2008-02-25 14:47:37

Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân


Phỏng vấn Đức Hồng Y Lozano Barragán về Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân 11 tháng 2

Ngày 11-2-2008 là lễ Đức Mẹ Lộ Đức cũng là Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân lần thứ 16. Năm nay ngày này có đề tài là ”Lộ đức kêu mời chúng ta đến với Bánh cứu độ” và được cử hành trong khuôn khổ năm kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra với thánh nữ Bernadette Soubirous.

Đã có hơn 70.000 tín hữu tham dự các lễ nghi tại Lộ Đức, trong đó có 15.000 tín hữu Italia. Đặc biệt có phái đoàn 2500 bệnh nhân do Đức Ông Luigi Marrucci, phó tuyên úy Liên hiệp Italia chuyên chở các bệnh nhân tới Lộ Đức và các đền thánh khác, hướng dẫn, cộng thêm 1700 nhân viên thiện nguyện và tín hữu thân nhân của các bệnh nhân tháp tùng. Đoàn hành hương đến Lộ Đức với một chuyến xe lửa đặc biệt, 4 máy bay và 8 xe bus. Cùng đi với tín hữu cũng có Đức Cha Mario Rino Sivieri, Giám Mục giáo phận Prorpià bên Brasil.

Năm kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức đã chính thức được Hội Đồng Giám Mục Pháp khai mạc ngày mùng 8-12-2207. Cùng đồng tế thánh lễ ngày 11-2-2008 với Đức Cha Jacques Perrier có 30 Giám Mục và 800 Linh Mục Pháp và nước ngoài. Giảng trong thánh lễ Đức Cha Perrier, Giám Mục giáo phận Tarbes-Lộ Đức khẳng định rằng Lộ Đức là một nhà thờ lộ thiên và là nơi giao ước và giảng hòa con người với Thiên Chúa. Chú giải Tin Mừng đám cưới tại Cana, Đức Cha Perrier nói: ”Mẹ Maria hiện điện tại Cana và tại Lộ Đức. Mẹ nhận ra nỗi đớn đau của gia đình có đám cưới đang giữa bữa tiệc vui lại hết rượu. Mẹ trông thấy các chờ mong của chúng ta. Mẹ can thiệp với Con Mẹ. Tại Lộ Đức Mẹ dẫn đưa thánh Bernadette tới với Thánh Thể. Và đó là dấu chỉ không thay đổi tại Lộ Đức trong suốt 150 năm qua. Tại Cana có nhiều người đến dự tiệc vì các lý do khác nhau, và có lẽ không phải mọi người đều đã hiểu. Lộ Đức là một nơi rộng mở, ai cũng có thể tới. Mỗi người có một lý do để tái chiếm lại niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa và nơi con người. Nhưng sự rộng mở này đã có thể có được nhờ một điều kiện nền tảng: đó là sứ điệp Lộ Đức là sứ điệp của Tin Mừng. Ngày lễ trước hết đã là lễ của cuộc Khổ Nạn của Chúa, vì rượu tại Cana báo trước rượu của Tiệc Ly và máu của Thập Giá. Trong địp kỷ niệm 150 Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức và trong khung cảnh của mùa Chay Thánh sự thực đó lại càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn nữa”.

Đức Cha Perrier cũng duyệt lại các biến cố đã xảy ra tại Lộ Đức kể từ khi Đức Mẹ hiện ra với chị Bernadette ngày 11 tháng 2 năm 1858 tại hang đá Massabielle. Đức Mẹ dậy dỗ Bernadette bằng cách gợi lên niềm tin tưởng nơi chị, dậy chị làm dấu thánh giá, nói chuyện với chị, xin chị thường xuyên đến hang đá và cũng mời gọi chị đi theo con đường khắc khổ của hy sinh hãm mình. Sau cùng ngày 25 tháng 3 lễ Truyền Tin, Đức Mẹ tiết lộ cho chị biết ”Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Thai”.

Ban chiều cùng ngày 11-2 đã có giờ chầu Thánh Thể và cuộc rước nến bắt đầu lúc 9 giờ tối trưởc hang đá Đức Mẹ Lộ Đức.

Trong khi tại Roma lúc 11 giờ sáng ngày 11-2-2008 đã có cuộc rước Thánh Thể từ lâu đài Thiên Thần tiến dọc theo đường Hòa Giải để đến quảng trường thánh Phêrô, nơi Đức Hồng Y Angelo Comastri, Giám quản đền thờ thánh Phêrô, đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu. Sau đó vào 4 giờ chiều có buổi lần hạt Mân Côi và thánh lễ do Đức Hồng Y Lozano Barragán, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, chủ sự trước sự hiện diện của hài cốt thánh nữ Bernadette, được đưa từ Pháp qua Roma ngày 8-2. Tham dự thánh lễ đã có đông đảo tín hữu, các bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân của các nhà thương công giáo và các nhà thương công ở Roma.

Giảng trong thánh lễ Đức Hồng Y Barragán nhắc đến sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân lần thứ XVI và liên kết ngày này với hai biến cố kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức và Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế, sẽ tiến hành tại Québec bên Canada vào tháng 6 tới đây. Đức Hồng Y nêu bật mối liên hệ chặt chẽ giữa Mẹ Maria và Thánh Thể. Thân Thể Chúa Kitô, mà Mẹ Maria trao tặng chúng ta, cũng là Mình Thánh Chúa trong Thánh Thể. Đức Hồng Y tái đề cao giá trị và tính cách sáng tạo của khổ đau, vì nhờ khổ đau trên Thánh Giá, Chúa Kitô đã cứu chuộc chúng ta và thiết lập công trình sáng tạo mới. Nhưng đau khổ của Chúa Kitô không phải là một thứ đau đớn tuyệt vọng, buồn sầu hay khổ đau chiến bại. Đau khổ ấy chính là tột đỉnh công trình của Chúa Kitô, là ”giờ” và là sự tôn vinh Ngài. Khi đau khổ, mỗi người trong chúng ta cũng có thể nói: nỗi đau khổ mà tôi đang chịu chính Chúa Kitô cũng chịu. Như là sự dự phần vào khổ đau của Chúa Kitô, Thánh Thể thúc đẩy chúng ta săn sóc các anh chị em đau yếu của chúng ta và đòi buộc chúng ta trở nên ”bánh được bẻ ra” cho các anh chị em khác”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y Baaragán về ý nghĩa Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân trong năm kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y sứ điệp gửi Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân năm nay ca Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mang tựa đề ”Thánh Thể, Lộ Đức, và mục vụ các bệnh nhân”. Nó có gì khác so với các năm trưc đây không?

Đáp: Có. So sánh với các năm trước đây có sự khác biệt rất lớn, vì Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân năm 2008 trùng với hai biến cố quan trọng: thứ nhất là năm kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, thứ hai là Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế, sẽ được cử hành vào tháng 6 tới đây tại Québec bên Canada.

Hỏi: Trong sứ điệp gửi Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân Đức Thánh Cha khẳng định rằng nó cống hiến cho mọi người một cơ may giúp ý thức được mối dây liên hệ giữa Mầu Nhiệm Thánh Thể, vai trò của Mẹ Maria trong chương trình cứu độ và thực tại của bệnh tật khổ đau ca con ngưi. Trong nghĩa nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Bí tích Thánh Thể cử hành cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu và khiến cho chúng hiện diện giữa chúng ta hôm nay. Như thế Bí tích Thánh Thể là câu trả lời duy nhất cho vấn đề đã luôn luôn khiến cho con người khắc khoải âu lo: đó là vấn đề khổ đau. Chỉ dưới ánh sáng của sự phục sinh mới có giải pháp cho mầu nhiệm lớn lao của khổ đau và cái chết.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, thế còn Lộ Đức thì sao, nó có liên hệ gì với các khổ đau ca con người không?

Đáp: Đức Thánh Cha viết trong sứ điệp rằng: không thể nhìn lên Chúa Kitô mà không nhận ra ngay sự hiện diện của Mẹ Maria. Lộ Đức nhắc tới tín lý Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, nghĩa là tiếng xin vâng cao cả và vô điều kiện mà Đức Mẹ đã thưa lên với Thiên Chúa, ngay từ lúc được thụ thai và đặc biệt đứng trước sự khổ đau. Chúng ta hãy nhớ tới lời tiên tri của cụ già Simeong nói với Mẹ: ”Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng bà”. Khi đứng trên núi Sọ, Mẹ Maria đã thưa lên hai tiếng xin vâng với nỗi khổ đau tột cùng đó. Và lưỡi gươm ấy đã biến thành niềm vui trong biến cố phục sinh và trong vinh quang của biến cố Đức Mẹ hồn xác lên trời.

Hỏi: Như thế ánh sáng Lộ Đức giúp cho các bệnh nhân trông thấy những gì, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Ánh sáng Lộ Đức dậy cho chúng ta cũng biết thưa lên hai tiếng xin vâng với mầu nhiệm của Chúa Kitô cả trong khổ đau, và biến khổ đau thành lửa tình yêu và niềm vui. Và chính tại đây, như tôi đã nói, con người tìm thấy câu trả lời duy nhất cho vấn nạn liên quan tới số phận của mình. Trong một cách thế nào đó, mọi tôn giáo đều tìm trả lời cho vấn đề này. Nhưng Kitô giáo là tôn giáo duy nhất không coi khổ đau tùy thuộc các biến cố vũ trụ, hay tùy thuộc việc kiếm tìm các quân bình tâm lý, mà đặt hy vọng nơi cuộc gặp gỡ với con người sống động của Chúa Kitô.

Hỏi: Như thế cũng có nghĩa là Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng có sự tùy thuộc giữa sức khỏe của thể xác và sức khỏe của tâm hồn?

Đáp: Chắc chắn rồi, bởi vì con người là một toàn thể bao gồm xác hồn. Những người chỉ đựa trên nền nhân chủng học thân xác và duy vật thôi, thì cho rằng sức khỏe là sự thinh lặng của các cơ phận, thiếu vắng bệnh tật và quân bình tâm lý. Trái lại, trong sứ điệp cho Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân năm thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II nhắc nhở cho chúng ta biết rằng sứ khỏe là sự hướng tới sự hòa hợp tâm sinh vật thể lý, xã hội và tinh thần, và như thế Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh sự hiệp nhất của toàn con người trong mọi chiều kích của nó.

Hỏi: Như vy là chúng ta đang ở trong chính trung tâm của vấn đề nhân chủng học, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Đúng vậy. Tất cả các câu trả lời, mà chúng ta có thể đưa ra cho các vấn nạn liên quan tới các đề tài luân lý đạo đức của sức khỏe và khổ đau, tùy thuộc nền nhân chủng học. Chính vì thế Giáo Hội nói ”không” với việc trợ tử hay làm cho chết êm dịu, và thật ra lời khước từ đó của Giáo Hội là tiếng ”có” đối với sự sống. Cần phải bảo vệ và cứu sự sống con người từ khi thụ thai cho tới lúc chết tự nhiên và trong các cách thức truyền sinh.

Hỏi: Đức Hồng Y có muốn nói gì với những người làm việc trong lãnh vực sự sống hay không?

Đáp: Trước hết tôi muốn đưa ra lời kêu gọi các nhân viên y tế, để họ cố gắng hiểu điều nằm bên kia mầu nhiệm của khổ đau trên thân xác. Thật ra thường khi nghệ thuật y khoa dựa trên một nền nhân chủng học thuần túy thực nghiệm, loại trừ viễn tượng tinh thần. Đây là một lãnh vực trong đó chúng ta có thể tiếp nhận lời Đức Thánh Cha Biển Đức XVI kêu gọi mở rộng các không gian của lý trí.

(Avvenire 10-2-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.