2008-02-06 15:22:41

Mùa Chay là thời gian cầu nguyện, hoán cải, chay tịnh và sống tình bác ái


Buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 6-2-2008
Bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro 6-2-2008, toàn thể Giáo Hội đã bước vào Mùa Chay Thánh kéo dài 40 ngày để chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh. Vì thế trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về ý nghĩa Mùa Chay như thời gian hoán cải và canh tân tâm lòng. Đức Thánh Cha nói với 8000 tín hữu hiện diện trong đại thính đường Phaolô VI như sau:

Anh chị em thân mến. Hôm nay là Thứ Tư Lễ Tro, cũng như mọi năm chúng ta đi lại con đường mùa chay được linh hoạt bởi một tinh thần cầu nguyện, suy tư, sám hối và chay tịnh sâu đậm hơn. Chúng ta bước vào thời điểm ”mạnh mẽ” giúp chuẩn bị cử hành lễ Phục Sinh, là trung tâm của năm phụng vụ và của toàn cuộc sống chúng ta. Thời gian này mời gọi và thách thức chúng ta ghi đậm dấu cuộc sống Kitô của mình. Các dấn thân, mệt nhọc và lo lắng có thể khiến cho chúng ta rơi vào thói quen và có nguy cơ làm cho chúng ta quên đi cái ngoại thường của biến cố cứu độ, vì thế mỗi ngày cần phải bắt đầu trở lại lộ trình con đường tin mừng, bằng cách đi sâu vào nội tâm và để cho tâm hồn nghỉ ngơi. Với lễ nghi cổ xưa bỏ tro trên đầu Giáo Hội dẫn đưa chúng ta vào Mùa Chay như đi vào một cuộc tĩnh tâm lớn kéo dài 40 ngày.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói bầu khí mùa chay giúp chúng ta tái khám phá ra ơn lòng tin đã nhận lãnh qua bí tích Rửa Tội và thúc đẩy chúng ta tiến tới với bí tích Hòa Giải, đặt để sự hoán cải của chúng ta dưới dấu chỉ lòng xót thương của Thiên Chúa.

Trong Giáo Hội thời khai sinh Mùa Chay là thời gian đặc biệt để chuẩn bị các anh chị em tân tòng lãnh bí tích Rửa Tội và Thánh Thể, được cử hành trong đêm Vọng Phục Sinh. Mùa Chay được coi như thời gian để trở thành Kitô hữu, không phải chỉ kéo dài một lúc, nhưng đòi hỏi một lộ trình hoán cải và canh tân dài. Các tín hữu đã được rửa tội cũng hiệp nhất với họ trong việc chuẩn bị này, bằng cách làm sống dậy kỷ niệm lãnh nhận bí tích Rửa Tội của mình và canh tân sự kết hiệp với Chúa Kitô trong việc cử hành lễ Phục Sinh. Như thế Mùa Chay xưa kia và cả ngày nay nữa đều diễn tả một lộ trình thanh tẩy, trong nghĩa giúp duy trì ý thức sống động là Kitô hữu luôn hiện thực như một việc tái trở thành tín hữu Kitô: nó không bao giờ là một lịch sử đã kết thúc đàng sau lưng, nhưng là một lộ trình luôn đòi hỏi một tập tành mới.

Khi bỏ tro cho tín hữu, vị chủ tế lập lại lời: ”Con hãy nhớ con là tro bụi và sẽ trở về bụi tro” (St 3,19) hay lời Chúa Giêsu nói: “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Cả hai công thức đều nhắc nhở cho chúng ta biết sự thật về cuộc sống con người: chúng ta là thụ tạo hữu hạn, là những người tội lỗi luôn cần sám hối và hoán cải. Trong thời đại chúng ta biết lắng nghe và tiếp nhận lời nhắn nhủ này thật quan trọng biết bao! Khi nó tuyên bố sự độc lập hoàn toàn khỏi Thiên Chúa, con người ngày nay trở thành nô lệ của chính mình và thường rơi vào nỗi cô đơn chán nản. Khi đó lời mời gọi hoản cải là một sự thúc đẩy trở về trong vòng tay của Thiên Chúa, là Cha dịu hiền xót thương, và tín thác nơi Người như nghĩa tử, được tái sinh bởi tình yêu của Người.

Với tất cả sư phạm khôn ngoan của mình, Giáo Hội lập lại rằng hoán cải trước hết là một ơn mở rộng tâm lòng cho lòng nhân lành vô biên của Thiên Chúa. Với ơn thánh của Người chính Thiên Chúa đến gặp gỡ ước muốn hoán cải của chúng ta, và tháp tùng các cố gắng của chúng ta cho tới sự gắn bó tràn đầy với ý muốn cứu độ của Người. Như thế hoán cải có nghĩa là để cho Chúa Giêsu chinh phục chúng ta và cùng Người trở về với Thiên Chúa.

Hoán cải bao giồm việc khiêm tốn theo học trường của Chúa Giêsu và ngoan ngoãn bước theo chân Người. Chính Chúa Giêsu chỉ cho thấy các điều kiện theo Người: ”Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ chết còn ai mất mạng sống mình vì danh Thầy và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình. Thật vậy được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì?” (Mc 8,35-36).

Chiếm hữu thành công, khát khao uy tín và kiếm tìm tiện nghi khiến cho con người loại trừ Thiên Chúa, không thể dẫn đưa con người tới hạnh phúc. Cách xa Thiên Chúa là con người hhông có hạnh phúc đích thực. Kinh nghiệm cho thấy con người không hạnh phúc, khi các nhu cầu và chờ mong vật chất được thỏa mãn. Thật ra chỉ có niềm vui phát xuất từ Thiên Chúa mới lấp đầy được trái tim con người. Các lo lắng thường ngày, các khó khăn của cuộc sống không thể giập tắt được niềm vui nảy sinh từ tình bạn với Thiên Chúa.

Lời Chúa Giêsu mời gọi vác thập giá theo Ngài ban đầu xem ra cứng cỏi, trái nghịch với điều chúng ta muốn và đả thương ước muốn hiện thực chính mình của chúng ta. Nhưng nếu nhìn gần, thì không phải như vậy: chứng tá của các thánh chứng minh cho thấy trong Thập Giá của Chúa Kitô, trong tình yêu tự hiến, khi từ chối chiếm hữu chính mình, con người sống trong sự thanh thản sâu xa, là suối nguồn của sự quảng đại tận hiến cho tha nhân.

Vì thế con đường mùa chay hoản cải, mà chúng ta cùng với toàn Giáo Hội bắt đầu hôm nay, trở thành dịp thuận tiện để canh tân sự tín thác con thảo của chúng ta trong bàn tay của Chúa, và cho phép chúng ta thực hành điều Chúa Giêsu tiếp tục lập lại với chúng ta: ”Nếu ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá mình mà theo Ta” (Mc 8,34), và như thế bước đi trên con đường tình yêu và niềm hạnh phúc đích thực.

Lập lại các điều Giáo Hội đề nghị tín hữu thi hành trong Mùa Chay Đức Thánh Cha nói:

Trong Mùa Chay Giáo Hội vang vọng lời mời gọi của Tin Mừng, và đề nghị vài dấn thân đặc biệt tháp tùng tín hữu trên con đường canh tân nội tâm: đó là cầu nguyện, ăn chay và làm phúc bố thí. Trong sứ điệp Mùa Chay năm nay tôi đã nhấn mạnh trên ý nghĩa việc làm phúc bố thí, là phương thế cụ thể trợ giúp các anh chị em nghèo túng, đồng thời là cách tập sống khắc khổ để giải thoát chúng ta khỏi dính bén với của cải trần gian. Xã hội ngày nay bị tiêm nhiễm sâu đậm bởi của cải giầu sang vật chất. Như là các môn đệ của Chúa Giêsu chúng ta được mời gọi không tôn thờ của cải vật chất, nhưng dùng chúng như phương tiện sinh sống và để trợ giúp người túng thiếu. Khi chỉ cho thấy việc làm phúc bố thí, Giáo Hội giáo dục chúng ta noi gương Chúa Giêsu đáp ứng các nhu cầu của tha nhân. Nơi trường của Chúa chúng ta có thể học hỏi biến cuộc đời mình trở thành của lễ toàn vẹn; khi noi gương Người chúng ta sẵn sàng trao ban chính chúng ta...

Toàn Tin Mừng trình bầy giới răn yêu thương. Khi được thực thi với tinh thần lòng tin sâu xa việc làm phúc bố thí trở thành phương thế giúp hiểu rõ hơn ơn gọi Kitô của chúng ta. Thật thế khi tận hiến một cách nhưng không, Kitô hữu chứng minh cho thấy sự giầu sang vật chất không đưa ra luật lệ, nhưng là tình yêu thương (s. 5).

Chúng ta hãy xin Đức Bà là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ Giáo Hội đồng hành với chúng ta trên con đường mùa chay, để nó thực sự trở thành con đường hoán cải.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau và chúc tất cả một Mùa Chay Thánh Thiện trước khi cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.