2008-02-09 16:27:22

Một Năm Thánh Hồng Đào cho Giáo Hội và quê hương Việt Nam


Ngày mùng 2-2-2008 hàng ngàn tín hữu giáo phận Thái Bình đã nô nức tiến về nhà thờ chính tòa để tham dự lễ nghi khai mạc Năm Thánh Hồng Đào của giáo phận.

Tín hữu đến từ khắp mọi giáo xứ, giáo họ đã cùng với các hội đoàn giáo xứ nhà thờ chính tòa và các ban kim nhạc quây quần tại quảmg trường trước nhà thờ chính tòa. Cũng có sự hiện diện của các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các thành viên hội đồng mục vụ toàn giáo phận. Lễ nghi khai mạc với lời hiệu triệu của Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, Giám Mục sở tại. Tiếp đến Đức Cha làm phép nến và các cành hồng đào và khởi sự cuộc rước với bốn cỗ ”Đại Xa” đã được Đức Cha nói đến trong thư mục vụ đề ngày 25 tháng Giêng 2008.

Trong thư mục vụ gửi tín hữu giáo phận nhân dịp Tết Mậu Tý, Đức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang, đã công bố năm 2008 là Năm Hồng Đào của giáo phận Thái Bình. Ngài mời gọi mọi thành phần dân Chúa nên thánh, sống trưởng thành về mọi mặt, noi gương Chúa Giêsu là cây Hồng Đào bất diệt, tràn đầy nhựa xuân vĩnh cửu, tượng trưng cho sức sống dồi dào của tuổi thanh xuân.

Đặc biệt vào ngày 26 Tết, mùng 2 tháng 2 cũng là ngày đâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh hay cũng gọi là Lễ Nến, là ngày lễ của những người sống đời thánh hiến, Đức Cha kêu mời giáo dân toàn giáo phận hàng hàng lớp lớp tiến về Tòa Giám Mục, tham dự lễ khai mạc Năm Hồng Đào kéo dài cho tới ngày 26 Tết 2009.

Mọi người tay cầm cành Đào và Nến sáng đi rước chung quanh nhà thờ rồi xếp hàng tại quảng trường để ngài làm phép các cành đào đó rồi đem về treo ở các gia đình, và nhà thờ xứ, họ: hàng ngàn hàng vạn cành đào có treo các bảng quyết tâm thực hành 4 điều đã ghi trên bốn cỗ Đại Xa là bốn phương thế Đức Cha đề nghị giúp mọi người tiến nhanh trên con đường thánh thiện.

Thứ nhất là tôn sùng Thánh Thể, suối nguồn sức sống dồi dào. Đức Cha mời gọi mọi người chầu Mình Thánh Chúa theo phiên xứ của mình, cũng là ngày đón Tượng Chúa Hồng Đào, và rước kiệu lãnh ơn toàn xá, cũng như chầu Thánh Thể theo phiên cộng đoàn, tham dự thánh lễ các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng trong năm, và khi có thể, cố gắng tham dự thánh lễ các ngày thường và rước lễ. Đức Cha ước mong một số nơi trong giáo phận chầu Thánh Thể liên lỉ suốt ngày đêm như các tu viện nam nữ, các xứ đông giáo dân quy tu gần nhà thờ.

Thứ hai là tôn sùng Đức Mẹ Lavang Thái Bình. Muốn đến với Chúa đễ dàng và theo Ngài như gương mẫu, phải qua trung gian Đức Mẹ. Chúa đã đặt Đức Mẹ là Mẹ loài người ở dưới chân Thánh Giá, nghĩa là được cùng Đức Mẹ cộng tác với công ơn cứu độ. Như Mẹ đã cứu giúp tín hữu Việt Nam trong thời điểm khó khăn xưa kia, Mẹ cũng sẽ cứu giúp tín hữu Thái Bình còn đang phải thiếu thốn, khốn khó về tinh thần cũng như vật chất như con số linh mục, dòng tu ít ỏi, cơ sở tôn giáo mất mát chật hẹp, tình yêu thương còn nhiều nơi sứt mẻ, đạo đức xuống cấp vv... Cần phải trông cậy Đức Mẹ cầu bầu cùng Chúa thương giúp. Trong Năm Thánh việc sùng kính này được thể hiện bằng việc sốt sắng tham dự thánh lễ vào các ngày thứ bảy đầu tháng tại linh đài Lavang nhà thờ chính tòa. Ngoài ra cũng có thể làm việc kính Đức Mẹ Lavang ngay trong các gia đình và thôn xóm. Nếu không tham dự thánh lễ thứ bầy đầu tháng được, thì ít là tối thứ bẩy đầu tháng, đọc kinh cầu nguyện cùng Đức Mẹ Lavang trong gia đình mình, hoặc hội tụ một số gia đình với nhau để đọc kinh chung.

Thứ ba là học tập Kinh Thánh và Giáo Lý, kinh bổn. ”Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”, không biết Chúa Kitô thì cũng không phải là Kitô hữu. Do đó mọi người phải đẩy mạnh việc học tập Kinh Thánh và Giáo Lý. Ngoài ra cần xây dựng mở mang các nhà giáo lý, phòng học, góp phần đào tạo các giáo lý viên. Khuyến khích mọi người tùy trình độ, lứa tuổi tham dự các khóa huấn luyện do giáo phận hoặc địa phương tổ chức. Mọi đơn vị trong giáo phận: từ tu viện các dòng nam nữ, giáo họ, giáo xứ và các đoàn thể đều phải có ban giáo lý trực thuộc ban giáo lý giáo phận, có chương trình cụ thể, học tập thi cử, giao lưu..., cấp chứng chỉ cho các bên học tập để sử dụng khi kết hôn và lãnh các bí tích khác. Ngoài việc học tập Kinh Thánh và Giáo Lý cũng cần nâng cao trình độ hiểu biết về tôn giáo, văn hóa, khoa học vv... Mọi giáo xứ, giáo họ, gia đình và cá nhân tín hữu đều được khuyến khích có một tủ sách gồm các sách báo công giáo thu thập để các thành viên có thể mượn đọc.

Và thứ bốn là yêu người và làm việc bác ái xã hội. Mến Chúa yêu người là luật vàng của Giáo Hội. Vì đất nước vẫn còn nhiều cảnh đói nghèo tật bệnh, Đức Cha ước mong Giáo Hội, giáo phận có bệnh viện, cơ sở bác ái xã hội như nhà trẻ, viện mồ côi, trung tâm nuôi dưỡng người khuyết tật vv... để thực thi hiệu qủa các việc bác ái. Các xứ họ phải nhiệt thành làm việc từ thiện bác ái xã hội, bằng cách tìm hiểu biết các gia đình, cá nhân nghèo túng, thiết lập danh sách để sau đó thực hiện việc thăm hỏi, giúp đỡ tinh thần vật chất. Tham gia vào các phong trào an sinh xã hội, xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ các nạn nhân bão lụt, trợ giúp các bệnh nhân liệt kháng vv...

Lậy Chúa, hôm nay chúng con hiệp ý với tín hữu giáo phận Thái Bình cảm tạ Chúa về Năm Thánh Hồng Đào. Xin Chúa tuôn đổ dồi dào ơn thánh trên mọi thành phần dân Chúa. Chúng con cũng ước mong một Năm Thánh Hồng Đào cho Giáo Hội và quê hương Việt Nam trong năm mới này để đất nước thực sự được sống trong công lý, hòa bình và tự do.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.