2008-07-10 17:20:52

Sứ điệp cuộc nổi loạn của người trẻ năm 1968


Phỏng vấn ông Bernard Sichère, giáo sư triết đại học Paris, về ý nghĩa cuộc cách mạng của người trẻ hồi năm 1968 và sự cấp thiết của việc thay đổi tinh thần, hoán cải trở về với Thiên Chúa

Hồi năm 1968, tức cách đây 40 năm, giới sinh viên học sinh Pháp và Âu châu đã nổi loạn xuống đường biểu tình phản đối xã hội, đốt xe, đập phá hàng quán, và xung đột với các lực lượng an ninh cảnh sát. Phong trào người trẻ phản đối biểu tình và đình công đã phát xuất từ Italia, nhưng lan sang Pháp rồi bùng nổ mạnh tại Paris và lan sang hàng trăm thành phố khác toàn Âu châu. Sự kiện người trẻ biểu tình nổi loạn và diễn tả các bất bình các vỡ mộng của họ bằng bạo lực khiến cho các giới phụ huynh ngỡ ngàng.

Tại sao người trẻ đươc cha mẹ cho ăn học đầy đủ, không thiếu thốn gì - ít nhất trên bình diện vật chất - lại bỗng dưng nổi loạn chống lại mọi thứ quyền bính, chống lại gia đình, chống lại xã hội, trong đó họ đã được sinh ra và lớn lên. Có cái gì không ổn trong cung cách tổ chức cuộc sống xã hội thời bấy giờ? Người trẻ muốn cái gì? Giữa nhịp sống quay cuồng của xã hội sản xuất tiêu thụ và hưởng thụ, trong đó con người trở thành cái máy, có phải họ cảm thấy thiếu thốn tình yêu thương, tình người, các giá trị tinh thần, thiêng liêng, siêu việt trong cuộc sống con người nên nổi loạn hay không? Có lẽ đã có ít người, kể cả các bậc phụ huynh, biết chú ý và đọc hiểu ra sứ điệp cuộc cách mạng nổi loạn của người trẻ cách xây 40 năm.

Theo ông Bernard Sichère, giáo sư triết học tại đại học Paris, cuộc nổi loạn của người trẻ hồi tháng 5 năm 1968 là một lời mời gọi thay đổi tinh thần: ”Cần phải thay đổi chính chúng ta, nếu không, sẽ không thể thay đổi thế giới”. Giáo sư Sichère sinh tại Lille năm 1944. Sau khi lấy bằng thạc sĩ triết tại đại học Sorbonne, ông bắt đầu dậy triết bên Maroc. Sau năm 1968 ông trở thành giáo sư triết tại trường trung học Janson-de-Sailly Paris. Tiếp đến trong các năm 1974-1994 giáo sư dậy triết tại đại học Caen. Và từ năm 1994 đến nay giáo sư dậy môn triết tại đại học Paris VIII. Trong số nhiều sách giáo sư đã cho xuất bản có cuốn ”Lịch sử sự dữ” xuất bản năm 1995, ”Thiên Chúa của các nhà văn” năm 1999, ”Công Giáo” năm 2005, và ”Cho cuộc chiến đấu” năm 2006.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của giáo sư về ý nghĩa cuộc nổi loạn của giới trẻ hồi năm 1968 và sự cấp thiết phải thay đổi tinh thần, hoán cải trở về với Thiên Chúa.

Hồi năm 1968 giáo sư Sichère thuộc hàng ngũ trí thức tả phái, theo lý tưởng cách mạng của Mao Trạch Đông, và vì thế cũng đã hăng hái xuống đường biểu tình bạo động sát cách với các lực lượng tả phái khác. Nhưng từ kinh nghiệm tiêu cực đó ông khám phá ra niềm tin Kitô giáo và tình huynh đệ đại đồng.

Hỏi: Thưa giáo sư Sichère, ti sao giáo sư lại nói rằng giáo sư nuối tiếc hạt ngọc của thứ ngôn ngữ thánh thiêng của các tôn giáo?

Đáp: Khoa phân tâm đặt để chiều kích ngôn ngữ vào trung tâm cuộc sống con người, vì nó nói rằng khả năng nhân bản của con người là khả năng tự định vị trí trong sự khác biệt của ngôn ngữ. Mà trong tương quan với tôn giáo chúng ta đang chứng kiến hiện tượng hao tổn ngôn ngữ thánh thiêng. Đây là điều nghiêm trọng, vì tất cả mọi mạc khải tôn giáo hay tinh thần đều gắn liền với một chiều kích thánh thiêng của ngôn ngữ. Do đó nơi đâu ngôn ngữ thánh thiêng đang bị hao tổn, thì sự thật mà các tôn giáo này quảng bá cũng bị hao tổn.

Hỏi: Hiện tượng hao tổn của sự thánh thiêng ngày nay xem ra có phải là hiện tượng tổng quát hay không thưa giáo sư?

Đáp: Câu hỏi này lại khơi lên một câu hỏi khác nữa: một cách đơn sơ đó là đối với con người thời nay còn có cái gì được coi là thánh thiêng hay không? Tôi không chắc chắn lắm. Có nhiều người sẽ nói rằng: chả có cái gì là thánh thiêng cả. Riêng tôi, tôi nhận thấy chúng ta duy trì một tương quan phạm thượng đối với cuộc sống con người, mà tôi phân biệt với cuộc sống của thú vật. Với các lèo lái di truyền và việc tầm thường hóa sự phá thai, chẳng hạn, chúng ta đang đụng chạm tới chính nền tảng cho phép cuộc sống của con người có thể hiện hữu. Hẳn là phải bỏ việc coi phá thai là một tội phạm, và vào thời đó tôi đã tham dự cuộc chiến đấu của cánh tả để cổ cõ cho điều này. Cần phải thôi khuyến khích các vụ phá thai lén lút và nguy hiểm mà chị em phụ nữ là nạn nhân. Nhưng mà bà Simone Veil là một trong những người cổ võ các điều này có tưởng tượng ra được là người ta sẽ đi tới chỗ tầm thường hóa việc phá thai hay không? Ngày nay chúng ta đang ở trên một lằn đỏ rất nguy hiểm, nơi chính nền tảng của cuộc sống con ngươi bị đe dọa.

Hỏi: Kitô giáo, mà giáo sư đòi hỏi, có thể được coi là một chiến lũy bảo vệ sự thánh thiêng hay không?

Đáp: Vâng, bởi vì Kitô giáo tuyên xưng rằng sự sống con người thánh thiêng và phải trông thấy Thiên Chúa trong mọi người. Và các tín hữu Kitô chia sẻ tư tưởng này với tín hữu do thái và tín hữu hồi giáo. Chính vì thế thay vì cãi nhau, thì tốt hơn là chúng ta quy tụ nhau lại trên các vấn đề nền tảng này, vì chúng ta có cùng một kho tàng phải bảo vệ.

Hỏi: Như thế theo giáo sư, cái gì cho thấy Kitô giáo ngày nay đang sống một giai đon đau khổ tuyệt vọng của mình?

Đáp: Đó là chúng ta không còn khả năng tiếp nhận sức mạnh toàn năng của Thiên Chúa nữa. Chúng ta phải đoạn tuyệt với chủ thuyết đặt để con người làm trung tâm. Thật ra, con người không phải là trung tâm của mọi sự, vì nó không sống một mình. Nhưng để cho Thiên Chúa quay lại với con người, thì con người phải có khả năng quay trở về với Thiến Chúa, hướng về Thiên Chúa.

Hỏi: Như vy là giáo sư bào chữa cho một sự hoán cải của nhân loại, có đúng thế không?

Đáp: Thật ra ”hoán cải” là một từ vựng đúng đắn. Sự hoán cải, sự trở về đó là điều tuyệt đối cần thiết, để chúng ta thôi tưởng tượng rằng chúng ta là những người thống trị trái đất. Chúng ta đang phá hoại chính chúng ta, khi tưởng tượng rằng chúng ta có thể chế ngự được tất cả, trong khi chúng ta bị kẹt trong một cơn lốc xoáy mạnh hơn chúng ta, và nó đang hủy diệt chúng ta. Rất may là chúng ta bắt đầu nhận ra điều đó, vì các hậu qủa to lớn tới nỗi chúng ta sẽ bị bắt buộc phải hoàn cải. Chúng ta bị giao nộp cho sự toàn cầu hóa, nghĩa là cho sự toàn năng của chế độ tư bản hoàn vũ, làm như thể là không có cái gì khác. Đó là luật tối cao cai quản mọi sự. Nhưng có phải vậy đâu.

Hỏi: Thế thì việc hoán cải đó phải xảy ra như thế nào, thưa giáo sư?

Đáp: Nó sẽ xảy ra trong mức độ con người bắt đầu suy tư. Trong lúc này đây thì các giới chức chính trị nhanh nhẹn đề nghị các công thức kỹ thuật hơn là cố gắng định vị trí trong sức sinh động của tư tưởng. Tất cả mọi đường lối chính trị đều nhắm bù trừ cho tình trạng thê thảm trái đất đang gặp phải - kể cả và nhất là các đường lối chính trị Âu châu - bởi vì các đường lối chính trị quốc gia không còn diễn tả điều gì to lớn nữa.

Vấn đề không phải là tái du nhập vào chu trình các nhà trí thức, rất thường khi là các chuyên viên ý thức hệ, nhưng là các tư tưởng gia có khả năng cống hiến cho từng người trong chúng ta các phương thế giúp tiến tới trong tư tưởng của riêng mình.

Người ta kỷ niệm các phong trào phản đối sâu rộng của thập niên 1960 cho tới năm 1968, nhưng đã không thực sự rút tỉa ra được các bài học hữu ích. Các biến cố tháng 5 năm 1968 có phải là một cuộc cách mạng không? Thưa phải. Nó có phải là một cuộc cách mạng chưa từng có không? Thưa đúng. Nó có nhằm lên nắm quyền hành không? Tuyệt nhiên là không! Cuộc cách mạng đó của người trẻ mời gọi thay đổi tinh thần. Tư tưởng sâu xa đó là chúng ta phải thay đổi chính mình, nếu không sẽ không thay đổi được thế giới.

Hỏi: Tiến trình cách mạng của người trẻ năm 1968 có bị hỏng máy không mà lại không tiếp tục đưc hay sao thưa giáo sư?

Đáp: Không, phong trào này đã cho tất cả những gì nó có thể cho được: đối với từng người đó là suy niệm về các hạt giống đã được gieo vãi trong tâm lòng mình thời đó và thông truyền các bài học của biến cố này. Riêng tôi thì tôi đã học hỏi được rằng chính trị trước hết không phải là trật tự, mà là tình huynh đệ. Từ chỗ ủng hộ cái vô trật tự tôi đã khám phá ra tình huynh đệ, đối với các công nhân hãng chế xe Renault mà tôi không biết cho tới lúc đó. Điều đó đã dậy cho tôi hiểu biết cuộc sống của người dân hơn, sự kiện phải phát triển tình liên đới, và điều chúng ta có thể làm được khi chúng ta cùng nhau đoàn kết. Nó có thể là một tình huynh đệ tấn công, bắt buộc giới lãnh đạo chính trị phải thay đổi tình thế.

Hỏi: Đối với giáo sư, là tín hữu Kitô có phải là một cuộc chiến, một loại kháng cự hay không?

Đáp: Các tín hữu Kitô tiên khởi đã là những người kháng cự chống lại trật tự do thiểu số chính quyền Roma và do thái thiết lập. Họ đã là những người kháng cự trong tình yêu thương, chứ không phải trong quyền bính. Sự hoán cải, mà tôi hy vọng, nếu nó xảy ra, là một biến cố có tầm mức rộng rãi trong tương lai giống như biến cố Chúa Kitô đến. Tôi thích nói như thế này: nó là một cuộc hoán cải chỉ có thể là toàn cầu.

(La Croix 4-7-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.