2008-04-08 13:17:57

BÁC SĨ DÀNH 6 THÁNG MỖI NĂM PHỤC VỤ THỔ DÂN VÀ NGƯỜI NGHÈO.


Cứ 6 tháng mỗi năm, bác sĩ Aldo Lo Curto là một vị y sĩ đạo mạo trong chiếc áo khoác trắng, niềm nở và nghiêm trang chẩn bệnh cho bao nhiêu người cần đến mình tại Canzo, một thành phố ở cao độ 600 mét thuộc tỉnh Como Bắc Italia, một trong những khu vực sang giàu Âu Châu. Bệnh nhân của vị y sĩ này thuộc hạng trung lưu xã hội, quen với những toa thuốc trụ sinh, những viên thuốc bổ. Và họ biết rất rõ là cứ sau 6 tháng có mặt ở phòng chẩn bệnh Como là bác sĩ Aldo Lo Curto lại biến mất dạng 6 tháng liền để đi làm y sĩ lưu động tự nguyện tại vùng rừng già Amazzoni bên Brazil.
Bác sĩ Aldo Lo Curto năm nay trên 60 tuổi. Sau khi tốt nghiệp y khoa tại Italia, bác sĩ đã tu nghiệp tại Brazil để học biết thêm về các bệnh nhiệt đới. Trong thâm tâm vị y sĩ trẻ, một lý tưởng phục vụ tự nguyện nung nấu từ thủơ thiếu thời, nay đang có cơ hội hiện thực. Thế là từ đó, cứ mỗi 6 tháng bác sĩ Lo Curto khăn gói lên đường phục vụ tại các nước nghèo vùng Đại dương châu, Á châu và Mỹ la tinh trong tư cách là một bác sĩ thiện nguyện, muốn tôn vinh nghề nghiệp bằng cách dành 6 tháng mỗi năm phục vụ nhưng không những người nghèo khổ bần cùng trên thế giới. Bệnh viện cùi Marituba, do Marcello Candia, người đã bán sản nghiệp kỹ nghệ tân tiến ở quê hương Italia để đi phục vụ người cùi Brazil, các vùng hẻo lánh ở Togo, Zair bên Phi châu; Nepal, Ấn Độ, Bhutan, Hồng Kông ... nơi nào cũng có dấu chân bác sĩ Lo Curto. Bác sĩ phục vụ trong tư cách cá nhân tự nguyện, chứ không hề nương tựa vào cơ sở tổ chức nào cả.
Hồi đầu thập niên 90, bước chân phục vụ tự nguyện của bác sĩ Lo Curto đặt lên vùng đất Amazzoni bên Brazil và bác sĩ bị cảnh vật tại đây lôi cuốn mãnh liệt. Trên một lãnh thổ rộng khoảng miền Bắc Việt Nam, giữa hai con sông Xingu và Iriri, có 600 người thuộc 5 bộ tộc thổ dân khác nhau sinh sống. Miền này vừa là một thiên đường, vừa là một địa ngục. Thiên đường vì người thổ dân sống thực những giá trị tinh tuyền như tình liên đới chia sẻ quảng đại, tôn trọng thiên nhiên... Trước khi đốn cây làm thuyền độc mộc, họ luôn luôn xin lỗi Thiên nhiên rồi mới chặt. Họ tôn trọng người già cả, chứa chất kho tàng hiểu biết khôn ngoan ...Nhưng đồng thời rừng già Amazzoni cũng là một địa ngục bởi vì đầy thú dữ và nguy hiểm rình rập từng bước. Mỗi lần di chuyển trong vùng này, bác sĩ Lo Curto thường được một nhóm thổ dân đi theo hộ vệ. Họ bắt bác sĩ đi giữa nhóm để tránh hiểm nguy như nhện độc, rắn độc vv...Rừng già Amazzoni còn là một kho tàng cây thuốc. Bác sĩ đã dày công nghiên cứu cách chữa trị của thổ dân và đã đi đến nhiều kết luận khoa học hữu ích. Chẳng hạn như bác sĩ khám phá ra được một loại ếch có tên khoa học là Phyllomedusa, khi đặt gần lửa nóng, tiết ra một chất mồ hôi có khả năng làm dịu cơn đau tê thấp. Chỉ đáng tiếc là khi tin trên lọt đến Tây Phương, đã có một số hãng ngoại quốc tìm cách buôn lậu loại ếch này, đe dọa sự sống còn của chúng.
Mùa đông năm 1993, vài ngày trước lễ Giáng Sinh, bác sĩ Lo Curto dự một hội nghị quốc tế về sức khỏe triệu tập tại Canada trong tư cách là một chuyên viên về các loại cây thuốc vùng rừng già Amazzoni. Tại bàn hội nghị, bác sĩ được tin một bộ lạc thổ dân Ashaninka thuộc Perù đang bị đe dọa sức khỏe nặng nề, bác sĩ Lo Curto không hề do dự nhảy lên máy bay đi đến rặng trường sơn Ande để chẩn bệnh săn sóc cho bộ lạc này, hàng chục người nam phụ lão ấu với nét mặt xơ xác tiều tụy sau khi thoát khỏi một cuộc tấn công của du kích Con Đường Sáng, giết hại mất 20 người trong nhóm.
Đặc biệt, bác sĩ Lo Curto có một lòng tôn trọng khác thường đối với nền văn hóa thổ dân và nhất là tôn trọng cách thức chữa trị thông thường của họ. Người thổ dân mỗi khi bị bệnh vẫn nhờ thày cúng lập đàn cầu khẩn thần thánh chữa lành cho họ. Vì thế, mỗi khi cần chích thuốc hay giải phẫu một bệnh nhân, bác sĩ thường yêu cầu thầy cúng địa phương làm lễ cầu như thế để trấn an bệnh nhân. Bác sĩ Lo Curto thường nhấn mạnh rằng không bao giờ ông xách động người thổ dân đòi hỏi quyền lợi, bởi vì, bác sĩ nói, tôi theo đường hướng của Mẹ Têrêsa Calcutta, không bao giờ chỉ trích các chính phủ. Người dân trong một nước phải ý thức được và tự đòi hỏi quyền lợi cho họ. Tôi là một bác sĩ, chỉ biết săn sóc sức khỏe mà thôi. Bổn phận của tôi là cứu chữa một người nếu thấy họ đau đớn vì bệnh tật, chứ không xách động ai cả. Tôi là một người nghiên cứu khoa học, chứ không phải một nhà chính trị.
MAIANH (agcn113)
xx








All the contents on this site are copyrighted ©.