2008-04-07 11:17:03

Đại hội quốc tế lần đầu tiên về Lòng Thương Xót Chúa


Phỏng vấn Đức Hồng Y Christophe Schoenborn, về đại hội quốc tế lần đầu tiên Lòng Thương Xót Chúa

Trong các ngày từ mùng 2 tới mùng 6-4-2008 đại hội quốc tế lần đầu tiên về Lòng Thương Xót Chúa đã diễn ra tại Roma với sự tham dự của hơn 4000 người, trong đó có nhiều Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, Linh Mục và Tu Sĩ cũng các thần học gia nhiều bộ môn và giáo dân nam nữ.

Hội nghị đã khai mạc với thánh lễ do Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chủ sự trước thềm đền thờ thánh Phêrô sáng ngày mùng 2-4-2008, là ngày giỗ ba năm vị Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II qua đời. Vào lúc 4 giờ chiều Đức Hồng Y Christophe Schoenborn, Tổng Giám Mục Vienne, Đức Hồng Y Camillo Ruini Giám Quản Roma, và Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Cracovia, đã đọc kinh bắt đầu đại hội tại đền thờ thánh Gioan Laterano và chào mừng các tham dự viên.

Việc tôn sùng Lòng Từ Bi Chúa đã được nữ tu Faustina Kowalska người Ba Lan phổ biến theo lời yêu cầu của chính Chúa Giêsu. Nữ tu Faustina Kowalska sinh năm 1905 trong một gia đình nông dân đông con. Ngay từ nhỏ chị đã muốn đi tu nhưng không được phép vì gia đình nghèo cần sự trợ giúp của chị. Năm lên 16 tuổi chị phải đi giúp việc cho các gia đình khá giả. Năm 20 tuổi chị gia nhập dòng các nữ tu Nữ Trinh Maria Thương Xót. Chị sống trong dòng 13 năm tai nhiều nhà khác nhau và giữ nhiệm vụ làm bếp, làm vườn và canh cửa. Cuộc sống của chị xem ra bé nhỏ, vô nghĩa và nhàm chán, nhưng che dấu một sự kết hiệp mật thiết ngoại thường với Chúa. Chị vui lòng chịu mọi đau khổ để cộng tác với Chúa cứu rỗi các linh hồn. Chúa ban cho chị rất nhiều ơn từ các thị kiến cho tới năm dấu thánh, từ việc tham dự vào cuộc Khổ Nạn của Người cho đến sự kết hiệp thần bí với Chúa.

Chị bị bệnh lao phổi và vui lòng chấp nhận mọi khổ đau để cầu nguyện cho người có tội. Chị qua đời năm 1938 lúc được 33 tuổi như Chúa Giêsu. Hương thơm thánh thiện của chị càng ngày càng gia tăng cùng với việc phổ biến lòng sùng kính Lòng Thương Xót Chúa. Nhờ lời bầu cử của chị rất nhiều tín hữu được ơn lạ. Ngày 18 tháng 4 năm 1993 Đức Gioan Phaolo II đã chủ sự lễ phong chân phước cho chị, và ngày 20 tháng 4 năm 2000 chị được tôn phong hiển thánh. Đức Thánh Cha cũng thành lập lễ kính Lòng Thương Xót Chúa mừng vào Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh. Chúa Nhật kính Lòng Từ Bi Chúa năm nay đã có 200 ngàn tín hữu tới hành hương đền thánh Lagiewniki.

Lagiewniki là nơi nữ tu Faustina Kowalska (1905-1938) đã sống và qua đời. Khi còn trẻ thanh niên chủng sinh Wojtila hay đến cầu nguyện tại đền thánh này. Năm 1980 Đức Gioan Phaolo II đã công bố thông điệp ”Dives in Misericordia” về Lòng Thương Xót Chúa. Nữ tu Faustina Kowalska đã qua đời khi thế giới tràn ngập trong hận thù và chiến tranh, và sứ điệp của chị là một bức tranh lớn chống lại lòng thù hận. Chính vì thế đại hội quốc tế tại Roma cũng muốn chứng minh cho thế giới thấy ngày nay lòng thương xót là nõi tủy của sứ điệp Kitô. Sứ điệp lòng thương xót thăng tiến hòa bình trên thế giới giữa các dân tộc và các tôn giáo. Nó giúp khám phá ra gương mặt đích thật của Thiên Chúa và gương mặt đích thật của con người.

Cách đây một năm ngày mùng 2-4-2007 Đức Hồng Y Christophe Schoenborn, Tổng Giám Mục Vienne đã mở cuộc họp báo để cho tin về đại hội này. Đức Hồng Y cho biết đại hội khai mạc ngày mùng 2 tháng 4 vừa để tưởng niệm 3 năm Đức Gioan Phaolo II qua đời, vừa để nêu bật ơn gọi của Kitô hữu là chứng nhân lòng thương xót của Chúa như điểm nòng cốt trong sứ điệp triều đại Giáo Hoàng của Người.

Đức Hồng Y Schoenborn đã lập lại điều Đức Gioan Phalo II đã nói trong lễ khánh thành đền thánh mới Thiên Chúa Xót Thương Cracovia Lagiewniki hồi năm 2002: ”Ngoài lòng xót thương của Thiên Chúa ra, không có nguồn hy vọng nào khác cho con người”.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y Christophe Schoenborn, Tổng Giám Mục Vienne, về đại hội này.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, đại hội quốc tế về Lòng Thương Xót Chúa đã nảy sinh ra sao?

Đáp: Ý tưởng tổ chức đại hội quốc tế về Lòng Thương Xót Chúa đã nảy sinh trong chính ngày Đức Gioan Phaolô II qua đời. Sự kiện người về với Chúa trong ngày vọng lễ Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa đã là dấu chỉ quan phòng không thể không nhận ra. Chính Đức Gioan Phaolô II đã thành lập lễ kính Lòng Từ Bi Chúa hồi năm 2000, và cũng chính người đã phong hiển thánh cho nữ tu Faustina Kowalska, tông đồ Lòng Thương Xót Chúa, và Chúa đã gọi người về trong ngày áp lễ. Ngoài ra chúng tôi cũng nghĩ tới sứ điệp mà Đức Cố Giáo Hoàng đã để lại với những gì người đã làm. Chính người đã nói rằng nếu muốn tóm gọn triều đại của người trong một ý niệm thì ý niệm đó là Thiên Chúa giầu lòng từ bi.

Hỏi: Nhận thức về Lòng Từ Bi của Thiên Chúa trong Giáo Hội có sâu đậm không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Điều mà chúng ta có thể nghe và trông thấy đó là trên toàn thế giới có sự chú ý rất lớn đối với khía cạnh này của lòng từ bi Chúa, là chiều kích rất mạnh mẽ trong Phúc Âm. Tôi tin rằng đây đích thực là lời mời gọi đối với lòng tin và đối với Giáo Hội trong ngàn năm mới. Và từ tất cả các điều kể trên đã nảy sinh ra sáng kiến mời các tín hữu từ khắp nơi trên thế giới tham dự đại hội đầu tiên về Lòng Thương Xót Chúa.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, tại sao Đức Karol Wojtila lại muốn lễ kính Lòng Thương Xót Chúa được cử hành vào Chúa Nhật thứ I sau lễ Phục Sinh?

Đáp: Để có thể hiểu lý do này chúng ta phải tự hỏi: nói Thiên Chúa từ bi có nghĩa là gì? Có nghĩa là Thiên Chúa cứu chúng ta khỏi sự bần cùng của chúng ta. Từ ”miseri-cordia” lòng thương xót có nghĩa là ”avere a cuore le miserie” để tâm tới các nỗi bần cùng khốn khổ. Ngày nay có biết bao nhiêu nổi bần cùng khốn khổ trong lãnh vực kinh tế, sức khoẻ và cuộc sống nội tâm. Và nỗi bần cùng khốn khổ lớn lao nhất của con người là tội lỗi, là việc xa rời Thiên Chúa và xa rời chính chúng ta. Như vậy Chúa Kitô đã trao ban cho chúng ta cái gì qua cái chết và sự phục sinh của Người? Người trao ban cho chúng ta Thiên Chúa là Đấng cứu thoát chúng ta khỏi các bần cùng khốn khổ của chúng ta, Thiên Chúa là Đấng từ bi. Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh là Chúa Nhật của thánh Tôma, là người đã nghi ngờ không tin rằng Chúa Kitô đã sống lại, nghĩa là ông nghi ngờ điều Chúa Giêsu đã báo trước là không thật. Rồi Toma đã gặp Chúa Giêsu và đã có thể thấy điều Chúa Giêsu đã nói về ơn cứu rỗi, về lòng từ bi, không phải là một chuyện hoang đường, không phải là một lời hứa, mà là một thực tế, một hiện tại. Và tôi tin rằng chính vì thế Chúa Giêsu đã khơi dậy nơi nữ tu người Ba Lan nghèo nàn này sáng kiến gọi Chúa Nhật Áo Trắng là ”Chúa Nhật của Lòng Thương Xót”.

Hỏi: Trên đây khi đề cập tới đại hội Đức Hồng Y đã nói tới một lời mời gọi hướng tới toàn thế giới. Ai là những ngưi đứng ra tổ chức và các thành phần tham dự có những ai?

Đáp: Có một ủy ban gồm các Hồng Y, trong đó dĩ nhiên có Đức Hồng Y Stanislaw DzIwisz, là chứng nhân đặc tuyển của Đức Gioan Phaolô II và là Tổng Giám Mục Cracovia, nơi Đức Gioan Phaolô II đã sống từ thời niên thiếu mầu nhiệm của Lòng Từ Bi Chúa. Thế rồi cũng có Đức Hồng Y Audrys Backis, Tổng Giám Mục Vilnius, vì nữ tu Faustina đã sống tại Vilnius. Tại Vilnius có giữ hình Chúa Giêsu Từ Bi đầu tiên được vẽ theo lời tả của nữ tu Faustina. Rồi cũng có các Hồng Y khác nữa như Đức Hồng Y Camillo Ruini Giám Quản Roma, là người đã đứng ra đảm trách phần lớn việc tổ chức đại hội. Liên quan tới các tham dự viên thì có rất nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Hỏi: Đức Hồng Y chờ đợi gì nơi đại hội đầu tiên nay về Lòng Từ Bi Chúa?
 
Đáp: Ý hướng đầu tiên của đại hội là lắng nghe các chứng từ trên toàn thế giới liên quan tới việc sống mầu nhiệm Lòng Thương Xót Chúa như thế nào. Nói cách khác, đại hội không muốn đề nghị một hình thức đặc biệt về lòng sùng kính Lòng Thương Xót Chúa, vì mọi hình thức tôn sùng khác nhau đối với Lòng Từ Bi Chúa đều hợp pháp. Đây cũng không phải là một đại hội thần học, chúng tôi đã không mời các chuyên viên, bởi nếu không thì cuối cùng nó sẽ là một đại hội thu hẹp. Kiểu tổ chức và sinh hoạt của đại hội giống như kiểu tổ chức và sinh hoạt của Đại Hội Thánh Thể, với các buổi thuyết trình, các cuộc hội luận và cử hành phụng vụ, có sự tham dự của các phái đoàn đến từ các Giáo Hội khắp nơi trên thế giới, nhưng đồng thời đại hội cũng được rộng mở cho bất cứ ai muốn tham dự.

(Avvenire 30-3-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.