIII tại Sydney được đặt dưới sự bảo trợ của 10 vị Hiển Thánh và Á Thánh. Đức Cha Anthony Fisher OP - điều hợp viên cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XXIII tại Sydney giải thích: ”Chúng tôi mời gọi các bạn trẻ noi gương và học hỏi nơi cuộc đời các vị Quan Thầy và hiểu rằng nhờ sức mạnh Thần Linh Đức Chúa GIÊSU KITÔ một người bình thường cũng có thể làm được những việc khác thường”. 10 vị Bảo Trợ sẽ được chú ý dọc theo các biến cố chính diễn ra trong thời gian Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XXIII, kể cả tại buổi Canh Thức nơi sân đua ngựa Randwick vào tối thứ bảy 19-7-2008. Sau đây là danh sách 10 Vị Quan Thầy.

1/ Đức Bà Thánh Giá Miền Nam, Phù Hộ các Giáo Hữu

Đức MARIA - Đấng Phù Hộ Các Kitô Hữu - Hiền Mẫu Thiên Quốc và là Đức Nữ Trinh, là mẫu gương tuyệt hảo cho mọi người, nữ cũng như nam. Đức MARIA đã ”THƯA VÂNG” với THIÊN CHÚA ngay từ lúc còn là thiếu nữ. Đức MARIA là Quan Thầy Australia dưới tước hiệu Đấng Phù Hộ các Giáo Hữu đồng thời cũng là Vị Quan Thầy của Tổng Giáo Phận Sydney với Nhà Thờ Chính Tòa dâng kính Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu. Các tín hữu Công Giáo Úc và Đại Dương Châu đặc biệt sùng kính Đức Mẹ MARIA dưới tước hiệu Đức Bà Thánh Giá Miền Nam.

2/ Chân phước Pier Giorgio Frassati (1901-1925)

Chân phước 24 tuổi người Ý - Pier Giorgio Frassati - rất được giới trẻ yêu kính vì nhân cách tươi vui hài hước, vì lòng yêu chuộng thể thao và nhất là vì các hoạt động xã hội và bác ái dành cho người nghèo, người yếu thế. Sinh trưởng trong một gia đình thế giá giàu sang, ngay từ 17 tuổi, Pier Giorgio gia nhập hội từ thiện Thánh Vinh Sơn Phaolô và dâng hiến phần lớn thời gian cho việc chăm sóc người đau yếu cùng những ai nghèo khổ túng thiếu cần được giúp đỡ. Pier Giorgio còn là thành viên Hiệp Hội Sinh Viên, hoạt động chống lại nhóm phát-xít đang hoành hành tại Ý thời bấy giờ.
 
3/ Nữ chân phước Mary MacKillop (1842-1909)

Mary MacKillop - nữ chân phước đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo Australia - là nữ tôi tớ của người nghèo, người thất học và là vị sáng lập dòng các Nữ Tu Thánh GIUSE. Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong nữ tu Mary MacKillop lên hàng chân phước vào năm 1995 tại Sydney. Nữ chân phước Mary MacKillop để lại cho toàn đại lục Úc và Đại-Dương-Châu một sản nghiệp mênh mông về lòng quảng đại và về ý chí cương quyết muốn đáp ứng mọi nhu cầu của người nghèo, thể theo đức bác ái của Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

4/ Thánh Pierre Chanel (1803-1841)

Thánh Pierre Chanel là một Linh Mục Thừa Sai người Pháp bị giết vì đạo Công Giáo trên đảo Wallis và Futuna. Vừa khi đặt chân lên đảo, Cha Pierre Chanel ghi nhận ngay thảm trạng tranh chấp giữa các bộ lạc và tục ăn thịt người đã giết chết không biết bao nhiêu sinh mạng. Số người sống sót ít ỏi lại bị bắt buộc phải đi theo một thứ tôn giáo tôn thờ thần dữ để có thể sống còn! Cha Pierre Chanel bắt tay ngay vào việc rao giảng Tin Mừng Đức Chúa GIÊSU KITÔ và chiếm được cảm tình của các thổ dân. Nhưng chính vì thế mà Cha bị giết chết. Di hài Cha - trên đường đưa về Pháp và Roma - đã đi qua ngỏ Tân Zeland và Australia, và được trưng bày cho tín hữu Công Giáo đến kính viếng trong vòng hai tuần lễ tại Villa Maria ở Sydney.

5/ Chân Phước Pierre To Rot (1912-1945)

Chân Phước Pierre To Rot là một giáo dân sinh trưởng tại Papua Tân Guinea. Là một giáo lý viên nhiệt thành và là người cha gia đình có ba đứa con, Chân Phước Pierre To Rot bị hành hung và bị giết chết lúc mới 33 tuổi vì Đức Tin Công Giáo tại trại tập trung Nhật Bản vào cuối thế chiến thứ hai, năm 1945.

6/ Nữ Chân Phước Teresa Calcutta (1910-1997)

Đối với nhiều người thì Mẹ Teresa Calcutta là một khuôn mặt nữ giới khả ái của Giáo Hội Công Giáo hiện đại. Dâng hiến cuộc đời để phục vụ những người bị xã hội bỏ rơi, Mẹ Teresa Calcutta - người nghèo giữa muôn người nghèo - đã thành công trong việc đưa tình yêu vào hành động. Năm 1950 Mẹ Teresa Calcutta được Tòa Thánh cho phép thành lập một Dòng Tu với sứ mệnh giúp đỡ những người sống ngoài lề xã hội và phải chịu đau khổ về cả hai mặt thể xác lẫn tinh thần. Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái chào đời từ đó.

7/ Thánh nữ Teresa thành Lisieux (1873-1897)

Qua đời vào năm 24 tuổi, thánh nữ Teresa Hài Đồng GIÊSU là nữ Tiến Sĩ Hội Thánh trẻ tuổi nhất và là Quan Thầy nước Australia. Vào năm 15 tuổi, thiếu nữ Teresa xin gia nhập Dòng Kín Cát-minh, nhưng không được chấp thuận. Vẫn kiên trì trong ước muốn thực hiện ơn gọi, Teresa quyết định đi Roma gặp Đức Giáo Hoàng Lêô XIII (1878-1903). Nhờ sự can thiệp của Đức Thánh Cha, Teresa được phép vào dòng Kín năm tròn 16 tuổi để dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho Vua Tình Yêu, Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Teresa thành Lisieux là thánh nữ quan niệm THIÊN CHÚA như Người CHA đầy yêu thương trìu mến và vô cùng sung sướng trước cả một cử chỉ bác ái dù nhỏ bé nhất. Thánh nữ Teresa Hài Đồng GIÊSU luôn luôn đặt trọn niềm tin yêu phó thác nơi THIÊN CHÚA.

8/ Thánh nữ Maria Goretti (1890-1902)

Maria Goretti là thánh nữ 12 tuổi người Ý, vì cương quyết bảo vệ đức trong sạch mặc cho các đe dọa vũ phu của một người bạn gia đình, đã bị giết chết cách tàn nhẫn. Dầu vậy, trước khi chết, thánh nữ Maria Goretti đã bằng lòng tha thứ cho tên sát nhân. Nhờ tấm gương anh hùng của thánh nữ Maria Goretti, tên sát nhân đã ăn năn thống hối và sống cuộc đời còn lại trong chay tịnh đền bù tội lỗi.

9/ Thánh nữ Faustina Kowalska (1905-1938)

Sinh ra và lớn lên tại Ba Lan, ngay từ nhỏ Faustina đã nghe tiếng Chúa kêu gọi. Năm 18 tuổi, Faustina xin phép cha mẹ vào dòng tu nhưng bị cha mẹ từ chối. Faustina xem đó như là lý do không cần theo đuổi ơn gọi. Thế nhưng THIÊN CHÚA vẫn kiên trì trong tiếng kêu mời. Một ngày, vào dịp lễ, Faustina được thị kiến trông thấy Chúa chịu đau đớn cất tiếng hỏi: ”Cha phải theo đuổi con đến bao giờ và con còn xua đẩy Cha bao lâu nữa?” Sau cùng, Faustina gia nhập dòng Đức Trinh Nữ MARIA Từ Bi.

Trong Dòng, nữ tu Faustina được giao phó các công việc khiêm tốn như làm bếp, làm vườn và canh cổng. Thế nhưng trong cuộc sống nhỏ bé thường nhật ấy, Chị Faustina không ngừng thưa chuyện thân mật với Chúa và Đức Mẹ. Các cuộc nói chuyện được nữ tu tỉ mỉ ghi lại và chỉ được phổ biến sau khi chết. Cuốn nhật ký mang tựa đề ”Lòng Nhân Hậu THIÊN CHÚA trong tâm hồn tôi”. Faustina Kowalska là thánh nữ đầu tiên được tuyên phong trong Năm Thánh 2000 khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba.

10/ Vị Tôi Tớ Chúa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1920-2005)

Vị Quan Thầy sau cùng của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ thứ XXIII diễn ra năm nay tại Sydney là vị Tôi Tớ Chúa và là Người Cha Khai Sinh ra Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Đó là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Ngài từng viếng thăm Australia 2 lần vào năm 1986 và 1995. Ngay cả hôm nay nữa Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vẫn là suối nguồn gợi hứng cho thế hệ trẻ nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2008. Người Trẻ vẫn còn cảm thấy sự hiện diện và vẫn kêu xin sự phù trợ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Người ta vẫn còn nhớ đến sự dấn thân của ngài trong việc xóa bỏ chủ thuyết cộng sản và phần đóng góp của Ngài trong việc biến đổi thế giới.

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.