2008-06-10 19:42:30

Tình hình Thánh Địa



Một số nhận định của ĐC Fouad Twal, GM Phó Đức Thượng Phụ Latinh Giêrusalem, về tình hình Thánh Địa.

Ngày 12 tháng 5 vừa qua Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã kêu gọi hòa bình và an ninh cho người do thái cũng như cho người palestine và tín hữu kitô tại Thánh Địa. Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến ông Mordechai Lewi, tân đại sứ Israel cạnh Tòa Thánh tới trình ủy nhiệm thư. Trong bài diễn văn chào mừng ông tân đại sứ Đức Thánh Cha đã cầu mong Thánh Địa có hai quốc gia Israel và Palestine, độc lập và hòa bình, làm sao để chấm dứt tình trạng kitô hữu di cư ra nước ngoài sinh sống. Đức Thánh Cha kêu gọi các giới hữu trách làm vơi nhẹ các khổ đau mà cộng đoàn Palestine đang phải gánh chịu, bằng cách cho họ sự tự do cần thiết cho công ăn việc làm hợp pháp, tự do lui tới các nơi thánh để cầu nguyện, được hưởng nhiều hòa bình và an ninh hơn. Dĩ nhiên các vấn đề này cần được đương đầu trong bối cảnh rộng rãi hơn của tiến trình hòa bình cho toàn vùng Trung Đông.

Riêng đối với Giáo Hội Công Giáo và các kitô hữu Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cầu mong cho các vấn đề kinh tế và tình trạng thuế khóa mau chóng có giải pháp tích cực. Ngài yêu cầu chính quyền Israel thừa nhận tình trạng pháp lý của các cơ cấu Giáo Hội, dễ dãi trong việc cấp chiếu khán cho các nhân viên của Giáo Hội đặc biệt là hàng giáo sĩ tu sĩ Palestine. Đức Thánh Cha hy vọng ông tân đại sứ sẽ làm tất cả những gì có thể để tìm ra giải pháp cho các vấn đề còn tồn đọng. Chỉ khi nào các khó khăn này được thắng vượt, Giáo Hội mới có thể tự do chu toàn sứ mệnh tôn giáo, giáo dục luân lý và bác ái trong quê sinh của mình.

Đề cập tới tình trạng kitô hữu giảm sút tại vùng Trung Đông Đức Thánh Cha nói họ không phải là những người duy nhất phải đau khổ vì các tình trạng thiếu an ninh và bao lực do các xung khắc trong vùng gây ra, nhưng họ dễ bị tổn thương hơn. Vì các tương quan tốt đẹp của kitô hữu đối với người do thái và người hồi, ngài cầu mong sự hiện diện của họ tại Israel có thể góp phần chữa lành các chia rẽ giữa hai cộng đoàn.

Đức Thánh Cha cũng không quên chúc mừng 60 năm thành lập quốc gia Israel, ngài cảm tạ Chúa đã cho dân Do thái thực hiện được các khát vọng có một mài ấm trên quê cha đất tổ của họ xưa kia. Tất cả mọi dân tộc đều có quyền sống trong an ninh hòa bình và thịnh vượng, mà không bị kỳ thị và bài xích dưới bất cứ hình thái nào.
Tuy nhiên tình hình tại Thánh Đại lại căng thẳng, vì ngày mùng 1 tháng 6 vừa qua chính quyền Israel lại quyết định xây thêm 884 căn nhà mới trên vùng đất của người Palestine ở mạn Đông Gierusalem. Tổng thống Mahmoud Abbas đã mạnh mẽ phản đối quyết định này. Bà Dana Perino, phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc, tuyên bố rằng: việc xây cất các làng mạc mới khiến cho các căng thẳng gia tăng, và không tạo tin tưởng cho người Palestine khi họ ngồi vào bản hòa đàm.

Ông Ban Ki Moon, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, bầy tỏ lo âu vì việc xây thêm các làng trên đất của người Palestine là trái với luật quốc tế, cũng như trái với thỏa hiệp Bản đồ con đường ký kết tại Annapolis.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Fouad Twal, Giám Mục Phó Đức Thượng Phụ Latinh Giêrusalem, về tình hình Thánh Địa. Đức Cha Twal sinh trưởng tại Giordania năm 1940, nguyên Tổng Giám Mục Tunisi và Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Bắc Phi châu. Là Giám Mục Phó với quyền kế vị Đức Thượng Phụ Michel Sabah, Đức Cha Twal đã từng theo học tại đại chủng viện Beit Jala, gần Giêrusalem và đã là cha xứ Ramallah, nên là người rất am hiểu tình hình và thảm cảnh của Thánh Địa. Đức Cha cũng đã làm việc trong ngành ngoại giao của Tòa Thánh và có một người em gái họ là nữ tu bị bắt buộc phải rời tu viện trong dải Gaza, khi các lực lượng Khamas tấn công tu viện này.

H: Thưa Đức Cha, từ bao thập niên qua người ta đã cố gắng tìm thực hiện giải pháp hai quốc gia láng giềng, độc lập và hòa bình là nước Israel và nước Palestine. Nhưng hiện giờ chúng ta đang đứng trước một tình trạng mâu thuẫn là hai chính quyền Palestine đối đầu với nhau. Đức Cha nghĩ sao?

Đ: Vâng, chúng tôi tất cả đều rất lo âu: những gì đang xảy ra không ở trong hướng đi đúng đắn. Nhưng cũng nên lồng khung những gì mới xảy ra sau này vào trong viễn tượng chung. Hiện nay mọi người đều ca ngợi tổng thống Mahmoud Abbas và muốn trợ giúp ông. Ông là vị lãnh đạo giỏi và là người hòa hoãn hơn người ta tưởng nghĩ rất nhiều. Nhưng không biết tại sao người ta lại đã không trợ giúp ông, khi quyền bính của ông vững chắc hơn. Tại sao Hoa Kỳ, Israel và các nước Âu châu lại thúc đẩy ông tới các cuộc bầu cử hồi tháng giêng năm 2006, mà biết là ông chỉ thua chứ không thắng được?

H: Liên quan tới các cuộc bầu cử hồi đó, trong vùng Bếtlêhem, Beit Jala, Beit Shahur là nơi quy tụ tới 50% kitô hữu sống trong các vùng đất của chính quyền Palestine. Tại sao lực lượng Khamas lại chiếm được nhiều phiếu như vậy? Đức Cha giải thích sự kiện này ra sao?

Đ: Tôi giải thích bằng điều tôi vừa nói. Chúng ta muốn tin rằng các kitô hữu sống trong các vùng này cũng cuồng tín như các chiến binh của lực lượng Khamas hay sao, trong khi một năm trước đó họ đã bỏ phiếu cho đảng Al Fatakh. Dĩ nhiên là không rồi. Thực ra trong vòng một năm trời họ đã không có chính phủ, và họ thất vọng vì không biết phải hướng tới ai. Chính vì thế họ thấy rằng những người hòa hoãn đã không làm được gì cụ thể cả. Do đó họ nói: với những người này chúng ta không được cái gì cả. Vậy thì hãy thử với các thành phần Khamas điên loan xem sao. Vì thế theo tôi, thay vì chỉ trích khuynh hướng hồi giáo cuồng tín, và sợ hãi các thành phần qúa khích, thì hãy trợ giúp các người có khuynh hướng hòa hoãn, hãy cho họ cơ may cai trị và thực hiện một cái gì cụ thể, vì người dân luôn theo những ai có thể cống hiến cho họ công ăn việc làm, để cho họ có thể sống một cách xứng đáng. Sợ hãi khuynh hướng hồi giáo qúa khích, mà không làm điều duy nhất thực sự giúp đánh bại được nó, thì đâu có lợi ích gì. Trái lại còn có nguy cơ trở thành một sự bất thường. Chính sự vắng bóng một Nhà Nước Palestine vững mạnh mở rộng đường cho cho những kẻ mạnh hơn và vô lương tâm, không ngần ngại trước điều gì cả.

H: Đức Cha rất tin tưởng nơi ý tưởng một nước Palestine, có đúng thế không?

Đ: Nếu quốc gia Palestine không nảy sinh, thì chúng tôi sẽ không bao giờ có hòa bình. Đàng khác, họ là 4 triệu người, tại sao họ lại không có quyền có một quốc gia?

H: Nếu quốc gia Palestine mạnh mẽ này có đa số dân theo Hồi giáo, thì quyền lợi của các tín hữu kitô có bị thiệt thòi không thưa Đức Cha?

Đ: Tôi không tin là quyền lợi của các tín hữu kitô bị thiệt thòi. Các anh em hồi giáo palestine ý thức được tầm quan trọng của cộng đoàn kitô tại Thánh Địa. Họ biết rằng Tòa Thánh Vaticăng yểm trợ chúng tôi và Tây Phương hướng nhìn chúng tôi. Khi Đức Thánh Cha đọc bài diễn văn tại Regensburg, bài diễn văn của người đã bị hiểu lầm và có người thích nó bị hiểu lầm như thế và gây ra tình trạng căng thẳng bài tín hữu kitô, thì cả lực lượng Khamas cũng đã gửi binh sĩ tới bảo vệ các nhà thờ kitô ngày đêm, không ngưng nghỉ. Tôi không tin là phải sợ hãi một quốc gia palestine. Nếu chúng tôi có một chính quyền mạnh, thì tất cả chúng tôi đều sống trong hòa bình. Nhưng nếu chúng tôi không có một chính quyền mạnh, thì sẽ xảy ra cảnh hỗn loạn đối với tất cả mọi người.

H: Trên đây chúng ta đã dùng kiểu nói ”phong trào hồi giáo qúa khích”. Đức Cha không sợ hãi nó hay sao? Các tín hữu kitô palestine không sợ nó hay sao? Các tin tức cho biết đã xảy ra nhiều hành động bất khoan nhượng đối với kitô hữu.

Đ: Dĩ nhiên là có chứ. Chúng tôi biết rất rõ là chúng tôi có thể trở thành các nạn nhân đầu tiên, cũng như chúng tôi đang là các nạn nhân của sự bất ổn chính trị của nước Israel.

H: Trong nghĩa nào thưa Đức Cha?

Đ: Một số người hồi, nhất là những người cuồng tín, đặt chúng tôi chung với người tây âu vì chúng tôi là kitô hữu, và theo họ thế giới tây âu là thế giới chống lại các lợi lộc và các quyền của họ. Vì chúng tôi là người A Rập nên người Israel thì đặt chúng tôi chung với người hồi, mà không phân biệt và không hiểu rằng là kitô hữu chúng tôi là yếu tố của sự ổn định và khoan nhượng hữu ích, vì Giáo Hội Công Giáo cảm nghiệm một cách sâu xa sứ mệnh của mình là cầu nối giữa các dân tộc. Tôi xin đơn cử một thí dụ: chỉ trong các trường của Tòa Thượng Phụ Latinh có hơn 20.000 trẻ em và người trẻ theo học, trong đó có một phần ba theo Hồi giáo. Qúy vị có thể hiểu kho tàng của các giao tiếp và khả thể đổi thoại giúp hiểu biết nhau giữa người trẻ. Cần phải thăng tiến sự hiểu biết và đối thoại đó nhiều hơn. Để có thể làm trung gian giữa hai bên, cần phải yêu thương cả hai. Chúng tôi được gắn bó với anh chị em do thái bởi Kinh Thánh và với anh chị em hồi giáo bởi sự kiện chúng tôi hiện diện tại đây 6 thế kỷ trước khi người hồi giáo đến Thánh Địa.

(Avvenire 28-5-2008)
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.