2008-02-21 09:41:56

KHỔ ĐAU QUẢNG BÁ LÒNG TIN


Hồ Kivu là một trong những thắng cảnh nổi tiếng thơ mộng tại Zair, nằm dưới chân ngọn núi lửa Nyiragongo. Đêm đêm, đỉnh núi đỏ lửa vẫn nghiêng mình soi bóng nước hồ. Trải dài dưới chân núi trên bờ hồ phía Bắc là Goma, một thành phố nhỏ hiền hòa thơ mộng Phi châu. Tận miền nam hồ Kivu, là thị trấn Bukavu La Blanche, nơi mà Wivine Sebyera chào đời vào năm 1955. Vài năm sau đó, gia đình Sebyera dời lên sinh sống tại Goma và Wivine được gởi đi học tại trường do các nữ tu dòng Bernardine đảm trách.

Wivine là một cô bé tinh nghịch dễ thương tràn đầy sức sống. Vốn thông minh rất mực, cô bé dễ dàng thu hút cảm tình và sự chú ý của mọi người chung quanh. Ở trường cũng như ở nhà, mỗi khi có ồn ào hay đổ bể gì, người ta đều biết ngay kẻ khởi đầu là cô bé Wivine, tuy rằng chẳng ai bắt tại trận được cô nàng bao giờ cả.

Năm 12 tuổi Wivine gia nhập phong trào Xavérie, một phong trào tông đồ giới trẻ công giáo. Từ đó trở đi, người ta có cảm tưởng như trong Wivine có hai con người riêng biệt: một đàng, là cô bé Wivine nghịch ngợm phá phách nhí nhảnh ngày trước, đàng khác là một thiếu nữ nghiêm trang, biết giữ trách nhiệm, có tài tổ chức. Trong năm cuối bậc trung học, Wivine được đề cử làm người phụ trách khu nội trú. Và trong nhiệm vụ này, Wivine đã chứng tỏ được năng khiếu tổ chức và tài điều khiển của mình. Năm 1972, Wivine chọn biệt hiệu cho mình là Babane, có nghĩa là Gạch nối, để nói lên quyết tâm sống lý tưởng hòa giải của mình. Trong trường học, Wivine có chân trong ban lãnh đạo phong trào thanh niên cách mạnh bình dân, chuyên đảm nhận việc dàn xếp các bất hòa giữa ban giám đốc nhà trường và các sinh viên học sinh hay giữa giới học sinh với nhau. Bất cứ nơi nào có cãi cọ chia rẽ, nơi đó có sự hiện diện của Wivine, người giảng hòa. Ngoài ra, Wivine còn gia nhập phong trào thanh thiếu niên Taizé. Nhiều người đã phê bình người thiếu nữ này là quá hời hợt ham vui, lại không chú trọng đến các buổi học giáo lý như những môn học khác. Nhưng chỉ cần quan sát kỹ thêm một tý, người ta sẽ nhận rõ được rằng dưới lớp vỏ hời hợt nông cạn bề ngoài, Wivine có một đời sống nội tâm hết sức sâu xa. Wivine tâm sự với một người bạn như sau: Em biết người ta nói em không thèm để ý đến các buổi giáo lý. Nhưng không phải thế đâu. Em muốn rằng giáo lý phải là một vấn đề thực sự của cuộc sống và trong cuộc sống, chứ em không muốn xem giáo lý chỉ là một môn học như các môn học khác thôi đâu.

Năm 1974, Wivine lên thủ đô Kinshasa cách Goma 2000 cây số để học đại học. Tại phân khoa sinh-lý-hóa, nàng thành lập nhóm Vàng hoạt động tông đồ. Các thành viên nhóm này tham gia sinh hoạt giáo xứ, phối hợp các hoạt động bác ái như cho máu vv... Hai năm sau đó, Wivine ngã bệnh và trong thời gian điều trị ở nhà thương, các bác sĩ đã báo cho nàng biết tin chẳng lành: Wivine bị bệnh hoại huyết. Căn bệnh đau đớn từ đó trở thành lửa luyện vàng đức tin của người thiếu nữ Phi châu này. Trong tật bệnh khổ đau, Wivine càng ngày càng tiến xa trên đường kết hiệp với Chúa Kytô chịu nạn tuy vẫn cố gắng chú trọng đến nhu cầu của người chung quanh. Mỗi khi cơn đau hành hạ thân xác vượt quá mức chịu đựng, Wivine cắn răng gọi thầm tên thánh Chúa Giêsu nhưng không hề rên la ầm ĩ để đừng làm phiền người bên cạnh. Wivine viết trong nhật ký: Khi đau đớn nhiều, tôi cầu nguyện liên lỉ và nghĩ đến Chúa Giêsu treo trên thập giá. Đối với tôi, cầu nguyện là kết hiệp thân tình với Chúa Kytô. Ngài đang ở đây, ở trong tôi. Ngài đang đau đớn với tôi. Như thế, ngay cả trong lúc đau đớn tột cùng, tôi biết chắc rằng tôi đau đớn với Chúa và đó là lời cầu nguyện của tôi. Tôi cũng hết lời cám tạ Chúa đã gửi bệnh tật đến để cho tôi hiểu thấu được bao nhiêu chân lý khác.

Ở một đoạn khác, Wivine viết: Hôm nay, tôi khám phá ra rằng nếu Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta với giá khổ nạn của Người thì cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải tìm cách dùng đau khổ của chúng ta hợp với thập giá Chúa để cứu giúp người khác. Khi tôi đau khổ nhiều, tôi cũng được nhiều sức mạnh để giúp người khác, nhất là những người đang phải chịu đựng bất công hay đói kém.

Lần cuối cùng Wivine phải vào nhà thương là tháng 5 năm 1976. Cái chết đối với nàng giờ đây là cánh cửa dẫn vào Nước Trời. Wivine bình an chịu đựng những đau đớn tột độ hành hạ thân xác. Ngày mùng 8 tháng 5, Wivine về nhà Cha trên trời, để lại bao nhiêu thương tiếc giữa những người chung quanh nàng, kẻ đã biết dùng đau khổ tật bệnh để gieo vãi tình yêu và lòng hy vọng.

MAIANH (DANIEL ANGE - LES TÉMOINS DE L'AVENIR)









All the contents on this site are copyrighted ©.