2008-04-24 16:47:47

LINH MỤC KHIÊM TỐN VÀ TUÂN PHỤC TÒA THÁNH


Tiến trình án phong chân phước và hiển thánh cho vị tôi tớ Chúa - Cha Marie-Joseph Lagrange (1855-1938) Linh Mục dòng Đaminh - tiến triển tốt đẹp.

Cha Marie-Joseph Lagrange - tên thật là Albert Lagrange - chào đời ngày 7-3-1855 tại Bourg-en-Bresse (Ain), thuộc giáo phận Belley, nước Pháp, trong một gia đình Công Giáo thật đạo đức. Năm lên 3 tuổi, bé Albert được lãnh phép lành của thánh Jean-Marie Vianney (1786-1859), Cha sở họ Ars.

Sau khi đậu bằng tiến sĩ luật tại đại học Paris, năm 1878, Albert xin gia nhập dòng Anh Em Thuyết Giáo thánh Đaminh. Năm 1880, Albert khấn dòng với tên Marie-Joseph Lagrange. Vì những biến động chính trị của Pháp lúc bấy giờ, thầy Marie-Joseph được gởi sang học thần học tại Saint-Etienne ở Salamanca, bên Tây Ban Nha và được thụ phong Linh Mục tại đây năm 1883.

Vốn yêu thích Kinh Thánh, cùng đức vâng lời đòi buộc, Cha Lagrange dành trọn thời giờ cho việc học hỏi và nghiên cứu Kinh Thánh. Cha được Bề Trên gửi đi Giêrusalem để thành lập một Học Viện Kinh Thánh. Học Viện chính thức khai trương ngày 15-11-1890. Kể từ đây cho đến phút cuối cùng, Cha Lagrange dâng hiến trọn cuộc đời mình để phục vụ Kinh Thánh, trong tư cách: nhà nghiên cứu, giáo sư, giám đốc Trường Kinh Thánh và Nguyệt San Kinh Thánh. Đồng thời Cha viết rất nhiều bài báo và sách. Tác phẩm nổi tiếng nhất là cuốn Phúc Âm Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Công trình chú giải Kinh Thánh của Cha Lagrange thật công phu, xứng đáng được giới học giả trí thức Công Giáo trích dẫn. Tuy nhiên, trong lãnh vực Kinh Thánh đa dạng, phức tạp và mênh mông, đã không thiếu những phản đối và thử thách ... Tuy nhiên, dầu có bị hiểu lầm và bị kết án bất công, Cha vẫn giữ vững can đảm và một mực trung thành, tiếp tục công việc nghiên cứu Kinh Thánh và phục vụ Giáo Hội Công Giáo cho đến cùng.

Năm 1935, vì ngã bệnh, Cha Lagrange bắt buộc rời Giêrusalem và trở về Pháp. Ba năm sau, ngày 10-3-1938, Cha êm ái trút hơi thở cuối cùng tại Saint-Maximin (Var).

Linh Mục Marie-Joseph Lagrange là một nhà trí thức lỗi lạc, một chuyên viên nghiên cứu Kinh Thánh, nhưng nhất là, Cha là một tu sĩ. Chính danh xưng cuối cùng này giúp Cha can đảm chấp nhận thử thách và vượt qua thử thách một cách anh hùng, trong tâm tình khiêm tốn và hoàn toàn tuân phục Bề Trên cũng như Tòa Thánh.

Trước quyết định của Tòa Thánh .. Cha Lagrange khiêm tốn chấp nhận và nói:

- Tôi dốc lòng tuân phục hoàn toàn mọi quyết định của Tòa Thánh. Lòng tuân

phục Tòa Thánh - vẫn luôn là giới luật của chúng tôi - cho phép chúng tôi an tâm theo đuổi công cuộc học hỏi nghiên cứu mà trước đó chúng tôi đã sẵn sàng từ bỏ vì có dấu hiệu. Tôi xin thú nhận rằng: Những lời tuyên bố của tôi không phải rỗng tuếch, cũng không phải của một kẻ muốn gây chú ý, nhưng chúng phát xuất từ một người con, hằng tận tâm phục vụ và tùng phục Giáo Hội Công Giáo cũng như hết lòng hết trí tuân theo mọi phán quyết của giới thẩm quyền Tòa Thánh.

Với các vị Bề Trên dòng của mình, Cha Marie-Joseph Lagrange viết:

- Con không muốn lỗi đức vâng lời, dù là lỗi sự trọn hảo của đức vâng lời. Vì đã coi vâng lời như một lề luật không được vi phạm, con sẽ tiếp nhận câu trả lời của ngài như lời sấm của Chúa. Con không muốn nhận một phép ban để khỏi bị buồn lòng. Con nghĩ rằng ngài sẽ dễ dàng nhận biết lòng con cương quyết vâng lời cũng như sự thành thực thẳng thắn trong lời con nói.

Ngoài sự vâng lời đến độ anh hùng, Cha Marie-Joseph Lagrange còn nổi bật về sự khiêm tốn. Cha ghi trong chúc thư tinh thần:

- Tôi chỉ mong ước được quên đi và không đáng được chú ý. Sau khi tôi chết, có lẽ người ta sẽ cư xử công bằng, không phải đối với các sách tôi viết, nhưng là đối với tâm tình thúc đẩy tôi hành động. Ước nguyện duy nhất của tôi là được tắt thở trong niềm hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo và trong ơn thánh của Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Độ tôi, với sự trợ giúp của Đức Mẹ MARIA Vô Nhiễm. Ý hướng của tôi là luôn luôn phục vụ Giáo Hội Công Giáo

... ”Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt răng đn răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu ai bị vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi vi người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi” (Matthêô 5,38-42).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.