2008-05-03 14:07:45

MOZART, QUÍ TỬ ĐỨC NỮ TRINH RẤT THÁNH MARIA


Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791) - người Áo - có lẽ là nhạc sĩ đại tài trẻ tuổi nhất, đạt kỷ lục sáng tác dồi dào nhất. Khi qua đời năm 35 tuổi, Mozart để lại một rừng nhạc phẩm gồm 1000 bản. Tuy nhiên, bên cạnh tài năng xuất chúng, Mozart còn trổi vượt một đức tính đáng quý khác, mà ít người lưu ý. Đó là, lòng nhiệt thành sống đạo chân chính và hết mực yêu kính Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA.

Song song với tài nghệ sáng tác dồi dào của Mozart, có một nhạc sĩ đại tài Công Giáo khác - người Đức - ông Johann-Sebastian BACH (1685-1750). Ông Bach sống trước Mozart gần một thế kỷ. Khi qua đời năm 65 tuổi, ông Bach để lại hơn 1000 nhạc phẩm. Ông có tất cả 20 người con với hai đời vợ.

Trong khi Mozart độc thân. Mozart chào đời tại Salzbourg và qua đời tại Vienne. Tiểu tự điển Larousse của Pháp chú thích về tài năng xuất chúng tuyệt vời của nhạc sĩ Wolfgang Amadeus Mozart vỏn vẹn trong câu cô đọng:

- Mozart luôn tìm kiếm sự thanh khiết, nét tao nhã và biết đạt tới vẻ đẹp cao cả xuyên qua sự đơn sơ và nét duyên dáng.

Ngay từ niên thiếu, Mozart đi du lịch nhiều nơi, rảo quanh khắp Châu Âu, qua các thành phố lớn: Vienne, Munich, Paris, Luân Đôn, Bruxelles, Amsterdam và nước Ý.

Nhưng càng du lịch nhiều Mozart càng để lộ tâm tình tôn giáo nhiệt thành của một tín hữu Công Giáo ngoan đạo. Sử liệu cuộc đời ông ghi rõ. Ngày 25-8-1770, khi cùng thân phụ tới Bologna (Bắc Ý), Mozart đến ngay nhà thờ xứ đạo để tham dự Thánh Lễ và rước lễ. Ban trưa, chàng lại đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và dự buổi lần hạt Mân Côi chung, như ”thói quen chàng vẫn làm”. Câu - ”như thói quen vẫn làm” - diễn tả một thói quen lành thánh nơi chàng nghệ sĩ Công Giáo trẻ tuổi và tài ba.

Một lần khác, khi tới thủ đô Roma, Mozart đến ngay nhà thờ thánh Lorenzo tham dự Thánh Lễ đại trào. Vào ban chiều, chàng lại tới nhà thờ tham dự buổi hát Kinh Chiều, vì hôm ấy Lễ Kính Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành.

Năm 22 tuổi, trước khi đến thủ đô Paris - kinh thành của ánh sáng hoa lệ Pháp quốc - Mozart linh cảm trước những hiểm nguy có thể gặp và vấp ngã, chàng liền dâng mình cho Đức Mẹ MARIA. Chàng phó thác hồn xác trong tay Đức Mẹ MARIA, van xin Đức Mẹ gìn giữ cuộc đời thanh xuân. Dâng mình cho Đức Mẹ thôi chưa đủ, chàng còn phổ thành nhạc tác động dâng hiến trong bản thánh ca: ”Ego omnia tibi debeo - Thánh MARIA, Đức Mẹ Chúa Trời, tất cả những gì con có đều nhờ Mẹ”.

Một khi dâng mình cho Đức Mẹ rồi, chàng nhạc sĩ đạo đức luôn trung thành với điều dâng hiến. Người ta đọc thấy tâm tình tín trung trong nhật ký của chàng. Đó là những hàng chữ viết sau buổi hòa nhạc thánh tại điện Tuileries ở thủ đô Paris. Buổi hòa nhạc đã thành công rực rỡ, ngoài mức tưởng tượng của mọi người. Mozart viết:

- Ngay sau khi buổi hòa nhạc chấm dứt, trong niềm vui khôn tả, tôi đi thẳng vào hoàng cung để lần hạt Mân Côi tạ ơn, như tôi đã hứa với Đức Mẹ, rồi mới trở về nhà.

Tất cả những ai hiểu biết về nhạc phẩm của Mozart, đều nhận thấy rõ ràng rằng, chính tâm tình kính mến Đức Mẹ MARIA đã gợi hứng cho Mozart sáng tác rất nhiều nhạc phẩm vĩ đại. Chẳng hạn như các bản ”Kinh Cầu Đức Mẹ Loreto”; ba bản ”Magnificat”, ba bản ”Regina Coeli - Lạy Nữ Vương Thiên Đàng”. Ngoài ra còn có bản Thánh Ca ”Sancta MARIA - Thánh MARIA”, Mozart sáng tác tại Salzbourg, thành phố quê sinh của chàng, trước khi lên đường du hành lần thứ hai sang Paris và điện Versailles, nước Pháp. Nhạc phẩm bộc lộ tài năng chín mùi trổi vượt, đối với chàng nhạc sĩ đang ở lứa tuổi 20-22.

Phúc thay cho Wolfgang Amadeus Mozart, chàng nghệ sĩ Công Giáo tài ba, biết dùng khả năng âm nhạc thần tài để ca tụng Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA, Nữ Hoàng của mọi vẻ đẹp!!!

... ”Kìa Bà nào xuất hiện như rng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ?” Tôi xuống vườn hạnh đào ngắm chồi non thung lũng, xuống xem nho đã đâm chồi, xuống xem hoa lựu nở rồi hay chưa. Đâu ngờ tình đưm say sưa, bước lên xa giá ngọc ngà chúa tôi (Sách Diễm Ca 6,10-12).

(Albert Pfleger, ”FIORETTI DE LA VIERGE MARIE”, Mambré Editeur, Paris 1992, trang 84)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.