2008-03-10 16:01:43

Số phận của người tị nạn Irak


Phỏng vấn bà Margarita Tileva, người Bulgari, phối hợp viên miền của Ủy ban công giáo quốc tế về di cư, về số phận của người tị nạn Irak

Kể từ khi Hoa Kỳ đánh chiếm Irak và lật đổ Saddam Hussein làn sóng bạo lực ngày càng gia tăng khiến cho gần 3 triệu người Irak phải di cư ra nước ngoài sinh sống. Theo thống kê của viện FAFO Na Uy công bố hồi tháng 5 năm 2007 Giordani có từ 450 đến 700 ngàn người tị nạn Irak, trong khi tại Siria có từ 1,3 tới 1,5 triệu và tại Libăng có 50-60 ngàn người.

Trong số từ 450 đến 700 ngàn người Irak tị nạn tại Giordani chỉ có hơn 51 ngàn người khai báo với văn phòng Cao Ủy Tị Nạn của Liên Hiệp Quốc. 22% người lớn có công ăn việc làm và 70% sống trong thủ đô Amman. Ngân khoản trợ giúp họ là 35,7 triệu mỹ kim. Trong số các người tị nạn nói trên 46% nam giới trên 16 tuổi có một văn bằng hay bằng tiến sĩ, 42% nữ giới có trình độ học vấn đại học. Về phương diện tôn giáo 66% theo Hồi giáo hệ phái Sunnít, 17% theo hệ phái Shiít, và 12% theo Kitô giáo.

Cho tới nay văn phòng Cao ủy đặc trách người tị nạn Irak tại Giordani đã chỉ di chuyển được 7.551 người tới 13 quốc gia trên thế giới: đứng đầu là Hoa Kỳ với 5.560 người, tiếp đến là Canada với 598 người, thứ ba là Australia 506, Thụy Điển 447, Anh quốc 164, Brasil 108 và Hòa Lan 48. Xem đó đủ biết đa số người tị nạn Irak không có hy vọng ra khỏi các quốc gia A Rập láng giềng.

Việc trở về Irak xem ra rất khó khăn và chậm chạp. Và số người trốn chạy Irak vẫn tiếp tục mỗi ngày. Ông Marco Rogia thuộc văn phòng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc Irak nhưng có trụ sở tại Amman vì lý do an ninh, cho biết trong tình trạng chiến tranh bạo lực tiếp điễn hàng ngày hiện nay không có các thống kê chính thức liên quan tới số người Irak hồi hương.

Mới đây chính quyền vùng biên giới Irak cho biết số người chạy qua Siri bằng xe vận tải và xe bus nhỏ là 137.000, nhưng sau đó có 100.000 trở lại Irak. Đây là con số không được văn phòng tị nạn của Liên Hiệp Quốc xác nhận, vì tổ chức này không có điều kiện để kiểm chứng. Tuy nhiên ông Rogia cũng ghi nhận thêm rằng đây chưa phải là việc trở về thường xuyên và đông đảo, vì có nhiều người chỉ về để xem nhà cửa ruộng vườn của họ ra sao. Ngoài ra cũng có người về nhưng lại tìm đến một nơi khác không phải là quê sinh của họ. Người tị nạn Irak thường xin tị nạn tại ba nước Hoa Kỳ, Canada và Australia. Nhưng chỉ có 1% có hy vọng được nhận.

Riêng đối với các tín hữu Kitô Irak, tình trạng bị khủng bố, bách hại và kỳ thị khiến cho càng ngày càng có nhiều người rời bỏ Irak. Phong trào bắt cóc hàng giáo sĩ tu sĩ để tống tiền tiếp tục gia tăng, và giờ đây không chỉ có các linh mục tu sĩ là mục tiêu, mà có cả Giám Mục nữa. Chiều ngày 29-2-2008 Đức Cha Paulos Faraj Rahho, Tổng Giám Mục Mossul đã bị bắt cóc trong một cuộc phục kích. Người tài xế và hai cận vệ của ngài bị sát hại.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật mùng 2-3-2008 Đức Thánh Cha đã đích thân lên tiếng kêu gọi trả tự do cho Đức Tổng Giám Mục Rahho. Đức Thánh Cha cho biết ngài hiệp ý với lời kêu gọi của Đức Thượng Phụ Emmanuael III Delly và các cộng sự viên để Đức Tổng Giám Mục Rahho sớm được trả tự do.

Hôm mùng 2-3-2008 Đức Cha Georges Casmoussa, Tổng Giám Mục giáo phận Mossul của Giáo Hội Công Giáo Siri, đã nhận được một cú điện thoại của những kẻ bắt cóc. Đức Cha đang thương lượng về vấn đề trả tiền chuộc mạng cho Đức Cha Rahho, nhưng không được tiếp xúc trực tiếp với Đức Cha Rahho nên không biết tình hình sức khỏe của Đức Cha ra sao. Đức Tổng Giám Mục Rahho năm nay 66 tuổi, từ 7 năm nay coi sóc tổng giáo phận Mossul có 18 ngàn tín hữu công giáo nghi lễ Canđê.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn bà Margarita Tileva, người Bulgari, phối hợp viên miền của Ủy ban công giáo quốc tế về di cư, về số phận của người tị nạn Irak.

Đây là Ủy ban trợ giúp người tị nạn Irak bỏ quê hương sang lánh nạn tại các nước láng giềng trong vùng Trung Đông. Trong 10 năm qua bà Tileva đã làm việc trong các vùng có khủng hoảng từ Afghanistan tới Liberia, từ Indonesia tới Darfur bên Sudan.

Hỏi: Thưa bà, người tị nạn Irak có đặc thái nào và tình trạng sống của họ bên Giordania ra sao?

Đáp: Người Irak tị nạn bên Giordania không là ai cả, và họ không được thừa nhận như người tị nạn. Đây là tình trạng duy nhất mà tôi đã thấy trên toàn thế giới. Một đàng họ ở trong tình trạng giống như tình trạng của các người tị nạn khác tại nhiều nơi trên thế giới này. Nghĩa là họ là những người đã phải rời bỏ quê hương vì bị đe dọa an ninh, do chiến tranh hay do các tai ương thiên nhiên gây ra. Nhưng đàng khác họ lại chỉ được coi như là ”khách” của các nước láng giềng với Irak. Họ có thể ở lại bao lâu họ muốn, khi không tạo ra các vấn đề. Nước Giordania đã không ký nhận các thỏa hiệp Genève và không thừa nhận người Irak là người tị nạn, và Giordania cũng không sử dụng từ này để gọi họ.

Hỏi: Lý do tại sao thưa bà?

Đáp: Lý do là vì nếu không, thì Giordania sẽ có các bổn phận trợ giúp người tị nạn, chẳng hạn như tìm ra cơ may cho họ để có thể di chuyển họ tới một quốc gia khác. Nhưng điều này khiến cho chính quyền Amman rất hoảng sợ, và nó cũng khiến cho các chính quyền Damasco và Beirut âu lo, vì phải đương đầu với các khó khăn đối với người tị nan đã thế, mà còn đối với cả dân chúng nữa, vì lớp người nghèo của các quốc gia này cũng rất đông.

Hỏi: Ngoài ra nước Giordania cũng đã phải tiếp đón hơn 2 triu người Palestine nữa, có đúng thế không thưa bà?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Nhiều người Palestine đã có quốc tịch Giordania hay sống trong các trại tị nạn và nhận được trợ giúp. Tôi cũng nghĩ đến người tị nạn Sudan, từ bao năm nay sống quanh thủ đô Khartum. Nhưng mà cả trong trường hợp này nữa họ cũng có quốc tịch Sudan.

Hỏi: Còn người tị nạn Irak thì vừa không đưc coi là người tị nạn, vừa không hy vọng có quốc tịch Giordania, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, rất tiếc đó là sự thật. Người tị nạn Irak trong lúc này đang phải ở trong một loại âm phủ không có lối thoát. Nếu không có phép thì họ không thể làm việc, và nếu có tìm ra việc làm thì lại bị coi là làm việc bất hợp pháp. Nhiều người đã hy vọng trốn chạy qua tới Giordania thì họ sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng hiện nay tình trạng sống của họ tại đây ngày càng tồi tệ thêm. Đối với nhiều người khác thì không có hy vọng trờ về Irak, vì bạo lưc tiếp diễn và gia tài sản nghiệp đã bị phá hủy tất cả không còn gì. Điều này giúp hiểu rằng người dân Irak sẽ còn phải lưu lại đây lâu hơn là họ tưởng nghĩ.

Hỏi: Tại sao đa s người tị nạn Irak lại không khai báo và ghi danh nơi nơi văn phòng Cao Ủy tị nạn của Liên Hiệp Quốc tại Amman, thưa bà?

Đáp: Lý do là vì đa số người tị nạn Irak có một quan niệm sai lầm về văn phòng cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc. Họ nghĩ rằng văn phòng này hiện diện chỉ để bảo đảm cho việc di chuyển tất cả mọi người dân Irak tới một nước khác. Thật khó có thể giải thích cho họ hiểu rằng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cũng có các hạn hẹp của nó, và chỉ làm việc dựa trên con số người tị nạn mà các quốc gia tiếp nhận xác định. Nhưng mà ít nhất điều kiện là những người xin tị nạn qua văn phòng của Cao Ủy cũng có thể bảo đảm cho họ một hình thức được che chở đầu tiên.

Hỏi: Như thế cũng có nghĩa là các người tị nạn Irak không cảm thấy được che chở đủ tại Giordania này, hay sao thưa bà?

Đáp: Chúng tôi gọi họ là người tị nạn theo từ vựng quốc tế, vì họ đã phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn chiến tranh và bạo lực. Nhưng có lẽ phải nghĩ tới một từ vựng mới để gọi họ chăng, vì ở Giordania này họ không được chính quyền coi là dân tị nạn mà chỉ được coi là ”khách” thôi.

(Avvenire 27-1-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.