2008-04-29 18:25:49

Các nghiên cứu khoa học cần phải có luân lý


Phỏng vấn nữ giáo sư triết gia Laura Boella, về sự cần thiết của luân lý trong các nghiên cứu khoa học

Trong các năm qua đề tài tương quan giữa lòng tin, luân lý và khoa học đã được thảo luận nhiều, đặc biệt vì các trào lưu tục hóa và duy đời qúa khích chủ trương bài xích tôn giáo và các giá trị siêu việt, và có khuynh hướng biến thành ý thức hệ thống trị xã hội. Đây đã là điều xảy ra tại Italia, trong đó từ vài năm nay các đảng tả phái phát động chiến dịch công khai tấn kích Giáo Hội Công Giáo và mạ lị giới lãnh đạo của Giáo Hội.

Trào lưu bài xích và chống đối Giáo Hội Công Giáo này đã dẫn xưa tới vụ một số giáo sư và sinh viên của đại học La Sapienza ở Roma phản đối việc Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI tham dự lễ nghi khai giảng niên khóa mới của đại học, mặc dù Đức Giáo Hoàng được viện trưởng đại học mời. Lá thư phản đối của một số ít giáo sư và các cuộc biểu tình phản đối của một nhóm nhỏ sinh viên đã tạo ra bầu khí không thích hợp khiến cho Tòa Thánh quyết định hủy bỏ chuyến viếng thăm đại học La Sapienza.

Biến cố này đã khiến cho Italia trở thành một ”gương mặt lọ lem” trước dư luận thế giới, và đặc biệt gây phẫn nộ trong các giới chính trị, trí thức và văn hóa. Và người ta không lấy làm lạ khi thấy những người có tâm thức tục hóa và duy đời cực đoan muốn tìm mọi cách loại bỏ ảnh hưởng của tôn giáo và luân lý khỏi cuộc sống xã hội cũng như khỏi các lãnh vực nghiên cứu khoa học, vì họ cho rằng chúng không dính dáng gì với nhau.

Trong những ngày vừa qua bà Laura Boella, nữ giáo sư triết học luân lý của đại học Milano, bắc Italia, đã cho phát hành cuốn sách tựa đề ”Luân lý thần kinh”, trong đó bà cho thấy các nghành khoa học khác nhau, kể cả khoa thần kinh não bộ, đều cần có một nền luân lý giúp vượt thắng sự phân cách giữa lý trí và tâm tình. Bà mạnh mẽ bênh vực quyền của mỗi người được biết những gì mà các khoa học gia đang nghiên cứu tìm tòi trong phòng thí nghiệm.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn bà Laura Boella, giáo sư triết học luân lý, về sự cần thiết của luân lý trong các nghiên cứu và hiểu biết khoa học, đặc biệt là luân lý thần kinh.

Hỏi: Thưa giáo sư Boella, tại sao mọi ngưi đều có quyền biết các khoa học gia đang làm gì trong các phòng thí nghiệm, đặc biệt khi họ nghiên cứu hệ thần kinh não bộ?

Đáp: Có một lý do gắn liền với nền dân chủ trong ý nghĩa tràn đầy của nó liên quan tới luân lý thần kinh. Con người có quyền biết điều gì đang được làm trong các phòng thí nghiệm để khiến cho các hiểu biết liên quan tới óc não của chúng ta được tiến triển mau chóng hơn, mà không qua các phóng đại hay bóp méo hoặc lèo lái lệch lạc của các phương tiện truyền thông. Trong thời gian qua các hiểu biết này ngày càng gia tăng nhiều hơn, và chúng sẽ rất nhanh chóng có ảnh hưởng cụ thể trên cuộc sống thường ngày của từng người trong chúng ta.

Hỏi: Thưa giáo sư, nói một cách chính xác, luân lý thần kinh có nghĩa là gì?

Đáp: Một đàng là có một nền luân lý liên quan tới các khoa học nghiên cứu về hệ thần kinh não bộ, đề nghị các vấn đề đã được nghiên cứu một cách rộng rãi trong lãnh vực luân lý sinh học. Đàng khác chúng ta có các khoa học về thần kinh não bộ của luân lý, là khía cạnh, theo tôi, kích thích hơn, khiêu khích hơn và cấp thiết hơn đối với suy tư triết học. Nhờ các nghiên cứu thực nghiệm trên hệ thống thần kinh của chúng ta, chúng ta đang đứng trước một cuộc xâm chiếm của các kết qủa hiểu biết và các áp dụng của chúng một ngày gần đây trong ngành y khoa và dược khoa liên quan tới cuộc sống chúng ta. Nó quan trọng đến độ chúng ta có thể định nghĩa nó là một khía cạnh quan trọng của thực tại ngày nay. Nó cũng liên quan tới lãnh vực của các vấn đề triết lý cổ điển, và cả các vấn đề siêu hình nữa. Chúng ta bước thẳng vào trung tâm các phán đoán luân lý của người khác, của khả năng quên đi, của việc làm sao để đương đầu với nỗi khổ đau. Và tất cả những điều này đều có thể ảnh hưởng trên ý tưởng về sự tự do và tinh thần trách nhiệm, khiến cho hệ thống hình sự ngày nay gặp khủng hoảng chẳng hạn.

Hỏi: Thưa giáo sư, các chuyên viên thần kinh não bộ thường bị tố cáo là muốn giản lược tất cả sự phong phú trong cung cách hành xử của con người vào nền tảng não bộ. Thế thì triết lý có thể có vai trò nào trong một cuộc đi đầu không quân bình giữa hai bên như vậy?

Đáp: Luân lý thần kinh não bộ không phải là một khoảng không trống rỗng liên nghành, và các cố gắng nhằm kết thúc cuộc thảo luận liên quan tới nó, bằng cách tuyên bố tự nhiên hóa toàn diện việc suy tư luân lý là các trốn chạy không được biện minh. Tuy nhiên, cần phải tính sổ với một đống đầy các sự kiện, nảy sinh với các kỹ thuật giúp có cái nhìn sống động liên quan tới các hoạt động não bộ của chúng ta. Và không thể coi thường ảnh hưởng của các cuộc nghiên cứu đối với dư luận quần chúng, như chúng ta thấy trình bầy đầy dẫy trên báo chí. Một suy tư luân lý mà không khởi hành từ các hệ thống sít sao và to lớn - và đây là viễn tượng của tôi - thì có cơ may tập hợp trở lại các quan điểm một chiều. Có sự phân cách giữa thiên nhiên và luật lệ, giữa hình thể học và các điều lệ, đây là sự phân cách mà triết lý phải có nhiệm vụ tái kết hợp chừng nào có thể. Khi chúng ta hiểu biết nhiều hơn chúng ta được cấu tạo thế nào, khi chúng ta khám phá ra bộ óc của chúng ta phản ứng ra sao mà chúng ta không ý thức được, không phải vì thế mà chúng ta trở thành vô trách nhiệm. Trái lại chúng ta có thêm một yếu tố nữa để đẩy mạnh trở lại trách nhiệm luân lý của chúng ta. Có các chi tiết chưa hề được tiết lộ, và các mục tiêu được đưa ra ánh sáng, và với chúng, chúng ta có thể tái đưa ra các ý nghĩa luân lý và tinh thần của các thay đổi đang xảy ra.

Hỏi: Đặc biệt xem ra các cảm xúc mà việc suy tư thường loại vào lãnh vực vô lý, lại có một vai trò mới nổi bật, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Các khoa học về thần kinh não bộ không chỉ nói cho chúng ta biết rằng các cảm xúc có tầm quan trọng lớn trong nhiều cung cách hành xử của chúng ta, nhưng chúng cần thiết đối với điều, mà tri thức chung cho là một thái độ bình thường. Các bệnh nhân bị chấn thương một phần chuyên biệt nào đó trong não bộ, đặc biệt là những người đã mất khả năng bị cảm xúc lôi cuốn, khi được đặt trước các cảnh khó xử luân lý, thì họ biểu lộ ra hoặc bằng khuynh hướng vô liêm sỉ một chiều, hoặc bằng một sự vô lý trầm trọng. Tái chiếm được các cảm xúc có nghĩa là trao ban trở lại ý nghĩa và giá trị cho thân xác, với các thái độ độc đáo của nó liên quan tới lợi lộc, tha giác (empatia) và việc chú ý săn sóc người khác.

Hỏi: Như thế là chúng ta trở lại với phụ đề cuốn sách của giáo sư là ”Luân lý trưc luân lý”. Hay nói đúng ra là trở về với các nền tảng bản năng trong các cung cách hành xử của chúng ta, nhưng không phải vì thế mà là vô lý hay tiêu cực, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Một cách chính xác vấn đề ở đây là thắng vượt - với sự trợ giúp của các khoa học về thần kinh não bộ - sự phân cách triệt để giữa lý trí và tâm tình, đã là đặc thái nhiều phần trong lịch sử triết học của chúng ta. Antonio Damasio đã là một người đi tiên phong trong chiều hướng này, với ý niệm về ranh giới thể xác, hiện diện dưới hình thái các sứ điệp của thân xác: dạ dầy co thắt lại khi con người sợ hãi, hai vai rung lên vì cười rũ rượi. Các cảm xúc nền tảng như là kết qủa của sự tiến triển, không quyết định thay cho chúng ta, nhưng giúp chúng ta định hướng trong thế giới. Việc khám phá ra các tế bào não bộ gương làm ”sống” các hoạt động của người khác mà chúng ta trông thấy, cho phép chúng ta đánh giá một tâm tình chìa khóa như là tha giác (empatia).

Hỏi: Từ sách của giáo sư tỏa thoát ra một sự rộng mở nào đó đối với các khoa học thần kinh não bộ, trái nghịch với các sợ hãi do các triết gia như Habemas và Fukuyama... đưa ra chẳng hạn, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Triết học phải đối diện với vùng đất chưa được biết tới này, mà không cần phải lo sợ, nhưng vẫn duy trì một hình thái tỉnh thức. Nó phải đồng hành với tiến trình duy trì ngôn ngữ riêng và thăng tiến cuộc đối thoại ngang hàng với các nghành khác. Tại Italia xem ra có một sự thờ ơ nguy hiểm đối với khoa luân lý não bộ, mặc dù ảnh hưởng không thể thấy trước được của nó trên các lãnh vực xã hội, chính trị và pháp lý.

(Avvenire 3-4-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.