2008-02-26 16:50:42

Khả thể đa năng của các tế bào gốc trưởng thành


Phỏng vấn giáo sư Giovanni Camussi, về các khả thể của các tế bào gốc trưởng thành

Hồi hạ tuần tháng giêng vừa qua báo chí Italia đã đăng tin một nhóm chuyên viên nghiên cứu thuộc Trung tâm kỹ thuật sinh học của đại học Torino, trung bắc Italia, đã khám phá ra trong gan và thận các tế bào đa năng, giúp tái sinh các tế bào trong trường hợp các tế bào gan hay thận bị yếu kém.

Nhóm các chuyên viên nói trên do bác sĩ giáo sư Giovanni Camussi điều hợp, đã khám phá ra rằng khi đưa các tế bào này vào phòng thí nghiệm và kích thích chúng một cách thích hợp, có thể biến chúng trở thành các tế bào của nhiều cơ phận khác nhau. Các nghiên cứu tại Trung tâm liên nghành của kỹ thuật sinh học phân tử đã được bác sĩ Lorenzo Silengo bắt đầu cách đây vài năm, và được tiếp tục cho tới khi chứng minh được hiệu qủa sửa chữa trên các cơ phận thú vật.

Trong các ngày đầu tháng 2 vừa qua Bộ Giáo Dục, Khoa Học và Kỹ thuật Nhật Bản đã triệu tập Ủy Ban quốc gia về luân lý sinh học và an ninh sinh học, theo lời yêu cầu của khoa học gia Shinya Yamanaka, người đã khám phá ra các tế bào đa năng cho phép tiếp tục các nghiên cứu liên quan tới tế bào gốc, mà không cần phải phúc chế các phôi thai người trong phòng thi nghiệm.

Như đã biết, trong các ngày hạ tuần tháng 11 năm 2007, thế giới nghiên cứu y khoa đã xôn xao vì tin hai nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản, trong đó có ông Shinya Yamanaka, và Hoa Kỳ đã tìm ra kỹ thuật mới, giúp biến các tế bào da thành các tế bào gốc giống như các tế bào của bào thai, nghĩa là có khả năng đa dạng biến thành bất cứ loại tế bào nào của các cơ phận trong thân thể con người. Kỹ thuật này mở ra các biên giới mới giúp chữa trị các thứ tật bệnh, mà không cần phải chế tạo các phôi thai người để lấy tế bào gốc rồi hủy hoại các phôi thai ấy đi, như một số các nhà khoa học đã làm cho tới nay.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vaticăng ngày 22-11-2007, ông Angelo Vescovi, giáo sư đại học Milano Bicocca, kiêm giám đốc Trung Tâm tế bào gốc tỉnh Terni, trung Italia, cho biết kỹ thuật mới này ghi dấu một khúc rẽ quan trọng trong lãnh vực nghiên cứu, vì nó mở rộng cửa cho các viễn tương chữa trị tức khắc, mà không cần phúc chế các bào thai người. Bác sĩ cho biết cách đây 4 năm và trong dịp trưng cầu dân ý liên quan tới vấn đề này, khi ông đưa ra ý tưởng tìm phương thức khác để chế tạo các tế bào gốc mà không cần phúc chế phôi thai người, ông đã bị các đồng nghiệp chửi rủa thậm tệ. Dĩ nhiên, giờ đây từ chỗ khám phá ra kỹ thuật này cho tới chỗ chuẩn bị các tế bào và các cơ quan để thay thế các cơ phận hư hỏng trong thân thể con người, còn cần nhiều năm làm việc và tìm tòi.

Phát biểu về khám phá nói trên Đức Cha Elio Sgreccia, Chủ tịch Hàn Lâm Viện Sự Sống của Tòa Thánh, cho biết nếu kỹ thuật mới này được xác nhận, nó sẽ là một khám phá mới mẻ lịch sử. Và từ nay trở đi không cần phải nói tới chuyện phúc chế các phôi thai người cho các mục đích chữa trị, đã gây ra biết bao nhiêu tranh cãi và chống đối nữa. Giáo Hội đã chống đối vì các lý do luân lý đạo đức. Giáo Hội đã khuyến khích các nhà nghiên cứu tiếp tục đường hướng sử dụng các tế bào gốc trưởng thành, và mạnh mẽ lên án việc phúc chế và hủy hoại các phôi thai người. Giờ đây hai nhóm các khoa học gia Nhật Bản và Hoa Kỳ đã thành công trong việc nghiên cứu này, không phải vì lý do lòng tin, mà chỉ là thuần túy khoa học. Sự thành công này chứng minh cho thấy luân lý đạo đức và khoa học đích thật không chống đối nhau, nhưng là bà con với nhau. Luân lý đạo đức tôn trọng con người cũng ích lợi cho việc tìm tòi nghiên cứu, và nó minh xác cho thấy Giáo Hội chỉ chống đối việc nghiên cứu tìm tòi có hại cho con người, ở đây là con người phôi thai.

Theo Đức Cha Sgreccia sự kiện trong các năm qua người ta đã đầu tư biết bao nhiêu tiền bạc cho các vụ nghiên cứu bằng cách phúc chế các phôi thai người để lấy tế bào gốc, là một phí phạm vô ích. Biết bao nhiêu con người phôi thai bị giết, hàng tỉ mỹ kim của quốc gia và tiền thuế của dân chúng đã bị phung phí thay vì dùng cho khoa học và các nghiên cứu đích thật.

Phúc chế là tiến trình sản xuất các cặp cơ phận sinh vật giống hệt nhau trên bình diện di truyền, qua kỹ thuật lèo lái yếu tố di truyền. Nhân tố tế bào của một người cho được trồng vào trong một tế bào trứng, là tế bào nhận, nhưng bị lấy mất yếu tố di truyền DNA, rồi được để cho phát triển bình thường cho tới tình trạng trưởng thành.

Năm 1938 nhà nghiên cứu Hans Spemann đã đưa ra tư tưởng chuyển nhân tố này của tế bào. Năm 1997 ông Jan Wilmut người Ecốt đã dùng kỹ thuật phúc chế này để tạo ra con cừu Dolly, là con vật được phúc chế đầu tiên. Từ đó đến nay đã có 16 loại thú vật có vú khác được phúc chế và đã vượt các thành công khoa học. Nhưng nhiều súc vật phúc chế sinh ra với các vấn đề sức khỏe rất nghiên trọng. Con cừu Dolly gìa trước tuổi, bị nhiều thứ bệnh trong đó có chứng thấp khớp và đã chết cách đây mấy năm. Ngay trong việc phúc chế súc vật đã có rất ít trường hợp thành công, hay thành công, nhưng các súc vật đó sinh ra bị tật nguyền, không khỏe mạnh, khiến cho khoa học bị mang tiếng, và mất đi sự tin tưởng của mọi người.

Đặc biệt có hố sâu ngăn cách luân lý đạo đức rất lớn giữa các cuộc thí nghiệm trên súc vật và các vụ thử nghiệm trên con người. Hiện nay có một vài chính quyền chấp nhận việc phúc chế các phôi thai người để lấy tế bào gốc cho các cuộc thử nghiệm. Sau khi có tin kể trên ông Jan Wilmut đã tuyên bố là sẽ không bao giờ sử dụng việc phúc chế nữa, nhưng sẽ dồn sự chú ý tới việc nghiên cứu các tế bào gốc trưởng thành. Liên Hiệp Quốc cũng lo sợ nên có khuynh hướng cấm hoàn toàn việc phúc chế người, nhưng vẫn mở cửa cho việc phúc chế người trong mục đích trị liệu, với các kiểm soát nghiêm ngặt. Đã có 50 quốc gia cấm việc phúc chế người. 140 nước còn lại vẫn chưa có quyết định.

Sau đây chúng tôi gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn bác sĩ Giovanni Camussi về khả năng của các tế bào gốc trưởng thành trong việc chữa trị gan và thận.

Hỏi: Thưa giáo sư, xin giáo sư kể lại cho mọi người biết khám phá của giáo sư liên quan tới các tế bào gốc đa năng trưởng thành của gan và thận, mà toán chuyên viên do giáo sư phối hợp, đã thành công trong việc nghiên cứu chúng.

Đáp: Đây là một bước tiến nữa trong việc nghiên cứu đã bắt đầu với việc cô lập các tế bào gốc trong mô gan hồi năm 2006. Thật thế, chúng tôi đã nhận diện ra các tế bào giống như các tế bào gốc ở trong tủy xương và kiểu hoạt động của chúng xác định chúng là các tế bào gốc. Có thể trải dài chúng ra trên kính của phòng thí nghiệm và nghiên cứu các khả năng khác nhau của chúng. Thật ra dưới hiệu qủa của các yếu tố lớn mạnh xác định, các tế bào này biến thành nhiều loại tế bào khác nhau của xương, của lá lách và của các nội mô (endoteliali).

Hỏi: Và tiếp theo đó các bác sĩ trong toán nghiên cu đã bưc sang giai đoạn thí nghiệm có đúng thế không, thưa bác sĩ?

Đáp: Vâng, đúng thế. Chúng tôi dã dùng các con chuột bị hư gan nặng để thử nghiệm và nhận thấy có sự cải tiến lớn, sau khi chích các tế bào gốc trưởng thành vào. Và các tế bào này sửa chữa mô gan bị hư hại. Hiệu qủa có được là nhờ các tế bào gốc nhưng cũng nhờ các tế bào mà chúng sản xuất ra. Chúng ta phải hiểu biết các kiểu hoạt động của tất cả mọi phân tử liên hệ, chẳng hạn như vai trò bảo vệ mà chúng thực thi, khi chúng thành công trong việc ngăn chặn cái chết của các tế bào gan được dự trù. Dĩ nhiên, mục đích chúng tôi nhắm tới đó là thành công trong việc áp dụng chúng trong các nhà thương đối với các bệnh nhân, nhưng còn cần phải nghiên cứu và thử nghiệm nhiều lắm, trước khi đạt mục đích này.

Hỏi: Thưa giáo sư, giáo sư nghĩ gì về các hưng đi mới trong các nỗ lực nghiên cứu các tế bào gốc trưởng thành cho việc chữa trị trên bình diện quốc tế, chẳng hạn như vic đưa các tế bào gốc trưởng thành trở lại tình trạng của các tế bào gốc của bào thai?

Đáp: Tôi nghĩ rằng đó là chiến thuật hay, nhưng cần phải chứng minh các hiệu năng của chúng. Tôi xin được giải thích rõ hơn. Cần phải có thái độ cẩn trọng, khi duyệt xét các kết qủa này. Trên bình diện các tế bào gốc nói chung, không kể các khía cạnh luân lý đạo đức, cho tới nay chưa có được sự chắc chắn khoa học bảo đảm cho biết với khoảng cách thời gian người ta không gặp sự khác biệt không do ý muốn của các khoa học gia, làm nảy sinh ra các chứng ung thư của các tế bào phôi thai chẳng hạn. Vấn đề chính vẫn là sự kiện chúng ta hoàn toàn không chắc chắn đối với các nguy hiểm có thể xảy ra. Và ngay cả khi có chứng minh được sự chắc chắn đó nơi thú vật đi nữa, thì điều đó không có nghĩa là khi áp dụng cho con người nó cũng sẽ như vậy, vì có các thời gian dài hơn của sự phát triển đối với sự hình thành của các tế bào mới.

Hỏi: Như thế đâu là các ngõ thoát thưa bác sĩ?

Đáp: Phải tiếp tục lượng định 360 độ, nghĩa là trong tất cả mọi hướng, đặc biệt các hiệu qủa về lâu về dài, chứ không dừng lại để quan sát các hiệu qủa có được tức thì trước mắt. Khi biết như thế, cần phải lựa chọn rất kỹ lưỡng các bệnh nhân khi chữa trị. Việc chữa trị phải cứu sống họ khi không có cách thế chắc chắn nào khác.

Bên Hoa Kỳ người ta đã chấp thuận cho thử nghiệm một nhà thương dựa trên việc dùng các tế bào gốc trưởng thành để chữa trị các bệnh nhân theo hệ thống luân chuyển bên ngoài thân thể, và như thế có nguy cơ rất lớn là thận không hoạt động, như hậu qủa của việc giải phẫu các cơ phận. Kiểu can thiệp rất là hay, nhưng chúng tôi còn chờ các kết qủa.

Hỏi: Sự kiện trong các phòng thí nghiệm do giáo sư phối hợp các chuyên viên làm việc với các tế bào gốc trưởng thành có ý nghĩa gì hay không thưa giáo sư?

Đáp: Chúng tôi làm việc nghiên cứu trên các tế bào gốc trưởng thành cũng vì các lý do luân lý đạo đức. Nghĩa là không cần phải phúc chế các phôi thai người cho việc nghiên cứu. Đôi với tôi điều rất quan trọng trên bình diện khoa học là tiếp tục các nghiên cứu trên thú vật. Các nghiên cứu này giúp hiểu biết các hoạt động hướng dẫn các tiến trình khác nhau.

Tôi cũng đồng ý với đề nghị trên bình diện luân lý liên hiệp Âu châu phải phối hợp việc hủy bỏ các phôi thai người đã được sản xuất cho tới nay. Cả khi tôi cũng không chống lại sự kiện có thể dùng các phôi thai đã có sẵn cho các cuộc thử nghiệm. Dĩ nhiên trong trường hợp này cũng có vấn đề luân lý chứ không phải là không. Và chính vì có vấn đề luân lý nên chúng tôi chủ trương chỉ dùng các tế bào gốc trưởng thành cho các cuộc thí nghiệm, và loại trừ việc thí nghiệm trên các phôi thai người.

(Avvenire 31-1-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.