2008-07-09 17:48:15

Các cộng đoàn do thái kitô tại Thánh Địa


Phỏng vấn Linh Mục David Mark Neuhaus, dòng Tên, gốc do thái, về công tác mục vụ cho các tín hữu do thái Kitô tại Thánh Địa

Khi nghe nói tới Kitô hữu Thánh Địa, nhiều người chỉ nghĩ tới Kitô hữu Palestine nói tiếng A rập, nhưng ít người biết rằng cũng có những cộng đoàn Kitô hữu gốc Do thái nữa.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục David Neuhaus, dòng Tên, người Do thái, về công tác mục vụ cho các cộng đoàn do thái Kitô tại Thánh Địa.

Hỏi: Thưa cha, trong trang Internet cha có khng định rằng kinh nghiệm của một cộng đoàn nói tiếng do thái trong bối cảnh xã hội Israel là một sự mới mẻ trong lịch sử của Giáo Hội. Hiệp hội thánh Giacôbê đã nảy sinh như thế nào?

Đáp: Hiệp Hội thánh Giacôbê - sau này đã trở thành Giám Quản Tông Tòa do thái công giáo - đã được thành lập như là một phần của Tòa Thượng Phụ Latinh Giêrusalem hồi năm 1955, nghĩa là ít năm sau khi lập nước Israel. Hiệp hội đã được thành lập để lo lắng cho các anh chị em công giáo từ các nơi khác di cư vào Israel sinh sống, thường họ xuất thân từ các gia đình do thái công giáo, nhất là các gia đình đến từ Âu châu.

Hiệp hội cũng được thành lập để xác định một sự hiện diện công giáo trong môi trường xã hội do thái, nhằm mục đích thăng tiến một loại liên hệ mới giữa các tín hữu công giáo và các tín hữu do thái. Trước thực tại mới này của một nước Israel với tiếng do thái như là ngôn ngữ chính thức, thì cũng thật quan trọng có sự hiện diện của tín hữu công giáo hội nhập trong việc sử dụng tiếng do thái.

Các người thành lập hiệp hội là người do thái theo Công Giáo và tín hữu công giáo đến từ Âu châu, với ơn gọi sống liên đới với dân tộc do thái trong nước Israel. Các người cha sáng lập của chúng tôi có quan niệm về một cộng đoàn công giáo nói tiếng do thái, cảm thấy như ở nhà mình giữa dân tộc do thái tại Israel, và sống cuộc sống lòng tin của mình trong thái độ đối thoại sâu đậm và liên đới với các anh chị em do thái.

Năm 2003 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã chỉ định cha Jean Baptiste Gourion, dòng Biển Đức, làm Giám Quản thượng phụ, tức Giám Mục phụ tá của Tòa Thượng Phụ Latinh, đặc trách các tín hữu công giáo gốc do thái. Đây là một bước củng cố việc thừa nhận thực tại này trong môi tường của Giáo Hội tại Thánh Địa.

Hỏi: Thưa cha, một tín hữu công giáo nói tiếng do thái có thể cống hiến các viễn tượng mới nào tại Thánh Địa?

Đáp: Tín hữu công giáo nói tiếng do thái sống trong môi trường của một xã hội có đa số thành phần là người do thái, trong đó tiết nhịp của cuộc sống thường ngày được điều khiển bởi tôn giáo, lịch sử và văn hóa của người do thái. Đối với chúng tôi, phản ánh công giáo đại đồng trên căn cước do thái của Chúa Giêsu và các gốc rễ do thái trong lòng tin của chúng tôi không chỉ là một yếu tố canh tân sau Công Đồng Chung Vaticăng II, mà còn là một phần cuộc sống thường ngày của chúng tôi nữa.

Sự đối thoại với người do thái ở đây, không phải là cuộc đối thoại với một thiểu số, mà với đại đa số. Trong các cố gắng hội nhập văn hóa chúng tôi tìm hội nhập cuộc gặp gỡ thường ngày này với Do thái giáo và với dân tộc do thái vào trong căn cước công giáo của chúng tôi, vào trong phụng vụ và kiểu cách suy tư của chúng tôi.

Tất cả những điều này xảy ra trên mảnh đất từng là trung tâm của trình thuật Kinh Thánh, vùng đất trên đó dân do thái của Kinh Thánh, các ngôn sứ và Chúa Giêsu Kitô đã đi, đã giảng dậy và đã sống.

Hỏi: Trong bốn thành phố của Israel có các cộng đoàn công giáo nói tiếng do thái. Các cộng đoàn này lớn cỡ nào và đâu là các khó khăn chính mà họ gặp phải thưa cha?

Đáp: Ngày nay chúng tôi có các cộng đoàn công giáo trong bốn thành phố lớn của Israel là Giêrusalem, Tel Aviv-Jaffa, Beersheva và Haifa. Nhưng cũng có nhiều tín hữu sống tại các nơi khác nữa. Cộng đoàn của chúng tôi rất bé nhỏ, gồm vài trăm người. Tuy con số ít ỏi và sức lớn lên chậm, chúng là một thực tại sống động, và các trung tâm của chúng tôi thực sự là các ốc đảo của đời cầu nguyện và tình huynh đệ.

Tuy nhiên cũng có nhiều vấn đề phải đương đầu. Các cộng đoàn nhỏ của chúng tôi cũng rất khác biệt. Ngoài các anh chị em do thái ra, chúng tôi có các tín hữu đến từ nhiều miền trên thế giới như: Nga, Pháp, Ba Lan, Hoa Kỳ, Italia, Ấn Độ vv... Một vài người là gốc do thái, những người khác không phải gốc do thái. Một vài người là công dân Israel. Có những người ở đây đã lâu, có những người mới tới. Có người nói tiếng do thái, có người không nói tiếng do thái. Một số người là công giáo từ khi sinh ra, những người khác theo Công Giáo sau này.

Các linh mục của chúng tôi đa số đến từ Âu châu và phải mất nhiều năm để học tiếng và nền văn hóa. Các anh chị em công giáo gốc do thái thường là những người riêng rẽ. Họ đã can đảm quyết định theo đạo và đến với chúng tôi mà không có gia đình của họ. Vì các lựa chọn của họ, một số anh chị em cũng phải đương đầu với sự chống đối của của gia đình mình, và sự chống đối của xã hội nói chung. Do đó một số đã quyết định sống trong sự kín đáo dè dặt đến như bí mật.

Đối với các tín hữu nói tiếng do thái, sự trợ giúp công cộng như các trường học, các dịch vụ xã hội và văn hóa rất là hạn chế. Vì thế các gia đình di cư sang Israel trong các năm cuối cùng này, nhất là từ các nước cựu Liên Xô, thường quyết định bỏ nước Israel để có thể giáo dục con cái trong niềm tin công giáo. Trái lại, những gia đình nào ở lại thường thấy con cái họ giống người dân Israel bị tục hóa, không thực hành tôn giáo nào cả. Sau cùng chiều kích bé nhỏ của các cộng đoàn đòi buộc chúng tôi phải luôn tỉnh thức duy trì sự hiệp nhất để đừng xảy ra các chia rẽ hay bè phái.

Hỏi: Thưa cha, ngoài các tín hữu công giáo nói tiếng do thái ra, tại Israel còn có các cộng đoàn công giáo nào khác nữa hay không?

Đáp: Các tín hữu công giáo nói tiếng do thái chỉ là một phần nhỏ của Giáo Hội Công Giáo rộng lớn hơn tại Israel. Đa số các anh chị em công giáo tại Thánh Địa nói tiếng A Rập: họ là các mgười A rập, công dân của quốc gia Israel hay các anh chị em A rập công giáo trong các vùng đất của người Palestine.

Các tín hữu công giáo Roma dưới quyền của Tòa Thương Phụ Latinh Giêrusalem, chỉ là một phần của dân công giáo tại Thánh Địa. Đa số các tín hữu công giáo tại Israel là anh chị em công giáo hy lạp, nhưng cũng có các anh chị em công giáo maronít, siri và armeni nữa.

Vì tình hình chính trị khác biệt, tương quan giữa các tín hữu công giáo nói tiếng do thái và các anh em A rập phức tạp, nhưng sự hiệp nhất của Giáo Hội được duy trì bởi các vị lãnh đạo của chúng tôi như là chứng tá của khả thể hòa giải và hòa bình. Tại Beersheva và Haifa, nơi không có các căng thẳng chính trị mạnh, có các anh chị em công giáo A rập lui tới các cộng đoàn do thái công giáo của chúng tôi.

Và là điều rất hay, khi ghi nhận rằng Vị Giám Quản thượng phụ của các cộng đoàn công giáo do thái, cha Pierbattista Pizzaballa cũng là Vị quản Thủ Thánh Địa, bề trên các cha Phanxicô Thánh Địa, và cũng có các liên hệ với các cộng đoàn công giáo A rập.

Vị Thượng Phụ La tinh trước, Đức Cha Michel Sabbah, đã là Thượng Phụ Giêrusalem đầu tiên người A rập gốc Palestine, nhưng ngài cũng nói thông thạo tiếng do thái.
Riêng tôi thì ngoài việc là tổng thư ký của Tàa Giám Quản, tôi cũng dậy Kinh Thánh tại đại chủng viện giáo phận tiếng A rập và tại đại học công giáo Palestine Bếtlehem nữa.

Hỏi: Thế cộng đoàn công giáo tiếng do thái thăng tiến các liên lạc với xã hội Israel như thế nào thưa cha?

Đáp: Chúng tôi không chỉ có mục đích thăng tiến các liên hệ, mà cũng sống hoàn toàn hội nhập vào xã hội nữa. Chúng tôi không phải là một hiệp hội có mục đích đối thoại, mà là tổ chức làm công tác mục vụ cho các tín hữu trong môi trường, trong đó chúng tôi tìm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập vào xã hội do thái Israel.

Trước hết chúng tôi sống trong tiếng do thái. Thứ hai cuộc sống của chúng tôi theo các tiết nhịp của xã hội do thái Israel. Thêm vào đó trong các cộng đoàn của chúng tôi, chúng tôi thường xuyên thông tin tức liên quan tới cuộc đối thoại do thái kitô, và chúng tôi tìm đóng góp phần mình vào cuộc đối thoại này.

Trong môi trường xã hội do thái israel, vẫn còn có thái độ tiêu cực đối với Kitô giáo nói chung và đối với Giáo Hội Công Giáo nói riêng, một phần vì trong nhiều thế kỷ đã có các liên hệ căng thẳng giữa tín hữu do thái và tín hữu Kitô tại Âu châu. Trong nghĩa này, chúng tôi coi mình có nhiệm vụ khiến cho xã hội do thái Israel chú ý tới các thay đổi rộng lớn mà Giáo Hội đã đem lại trong các tương quan với dân tộc do thái từ Công Đồng Chung Vaticăng II.

Hỏi: Các tín hữu công giáo nói tiếng do thái có thành công trong việc hoàn toàn hội nhập vào xã hội Israel hay không? Chẳng hạn, có các tín hữu công giáo dấn thân trong lãnh vực chính trị, giáo dục và thế giới lao đng không thưa cha?

Đáp: Một vài tín hữu công giáo nói tiếng do thái, tức là các anh chị em do thái theo Công Giáo, thì hoàn toàn hội nhập cuộc sống xã hội. Ngoài ra có một vài tín hữu công giáo nói tiếng do thái từ các nước khác tới Israel đã thành công trong việc đóng góp cho xã hội, bằng cách hội nhập vào cuộc sống thường ngày.

Trước hết các cộng đoàn của chúng tôi đóng góp cho xã hội nói chung bằng cách là nơi sống và cầu nguyện trong môi trường của một xã hội có chiến tranh. Một trong các ơn gọi chuyên biệt của chúng tôi là cầu nguyện cho hòa bình và công bằng.

Trong lãnh vực giáo dục chúng tôi đã có nhiều thành viên hoạt động trong các học viện Israel. Một trong các người cha thành lập hiệp hội Giacôbê là linh mục Marcel Dubois, dòng Đaminh. Người đã từng là phân khoa trưởng phân khoa triết tại đại học do thái Giêrusalem. Nhiều tín hữu khác dậy các môn thần học, nhân chủng, lịch sử và nhiều môn khác nữa trong các đại học của Israel.

Rồi có nhiều thành phần khác nữa hoạt động trong lãnh vực đào tạo các Kitô hữu đến Israel để học hỏi nghiên cứu thần học và Kinh Thánh cũng như các bộ môn do thái khác. Một trong các người cha sáng lập của chúng tôi là linh mục Yohanan Alihai, đã đóng góp rất nhiều cho lãnh vực ngữ học với các từ điển và sách giáo khoa giúp truyền thông giữa người A rập và người Israel. Ngày mùng 4 tháng 7 vừa qua cha đã lãnh bằng tiến sĩ danh dự của đại học Haifa, vì các công trình nghiên cứu ngữ học.

Một người cha sáng lập khác là linh mục Bruno Hussar, dòng Đa Minh. Cha đã thành lập một cộng đoàn gọi là ”Newe Shalom” Ốc Đảo Hòa Bình, trong đó người Do thái và người A rập sống chung với nhau. Một vài thành viên đã hoàn toàn dấn thân trong cuộc chiến đấu cho hòa bình và công bằng giữa người Israel và người Palestine.

Mỗi một cá nhân tìm thấy chỗ đứng của mình trong lòng xã hội, và như thế chúng ta có thể thấy tín hữu công giáo là các bác sĩ, các y tá, các giáo sư, các nhân viên trợ giúp xã hội, các trạng sư, các người quản trị, các doanh thương, cũng như người về hưu, các sinh viên và những người thất nghiệp, tạo thành cộng đoàn sống các cuộc sống thường ngày, nhưng chúng trở thành ngoại thường vì lòng tin của chúng tôi.

(ZENIT 5-7-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.