2008-05-14 17:18:51

Dionigi Areopagita ông tổ của nền thần học thần bí


Sáng thứ tư 14-5-2008 đã có gần 40 ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung với Đức Thánh Cha tại quảng trường thánh Phêrô. Ngoài các đoàn hành hương Tây Âu và Bắc Mỹ có các nhóm hành hương Đông Âu như Ba Lan, Rumani, Slovac và Croat. Từ Á châu có các đoàn hành hương Nhật Bản và Philippines. Trong khi từ Châu Mỹ Latinh có các nhóm hành hương Costa Rica, Mehicô và Peru.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của một nhà thần học thuộc thế kỷ thứ VI, sáng tác với tên giả là Dionigi Areopagita. Tên gọi này liên quan tới biến cố thánh Phaolo rao giảng tại Athènes cho một nhóm các nhà trí thức Hy Lạp như thánh Luca kể trong chương 17. Thánh sử nhắc tới tên hai nhân vật là ông Dionigi, thành viên của Hội Đồng Areopago và bà Damaris. Khi chọn tên gọi Dionigi Areopagita 5 thế kỷ sau đó tác giả cố ý dùng sự khôn ngoan Hy Lạp để phục vụ Tin Mừng, giúp nền văn hóa và tri thức Hy Lạp gặp gỡ lời loan báo Chúa Kitô.

Lý do chính của tên giả chắc hẳn là một cử chỉ khiêm tốn, không muốn vinh danh mình mà chỉ phục vụ Tin Mừng, tạo ra một nền thần học của Giáo Hội chứ không phải của cá nhân. Và ông đã thành công trong việc tạo ra một nền thần học diễn tả một tư tưởng chung, chứ không phải tư tưởng riêng tư. Thế kỷ thứ VI sau thời Công Đồng Chung Calcedonia là thời gian có nhiều tranh luận sôi nổi. Vì thế trong thư thứ VII tác giả viết: ”Tôi không muốn các cuộc tranh luận, nhưng chỉ muốn nói lên sự thật”. Với nguyên tắc đó ông thanh tẩy tư tưởng Hy Lạp để cho nó bước vào tương quan với Tin Mừng.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Dionigi Areopagita đã gặp tư tưởng Hy Lạp trong các sách của ông Proclo qua đời năm 485 tại Athènes. Ông Proclo thuộc trào lưu hậu Platon, là trào lưu đã biến triết thuyết của Platon thành một loại tôn giáo, với mục đích biện hộ cho thuyết đa thần Hy Lạp và trở lại với tôn giáo cổ Hy Lạp, sau sự thành công của Kitô giáo. Ông muốn chứng minh rằng các thần linh là các sức mạnh hoạt động trong vũ trụ. Con người có thể đạt tới các thần linh bằng các con đường khác nhau cho người đơn sơ và các hiền nhân. Đề cập tới sự độc đáo của Dionigi Areopagita dùng tư tưởng phản Kitô trên đây để cho thấy sự thật về Chúa Kitô Đức Thánh Cha nói:

Như chúng ta thấy đó tư tưởng này phản Kitô một cách sâu xa. Nó là một phản ứng chống lại chiến thắng của Kitô giáo. Một việc dùng Platon để chống Kitô giáo, trong khi đã có việc sử dụng triết gia lớn này để trình bầy Kitô giáo.

Và thật là điều hay khi ông Dionigi đã dùng chính tư tưởng này để chứng minh sự thật về Chúa Kitô: biến đổi thế giới đa thần thành vũ trụ được Thiên Chúa tạo thành, trong sự hài hòa. Trong vũ trụ của Thiên Chúa tất cả mọi sức mạnh đều chúc tụng Thiên Chúa. Và ông cho thấy sự hài hòa lớn lao đó của vũ trụ: đi từ các seraphim cho tới các thiên thần và tổng lãnh thiên thân, và mọi thụ tạo đều phản ánh vẻ đẹp của Thiên Chúa và chúc tụng Người.

Thế là ông biến đổi hình ảnh đa thần thành lời chúc tụng ngợi khen Đấng Tạo Hóa và các thụ tạo của Người. Như thế chúng ta có thể khám phá ra các đặc thái chính trong tư tưởng của ông. Trước hết đó là một lời ca tụng của vũ trụ. Toàn thụ tạo nói về Thiên Chúa và ca khen Người. Thần học của Dionigi Areopagita là một nền thần học phụng vụ. Chúng ta tìm thấy Thiên Chúa, khi chúc tụng Người chứ không phải chỉ trong lúc suy nghĩ về Người.

Cử hành phụng vụ là cùng với ca đoàn thụ tạo bước vào vũ trụ để ca ngợi Thiên Chúa. Phụng vụ giáo hội trở thành rộng rãi to lớn kết hiệp chúng ta với tất cả mọi loài thụ tạo. Không thể nói về Thiên Chúa một cách trừu tượng; nói về Thiên Chúa luôn luôn là hát ca chúc tụng Người. Tuy đây là một nền thần học vũ trụ, giáo hội và phụng vụ, nhưng từ đó Dionigi Areopagita đã tạo ra một nền thần học thần bí. Với ông từ thần bí mang ý nghĩa mới. Cho tới thời đó các Kitô hữu dùng từ ”mysterion” để ám chỉ bí tích, với ông từ thần bí có tính cách cá nhân và thân tình hơn: nó điễn tả con đường dẫn đưa linh hồn con người tới với Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Xem ra những điều Platon và triết lý lớn nói về Thiên Chúa thì cao vượt hơn và thật hơn những gì Kinh Thánh nói. Nhưng đối với Dionigi thì đây là điều cần thiết, vì các ý niệm cao vời về Thiên Chúa không bao giờ đạt tới sự cao cả đích thật của Thiên Chúa, vì chúng không phù hợp. Các hình ảnh đó giúp chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa ở trên mọi ý niệm: trong sự đơn sơ của các hình ảnh chúng ta tìm thấy nhiều sự thật hơn trong các ý niệm. Chúng ta không có khả năng diễn tả gương mặt của Thiên Chúa. Vì thế Dionigi nói về nền thần học tiêu cực. Chúng ta chỉ có thể nói về những gì Thiên Chúa không là hơn là diễn tả thật sự Người thế nào. Và Dionigi cho thấy sau cùng con đường dẫn đến Thiên Chúa là chính Thiên Chúa. Người đến gần loài người chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô. Và như thế một nền thần học lớn lao và nhiệm mầu cũng trở thành rất thực tế trong giải thích phụng vụ cũng như trong lới giảng dậy của Chúa Giêsu Kitô.

Các tư tưởng của Dionigi ảnh hưởng rất lớn trên nền thần học thời trung cổ và trên toàn nền thần học thần bí của Đông Phương cũng như Tây Phương. Nó được tái khám phá ra trong thế kỷ XIII đặc biệt với thánh Bonaventura rồi với thánh Phanxicô thành Assisi. Cả hai vị đều khẳng định rằng: tình yêu thấy rõ hơn lý trí. Nơi đâu có ánh sáng của tình yêu, thì không có các bóng tối của lý trí. Tình yêu trông thấy, tình yêu là con mắt, và kinh nghiệm trao ban cho chúng ta nhiều điều hơn là sự suy tư. Rồi Đức Thánh Cha nêu bật tính cách thời sự của nền thần học thần bí của Dionigi Areopagita như sau:

Ngày nay tư tưởng của Dionigi Areopagita là một biến cố thời sự mới: ông nói như một người trung gian trong cuộc đối thoại tân tiến giữa Kitô giáo và các nền thần học thần bí của Á châu. Các nền thần học này có đặc thái là xác tín rằng không thể nói Thiên Chúa là ai; mà chỉ có thể nói về Người trong các hình thái tiêu cực mà thôi; chỉ có thể nói về Thiên Chúa bằng cái ”không”, và chỉ khi bước vào trong kinh nghiệm của cái ”không” này chúng ta mới đạt tới Thiên Chúa.

Và Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ: Như thế chúng ta thấy đối thoại không chấp nhận sự hời hợt. Chính khi bước vào trong chiều sâu của sự gặp gỡ với Chúa Kitô, thì khoảng không rộng rãi cho cuộc đối thoại cũng mở ra cho chúng ta. Khi một người gặp gỡ ánh sáng chân lý, thì nhận ra rằng nó là một ánh sáng cho mọi người; và khi đó các tranh luận biến mất, người ta có thể gặp gỡ nhau, và ít ra nói chuyện với nhau và tiến tới gần nhau. Con đường đối thoại là gần gũi Thiên Chúa nơi Chúa Kitô trong chiều sâu của cuộc gặp gỡ Người.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu hành hương bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Rumani, Slovac, Croat và Ý. Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nói hôm qua Giáo Hội mừng lễ thánh Matthia, được gia nhập đoàn Mười Hai Tông Đồ để làm chứng cho sự phục sinh của Chúa. Ngài xin gương sống của thánh nhân giúp đỡ các bạn trẻ trong việc thường hằng kiếm tìm Chúa Kitô; khích lệ các anh chị em đau yếu hiến dâng mọi khổ đau để cho Nước Chúa được phổ biến khắp thế giới; và trợ giúp các cặp vợ chồng mới cưới làm chứng nhân cho tình yêu của Chúa Kitô trong gia đình.

Sau cùng ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.