2008-01-30 16:27:28

Tương quan giữa lòng tin và lý trí theo thánh Agostino


Buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 30-1-2008

Sáng thứ tư 30-1-2008 đã có 8000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung với Đức Thánh Cha trong đại thính đường Phalô VI. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tục giới thiệu gương mặt của thánh Giáo Phụ Agostino. Ngài nhắc lại rằng nhân dịp kỷ niệm 1600 năm thánh Agostino trở lại, Đức Gioan Phaolo II đã công bố tông thư ”Augustinum Hipponensem” và định nghĩa tông thư như là ”việc cảm tạ Chúa về ơn đã ban cho Giáo Hội và qua Giáo Hội ban cho toàn thể nhân loại, với biến cố trở lại tuyệt vời đó của thánh nhân”. (AAS, 74, 1982, tr.802). Đề cập tới đề tài bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Bài giáo lý hôm nay dành cho đề tài lòng tin và lý trí. Đây là một đề tài nền tảng, hay đúng hơn là đề tài định đoạt đối với tiểu sử của thánh Agostino. Từ ngày còn bé thánh nhân đã học được từ nơi mẹ là bà Monica lòng tin công giáo, nhưng thời thanh xuân đã bỏ lòng tin ấy, vì không nhận ra sự hữu ý của nó, và không muốn rằng một tôn giáo lại không diễn tả lý trí, nghĩa là sự thật. Nỗi khát khao chân lý đó triệt để tới nỗi đã dẫn đưa thánh nhân xa rời lòng tin công giáo. Nhưng tính triệt để của người đã mạnh mẽ đến độ người không thể bằng lòng với các triết lý không dẫn đưa tới lòng tin, không dẫn đưa tới Thiên Chúa, một vì Thiên Chúa thật, Đấng trao ban sự sống và bước vào trong chính cuộc sống của chúng ta, chứ không phải chỉ là một quan niệm vũ trụ học.

Như thế toàn lộ trình trí thức và tinh thần của thánh Agostino cũng là một kiểu mẫu giá trị đối với chúng ta ngày nay trong tương quan giữa lòng tin và lý trí. Đề tài này không chỉ liên quan tới người có lòng tin, mà liên quan tới mỗi một người kiếm tìm sự thật, là đề tài chính đối với sự quân bình và số phận của mỗi một người. Lòng tin và lý trí, hai chiều kích này không được tách rời hay đối chọi nhau, mà phải đi đôi với nhau, như thánh Agostino đã viết sau khi hoán cải: lòng tin và lý trí ”là hai sức mạnh dẫn đưa chúng ta tới chỗ hiểu biết” (Contra Academicos, III,20,43). Ở đây thánh Agostino đã đưa ra hai công thức nổi tiếng diễn tả tổng hợp hữu lý giữa lòng tin và lý trí: ”hãy tin để hiểu” (crede ut intelligas) - lòng tin mở đường để chúng ta vượt qua ngưỡng cửa chân lý nhưng theo liền đó là ”Hãy hiểu để tin” (intellige ut credas), thăm dò chân lý để có thể tìm ra Thiên Chúa và tin vào Chúa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Hai công thức trên đây của thánh Agostino diễn tả một cách hữu hiệu, sâu sắc và tức khắc tổng hợp của vấn đề diễn tả con đường của Giáo Hội Công Giáo. Trong lịch sử, trước khi Chúa Kitô đến, tổng hợp này đã thành hình trong sự gặp gỡ giữa lòng tin do thái và tư tưởng hy lạp trong Do thái giáo hy lạp. Tiếp theo đó nó được các nhà tư tưởng Kitô lấy lại và khai triển. Sự hài hòa giữa lòng tin và lý trí trên hết có nghĩa là Thiên Chúa không xa lạ: Ngài không xa lạ với lý trí và cuộc sống của chúng ta; Ngài gần gũi từng người, gần gũi con tim của chúng ta và lý trí chúng ta, nếu chúng ta thực sự lên đường kiếm tìm. Thánh Agostino đặc biệt cảm nghiệm sâu xa sự gần gũi đó của Thiên Chúa. Và Đức Thánh Cha khai triển sự hiện diện gần gũi đó của Thiên Chúa với con người như sau:

Sự hiện diện đó của Thiên Chúa nơi con người rất sâu đậm đồng thời rất nhiệm mầu, nhưng nó có thể được nhận biết và khám phá ra trong chính nơi kín ẩn của mình. Thánh Agostino khuyên: ”Bạn đừng đi ra ngoài, nhưng hãy trở vào trong chính mình; chân lý ở nơi con người nội tâm; và nếu bạn thấy rằng bản chất của bạn thay đổi, thì hãy vượt lên cao hơn chính bạn. Nhưng hãy nhớ khi bạn vượt lên cao hơn chính mình là bạn vượt cao hơn một linh hồn lý luận. Vì thế hãy hướng tới chỗ có ánh sáng mà lý trí thắp lên” (De vera religione, 39,72). Trong cuốn ”Tự Thú” thánh nhân cũng đã diễn tả sự thật này bằng lời ca tụng Chúa như sau: ”Lậy Chúa, Chúa đã tạo dựng nên chúng con cho Chúa và con tim chúng con không yên hàn tới khi được nghỉ ngơi trong Chúa” (I,1,1)

Trong nghĩa đó xa rời Thiên Chúa là xa rời chính mình: ”Thật thế, Chúa ở trong tận cùng thẳm của con hơn là chính con, và ở trên cao hơn phần cao nhất của con” (Confessiones III,6,11). ”Chúa ở trước con; còn con thì lại đã xa rời chính mình và không tìm ra mình nữa; và lại càng không tìm ra Chúa” (Confessiones V,2,2). Chính vì đã sống lộ trình trí thức và tinh thần đó nên thánh Agostino đã biết diễn tả nó một cách tức thì, sâu sắc và khôn ngoan như vậy, khi thừa nhận rằng con người ”là một bí ẩn lớn” và là ”một vực thẳm”, mà chỉ có Chúa Kitô mới soi sáng và cứu rỗi được mà thôi. Đây là điều quan trọng: một người xa rời Thiên Chúa thì cũng xa rời chính mình, xa lạ với chính mình và chỉ có thể tìm lại chính mình khi gặp gỡ với Thiên Chúa, và như thế đạt tới cái tôi đích thật cái căn tính đích thật của mình.

Tự bản chất của nó con người có tính xã hội, nhưng vì tật xấu nó cũng chống lại xã hội. Nhưng nó đã được Chúa Kitô, là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, cứu thoát. Người là ”con đường đại đồng của sự tự do và của ơn cứu độ”. Ngoài con đường này đã, đang và sẽ không có ai được cứu thoát (De civitate Dei X,32,2). Như là đấng trung gian duy nhất của ơn cứu rỗi, Chúa Kitô là đầu của Giáo Hội, và Giáo Hội được kết hiệp với đầu một cách nhiệm mầu đến độ thánh Agostino khẳng định rằng: ”Chúng ta đã trở thành Chúa Kitô. Thật vậy Ngài là đầu, chúng ta là chi thể, Ngài và chúng ta là con người toàn vẹn” (In Ioannis evengelium tarctatus, 21,8). Đức Thánh Cha tiếp tục khai triển tư tưởng của thánh Agostino về Giáo Hội như sau:

Là Dân Chúa và nhà Chúa, như thế trong nhãn quan của thánh Agostino Giáo Hội được gắn liền với ý niệm về Thân Mình của Chúa Kitô, được xây dựng trên việc đọc lại Cựu Ước trong nhãn quan Kitô học và trên cuộc sống bí tích tập trung nơi Thánh Thể, trong đó Chúa trao ban Mình người cho chúng ta và biến đổi chúng ta trong Mình Người. Thật là điều nền tảng Giáo Hội là dân Thiên Chúa, trong nghĩa Kitô học chứ không phải trong nghĩa xã hội học. Giáo Hội được tháp nhập vào Chúa Kitô, là Đấng ”cầu nguyện cho chúng ta, cầu nguyện trong chúng ta, và được chúng ta cầu nguyện; Ngài cầu nguyện cho cho chúng ta như là tư tế, cầu nguyện trong chúng ta như là đầu, và được chúng ta cầu nguyện như là Thiên Chúa chúng ta: vì thế chúng ta nhận ra nơi Người tiếng nói của chúng ta và nơi chúng ta tiếng nói của Người” (Enarrationes in Psalmos 85,1).

Kết thúc tông thư Augustinum Hipponensem, Đức Gioan Phaolo II hỏi thánh nhân có muốn nói gì với con người thời nay hay không và trả lời với tư tưởng của thánh nhân trong một lá thư sau khi hoán cải. Thánh nhân viết: ”Đối với tôi xem ra cần phải dẫn đưa con người tới niềm hy vọng để tìm ra chân lý” (Epistulae, 1,1): chân lý đó chính là Chúa Kitô, Thiên Chúa thật. Và Thánh Agostino đã thưa lên với Chúa lời cầu tuyệt đẹp sau đây: ”Ôi, con đã yêu Chúa muộn màng, hỡi vẻ đẹp cổ xưa biết bao nhiêu nhưng cũng mới mẻ biết bao nhiêu, con đã yêu Chúa muộn màng! Này, Chúa ở trong con nhưng con lại ở bên ngoài, và con tìm Chúa, con gieo mình vào trong những vẻ đẹp Chúa đã dựng nên, đã bị méo mó. Chúa đã ở với con nhưng con không ở với Chúa. Những sự vật đã giữ con xa Chúa, những sự vật mà nếu không ở trong Chúa thì chúng đã không hiện hữu. Chúa đã gọi con, Chúa đã kêu to và đã bẻ gẫy sự điếc lác của con, Chúa đã chiếu sáng, Chúa đã cho thấy sự rạng ngời của Chúa và Chúa đã đánh tan sự mù lòa của con, Chúa đã tỏa hương thơm và con đã hít thở và ngưỡng vọng Chúa, con đã nếm hưởng và đã đói khát, Chúa đã động tới con, và con bừng cháy trong sự bình an của Chúa”.

Thánh Agostino đã gặp Chúa và sống kinh nghiệm gặp gỡ ấy trong suốt cuộc đời Ngài, kinh nghiệm gặp gỡ một Bản Vị, là Đức Giêsu, đến độ thực tại này đã biến đổi cuộc sống của thánh nhân, cũng như đã biến đổi cuộc sống của nhiều người thuộc mọi thời đại được ơn gặp Chúa. Xin Chúa cũng ban cho chúng ta ơn đó và làm cho chúng ta tìm thấy sự bình an của Người.

Sau khi chào các nhóm hiện diện bằng nhIều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.