2008-05-06 10:22:38

ỐC ĐẢO TÌNH YÊU GIỮA SA MẠC DỬNG DƯNG VÀ KỲ THỊ.


Năm 1004, ông Angelo Luciano, 52 tuổi, vốn là một ca nhạc sĩ chuyên hát dạo và nguyên là một chuyên viên ngành du lịch. Ông có một tòa nhà ở vùng duyên hải Domizio, gần thành Napoli, trung nam Italia, nơi hoành hành của các băng đảng tội phạm camorra. Đây cũng là vùng sản xuất cà chua, hằng năm thu hút bao nhiêu công nhân da đen về đây kiếm việc làm trong mùa hái cà chua. Sự hiện diện của họ thường gây công phẫn trong giới bản xứ, vì cho rằng người da đen cướp công ăn việc làm của họ và đã có nhiều phản ứng kỳ thị giữa người Ý và người làm việc theo mùa da đen tại đây. Hơn nữa các công nhân da đen thường bị hất hủi, sống trong những khu nhà đổ nát, thiếu mọi phương tiện vệ sinh tối thiểu. Lắm khi họ cũng phản ứng lại bằng vũ lực, khiến các vụ ẩu đả xô xát xảy ra làm kích động lòng người thêm. Mỗi lần như thế, giới nhân viên công lực hay chính những người công nhân da màu lại cầu cứu với ông Angelo, nhờ ông giải quyết tự sự.

Vì công việc làm ăn, ông Angelo đã chu du nhiều nơi trên thế giới. Bất cứ nơi nào đặt chân đến, ông đều kiếm cách viếng thăm các khu xóm ổ chuột quanh thành thị sầm uất. Và ông thường được chứng kiến cảnh nghèo nàn bần cùng, trái ngược hẳn với sự dư thừa phong phú. Cùng với vợ là bà Marcella Najarro, ông mua một căn nhà và vùng đất bao quanh ở mạn duyên hải Domizio, mở một trại hè và trung tâm tiếp đón dành cho người tàn tật. Hằng năm, cú mỗi bận hè về, từ Napoli và các tỉnbh phụ cận, hằng trăm người tàn tật tìm đến trại hè này để vừa nghỉ ngơi, vừa sinh hoạt tập thể với nhau trong một bầu khí tươi vui. Mùa hè vừa qua, ông Angelo đã đón tiếp một người khách quý, đó là Licia Pastena, một thiếu nữ 20 tuổi tuy tàn tật nhưng rất ham học và đầy sức sống. Licia có hai mảnh bằng chuyên nghiệp, nhưng vì mồ côi cả cha lẫn mẹ và mang thân phận tàn tật trầm trọng, chị được cơ quan tương trợ xã hội giao cho một nữ trợ tá chăm sóc. Đáng tiếc thay, bà này lại bỏ bê và hành hạ chị cách tàn nhẫn. Khi nội vụ đổ bể, người trợ tá kia bị tống giam và chị Licia xin gia nhập trung tâm tiếp đón do ông Angelo khai sáng và điều khiển.

Cách đó 6 năm, một đêm kia, một nhóm người da đen gốc Ghana quen biết gọi điện thoại đến cầu cứu với ông. Cứ tưởng rằng họ bị hành hung hiếp đáp hay có tai nạn gì, ông Angelo vội vã chạy đến nơi họ trú ngụ. Nhưng đến nơi, ông chỉ thấy một phụ nữ da đen, vừa sinh con xong bên vệ đường. Bà ta định vất bỏ đứa bé sơ sinh xuống hố đất cạnh đường đi, nhưng ông Angelo hết lời can gián và cuối cùng, người đàn bà trao đứa bé lại cho ông, rồi chạy biến dạng. Ông Angelo mang đứa bé về nhà, quyết định nhận làm con nuôi và đặt tên là Francis, mặc dù ông đã có con cái đầy đàn rồi. Hơn thế nữa, sau Francis, ông cũng quyết định trở thành cha của tất cả các trẻ thơ vô thừa nhận khác, dù chúng thuộc màu da chủng tộc nào đi nữa. Công việc của ông được cha Antonio Palazzo, cha sở họ đạo Castel Volturno, ủng hộ nhiệt liệt và sẵn sàng trợ giúp một tay.

Ngày nay, đám con nuôi của ông Angelo lên tới khoảng hơn 30 đứa. Một số thì được cha mẹ đem đến gửi gấm suốt ngày, trong khi họ chạy kiếm ăn, rồi đến chiều tối, được đón về nhà. Số còn lại ở luôn trong nhà ông Angelo. Sáng sớm, mọi người thức dậy vào lúc 7 giờ sáng. Một giờ sau đó, hai phụ nữ giữ trẻ người da màu đến giúp tắm rửa cho các em bé. Tiếp theo, các nhân viên tự nguyện lần lượt chia phiên nhau đến phụ một tay. Người thì thay áo, kẻ thì lo thúc đẩy lũ trẻ rửa mặt đánh răng vv... Rồi chúng ùa nhau chạy ra ngồi quanh bàn ăn điểm tâm. Ăn xong, lũ trẻ vào phòng học hay phòng giải trí. Rồi nếu trời đẹp, chúng được ra vườn sinh hoạt tập thể với các nhóm tàn tật. Sau bữa cơm trưa, lũ trẻ nghỉ ngơi hai giờ đồng hồ và sau đó, chúng tự biên tự diễn những bài ca hay màn vũ đặc thù của quê hương chúng. Ông Angelo rất chú trọng đến việc giữ vững cho lũ con nuôi của mình đừng bao giờ đánh mất bản sắc dân tộc của chúng cả. Như thế, giữa vùng đất tuyến đầu đỏ lửa của tội phạm, kỳ thị và tranh chấp này, một ốc đảo tình yêu đã nảy nở và phát triển mạnh, chiếu soi ánh sáng liên đới.

MAIANH (...121)








All the contents on this site are copyrighted ©.