2008-01-30 13:07:37

Liên đới là phương thức phát triển đích thực


Phỏng vấn Đức Cha Giampaolo Crepaldi, Thư ký Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình về tình liên đới như gương mặt của sự phát triển đích thực

Cách đây 20 năm ngày 30-12-1987 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã công bố thông điệp ”Sollecitudo rei socialis”, đề cập tới bổn phận lo lắng cho các vấn đề xã hội. Khi đó thế giới đang trải qua một thời kỳ đổi thay sâu rộng với biến cố khối Liên Xô sụp đổ, mở ra các tương quan quốc tế mới.

Trong một thời điểm phức tạp như thế và nhân dịp kỷ niệm 20 năm Đức Phaolo VI công bố thông điệp ”Tiến Bộ các Dân Tộc”, Đức Gioan Phaolo II đã lôi kéo sự chú ý của mọi người liên quan tới vấn đề nền tảng: đó là việc trợ giúp các nước nghèo đang trên đường phát triển, không chỉ bằng các phương tiện vật chất, mà trước tiên bằng ý thức trách nhiệm và các phương tiện mà tình liên đới có thể cung cấp.

Giáo huấn xã hội công giáo mở đầu với thông điệp ”Tân Sự” do Đức Giáo Hoàng Leo XIII công bố ngày 15-5-1891, đề cập đến các vấn đề của giới công nhân. Thông điệp này đã ghi dấu giáo huấn xã hội của Hội Thánh trong suốt thế kỷ XX. Năm 1931 Đức Giáo Hoàng Pio XI công bố thông điệp ”Quadragesimo anno” kỷ niệm 40 năm công bố thông điệp ”Tân Sự” của Đức Leo XIII. Lúc đó xã hội đang phải đương đầu với các thách đố mới của hệ thống sản xuất.

Tiếp đến các biến cố của thế chiến thứ II khiến cho Đức Giáo Hoàng Pio XII kỷ niệm 50 năm công bố thông điệp ”Tân Sự” của Đức Giáo Hoàng Leo XIII với sứ điệp trực tiếp truyền thanh vào tháng 5 năm 1941, qua đó người khẳng định rằng các vấn đề xã hội đã trở thành vấn đề quốc tế. Vào năm 1961 trong thời hủy bỏ các chế độ thuộc địa, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã công bố thông điệp ”Là Mẹ và là Thầy”, trong đó người đề nghị Giáo Hội như là người cộng tác với tất cả mọi người để xây dựng một sự hiệp thông đích thực giữa con người và giữa các dân tộc với nhau. Tuy nhiên việc xây bức tường Berlin và cuộc khủng hoảng tại Cuba cho thấy một thế giới xem ra đang trôi giạt lạc hướng. Chính trong hoàn cảnh này Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII cho công bố thông điệp ”Hòa Bình dưới thế”.

Năm 1967 Đức Giáo Hoàng Phaolo VI công bố thông điệp ”Tiến Bộ các Dân Tộc”, trong đó người đề cập tới tương quan giữa các nước giầu miền Bắc bán cầu và các nước nghèo miền Nam bán cầu và khẳng định rằng ”Phát triển là tên gọi mới của hòa bình”. Năm 1971 Đức Giáo Hoàng Phaolo VI công bố thông điệp ”Octogensima adveniens” kỷ niệm 80 năm thông điệp ”Tân Sự” của Đức Giáo Hoàng Leo XIII.

Ba thông điệp xã hội cuối cùng đã do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban bố: năm 1981 thông điệp ”Laborem excercens” nhân dịp kỷ niệm 100 năm thông điệp ”Tân Sự” của Đức Giáo Hoàng Leo XIII; năm 1987 thông điệp ”Sollecitudo rei socialis”, nhân kỷ niệm 20 năm thông điệp ”Phát triển các dân tộc” của Đức Giáo Hoàng Phaolo VI; năm 1991 thông điệp ”Centesimus annus” nhân kỷ niệm 100 năm thông điệp ”Tân Sự” của Đức Leo XIII.

Tất cả các giáo huấn xã hội trong 100 năm qua, từ thời Đức Giáo Hoàng Leo XIII cho tới Đức Gioan Phaolo II, đã được thu thập thành một cuốn sách do Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình giới thiệu năm 2004.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha Giampaolo Crepaldi, Thư ký Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình về thông điệp nói trên của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II.

Hỏi: Thưa Đức Cha Crepaldi, có một sợi dây tiếp nối giữa thông điệp ”Rerum Novarum” của Đc Giáo Hoàng Leo XIII, thông điệp “Populorum progressio” của Đc Giáo Hoàng Phaolo VI và thông điệp ”Sollecitudo rei socialis” của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II hay không?

Đáp: Khía cạnh chính của sự tiếp nối là quan điểm về sự phát triển. Sự phát triển không chỉ giản lược vào chiều kích kinh tế, nhưng là sự phát triển toàn vẹn cho tất cả mọi người và cho toàn bản vị con người. Nó là việc đổ tràn đầy tình bác ái, như là phương thế giúp chống lại sự kiêu căng và tính ích kỷ của thời đại mới, và là điều được Đức Giáo Hoàng Leo XIII cầu xin cho nhân loại trong thông điệp ”Tân Sự” để đạt được điều mà người gọi là ”tình bạn” dân sự. Đức Gioan Phaolo II đã khuyến khích mọi người như sau: để chống lại sự không thỏa mãn triệt để do chủ thuyết duy vật gây ra, chúng ta phải chú ý tới chiều kích nội tâm để vun trồng tình liên đới như quyết tâm vững vàng và thường hằng dấn thân cho công ích.

Đức Gioan Phaolo II cũng dậy rằng nền văn minh tình thương, thuyết nhân bản toàn cầu phát xuất từ sự phát triển toàn con người và tất cả mọi người. Đây cũng là sứ điệp mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI liên tục nhắc nhớ như phương thế chống lại khuynh hướng tương đối hóa và chủ nghĩa duy vật ngăn cản con người phát triển.

Hỏi: Thưa Đức Cha, so sánh với thông điệp ”Tiến bộ các dân tộc” do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố năm 1967, đâu là các điểm mới mẻ của thông đip ”Sollecitudo rei socialis” do Đc Giáo Hoàng Gioan Phaolo II ban hành năm 1987 liên quan tới ý niệm về sự phát triển?

Đáp: Khía cạnh mới mẻ của thông điệp “Sollicitudo rei socialis” là việc chỉ cho thấy tình liên đới là giải pháp cho các vấn đề của sự tiến bộ. Sự tiến bộ đích thực có một chiều kích luân lý và là hoa trái của tình liên đới. Ngoài ra còn có một sự mới mẻ khác nữa: đó là việc nêu bật sự khác biệt giữa sự tiến triển và và việc mở mang. Hai mươi năm sau khi Đức Giáo Hoàng Phaolo VI công bố thông điệp ”Tiến bộ các dân tộc”, Đức Gioan Phaolô II đã kiểm điểm thành qủa của 20 năm tiến bộ và khẳng định rằng không thể giản lược những gì đụng chạm đến phẩm giá của con người và của các dân tộc, như là sự phát triển đích thực, thành một vấn đề ”kỹ thuật”. Khi bị giản lược như thế, sự phát triển sẽ trống rỗng không có nội dung đích thực và là sự phản bội con người và các dân tộc, mà đáng lý ra nó phải phục vụ.

Hỏi: Trong 20 năm qua đã có các thay đi nào thưa Đức Cha?

Đáp: Bức tường Berlin đã sụp đổ, thế giới đã trở thành toàn cầu, nhưng sự phát triển vẫn là một vấn đề luân lý, liên quan tới thiện ích chung. ”Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với tất cả mọi người khác”. Khẳng đỉnh này của Đức Gioan Phaolô II ngày nay vẫn còn thời sự.

Hỏi: Trong thông đip Đức Gioan Phaolô II cũng cảnh giác chống lại ”các cơ cấu của tội lỗi”. Lời nhắc nhớ này của người có còn lại cái gì không?

Đáp: Một vài vùng, nếu không phải là toàn các quốc gia, nhất là tại Á châu, đã ra khỏi tình trạng chậm tiến và kém mở mang. Chúng đã có các nhịp phát triển rất cao, và mặc dù có các mâu thuẫn, chúng vẫn nhìn tương lai với lòng tin tưởng hơn. Nhưng việc mở rộng các thị trường không thôi thì không đủ để bảo đảm cho một sự phát triển có phẩm chất xứng đáng với con người.

Người giầu của các nước Bắc bán cầu và người nghèo của các nước Nam bán cầu thường sống chung với nhau trong cùng các không gian. Và trong toàn cảnh đó nảy sinh ra các trách nhiệm mới, và rất tiếc là cơ cấu mới của tội lỗi cũng trở thành vững chắc hơn.

Hỏi: Hồi năm 1987 Đc Gioan Phaolô II đã chỉ cho thấy một vài con đường cụ thể trong việc trợ giúp các anh chị em rốt hết trong xã hội. Chúng có được áp dụng không thưa Đức Cha?

Đáp: Giáo Hội đã đóng góp phần mình, qua sự dấn thân hoạt động bác ái của biết bao nhiêu thành phần Giáo Hội cũng như qua nhiều hoạt động của Tòa Thánh trong các cơ quan quốc tế. Trong đó có Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã loan báo thành lập trong thông điệp ”Tiến Bộ các Dân Tộc”, như bằng chứng Giáo Hội chú ý tới sự phát triển của các dân tộc. Hồi đó nó chỉ là một Ủy Ban Tòa Thánh, sau này trở thành Hội Đồng Tòa Thánh. Cơ quan này đã không ngừng duy trì sinh động sự chú ý của Giáo Hội và của mọi người đối với các vấn đề của sự phát triển, nhìn trong viễn tượng giáo huấn xã hội của Hội Thánh. Trong các sứ điệp cho Ngày Hòa Bình Quốc Tế Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã cho thấy còn cần phải làm những gì nữa đặc biệt trong lãnh vực cộng tác quốc tế, trong lãnh vực kinh tế, kinh doanh và lao động. Và Đức Thánh Cha liên tục nhấn mạnh trên sự cần thiết phải thay đổi mô thức văn hóa quy chiếu để trao ban cho sự phát triển con người, đặc biệt cho sự phát triển khoa học, các mục đích của một sự tiến bộ đích thực.

Sự tiến bộ đích thực được lồng vào trong một dự phóng đánh gía và làm tỏa lan ra các khía cạnh nội tâm và tinh thần, bằng cách dưỡng nuôi ơn gọi làm người cho sự cởi mở và cho các tương quan.

Hỏi: Đc Gioan Phaolo II cũng đã chỉ cho thấy sự lựa chọn thế giới dân chủ chống lại các chế đ độc tài. Ngày nay mô thức này có còn giá trị hay không thưa Đức Cha?

Đáp: Trong viễn tượng do Đức Gioan Phaolo II chỉ cho thấy, các quốc gia mới được độc lập đây đang cố gắng theo đuổi một căn tính văn hóa và chính trị riêng, và có lẽ họ cần đến phần đóng góp hữu hiệu và vô vị lợi của các quốc gia giầu và phát triển hơn. Mô thức dân chủ có gía trị trong mức độ trong đó nó thành công trong việc dẫn đưa tất cả mọi người tới một cuộc sống nhân bản hơn. Chỉ như thế mới có thể thắng vượt được sự xung đột văn minh mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói tới.

(Avvenire 30-12-2007)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.