2008-01-22 15:31:40

“Ngày bằng hữu Kitô Do thái”


Phỏng vấn rabbi Riccardo Di Segni về ”Ngày bằng hữu Kitô Do thái”

Hôm 17-1-2008 ”Ngày bằng hữu Kitô Do thái” đã được cử hành tại Roma và đó đây trên thế giới. Năm nay ngày này có đề tài là ”Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ” là điều răn thứ hai trong Mười Điều Răn hay Mười Lời của Thiên Chúa. Mục đích của ngày này là giúp đào sâu cuộc đối thoại giữa các tín hữu Kitô và các tín hữu Do thái là ”những người ảnh cả” của Kitô hữu trong lòng tin, như Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nói nhiều lần, đặc biệt trong chuyến viếng thăm hội đường Do thái ngày 14-4-1986. Đây là lần đầu tiên, kể từ thời hai Tông Đồ Phêrô Phaolô hiện diện tại Roma hồi thế kỷ thứ I, một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm hội đường Do thái.

Từ nhiều năm nay, chiến tranh giữa người Do thái và người Palestine bên Thánh Địa khiến cho người ta có cảm tưởng phong trào bài Do thái gia tăng đó đây trên thế giới. Bức tường ngăn cách giữa hai bên đã bị các giới chức đạo đời mạnh mẽ lên án, vì nó khiến cho cuộc sống của người dân Palestine đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên sự kiện hồi năm 2007 nhóm Khamas thắng cử và muốn biến vùng Gaza thành vùng đất tự trị, cũng như lập trường không đội trời chung với Israel, đã không khiến cho tình hình được cải tiến. Trong những ngày qua không quân Israel đã liên tục oanh tạc vùng Gaza cũng như dùng hàng chục xe tăng tảo thanh vùng này, vì nhóm Khamas bắn hỏa tiễn và pháo kích Israel. Các cuộc tảo thanh nói trên đã khiến cho nhiều thành viên Khamas bị giết. Nhóm Khamas yêu cầu Ai Cập can thiệp với chính quyền Israel để thu hồi lệnh đóng các ngõ thông thương trong vùng Gaza. Vì việc phong tỏa này khiến cho cuộc sống của người dân Palestine trong vùng Gaza trở thành vô cùng khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng tới việc khan hiếm thực phẩm và vật giá leo thang, khiến cho các gia đình nghèo không biết xoay sở ra sao. Ngày 22 tháng giêng phía Israel đã cho phép tiếp tế thực phẩm và xăng nhớt nhỏ giọt cho dân chúng vùng Gaza.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các các bạn bài phỏng vấn rabbi Riccardo Di Segni, rabbi trưởng cộng đoàn Do thái Roma về ý nghĩa việc cử hành ”Ngày bằng hữu kitô do thái”.

Hỏi: Thưa rabbi Di Segni, ”Ngày bằng hữu Do thái Kitô” được cử hành từ nhiều năm nay có thu hút sự chú ý của các tín hữu Kitô Do thái không, và năm nay nó đưc dành để cho những ai?

Đáp: Chúng tôi thấy càng ngày càng có nhiều người chú ý hơn. Và đây là điều tốt giúp đừng quên những gì đã xảy ra trong qúa khứ, đồng thời để dấn thân làm những gì phải làm, hầu cho tương quan giữa Kitô giáo và Do thái giáo tiến triển tốt đẹp hơn. Cần phải mạnh mẽ kết án mọi thứ bạo lực kinh khủng và khổ đau gây ra cho người khác nhân danh Thiên Chúa. Vì thế ngày cử hành năm nay trước hết dành để cho tất cả những người đã khổ đau vì thái độ lạm dụng danh Thiên Chúa.

Hỏi: Lạm dụng danh Thiên Chúa trong nghĩa nào thưa giáo sư?

Đáp: Trong truyền thống chú giải rabbi, điều răn ”Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ” có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất có tính cách kỹ thuật, có nghĩa là đừng nói những điều gian dối trong khi thề. Nghĩa thứ hai tổng quát hơn là đừng có tầm thường hóa Danh Thánh Chúa. Liên quan tới nghĩa thứ hai tôi thấy trong các thời gian qua, với các thế hệ sau cùng này thì càng ngày nó càng hiển nhiên hơn: người ta lạm dụng Danh Thánh của Thiên Chúa, người ta nhân Danh Thiên Chúa và để Danh Thánh Chúa bên cạnh việc dùng các phương tiện tàn ác kinh khủng, và như thế là phạm thượng. Nghĩa là có sự kiện người ta nhân Danh Thiên Chúa để có các hành động bạo lực và gây ra khổ đau cho người khác. Và phải luôn luôn kết án các hành động bạo lực bằng cách lạm dụng Danh Thiên Chúa như vậy.

Hỏi: Điều rabbi nói trên đây ám chỉ một kiểu khủng bố cực đoan nào đó. Nó có phản ánh một xã hội, trong đó việc tầm thưng hóa Danh Thánh Chúa đã trở thành điều hiển nhiên không? Chính rabbi trong nhiều dịp cũng đã đề cập tới hiện tưng này và đã kéo theo nhiều việc tranh cãi, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Chúng ta đang sống một thực tại tương tự. Danh Thánh Chúa đã bị con người tầm thường hóa và lạm dụng để biện minh cho các hành xử sai trái của mình. Suy tư mà chúng ta đang đề cập tới liên quan tới ”Ngày bằng hữu Kitô Do thái” đó là mời gọi mọi người cẩn trọng chú ý tới cung cách hành xử của mình nhân danh các Giới Răn mà chúng ta đã nhận lãnh từ Thiên Chúa. Cẩn trọng không có nghĩa là khước từ bổn phậm phải làm chứng cho các Giới Răn đó.

Hỏi: Sáng kiến ”Ngày bằng hữu Kitô Do thái” đã nảy sinh cách đây 19 năm trong một bối cảnh và thời đim đặc biệt. Nó có còn thời sự và hữu ích nữa không thưa rabbi?

Đáp: Tôi tin là có. Nó vẫn còn hữu ích và thời sự. Thật là điều tốt khi có một thời điểm xác định, một cuộc gặp gỡ chắc chắn trong một nghĩa nào đó, nếu không người ta sẽ quên đi những gì đã xảy ra và những gì còn cần phải làm. Do đó những chuyện như thế này cần thiết, và ý nghĩa của các buổi cử hành cũng hữu ích. Dĩ nhiên là không cần phải có các nhân vật quan trọng với các lễ nghi oai nghiêm hay ồn ào, nhưng tôi xin nhấn mạnh: thật là điều tốt khi có các buổi cử hành này.

Thế rồi còn có các thời điểm trong đó việc gặp gỡ này trở thành hấp dẫn hơn, cũng như có những lúc khác được đi kèm bởi các tranh luận nóng bỏng được các phương tiên truyền thông chú ý theo dõi và chiếu đèn. Nhưng mà cho dù trong trường hợp nào đi nữa, thì nó cũng là điều cần thiết.

Hỏi: Tại sao vậy thưa rabbi? Rabbi nhận ra một khuynh hướng bài Do thái còn len lỏi đâu đó hay tỏ hiện rõ ràng tại Italia này hay sao?

Đáp: Như tôi đã nói trên đây. Nguy cơ đó là nếu không có một cuộc gặp gỡ loại này, thì người ta sẽ quên đi những gì đã xảy ra trong qúa khứ. Liên quan tới phần thứ hai của câu hỏi, tôi xin nói là có nhiều hình thức bài Do thái khác nhau. Nhưng rất may là tại Italia này không có các hình thức biểu lộ bài Do thái và thù ghét trầm trọng nhất. Tuy nhiên thành kiến chống Do thái vẫn còn phổ biến, và sự thù nghịch cũng di chuyển qua các trào lưu, các nhóm và dư luận khác nhau. Hiện nay thì tình hình yên ắng, nhưng chúng cũng có thể làm nảy sinh ra các hình thức chống đối khác, với các nguy cơ mà chúng ta đã biết.
 
Hỏi: Các nguy cơ này có liên hệ tới các chuyện xảy ra giữa ngưi Do thái và ngưi Palestine thưng xuyên như thế nào? Và chúng ảnh hưởng ra sao trên các thực tại đa phương bên Thánh Đa, thưa rabbi?

Đáp: Nói thật ra thì sự xung đột tại Thánh Địa có thể chỉ là một lý cớ và một sự khiêu khích. Không phải sự xung đột giữa người Do thái và người Palestine tạo ra các phản ứng bài Do thái, mà kiểu các người bài Do thái dùng những gì xảy ra tại Thánh Địa tạo ra trào lưu chống đối. Nó là điều hoàn toàn khác. Trong 19 thế kỷ, đã đâu cần có xung khắc tại Thánh Địa để tạo ra trào lưu bài Do thái đâu.

Hỏi: Rabbi sống ”Ngày bằng hữu Kitô Do thái” như thế nào?

Đáp: Có một cuộc gặp gỡ quan trọng tại đại học giáo hoàng Laterano, trong đó cùng với Đức Ông Ambrogio Spreafico, Viện trưởng đại học giáo hoàng Urbaniana cũng là bạn của tôi, chúng tôi chú giải điều răn này, trong khung cảnh của một cuộc hội luận bàn tròn, do Đức Cha Rino Fisichella, viện trưởng đại học giáo hoàng Laterano, chủ tọa. Bình thường đây là biến cố rất được theo dõi. Năm trước đã có hàng trăm người tham dự. Và tôi phải nói rằng từ 19 năm nay, tôi đã là khách thường xuyên của cuộc thảo luận bàn tròn này tại đại học giáo hoàng Laterano. Và tôi nhận thấy càng ngày nó càng gây được sự chú ý, và đây là điều rất tích cực.

(Avvenire 16-1-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.