2008-02-05 17:40:36

Đối thoại với Hồi giáo trên các nền tảng mới


Phỏng vấn ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đối Thoại Liên Tôn, về cuộc đối thoại với Hồi giáo, dựa trên các nền tảng mới

Trong hai ngày 4-5 tháng 3 tới đây đại diện của Giáo Hội Công Giáo và đại diện của nhóm 138 học giả hồi giáo sẽ nhóm họp tại Roma để chuẩn bị cho cuộc đối thoại giữa hai bên. Như đã biết ngày 13-10-2007 nhân kết thúc tháng chay tịnh Ramadan, 138 học giả Hồi giáo đã soạn lá thư gửi các Giáo Hội Kitô để đề nghị đối thoại, và đã được Tòa Thánh nhận lời.

Về phía Tòa Thánh tham dự cuộc gặp gỡ này có Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và vị Tổng thư ký là Đức Tổng Giám Mục Pierluigi Cerata, cùng với Linh Mục giáo sư Miguel Ayuso, Viện trưởng Học Viện Giáo Hoàng về A rập và Hồi giáo. Cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra tại trụ sở của Hội Đồng này ở Roma.

Thư của 138 học giả hồi giáo được công bố ngày 11-10-2007, nhưng được đề ngày 13 tháng 10 để ghi nhớ ngày gửi lá thư thứ nhất cho Đức Thánh Cha trước đó 1 năm, và cũng là ngày kết thúc tháng chay tịnh Ramadan. Như đã biết ngày 13 tháng 10 năm 2006 đã có 38 học giả Hồi giáo gửi thư cho Đức Thánh Cha. Thư lần này do 138 học giả ký tên dài 29 trang, và có tựa đề là ”Một lời nói chung giữa chúng tôi và anh em”. Đây là một câu lấy lại từ sách Coran đề cập đến lòng tin chung giữa các tín hữu Kitô và tín hữu hồi giáo.

Trong thư các học giả hồi giáo khẳng định rằng hòa bình trên thế giới cũng tùy thuộc nơi sự cải tiến tương quan giữa các tôn giáo. Thư có đoạn viết: ”Như là tín hữu hồi chúng tôi xin nói với các tín hữu Kitô rằng chúng tôi và Hồi giáo không chống lại họ, ít nhất cho tới khi nào họ không quyết định giao chiến với người hồi hay áp bức người hồi vì lý do tôn giáo”.

Thư cũng chứa đựng một điều mới mẻ: đó là tất cả các lời trích liên quan tới Chúa Kitô đều được lấy lại từ các sách Tin Mừng chứ không phải từ sách Coran. Bức thư cũng nhấn mạnh rằng tín hữu hồi ủng hộ Chúa Kitô, vì họ thừa nhận Ngài, cho dù không cùng kiểu cách như người Kitô. Các học giả hồi giáo cũng công khai kết án tổ chức khủng bố Al Qaeda và cuộc thánh chiến Jihad. Và bức thư kết luận như sau: ”Chúng ta đừng để cho các khác biệt có thể gây ra thù hận hay chống đối giữa chúng ta. Chúng ta hãy tôn trọng nhau để sống trong hòa bình chân thành và hòa hợp”.

Trong thư phúc đáp nhân danh Đức Thánh Cha gửi cho hoàng thân Ghazi Bin Muhammad Bin Talal, Chủ tịch Học viện Al Albayt của tư tưởng hồi giáo, đề ngày 29-11-2007, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha bầy tỏ lòng ngưỡng mộ sâu xa đối với nghĩa cử nói trên cũng như tinh thần tích cực linh hứng cho bức thư của các học giả hồi, nhằm kêu gọi dấn thân chung trong việc thăng tiến hòa bình trên thế giới.

Đức Hồng Y Bertone viết trong thư: Mặc dù không bỏ qua và giảm thiểu các khó khăn, như là tín hữu Kitô và hồi giáo chúng ta phải nhìn vào những gì kết hiệp chúng ta như lòng tin vào một Thiên Chúa duy nhất, là Đấng Tạo Hóa quan phòng và là Thẩm Phán đại đồng, vào ngày tận thế sẽ xét xử mọi người theo các công việc mình làm. Tất cả chúng ta đều được mời gọi tín thác nơi Ngài và vâng theo thánh ý Ngài. Như hoàng thân đã biết, ngày từ đầu sứ vụ của mình, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định: ”Tôi xác tín sâu xa rằng chúng ta không được nhượng bộ các áp lực tiêu cực có giữa chúng ta, nhưng phải khẳng định các giá trị của sự tôn trọng lẫn nhau, của tình liên đới và hòa bình. Sự sống của mọi người đều thánh thiêng, đối với tín hữu Kitô cũng như hồi giáo. Có rất nhiều không gian giúp cùng nhau hoạt động để phục vụ các giá trị luân lý nền tảng. Vùng đất chung đó cho phép chúng ta đặt nền cho cuộc đối thoại liên quan việc thực sự tôn trọng phẩm giá của mọi người, sự hiểu biết khách quan tôn giáo của người khác, việc chia sẻ kinh nghiệm tôn giáo và sau cùng là dấn thân chung để thăng tiến sự tôn trọng và chấp nhận nhau giữa các thế hệ trẻ. Đức Thánh Cha xác tín rằng một khi đạt được điều này, thì sẽ có thể cộng tác một cách hữu hiệu hơn trong các lãnh vực văn hóa và xã hội, và để thăng tiến công lý và hòa bình trong xã hội và trên thế giới”. Tiếp đến Đức Hồng Y cho biết Tòa Thánh mời hoàng thân gửi một nhóm đại diện các học giả nói trên tới tham dự cuộc họp tại trụ sở của Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, như vừa nói trên đây.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y Jean Louis Tauran về cuộc đối thoại dựa trên các nền tảng mới này.

Hỏi:Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y nghĩ gì về lá thư của 138 học giả hồi giáo gửi cho giới lãnh đạo các Giáo Hội Kitô đ đề nghị đối thoại và đã được Tòa Thánh nhận lời?

Đáp: Tôi đã rất hài lòng về lá thư do 138 học giả hồi giáo ký tên và gửi cho giới lãnh đạo các Giáo Hội và cộng đoàn Kitô hồi tháng 10 năm vừa qua. Và tôi tin chắc rằng câu trả lời chấp nhận này của Đức Thánh Cha được tiếp nhận với lòng biết ơn. Như tôi đã nói, lá thư này của 138 học giả hồi giáo là một tài liệu ý nghĩa, thứ nhất vì nó mang chữ ký của các học giả thuộc hai hệ phái Shiit cũng như Sunnit. Đây là điều không thường xảy ra. Thứ hai vì nó dùng một thứ từ ngữ và các kiểu nói thay đổi của Kinh Coran và các sách Phúc âm: đây là một sự kiện mới mẻ.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, tại sao lại có một câu trả lời riêng biệt từ phía Giáo Hội Công Giáo, mà lại không phải là một câu trả lời tập thể từ phía giới lãnh đạo các Giáo Hội Kitô?

Đáp: Có lẽ vì khó mà có thể soạn thảo một lá thư chung từ phía tất cả các Giáo Hội và cộng đoàn Kitô: vì chắc chắn nó sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian để trao đổi, trái lại trả lời một cách nhanh chóng ngay là điều tốt. Rồi xem ra một vài vị lãnh đạo Kitô đã trả lời rồi. Sau cùng trong danh sách người nhận, thì tên của Đức Thánh Cha đứng đầu; tiếp đến có một khoảng cách, rồi mới tới tên của các vị lãnh đạo Kitô khác. Tôi coi kiểu trình bầy danh sách này không phải là điều tình cờ, và vì thế bức thư đáng được Tòa Thánh trả lời ngay.

Hỏi: Vâng, thư trả lời đã đưc Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, ký nhân danh Đc Thánh Cha. Đức Hồng Y có lấy làm tiếc là đã không do Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, do Đức Hồng Y làm Chủ tịch, ký hay không?

Đáp: Chắc chắn là không rồi. Hội Đồng của chúng tôi không có ghen tương gì, khi lá thư mang chữ ký của vị cộng tác cận kề nhất vởi Đức Thánh Cha. Trái lại, tôi tin rằng các vị đối tác hồi giáo rất là hài lòng về sự trân trong của Tòa Thánh đối với bức thư của họ. Nhưng mà Hội Đồng của chúng tôi có được nhắc đến trong bức thư trả lời, trong đoạn Tòa Thánh cho biết sẵn sàng chấp nhận một cuộc gặp gỡ đối thoại với 138 vị đã ký bức thư gửi đó tại trụ sở của chúng tôi.

Hỏi: Như thế bức thư của 138 học giả hồi giáo và thư trả lời của Tòa Thánh đã ghi dấu một khúc rẽ trong quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và thế giới hồi giáo, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Chắc chắn là cuộc đối thoại giờ đây được theo đuổi dựa trên các nền tảng mới. Nhưng từ phía Tòa Thánh đây không phải là cái gì mới mẻ cách mạng đâu. Vì ngay khi mới lên nhận chức vụ chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã bầy tỏ sự ngưỡng mộ và qúy trọng của ngài đối với các anh em hồi giáo. Ngày 20 tháng 8 năm 2005, trong Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Koeln, khi gặp các vị đại diện của vài cộng đoàn hồi giáo, Đức Thánh Cha đã nói: ”Cuộc đối thoại liên tôn và liên văn hóa giữa các tín hữu Kitô và các tín hữu hồi giáo không thể bị giản lược vào một việc lựa chọn theo mùa. Thật ra nó là một sự cần thiết sinh tử, và tương lai của chúng ta tùy thuộc vào đó.

Hỏi: Nhưng mà sau đó đã xảy ra vụ thế giới hồi giáo phản đối bài diễn văn Đức Thánh Cha đọc tại đại học Regensburg mà thưa Đức Hồng Y...

Đáp: Các hiểu lầm nảy sinh từ một sự giải thích không đúng đắn bài diễn văn của Đức Thánh Cha. Nhưng chuyến Đức Thánh Cha viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ, việc thiết lập các tương quan ngoại giao với các Vương quốc A rập thống nhất và chuyến viếng thăm lịch sử của vua A Rập Sauđi tại Vaticăng, đã chứng minh cho thấy thời điểm căng thẳng ấy đã qua rồi.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, đâu có thể là những nội dung của một cuộc đối thoại phong phú với Hồi giáo?
 
Đáp: Vượt ngoài cuộc đối thoại có tính cách thần học, chưa được bắt đầu và chắc chắn là có nhiều khó khăn, tôi tin rằng cuộc đối thoại văn hóa và bác ái cũng như cuộc đối thoại trên bình diện tu đức sẽ rất là phong phú. Cùng với Hồi giáo chúng ta có thể góp phần vào việc cứu vãn các gía trị như sự thánh thiêng của cuộc sống con người, phẩm giá gia đình, việc thăng tiến hòa bình. Như tôi đã nói trong qúa khứ, tìm hiểu biết nhau là điều rất quan trọng. Mỗi người trong chúng ta đều có thể học hỏi nơi người khác một cái gì đó. Chẳng hạn chúng ta có thể đánh giá cao nơi anh các anh chị em hồi giáo chiều kích siêu việt của Thiên Chúa, giá trị của lời cầu nguyện và việc chay tịnh cũng như lòng can đảm làm chứng cho lòng tin của mình nơi công cộng. Trái lại anh em hồi giáo có thể học hỏi nơi chúng ta giá trị của tính cách đời lành mạnh.

Hỏi: Đức Hồng Y nói thế, nhưng mà vẫn còn có các khác biệt liên quan tới quyền tự do tôn giáo, chứ thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Đúng như vậy. Về điểm này còn có các khác biệt lớn. Thư Tòa Thánh trả lời cho thư của 138 học giả hồi giáo cũng nhắc đến vấn đề này.

Hỏi: Có hy vọng đt được một cuộc đối thoại có kết qủa liên quan tới vấn đ này hay không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Tiến trình bắt đầu với sự trao đổi thư từ và lòng tin tưởng lẫn nhau xem ra đã được thiết định, chắc chắn là có thể góp phần ít nhất là đối thoại về vấn đề này. Nhưng tôi tin đây sẽ là một tiến trình dài. Giáo Hội Công Giáo, với tài liệu ”Dignitatis Humanae” của Công Đồng Chung Vaticăng II, đã tái khám phá ra nguyên tắc không ai có thể bị bắt buộc hay cản ngăn thực hành một tôn giáo. Ước mong cho Hồi giáo cũng khám phá ra nguyên tắc này.

Hỏi: Trong khi chờ đợi thì có thể cùng với Hồi giáo đưa ra nguyên tc đối tác với nhau hay không?

Đáp: Chắc chắn rồi, chúng tôi cho rằng điều tốt lành đối tới tín hữu của một tôn giáo, thì cũng tốt lành đối với tín hữu của một tôn giáo khác. Như thế nếu tín hữu hồi giáo đã có một hội đường lớn và đẹp tại Roma, thì các tín hữu Kitô cũng cần có một nhà thờ tại Riad. Nhưng nguyên tắc đối tác này có thể được bảo vệ một cách hữu hiệu bởi sự đối thoại ngoại giao của Tòa Thánh với các chính quyền của các nước có đa số dân theo Hồi giáo.
 
Hỏi: Có thể đối thoại với cả những ai trong thế giới hồi giáo cổ võ khủng bổ bạo lực không thưa Đức Hồng Y?
 
Đáp: Trên nguyên tắc, Tòa Thánh nói chuyện với tất cả mọi người, vì Tòa Thánh không có và không muốn có kẻ thù. Với thứ Hồi giáo rao giảng và thực hành khủng bố bạo lực - đây không phải là Hồi giáo đích thực mà là một việc đồi bại hóa Hồi giáo - thì không thể đối thoại được. Khó mà đối thoại với kẻ giết người trước khi mở miệng. Dĩ nhiên nếu có thể dùng lời nói mà chữa lành được những kẻ khủng bố phá hoại, thì sẽ là điều rất tốt đẹp. Nhưng tôi nghi ngờ có thể làm được điều đó. Chính Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói lên những lời kết án mạnh mẽ nhất chống lại phong trào khủng bố phá hoại có mầu sắc tôn giáo.

Đức Thánh Cha đã làm điều đó trong diễn văn đọc trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh ngày mùng 9-1-2006, khi ngài nói câu đáng ghi nhớ sau đây: ”Không có hoàn cảnh nào có thể biện minh cho hành động tội phạm, khiến cho người thi hành nó tràn đầy đê tiện và lại càng hạ giá họ hơn nữa, khi người đó dùng tôn giáo như thuẫn đỡ, và như thế là hạ thấp sự thật tinh tuyền của Thiên Chúa xuống mức mù quáng của mình và xuống sự đê tiện luân lý”.

(Avvenire 30-11-2007; ANSA 22-1-2008)
 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.