2008-02-27 11:44:02

ĐỨC TIN ANH DŨNG CỦA TÍN HỮU CÔNG GIÁO TÂY TẠNG


Chúa Nhật 16-5-1993, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II (1978-2005) long trọng tôn phong chân phước Cha Maurice Tornay (1910-1949), Linh Mục thừa sai tử đạo tại Tây Tạng.

Cha Maurice Tornay chào đời ngày 31-8-1910 tại bang Valais, Thụy Sĩ. Năm 21 tuổi, Maurice xin vào đan viện kinh sĩ Thánh Bênađô Cả. Vài tháng sau khi khấn trọng, Thầy Maurice được phép Bề Trên cho đi truyền giáo tại Tây Tạng. Thầy đến Trung Tâm Truyền Giáo Duy-Tây thuộc tỉnh Vân Nam, để hoàn tất thần học, đồng thời học tiếng Hoa và tiếng Tây Tạng. Năm 1938, Thầy chịu chức Linh Mục tại Hà Nội. Trở về cứ điểm truyền giáo, Cha Maurice Tornay được chỉ định coi sóc trường Thử Tiểu Chủng Viện trong vòng 7 năm. Năm 1945, Cha được bổ nhiệm làm Cha Sở họ đạo Yerkalo bên Tây Tạng. Yerkalo tiếng Hoa gọi là Diêm-Tỉnh, vì tại đây có nhiều mỏ muối. Nhưng mới nhận nhiệm sở không bao lâu, các Lạt-Ma Phật Giáo Tây Tạng trong vùng đòi Cha phải trở lại Trung Hoa.

Tháng 7 năm 1949, với sự khích lệ của Đức Tổng Giám Mục Antonio Riberi (1897-1967), quyền sứ thần Tòa Thánh tại Trung Hoa, Cha Maurice Tornay lên đường sang Lhassa (thủ đô Tây Tạng) đích thân thỉnh cầu chính quyền can thiệp cho Cha trở lại nhiệm sở ở Yerkalo. Nhưng dọc đường, Cha Maurice Tornay bị các Lạt-Ma Phật Giáo chặn bắt và sát hại.

Lịch sử truyền giáo tại Tây Tạng bắt đầu từ thế kỷ 17. Năm 1624, hai tu sĩ dòng Tên người Bồ Đào Nha là Cha Antonio de Andrade và Thầy Marquès đến Tây Tạng truyền giáo. Năm 1846, Đức Giáo Hoàng Gregorio XVI (1831-1846) nâng Tây Tạng thành giáo phận Đại Diện Tông Tòa và giao cho các Linh Mục Hội Thừa Sai Paris coi sóc. Vì không đủ nhân sự nên Hội Thừa Sai Paris kêu gọi sự giúp đỡ của Dòng Kinh Sĩ Thánh Bênađô Cả. Khi nhận nhiệm sở tại Tây Tạng, Cha Maurice Tornay mô tả công việc truyền giáo như sau:

- Tôi làm Cha sở một giáo xứ đặc biệt nhất thế giới: giáo xứ của tôi lớn bằng nước Pháp, nhưng chỉ có 2 triệu người. Và trong số hai triệu, chỉ có khoảng hai trăm là tín hữu Công Giáo.

Trước khi Cha Maurice Tornay đến tái truyền giáo tại Tây Tạng, cộng đoàn tín hữu Công Giáo ở đây gần như bị cô lập trong vòng một thế kỷ. Thời gian này, các tín hữu Công Giáo dần dần quy tụ về sống tại Yerkalo, nằm gần biên giới hai nước Trung Hoa và Miến-Điện, ngày nay là Myanmar. Các tín hữu Công Giáo bảo tồn gia sản Đức Tin và truyền lại cho con cháu từ đời này sang đời khác.

Khi đón rước Cha Maurice Tornay mọi người thật cảm động, vui mừng không thể tả được. Nhưng niềm vui lớn lao không kéo dài lâu. Các Lạt-Ma Phật Giáo Tây Tạng ghen tương và bắt buộc Cha phải rời bỏ cộng đoàn con chiên thân yêu. Sau đó là cuộc tử đạo của Cha.

Công trình truyền giáo của Cha Maurice Tornay - tuy ngắn ngủi - và nhất là cái chết vì Đạo của Cha, đã không uổng công. Gần 40 năm sau, một học trò của Cha thụ phong Linh Mục và nối nghiệp tôn sư. Đó là Cha Thi Quang Vinh. Cha Thi thụ phong Linh Mục năm 1987. Tuy nhiên, Cha Thi phải sống tại Trung Tâm Truyền Giáo Duy-Tây, thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Cha chỉ có thể đến thăm các tín hữu Công Giáo Tây Tạng tại Yerkalo mỗi năm một hay hai lần. Cứ mỗi lần như thế, Cha ngồi tòa giải tội và cử hành Thánh Lễ cho các bổn đạo. Cộng đoàn Công Giáo Tây Tạng có khoảng 3, 4 trăm tín hữu.

Ngoài thời gian hồng phúc đón tiếp Linh Mục chủ chăn, các tín hữu Công Giáo Tây Tạng tự tổ chức đời sống thiêng liêng. Mỗi ngày hai lần, lúc 8 giờ sáng và lúc 5 giờ chiều, khi chuông nhà thờ - mang tên Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU - đổ hồi báo hiệu, mọi người cùng đến nhà thờ đọc kinh, nghe đọc Phúc Âm và hát Thánh Vịnh. Vào những ngày làm việc, chỉ có quí cụ ông cụ bà đi nhà thờ. Mỗi buổi đọc kinh kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ.

Vào dịp lễ Giáng Sinh, các tín hữu Công Giáo Tây Tạng có thói quen mời toàn thể dân làng đến tham dự buổi đọc kinh chung với họ. Nhiều phật tử vui vẻ đáp lời mời.

Giữa lòng một xã hội toàn tòng Phật Giáo, các tín hữu Công Giáo Tây Tạng không hề cảm thấy lạc loài hoặc sống ngoài lề xã hội. Trái lại, họ vừa hãnh diện là tín hữu Công Giáo vừa dấn thân phục vụ quốc gia dân tộc.

Bình minh năm 1997 mang đến cho cộng đoàn công giáo Tây Tạng một niềm hy vọng lớn lao. Một người con của Yerkalo được thụ phong Linh Mục. Đó là Cha Lou Jen Ti. Cha Lou thụ huấn tại Đại Chủng Viện Bắc Kinh, Trung Quốc. Đại Chủng Viện thật nghèo nàn, thiếu thốn mọi sự: sách vở và giáo sư. Tuy nhiên, Cha Lou đã nhẫn nhục chấp nhận trong niềm hy vọng có thể phục vụ người đồng hương Tây Tạng thân yêu.

... ”Vậy, một khi đã được nên công chính nhờ đc tin, chúng ta được bình an với THIÊN CHÚA, nhờ Đức GIÊSU KITÔ, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đc GIÊSU đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của THIÊN CHÚA, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng đưc hưởng vinh quang của THIÊN CHÚA. Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là ngưi trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì THIÊN CHÚA đổ Tình Yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngưi ban cho chúng ta” (Thư gởi tín hữu Roma 5,1-5).

(”Le Figaro Magazine”, 6-1-1997)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.