2008-06-23 09:41:10

GIUSEPPE PIERANTONI, MỘT NHA SĨ LẠ THƯỜNG


Tại quảng trường Maccagno vùng Balduina, một khu vực xinh xắn của thủ đô Roma, có phòng mạch của một nha sĩ ngoại lệ, không giống các bác sĩ chữa răng khác chỉ lo sửa nhổ lấy tiền bất kể sự lo sợ của khách hàng. Đó là nha sĩ Giuseppe Pierantoni. Khi thấy một thân chủ ôm bộ răng đau đến phòng mạch, nha sĩ tìm cách trấn an họ trước đã rồi tả tỷ mỉ những biện pháp phải làm để chữa cho họ. Xen lẫn vào đó là vài câu nói đùa, tạo nên bầu khí thoải mái cho cả chủ lẫn khách. Và thế là buổi chữa răng đã diễn ra tốt đẹp.

Nha sĩ Giuseppe Pierantoni sinh trưởng tại Chieti, một thị trấn cách Roma chừng vài trăm cây số, trong một gia đình nghèo. Cha của Giuseppe, vì hoàn cảnh gia đình chật hẹp thiếu thốn, đã phải sang Mỹ làm lụng nhiều năm dài, bỏ vợ con ở quê nhà. Vào năm 1963, cả gia đình dời lên thủ đô Roma sinh sống và đây là một cú khích động khác đối với Giuseppe. Roma rộng mênh mông, khác hản với bầu khí đầm ấm thân thuộc của Chieti là một tỉnh nhỏ.

Lạc lõng trong thủ đô rộng lớn, Giuseppe buồn bã lắm vì không có bạn hữu thân thiết. Trong hoàn cảnh mới này, Giuseppe chỉ biết tựa vào những giá trị căn bản kytô mà cha mẹ để bồi đắp trong tâm hồn con cái trong nhà suốt bao nhiêu năm qua và dồn mọi sức lực vào việc học hành. Khi chọn ngành nha sĩ, Giuseppe ấp ủ trong hồn mộng ước sang Phi châu sống đời thừa sai phục vụ. Nhưng rồi hoàn cảnh đẩy đưa, không bao giờ Giuseppe thực hiện được mộng ước nói trên.

Thập niên 70, nha sĩ Giuseppe quen biết với Tanino, một thành viên phong trào Tổ Ấm, đến từ thành Fontem bên Camerun. Từ các giao tiếp với Tanino và phong trào Tổ Ấm, ước vọng buổi thiếu thời lại sống lại mạnh mẽ hơn trước trong tâm hồn nha sĩ, nhưng với xác tín rằng công cuộc phục vụ hữu hiệu có thể thực hiện được ngay tại nơi đây, trong chính nghề nghiệp của mình, bằng cách thức đơn sơ là theo gương Chúa Kytô, yêu thương săn sóc những người tha nhân anh chị em đồng loại của mình. Nha sĩ hóm hỉnh thuật lại câu chuyện nghe kể hồi còn đi học tiểu học đã để lại một ấn tượng sâu sa trong đầu óc mình như sau: Một hôm, thầy giáo lớp tôi kể lại câu chuyện một người lính thật đặc biệt, luôn luôn trình diện nhận lời thi hành công vụ bề trên đòi hỏi một cách đơn sơ, mặc dù công vụ có khiêm hạ, khó khăn hay nguy hiểm đến chừng nào đi nữa. Người lính trẻ ấy luôn luôn tươi cười xung phong tình nguyện đi trước mọi người khác đến độ được mệnh danh là ”Tôi đi”. Cho đến ngày kia, khi thượng cấp cần người xung phong thực hiện một sứ vụ cực kỳ nguy hiểm, người lính trẻ vẫn can đảm thưa ”Tôi đi”, mặc dù đây là một sứ vụ ra đi không hẹn ngày về. Và quả thật, người lính trẻ không trở về nữa. Anh đã ngã gục trên chiến trường. Cái chết của người lính trẻ đã để lại ấn tượng sâu xa trong tâm hồn tôi và thúc đẩy tôi đi theo kiểu mẫu sống của anh, quảng đại hy sinh phục vụ tha nhân bằng cách vâng theo thánh ý Chúa.

Nha sĩ Giuseppe Pierantoni thuật lại một biến cố xảy ra hồi tháng hai năm 1998 như sau: Lúc ấy là khoảng 7 giờ chiều, phòng mạch đã hết khách và chỉ còn có một mình tôi loay hoay dọn dẹp những thứ cuối cùng trước khi ra về. Bỗng chốc, có tiếng chuông gọi cửa. Chưa kịp mở thì cánh cửa bật tung, hai tên bất lương vạm vỡ, che một nửa mặt ập vào phòng mạch. Một tên đóng ập cửa, đấm vào mặt tôi một cú trời giáng làm tôi bật ngã đập đầu vào tường sau lưng, rồi chĩa súng vào họng tôi. Tên kia lục lọi trong các ngăn tủ. Lúc ấy, tôi không hề tự hỏi có phải là súng thật hay không? Tôi chỉ nghĩ đến vợ con, đến niềm đau khổ của họ khi tôi khuất bóng. Tôi không hề lo sợ vì tôi xác tín mình ở trong tay Chúa.

Hai tên bất lương thay phiên nhau lục lọi những chẳng kiếm được gì. Chúng xấn lại bên tôi, đòi đồng hồ đeo tay. Nhưng tôi chẳng bao giờ đeo cả. May thay, tôi có vài trăm ngàn đồng trong ví tiền. Khi giật ví moi tiền, một tượng ảnh Chúa chịu nạn rơi ra từ ngăn ví. Cả hai tên cướp cạn lẫn tôi đều nhìn tượng ảnh nằm im trên đất và hình như một cái gì đó đã thay đổi trong ánh mắt hai tên cướp. Tượng ảnh Chúa chịu nạn giúp tôi lấy lại can đảm, nói với bọn này: Các ông muốn lấy gì thì cứ lấy, rồi đi đi. Hai kẻ cướp móc lấy tiền, rồi bỏ đi. Trước khi ra khỏi cửa, họ còn ngoái đầu lại nói: Người ta cho chúng tôi tin sai lầm. Tôi thở phào tạ ơn Chúa được thoát nạn nhờ tượng ảnh Chúa chịu nạn che chở. Một lần nữa xác tín trong tôi, không có gì xảy ra cách tình cờ nhưng tất cả đều có Chúa quan phòng, được củng cố thêm phần vững chắc.

MAIANH (...750)









All the contents on this site are copyrighted ©.