2008-02-23 13:51:32

JACK PREGER, BÁC SĨ VỆ ĐƯỜNG THÀNH PHỐ.




JACK PREGER, BÁC SĨ VỆ ĐƯỜNG THÀNH PHỐ.

Middleton Row là tên của một con đường nằm ở khu trung tâm khá sang trọng của thành phố Calcutta, Ấn Độ, gần trường nữ trung học Loreto nổi tiếng do các nữ tu thừa sai coi sóc. Từ năm 1979, cứ sáu ngày mỗi
tuần, vào sáng sớm, một người đàn ông đến vệ đường Middleton Row, trải chiếc bạt nylon trên vệ đường, gắn 4 chiếc cọc tre để giữ chặt mái lều che nắng che mưa. Xong, ông kê từng thùng gỗ hay carton đựng thuốc men, đồ ăn hay hồ sơ chẩn bệnh dưới đất và bắt đầu khám bệnh cho người đầu tiên trong đoàn người xếp hàng dài kiên nhẫn chờ đợi từ lúc trời còn tối. Bởi vì căn lều thô sơ ấy là phòng khám bệnh của bác sĩ Jack Preger, người quyết định dành trọn cuộc đời và tài năng để phục vụ những anh chị em bệnh tật bần cùng ở Ấn Độ.

Bác sĩ Jack Preger sinh trưởng tại Manchester bên Anh cách đây 63 năm, trong một gia đình Do Thái nhiệt thành. Lớn lên, Jack bị chủ thuyết cộng sản thu hút. Jack theo học các môn kinh tế, chính trị, nông nghiệp; đã tìm cách phục vụ trong các vùng kém phát triển. Sau đó, Jack cũng sống một thời gian trong một Kibbutz, tức là làng tập thể của Do Thái. Trong thời gian này Jack lập gia đình và sinh một bé trai xinh xắn. Sau đó ít lâu, Jack sang điều khiển một nông trại tại vùng Galles bên Anh. Nhưng trong tâm hồn người thanh niên này vẫn còn một khoảng trống mà chủ thuyết cộng sản hay đức tin do thái không thể nào lấp đầy được, cho đến một ngày nọ, lúc quá 30 tuổi, tình cờ một đoạn thư thánh Phaolo, một cựu tín hữu Do Thái khác, đã mở rộng tầm mắt Jack và đưa chàng trở về với đức tin công giáo. Năm 34 tuổi, Jack Preger được chịu phép Rửa tội và gia nhập giáo hội công giáo. Cùng lúc này, Jack đâm ra mê say nghề bác sĩ và khao khát được làm y sĩ phục vụ một quốc gia thế giới thứ ba. Tốt nghiệp y khoa giải phẫu, bác sĩ Jack phục vụ tại nhà thương Dublin cho đến khi ký kết hợp đồng làm việc tại đảo Jamaica vào năm 1972. Nhưng chỉ vài tuần trước khi lên đường sang nhiệm sở mới, bác sĩ Jack nghe đài phát thanh đưa ra lời kêu gọi giúp đỡ Bangladesh đang oằn oại tan nát vì chiến tranh. Thế là bác sĩ đổi ý chọn Bangladesh làm nơi phục vụ.

Nhiệm sở đầu tiên của bác sĩ Jack Preger là một nhà thương nhi đồng trong một trại tỵ nạn ở Dacca. Vào năm 1975, tức là ba năm sau khi đến Bangladesh, nhiều gia đình tỵ nạn đến than vãn với bác sĩ vì con cái của họ bị đưa đi cho làm con nuôi một cách thầm lén. Họ yêu cầu bác sĩ giúp đỡ để tìm lại con cái của họ. Và bác sĩ Jack Preger đã chính thức tố giác đường dây buôn bán trẻ em ẩn náu dưới chiêu bài con nuôi quốc tế này trước dư luận thế giới. Tiếp đến, bác sĩ đã đích thân tìm kiếm cho đến khi tìm lại được 7 trẻ thơ trong tổng số 34 em mất tích. Nhưng trong một xứ nghèo đói như Bangladesh, nơi mà mọi sự đều dựa trên căn bản hối lộ tham nhũng, bác sĩ Jack Preger trở thành một cái gai trong mắt nhà cầm quyền nước này. Họ làm khó dễ bác sĩ đủ mọi cách. Năm 1979, bác sĩ bị trục xuất ra khỏi Bangladesh.

Rời khỏi Bangladesh, bác sĩ Preger sang Calcutta vì thành phố này chỉ cách biên giới Bangladesh một đoạn đường ngắn. Nơi đây, bác sĩ gặp mẹ Têrêsa Calcutta và được mẹ giúp một gian nhà nhỏ cạnh nhà xứ Thánh Tomasô làm nơi chẩn bệnh. Tiếng đồn vang rộng giữa lớp người bần cùng khốn khổ là một bác sĩ sẵn sàng chữa bệnh miễn phí cho họ và họ ùn ùn kéo nhau đến. Gian nhà nhỏ trở thành quá chật hẹp và bác sĩ Preger đành dọn phòng mạch ra ngoài lề đường. Nhưng cũng tại đây, chính quyền Ấn Độ không mấy ưa thích bác sĩ vì đã chữa bệnh không công. Quả thật, tại Ấn Độ khi muốn vào điều trị tại bệnh viện, các bệnh nhân phải đút lót tiền bạc cho đủ mọi hạng người. Bác sĩ Preger chữa bệnh không công và đầy tận tụy như thế, làm cho bọn tham nhũng mất đi một nguồn lợi lớn, thì hỏi làm sao mà họ không tức giận bác sĩ cho được. Tại Ấn Độ để làm việc phải có giấy phép của chính phủ, nhưng bác sĩ xin mãi xin hoài, giấy phép chẳng tới, lại tới giấy trục xuất ra khỏi Ấn Độ. Bác sĩ nhất quyết không bỏ rơi những bệnh nhân nghèo của mình, sẵn sàng chịu bỏ tù hay đe dọa. Trược sự ủng hộ mạnh mẽ của giới bệnh nhân nghèo, chính quyền Ấn Độ đành phải làm ngơ để cho bác sĩ hành nghề ngoài đường phố với một thỏa thuận ngầm: đừng bên nào gây rối cho bên kia cả. Năm 1990, bác sĩ Jack Preger thành lập tổ chức thiện nguyện Indian Rescue và từ đó được phép lưu trú tại Ấn Độ và tiếp tục hành nghề bác sĩ mặc dù chưa có giấy phép, với đều kiện không được tranh đấu đòi hỏi gì cả. Và để được săn sóc những kẻ nghèo hèn yếu đuố nhất, bác sĩ Jack Preger đã im lặng chấp nhận.

Hồi năm 1993, bác sĩ Preger đã được nữ hoàng Anh trân trọng chỉ định làm thành viên British Empire, M.B.E. và
đây là một danh dự lớn, chỉ dành cho những nhân vật có công lao nổi bật mà thôi.


MAIANH








All the contents on this site are copyrighted ©.