2008-03-04 16:30:02

30 năm hoạt động của Phong Trào Bảo Vệ Sự Sống Italia


Phỏng vấn ông Carlo Casini, Chủ tịch Phong trào bảo vệ sự sống Italia về 30 năm hoạt động cứu sống trẻ em còn trong lòng mẹ

Chúa Nhật mùng 3-2-2008 Ngày Bảo Vệ Sự Sống lần thứ 30 đã được cử hành trên toàn nước Italia. Hàng chục ngàn tín hữu, đặc biệt là thành viên các phong trào và hiệp hội bảo vệ sự sống, đã tham dự buổi đọc kinh Truyền tin chung với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại quảng trường thánh Phêrô.

Ngỏ lời với mọi người Đức Thánh Cha nói: ”Tôi xin gửi lời chào và cám ơn tất cả những ai tụ tập nhau tại quảng trường thánh Phêrô này, để làm chứng cho sự dấn thân của họ bảo vệ và thăng tiến sự sống và nêu bật rằng nền văn minh của một dân tộc được đo lường bằng khả năng phục vụ sự sống. Ước chi mỗi người, tùy theo khả năng, nghề nghiệp và thẩm quyền của mình, luôn cảm thấy được thúc đẩy yêu thương và phục vụ sự sống, từ lúc thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Thật ra, nhiệm vụ của tất cả mọi người là tiếp nhận sự sống như món qùa cần tôn trọng, bảo vệ và thăng tiến, nhất là khi nó giòn mỏng, cần được chú ý và săn sóc, trước khi sinh ra cũng như trong giai đoạn cuối cùng của nó”. Đức Thánh Cha cũng hiệp ý với các Giám Mục Italia ”khích lệ tất cả những ai, tuy vất vả nhưng với niềm vui, không ồn ào và với sự tận tụy lớn lao, trợ giúp các người thân già cả ốm yếu hay tật nguyền, và tất cả những người thường xuyên cống hiến thời giờ để trợ giúp các anh chị em thuộc mọi lứa tuổi có cuộc sống bị thử thách bởi biết bao nhiêu hình thức nghèo túng khác nhau”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Carlo Casini, Chủ tịch Phong trào bảo vệ sự sống Italia về 30 năm hoạt động cứu sống trẻ em còn trong lòng mẹ.

Hỏi: Thưa ông Casini, xin ông cho biết phong trào bảo vệ sự sống đã thành hình khi nào?

Đáp: Ngày của Sự Sống đã được cử hành từ 30 năm nay, nhưng cuộc chiến bảo vệ sự sống đã bắt đầu sớm hơn 3 năm. Hồi đó tôi là phó chưởng lý tại thành phố Firenze. Vào tháng 3 năm 1975 tại Firenze mỗi ngày đã có 30 vụ phá thai, đôi khi có tới 80 vụ. Có các nhóm phụ nữ được huy động tới Firenze để bảo vệ các vụ phụ nữ phá thai. Rồi có các lời tố cáo, các vụ kiện tụng, các cuộc tranh cãi, và sau cùng kết qủa là luật 194 cho phép phá thai chào đời. Người ta gọi nó là luật liên quan tới việc ”bảo vệ xã hội về chức làm mẹ và tự do ngưng mang thai”, tức luật cho phép phá thai công bố ngày 22 tháng 5 năm 1978, một luật bất công đối với với các trẻ em còn trong lòng mẹ. Từ đó chúng tôi bắt đầu thành lập Phong Trào Bảo Vệ Sự Sống, và liên tục hoạt động và cử hành cho tới nay.

Hỏi: Ngày bảo vệ sự sống đã bắt đầu trong bầu khí như thế nào thưa ông?

Đáp: Nó bắt đầu trong bầu khí của một đất nước Italia bị chia rẽ và của một nỗi khổ đau sâu xa đối với Giáo Hội. Tôi còn nhớ rõ, hôm trước ngày luật 194 cho phép phá thai được Quốc Hội thông qua, Hội Đồng Giám Mục Italia có triệu tập phiên họp để phân tích tình hình, và trong phiên họp đó tôi đã nhận thấy các Giám Mục rất buồn và cay đắng, vì thấy một quốc gia có đa số là tín hữu công giáo như Italia mà giờ đây lại chấp nhận luật cho phép phá thai. Bước chuyển tiếp lịch sử ấy đã là một thất bại cho tất cả mọi người.

Nhưng cuộc chiến đã bắt đầu vài năm trước đó tại Firenze với các khiêu khích triệt để: người ta đã mở một nhà thương chui để thực hiện các vụ phá thai, viện cớ là để trợ giúp các bà mẹ mang thai gặp khó khăn và bị bỏ rơi cô đơn giải quyết vấn đề của họ. Chúng tôi đã phản ứng lại với một sáng kiến khác nhằm chứng minh cho thấy có một giải pháp khác, mà không cần phải giết trẻ em còn trong lòng mẹ. Đó là Trung Tâm Trợ Giúp Sự Sống. Đây là trung tâm đầu tiên trong số 299 trung tâm mà Phong Trào Bảo Vệ Sự Sống Italia đã thành lập được trong 30 năm qua.

Hỏi: Trong 30 năm qua các Trung Tâm Trợ Giúp Sự Sống và các cơ cấu khác do phong trào thành lập đã có các ảnh hưng nào thưa ông?

Đáp: Việc phục vụ và bảo vệ sự sống là do chính Giáo Hội, và giáo quyền bao gồm Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục khởi đầu. Các vị đã tìm cách đề nghị các giải pháp với các kết qủa khiến cho chúng tôi phần nào thỏa mãn. Đã có 85.000 trẻ em được sinh ra, vì mẹ của các em nghe các lời khuyên và ý kiến của chúng tôi. Trong số đó có 13.000 em đã được sinh ra nhờ các trợ giúp tài chánh của phong trào, qua chương trình gọi là chương trình Gemma. Khi biết có các bà mẹ cần được trợ giúp tài chánh và vật chất, chúng tôi tìm cách đáp ứng các nhu cầu đó. Tin tức được thông báo qua nhiều đường đây khác nhau, qua số điện thoại xanh hoạt động 24 giờ trên 24 giờ, cho phép bất cứ ai cũng có thể báo tin cho chúng tôi biết một bà mẹ mang thai đang gặp khó khăn. Chúng tôi cộng tác với Đại học công giáo, và đại học có một đường giây điện thoại gọi là ”điện thoại đỏ”, để giải thích các nghi ngờ của các bậc cha mẹ liên quan tới các bệnh tật và các loại thuốc của các bào thai, kể cả việc thuyết phục đừng phá thai.

Hỏi: Thưa ông, nghèo túng và không được biết tin tức chính xác có phải là lý do gây ra nạn phá thai hay không?

Đáp: Chúng cũng là hai trong các lý do, nhưng nguồn gốc của nó nằm ở chỗ khác: đó là sự cô đơn. Cô đơn biết bao nhiêu, khi một phụ nữ có thai, mà nghe chồng hay người đang chung sống với mình nói rằng ”đó là chuyện riêng của em”, hay khi thấy xã hội hỏi ”Chị làm gì thế, chị giữ bào thai đó làm cái gì?”. Vì thế hành động văn hóa cũng có tầm quan trọng như việc có dành ra các phương tiện trợ giúp các bà mẹ mang thai vậy. Nhưng đây không phải nhiệm vụ mà chúng tôi đương đầu một mình. Phong trào đã cho phát hành một loạt các sách vở tài liệu gồm hàng triệu ấn bản trong hàng chục thứ tiếng khác nhau để phổ biến đề tài bảo vệ sự sống, và đã có các kết qủa rất tốt. Cũng rất may là các nước Âu châu cũng tổ chức cuộc thi viết về đề tài sự sống trong các trường học, và lôi cuốn được nửa triệu học sinh tham dự.

Hỏi: Phong trào có hy vọng khiến cho xã hội ý thức nhiều hơn đối với quyền sống hay không thưa ông?

Đáp: Chúng tôi đã thành công trong việc đưa đề tài vào chương trình thảo luận. Và cuộc thảo luận đang diễn ra, nhờ nhật báo ”Il Foglio” thăng tiến và quảng cáo. Đây cũng là một dấu chỉ lôi cuốn thế giới đời nữa.

Hỏi: Đâu là điểm gặp gỡ giữa các tín hữu công giáo và những người có chủ trương đời và tự đnh nghĩa là đời và không muốn biết đến các quan đim tôn giáo thưa ông?

Đáp: Điểm gặp gỡ đó là ý thức rằng phôi thai là một bản vị con người, và vì thế nó có phẩm giá như phẩm giá của tất cả mọi người, và phẩm gía đó không thể hủy bỏ được. Chúng tôi đã ủng hộ quan điểm này từ lâu và ông Ferrara chủ nhiệm nhật báo ”Il Foglio” đã có công trong việc lôi cuốn các người chủ trương đời vào trong cuộc thảo luận. Ông đã bẻ gẫy sự thinh lặng liên quan tới bản tính là người hoàn toàn và không thể phủ nhận được của bào thai, và sự cần thiết phải bảo vệ các bào thai và quyền sống của các bào thai một cách cụ thể. Chúng tôi cho rằng luật 194 cho phép phá thai hiện hành là một luật bất công, vì nó không dẫn đưa con người tới chỗ bênh vực và bảo vệ sự sống của các trẻ em còn trong lòng mẹ.

Hỏi: Như thế Phong Trào Bảo Vệ Sự Sống chủ trương phi thay đổi luật 194, nhưng thay đi như thế nào thưa ông?

Đáp: Chúng tôi coi đó là một luật bất công, tuyệt đối bất công, nhưng chúng tôi biết là không có đa số các dân biểu trong Quốc Hội đồng ý với chúng tôi và chúng tôi sẵn sàng đối thoại.

Hỏi: Đối thoại cho tới đim nào thưa ông?

Đáp: Chúng tôi không muốn phụ nữ bị phạt. Nhưng chúng tôi muốn rằng chính quyền, nếu khước từ cấm phá thai, thì cũng đừng từ chối bảo vệ quyền sống của đứa con với các phương thế khác, và các phương thế này không được là các phương thế bé nhỏ, đề ra cho qua chuyện, mà phải là một phương thức cao qúy và trong sáng trong việc bảo vệ con cái, bằng cách đánh cá với lòng can đảm của các bà mẹ. Phần đầu của đạo luật 194 nói về việc phòng ngừa, phải được thay đổi để khiến cho việc bảo vệ sự sống trở nên hữu hiệu hơn. Theo luật hiện hành sự bảo vệ đó chỉ là một chuyện giả hình thuần túy. Trái lại luật phải tuyên bố rõ ràng rằng chính quyền Italia dấn thân bảo vệ quyền sống của các bào thai từ lúc thụ thai, chứ không phải từ lúc khới đầu như trong văn bản hiện nay. Lý do là vì kiểu nói từ lúc khởi đầu là kiểu nói hàm hồ cho phép người ta giải thích rộng để khước từ bảo vệ sự sống. Đối với chúng tôi lúc khởi đầu ấy là lúc thụ thai. Sau cùng việc cải cách phải đầu tư các nhân viên cố vấn. Các nhân viên này phải là một dụng cụ phục vụ sự sống chứ không phải là các văn phòng hướng dẫn tự do ngưng mang thai tức phá thai, nghĩa là giết chết các thai nhi còn trong lòng mẹ.

(Avvenire 3-2-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.