2008-04-03 19:13:16

Bài thuyết trình của ĐHY Audrys Backis về Lòng Từ Bi Chúa


Trong những ngày này, từ 2-4, đến 6-4-2008, Hội nghị tông đồ quốc tế đầu tiên về lòng từ bi Chúa đang tiến hành tại Roma với sự tham dự của hơn 4 ngàn người, trong đó có 20 HY, GM, đến từ các nước năm châu.

Trong phiên họp sáng 3-4-2008, tại Đền thờ thánh Gioan Laterano với chủ đề ”Mầu nhiệm lòng từ bi, kho tàng của Giáo Hội”, đã có bài thuyết trình của ĐHY Audrys Backis, TGM giáo phận Vilnius, thủ đô Lituani, tiếp đến là phần trình bày chứng từ của ĐHY Philippe Barbarin, TGM giáo phận Lyon và Cha Daniel Ange, người Pháp. Sau đó là thánh lễ quốc tế. Ban chiều đã có buổi cầu nguyện tại nhiều thánh đường ở Roma, rồi hội thảo và chầu Mình Thánh Chúa.

Sau đây là một số đoạn nổi bật trong bài thuyết trình của ĐHY Juozas Audrys Backis. Năm nay ngài 71 tuổi, nguyên là thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh, trước khi được bổ nhiệm làm TGM tại Lituani sau khi chế độ cộng sản tại đây chấm dứt. Đức TGM nói:

Bức ảnh Chúa Từ Bi

 
Một câu hỏi một người nào đó có thể nêu lên tại đây là: ”Tại sao vị TGM giáo phận Vilnius lại đến nói với chúng ta về lòng Từ Bi Chúa?”

Thưa có một lý do lịch sử. Bức họa đầu tiên diễn tả Chúa Giêsu Từ Bi đã được vẽ tại Vilnius vào năm 1934 do họa sĩ Eugeniusz Kazimirowski theo những lời chỉ dẫn của nữ tu Faustina Kowalska, dựa vào những thị kiến của chị. Bức họa ấy lần đầu tiên đã được trưng bày cho các tín hữu tôn kính nhân dịp tam nhật bế mạc Năm Thánh cứu Độ, 1935, tại Đền Thánh ”Cửa Hừng Đông” ở thủ đô Vilnius, nơi mà từ bao thế kỷ có tôn kính ảnh Đức Mẹ Từ Bi hay làm phép lạ. Ngày cuối cùng trong tam nhật ấy chính là chúa nhật thứ II Phục Sinh. Trong dịp đó, Linh mục Sopocko, cha giải tội của thánh Faustina, đã giảng về lòng Từ Bi Chúa. Nữ tu Faustina đã tham dự buổi lễ với tâm hồn tràn đầy vui mừng, và trong nhật ký, chị ghi lại là đã nghe thấy tiếng Chúa nói với chị: ”Đây là lễ xuất phát từ lòng Từ Bi của Cha. Linh hồn nào tin và tín thác nơi lòng Từ Bi của Cha thì sẽ được lòng Từ Bi ấy” (Nhật ký, 420). Chúng ta có thể nói rằng đó chính là buổi cử hành đầu tiên Chúa Nhật kính Lòng Từ Bi Chúa, vốn được Chúa Giêsu mong ước và về sau được ĐTC Gioan Phaolô 2 thiết lập trong Đại Năm Thánh Nhập Thể 2000.

Bức họa Chúa Giêsu Từ Bi ấy đã được giấu kín tại nhiều nơi trong thế chiến thứ II và trong thời Liên xô chiếm đóng Lituani, bức họa được cứu thoát một cách lạ lùng, và sau nhiều cuộc hành hương, ảnh đã được rước tới Vilnius vào năm 1986. Từ năm 2005, làn sóng các tín hữu hành hương gia tăng, nên bức họa được đặt cho các tín hữu tôn kính tại Đền Thánh Chúa Từ Bi ở Vilnius.

Ngày nay có nhiều bức họa Chúa Giêsu Từ Bi được phổ biến trên thế giới. Mỗi ảnh thánh đều là một dấu hiệu, như thánh nữ Faustina đã viết, là ”một bình chứa” qua đó con người phải đến để kín múc ơn thánh nơi nguồn mạch Lòng Từ Bi Chúa ” (Nhật ký 137). Những dấu hiệu ấy có những ý nghĩa phong phú, giúp đỡ và mời gọi chúng ta khám phá tôn nhan Thiên Chúa, là Đấng Từ Bi. Bức ảnh được vẽ theo chỉ dẫn của thánh nữ Faustina thật là hùng hồn, nói với chúng ta một cách sinh động.

Khi chiêm ngắm ảnh thánh Chúa Kitô Phục Sinh đang giơ một tay chúc lành cho chúng ta, còn tay kia Chúa chạm đến cạnh sườn mở toang của Ngài, từ đó có nước và máu chảy ra, tôi có cảm tưởng như đang sống lại cuộc gặp gỡ của Chúa Kitô Phục Sinh với Tông Đồ Tôma, là người không những từ khước chứng từ của các tông đồ khác, nhưng còn đòi những bằng chứng nữa. ”Nếu tôi không đặt bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin” (Ga 20,25). Thánh Augustino bình luận rằng nghi ngờ của Tôma hữu ích cho chúng ta hơn là niềm tin mau lẹ của các Tông Đồ khác. Chúa Kitô Phục Sinh, qua một cử chỉ nói lên lòng Từ Bi lớn lao, đã thỏa mãn yêu cầu của Tôma. Ngài đã hiện ra và đích thân mời ông hãy nhìn tận mắt và hãy động chạm đến Ngài. 'Hãy giơ tay của con ra và đặt vào cạnh sườn của Thầy, và đừng cứng lòng tin, nhưng hãy tin” (Ga 20,27). Đó là một lời kêu gọi mạnh mẽ đối với Tôma vì sự cứng lòng tin của ông. Nhưng nhất là đó là một lời kêu gọi tha thiết Chúa Giêsu Phục Sinh gửi đến tất cả các tín hữu, tất cả chúng ta, con người thuộc mọi thời đại: ”Phúc cho những người không thấy mà tin” (Ga 20,29).

Khi chúng ta ngắm nhìn ảnh Chúa Giêsu Từ Bi, nhìn cạnh sườn của Ngài bị đâm thâu qua, từ đó nước và máu chảy ra, tự nhiên chúng ta nghĩ đến cuộc khổ nạn đau thương của Chúa và đáp lại lời mời gọi của Tin Mừng hãy tin nơi Con Thiên Chúa Đấng mạc khải cho chúng ta tình yêu thương xót của Chúa Cha. Thái độ đức tin sâu xa này, hoàn toàn tín thác nơi Chúa Giêsu, là điều kiện tối cần thiết để tôn sùng lòng Từ Bi Chúa. Lòng sùng mộ này là một lời mời gọi củng cố niềm tin của chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô, trong vòng tay của Giáo Hội, được diễn tả qua kinh nguyện sâu xa, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và qua các bí tích.

ĐHY Audrys Backis lần lượt trình bày vai trò của kinh nguyện, Lời Chúa, Thánh Thể , bí tích Hòa Giải và sau cùng là Đức Maria, Mẹ Từ Bi trong việc nuôi dưỡng và củng cố lòng sùng kính của các tín hữu đối với Lòng Từ Bi Chúa.

Việc cầu nguyện

 
Tất cả chúng ta đều thích đọc Chuỗi Kinh Từ Bi, kinh nguyện đã được chính Chúa Giêsu đọc cho thánh nữ Faustina ghi lại, và Ngài hứa sẽ ban ân phúc lớn lao cho những linh hồn đọc kinh này: ”Lòng Từ Bi của Cha sẽ bảo bọc trong cuộc sống và đặc biệt là trong giờ lâm tử những linh hồn nào đọc kinh này” (Nhật ký 754).

Kinh nguyện này là một lời mời gọi chúng ta hãy dìm mình trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô, đặc biệt là trong sự tín thác của Ngài nơi Chúa Cha, trong giờ lâm tử vào lúc 3 giờ chiều, ”giờ của lòng đại Từ Bi đối với toàn thế giới” (Nhật ký 1320).

Tất cả các kinh nguyện, việc thực hành sùng kính lòng Từ Bi Chúa bao trùm toàn thế giới, làm cho chúng ta cảm thấy liên đới với tất cả anh chị em chúng ta. Lòng sùng mộ này làm phong phú, thông truyền một luồng sáng mới vào mầu nhiệm Lòng Từ Bi Chúa, nhưng không làm cạn kho tàng vô biên của Giáo Hội.

Để có thể ngày càng đi sâu hơn vào trong mầu nhiệm Lòng Từ Bi Chúa, tôi muốn khuyến khích tất cả anh chị em hãy nuôi dưỡng đức tin bằng Lời Chúa, tham dự thánh lễ với lòng yêu mến được đổi mới, tái khám phá niềm vui ơn tha thứ của Thiên Chúa trong bí tích hòa giải, và lắng nghe Mẹ Từ Bi nơi trường học của Mẹ.

Lời Chúa

 
Việc đọc và suy niệm Lời Chúa giúp chúng ta khám phá toàn thể ý định cứu độ, từ lúc tạo dựng cho đến khi Chúa nhập thể và cứu chuộc nhân loại.

Lòng Từ Bi Chúa được diễn tả qua những hình ảnh tuyệt vời trong toàn thể Kinh Thánh. Bắt đầu từ sự tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh Thiên CHúa, việc tạo dựng này làm hài lòng Đấng Tạo Hóa, 'Đó là điều rất tốt'. Việc sáng tạo diễn ra chỉ do lòng yêu thương nhưng không của Thiên Chúa, Ngài không được lợi điều gì cho mình, Ngài cho đi và thế là đủ. Thánh Ambrosio đã diễn tả một cách thật đẹp khi ngài nói: ”Thiên Chúa đã sáng tạo loài người để có ai mà tha thứ”. Khi sáng tạo vì yêu thương, Thiên Chúa có thể mạc khải khuôn mặt lạ lùng của tình yêu Ngài, là một sự luôn sẵn sàng tha thứ vô biên, với bất kỳ giá nào, kể cả giá đắt đỏ, giá máu Con của Ngài.
Chúng ta thấy trong Cựu Ước những thành ngữ tuyệt vời chúc tụng lòng Từ Bi Chúa.

Lòng Từ Bi này được trình bày như tình yêu không thể hồi lại của Thiên Chúa . Thiên Chúa trung tín với chính mình, trung tín với tình yêu của Ngài đối với con người. Tình yêu lớn hơn tội lỗi, yếu đuối, bất trung. Được tình yêu thúc đẩy, Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ cho dân tuyển thường xa lìa Ngài. Mặc dù những bất trung và bội phản của họ, Thiên Chúa vẫn luôn trung thành với Lời Ngài đã hứa. Thiên Chúa đã diễn tả lòng từ bi của Ngài đối với dân phản loạn qua miệng của ngôn sứ Ezechiel: ”Nhưng mắt Ta thương xót chúng và không hủy diệt chúng, không tận diệt tất cả chúng trong sa mạc” (Ez 20,17).

Tác giả Thánh Vịnh không ngừng tuyên dương lòng Từ Bi cao cả của Chúa: ”Chúa kiên nhẫn và từ bi, Ngài chậm giận và giầu ân phúc. Chúa từ nhân đối với tất cả mọi người, và lòng dịu dàng của Ngài trải dài trên mọi loài thụ tạo” (Tv 145,8-9). Trọn một thánh vịnh đọc lại công trình của Thiên Chúa, trong việc tạo dựng, tuyển chọn và bảo vệ dân Chúa dưới ánh sáng lòng nhân lành từ bi của Ngài: 'Hãy chúc tụng Chúa vì Ngài nhân hậu, đức từ bi của Ngài tồn tại muôn đời” (Tv 136)

Lòng Từ Bi của Chúa được biểu lộ qua những hành động cụ thể tha thứ, chữa lành và cứu giúp. ”Ngài tha thứ mọi tội lỗi của bạn, chữa lành mọi tật bệnh của bạn, cứu mạng bạn khỏi hố sâu, ban ân phúc và lòng từ bi cho bạn” (TV 103,8).

Nơi các Ngôn Sứ, lòng từ nhân và từ bi của Thiên Chúa được biểu lộ qua những hình ảnh về sự dịu hiền của bà mẹ: ”Một người mẹ quên được con mình đến độ không cảm động vì người con từ lòng mình sao? Cho dù người mẹ quên con mình đi nữa, Cha sẽ không bao giờ quên con” (Is 49, 15).

Cả Tân Ước cũng là một lời nhắc nhở liên tục về lòng từ bi của Thiên Chúa đối với dân của Giao Ước mới, được Con Chúa nhập thể đóng ấn.

Mầu nhiệm Nhập Thể là công trình và là sự biểu lộ lòng Từ Bi của Thiên Chúa khi Ngài sai Con của Ngài đến trần thế. Chính Chúa Giêsu là hiện thân lòng từ bi của Thiên Chúa! ”Thiên Chúa đã yêu thế gian đến độ đã ban Con duy nhất của Ngài, để tất cả những ai tin nơi Người thì không phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Chúa Giêsu là Lòng Từ Bi của Thiên Chúa.

Tin Mừng cho chúng ta nhiều thí dụ về lòng từ bi của Chúa Giêsu đối với những người chạy đến cùng Ngài. Trong bao nhiêu cuộc gặp gỡ, Chúa Giêsu dường như dành ưu tiên cho những người cần đến lòng từ bi: những người tội lỗi, người phong cùi, người mù, người bất toại, què quặt, phụ nữ, người ngoại kiều và thậm chí cả các kẻ thù nữa. Chúng ta nhớ cuộc gặp gỡ của Chúa với người phụ nữ tội lỗi thống hối, Ngài tha hết mọi tội lỗi cho bà vì bà đã tin và yêu mến nhiều (Lc 7,36-50). Tất cả chúng ta đều biết những dụ ngôn rất đẹp về lòng từ bi trong Tin Mừng Luca: dụ ngôn người con trai hoang đàng được người ta từ bi đón tiếp với vòng tay mở rộng, dụ ngôn con chiên lạc và được tìm lại. Dường như chính Thiên Chúa cảm thấy vui mừng khi có lòng từ bi như thế. Thầy bảo các con, ”niềm vui ở trên trời sẽ lớn lao hơn vì một tội nhân hoán cải hơn là vì 99 người công chính không cần hoán cải” (Lc 15,6). Tất cả những điều đó biểu lộ khuôn mặt từ bi của Chúa Giêsu.

Tột đỉnh mạc khải lòng từ bi Chúa là ở trong mầu nhiệm cứu chuộc, trong cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Chính vì yêu mà Chúa Cha, vốn luôn trung tín với mình, đã sai Con Ngài đến trong thế giới. Chính vì yêu thương, Chúa Kitô đã tự hiến cho Chúa Cha để cứu chuộc nhân loại tội lỗi. Chính vì tình yêu Chúa Giêsu đã chấp nhận trung thành cho đến độ chịu chết, chống lại tội lỗi và sự bất trung của con người. Thánh Phaolô đã viết: ”Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta, vì trong khi chúng ta còn là người tội lỗi, Chúa Kitô đã chết cho chúng ta” (Rm 5,8). Chính vì yêu thương, Chúa Kitô phục sinh đã ban tặng Thánh Linh cho Giáo Hội của Ngài, với quyền tha thứ tội lỗi (Ga 20,22-23). Chúa Kitô Phục Sinh là hiện thân chung kết của lòng từ bi Chúa, là dấu chỉ sinh động, vừa có tính chất lịch sử cứu độ và có tính chất mai hậu (..).

Qua kinh nghiệm, chúng ta biết rằng căn cội sâu xa nhất của sự ác ở trong tội lỗi. Khi chết trên thập giá, Chúa Kitô cho chúng ta hiểu rằng tình yêu lớn hơn tội lỗi, mạnh mẽ hơn cái chết, ”chính tình yêu luôn sẵn sàng nâng dậy và tha thứ, luôn sẵn sàng đi gặp người con trai hoang đàng” (Dives in Misericordia, 9).

Thánh Thể

 
”Mạc khải về lòng từ bi Chúa, đạt tới tột đỉnh trong thập giá và sự sống lại của Chúa Giêsu, được kéo dài mỗi ngày trong Thánh Thể, hy lễ tưởng niệm cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa.

Thánh Thể là hồng ân tình yêu được Chúa Kitô để lại cho Giáo Hội của Ngài; chính Chúa Giêsu hiện diện giữa chúng ta, như Bánh Hằng Sống để nâng đỡ hành trình của chúng ta. Đó là sự kết hiệp sinh động của Nhiệm Thể với Đầu của mình.

Những kinh nguyện của chúng ta dâng lên Chúa Giêsu từ bi phải làm cho chúng ta xích lại gần hơn nguồn mạch lòng từ bi Chúa và phải giúp chúng ta hiểu rõ hơn Thánh Thể, trong đó có gồm tóm tất cả thiện ích thiêng liêng của Giáo Hội, nghĩa là Chúa Kitô, Lễ Vượt Qua của chúng ta. Trong Thánh Thể, Chúa Kitô đến gặp chúng ta, làm cho chúng ta được tham dự vào Mình và Máu Ngài, để họp thành một thân thể duy nhất. Trong Thánh Thể, chúng ta kín múc sức mạnh để mang lòng từ bi Chúa cho toàn thế giới, làm cho thế giới trở nên nhân bản hơn và ngày càng cởi mở đối với Tình yêu của Chúa Cha.

Thánh Faustina, trong Nhật Ký của ngài, đã kể lại rằng mình sống trong cuộc đối thoại liên tục với Chúa Giêsu Thánh Thể, được một ước muốn nồng nhiệt hướng dẫn, mong ước được thờ lạy Chúa trong Thánh Thể. ”Trong Bí tích Thánh Thể Chúa để lại cho chúng con lòng Từ Bi Chúa” (Nhật ký 1748).

Thánh nữ sống kết hiệp sâu xa với Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể và biểu lộ điều đó bằng những lời cảm động: ”Lạy Chúa Giêsu, khi Chúa đến với con trong khi con được rước lễ, Chúa đã khấng ở lại cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh trong khung trời nhỏ bé của trái tim con, con cố gắng suốt ngày để tháp tùng Chúa, không để Chúa lẻ loi một mình một giây phút nào” (Nhật ký 486).

Thánh nữ Faustina rất yêu mến Chầu Thánh Thể dường nào! Cần phải đọc lại những lời chúc tụng của Thánh Nữ: ”Lạy Bánh Thánh, trong đó có chứa đựng di chúc lòng từ bi Chúa cho chúng con và những người tội lỗi đáng thương!”, và thánh nữ tiếp tục gọi ”Bánh Thánh là nguồn mạch nước hằng sống, là lửa tình yêu tinh tuyền, là thuốc chữa lành mọi yếu nhược của chúng ta. Bánh Thánh là hy vọng duy nhất của chúng ta trong mọi đau khổ và nghịch cảnh của cuộc đời, giữa tăm tối và giông ba bão táp trong tâm hồn và bên ngoài, trong cuộc sống cũng như trong giờ lâm tử, giữa những thất bại và vực thẳm tuyệt vọng, giữa những dối trá và phản bội” (Nhật ký 356 tt). Lời chúc tụng này được kết thúc bằng sự tín thác hoàn toàn khi những khó khăn trong cuộc sống vượt quá sức lực của thánh nữ. ”Toàn thể sức mạnh của linh hồn tôi đến từ Thánh Thể. Tất cả những giờ rảnh rỗi tôi dùng để chuyện vãn với Chúa, Ngài là Thầy của tôi” (Nhật ký 1404).

G. Trần Đức Anh OP chuyển ý








All the contents on this site are copyrighted ©.