2008-01-15 18:16:06

Hoãn lại cuộc viếng thăm ca Đức Thánh Cha tại Đại học La Sapienza


VATICAN. Cuộc viếng thăm của ĐTC Biển Đức 16 tại Đại học La Sapienza ở Roma dự kiến vào sáng ngày 17-1-2008 đã bị hoãn lại vì sự chống đối của một nhóm giáo sư và sinh viên.

Đại học La Sapienza được thành lập cách đây 705 năm và hiện có hàng trăm ngàn sinh viên. Cuộc viếng thăm của ĐTC trùng vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập nhà nguyện Đại học này và việc mục vụ tuyên úy sinh viên được giao cho các cha dòng Tên dưới sự hướng dẫn của cha tuyên úy Vincenzo D'Adamo. Theo chương trình dự định, liền trước khi ĐTC đến nơi, có buổi lễ khai mặc niên khóa mới của Đại học, với chủ đề là sự dấn thân bãi bỏ án tử hình, bài thuyết trình mở đầu của giáo sư viện trưởng Renato Guarini, tiếp theo đó là bài phát biểu của đại diện các giới trong Đại học và cả ông đô trưởng Roma, Walter Veltroni, tân lãnh tụ đảng Dân chủ.. ĐTC sẽ thuyết trình trong phần thứ hai của buổi lễ khai giảng và cũng nói về việc bãi bỏ án tử hình.

Nhưng trong những ngày qua, một nhóm 67 giáo sư và giảng viên, đứng đầu là giáo sư vật lý Marcello Cini, đã gửi thư cho giáo sư viện trưởng đại học yêu cầu thu hồi lời mời ĐGH Ratzinger đến thăm đại học La Sapienza. Nhóm này cho rằng ĐGH đương kim, khi còn là HY đã bênh vực vụ án chống Galileo, trong một bài thuyết trình ngày 15-3-1990 tại thành phố Parma. Nhóm sinh viên chống đối đã tổ chức những cuộc biểu tình chống cuộc viếng thăm của ĐGH Biển Đức 16 mà họ cho là ”có chủ trương ngu dân và cuồng tín”. Ngày 15-1-2008, nhóm này chiếm một số cơ sở của đại học.

Đã có rất nhiều phản ứng mạnh mẽ, từ các giới chức chính trị, tôn giáo và văn hóa chống lại thái độ của nhóm 67 giáo sư nói trên. Giáo sư viện trưởng Guarini nói rằng: ”Vượt lên trên mọi dị biệt về ý kiến, cần phải đón tiếp ĐGH Biển Đức 16 như một người có nền văn hóa sâu rộng, tư tưởng triết học thâm sâu, và như một sứ giả của hòa bình và những giá trị luân lý đạo đức mà tất cả chúng ta đều chấp nhận”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, Giáo sư Guarini cho biết nhóm chống đối cuộc viếng thăm của ĐGH chỉ là một thiểu số 67 người trên tổng số 4500 giáo sư của đại học. Ngoài ra có một nhóm thiểu số các sinh viên luôn chống đối mọi chuyện.

Giáo sư Bruno Dalla Piccola, giảng dạy môn di truyền học tại đại học La Sapienza, nhận định rằng lời kêu gọi chống ĐGH Ratzinger thật là một điều ô nhục, chắc chắn không mang lại vinh dự cho Đại học lớn và quan trọng như La Sapienza. Ông Dalla Piccola nhắc lại rằng cách đây vài năm, đại học này đã mời những người thuộc phái Raliani muốn phúc chế người, và trong các thời đại, vẫn mở rộng cửa cho các chính trị gia thuộc mọi khuynh hướng. Phải chăng những người ký tên vào lời kêu gọi tẩy chay không cảm thấy ô nhục khi ngăn cản không cho một người được kính trọng trên toàn thế giới được lên tiếng tại đại học của họ sao?”. Theo giáo sư Dalla Piccola, có những kẻ sợ nghe những lời ĐGH muốn nói và có thành kiến đối với ngài.

Ông Antonio Tajani, chủ tịch nhóm đại biểu nghị viện Âu Châu thuộc đảng Forza Italia tuyên bố rằng ”Tìm cách ngăn cản sự hiện diện của ĐGH Biển Đức 16 tại đại học La Sapienza không những lời một hành động không tự do cấp tiến đối với ĐGH Roma, nhưng còn là một thái độ thái kính trọng đối với các sinh viên Công Giáo. Họ tước đoạt không cho các sinh viên này được gặp giáo sư Ratzinger, từng là khoa trưởng đại học, và nhất là một nhà thần học thế giá của thế kỷ 20 và ngàn năm mới.. Văn hóa là sự đối chiếu các tư tưởng. Làm sao một số giáo sư bất bao dung của đại học La Sapienza bảo đảm một nền giáo dục tốt đẹp hơn cho các sinh viên. Hiển nhiên là một số chọn lựa của họ xuất xuất từ sự kiện chỉ có một số ít giáo sư có khả năng đương đầu với luận chứng của thần học gia và triết gia Ratzinger”. Nữ đại biểu Carolina Lussana thuộc đảng Lega, Liên minh Bắc Italia, chống lại lập trường của nhóm giáo sư vật lý và gọi đó là một hành vi kiểm duyệt. Bà nhận định rằng: 'Người ta chẳng phản đối gì cả, đã đánh giá cao các bài thuyết trình của những tên cựu khủng bố, nhưng họ lại phản đối và phẫn nộ vì sự hiện diện của ĐGH, th+am chí lại không muốn cho ngài phát biểu trong buổi lễ khai giảng niên học mới.. Đại học là nơi đa nguyên, đối chiếu và bao dung, nơi mà người ta dạy sự tôn trọng. Nhưng tôi thấy dường như người ta chỉ có những thái độ vừa nói đối với những người Hồi giáo cực đoan và khủng bố, mà lại không áp dụng đối với ĐGH. Thật là một giai thoại nguy hiểm xuất phát từ nhóm duy đời”.

Về phần ĐHY Zenon Grocholewski, Tổng trưởng Bộ giáo dục Công Giáo, ngài phê bình nhóm giáo sư phản đối cuộc viếng thăm của ĐGH và gọi hành động của nhóm này là điều ”rất đáng phê bình và một hành vi ngu dân”. Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Cộng hòa ở Roma, ĐHY Grocholewski nói: Ngoài tư cách là GM Roma, đại diện Chúa Kitô và Kế vị thánh Phêrô, ĐGH Biển Đức 16 còn là một người thuộc giới văn hóa, cởi mở đối với sự đối thoại và đối chiếu. Vì thế, ta không nên có thái độ khép kín, trái lại hãy cởi mở lắng nghe người khác, như Tổng thống Pháp Nicola Sarkozy đã nói trong diễn văn tại Đại học Laterano”.

ĐHY Grocholeslewsi nói thêm rằng: ”Thật là không thể hiểu nổi những người lên tiếng chống đối cuộc viếng thăm của ĐGH. Từ nhiều năm nay tôi viếng thăm các đại học trên toàn thế giới, và chưa bao giờ tôi thấy những lời phê bình chống đối như thế được đưa ra.. Làm sao người ta có thể chống đối một nhân vật cao cả và uyên thâm như ĐTC Biển Đức 16. Ngài là một mục tử, nhưng cũng là một học giả uyên tác, một giáo sư tinh tế, luôn sẵn sàng cởi mở, đối thoại, đối chiếu, có khả năng lắng nghe lý lẽ của mọi người, cả những người không đồng ý với ngài, nhưng dĩ nhiên là không từ bỏ căn tính của mình”.

Báo Il Giornale xuất bản tại bắc Italia hôm 14-1-2008, đã đăng nguyên văn những bài thuyết trình của ĐHY Ratzinger cách đây 17 năm tại Parma, và phê bình nhóm giáo sư khoa học phản đối về lời ĐHY mà không chịu đọc nguyên văn bài này nên đã hiểu ngược lại tư tưởng của ngài. Thật là một điều phản khoa học và đầy thành kiến.

Nhiều thành phần trong phe cực tả trong chính giới Italia, như đảng cấp tiến, cộng sản và đảng xanh cũng ủng hộ nhóm giáo sư và sinh viên chống đối, trong khi phe hữu thì mạnh mẽ bênh vực cuộc viếng thăm của ĐTC.
Trong bầu không khí tranh luận như thế, Tòa Thánh đã quyết định hoãn cuộc viếng thăm.

Thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố chiều ngày 15-1-2008 viết: ”Tiếp theo sau những biến cố mọi người đã biết trong những ngày qua liên quan đến cuộc viếng thăm của ĐTC tại Đại học La Sapienza, lẽ ra được tiến hành ngày thứ năm, 17-1-2008 theo lời mời của Viện trưởng Đại Học, điều thích hợp là hoãn lại cuộc viếng thăm này. Tuy nhiên, ĐTC sẽ gửi bài phát biểu của ngài như đã dự trù”.

Bộ trưởng Bộ đại học Italia, Ông Fabio Mussi, tuyên bố rằng: ”Tôi thành thực lấy làm tiếc vì cuộc viếng thăm bị hoãn lại; tôi cũng rất đau buồn vì người ta tạo nên những hoàn cảnh như vậy. Đại học là nơi đón tiếp chứ không loại bỏ”.

Nhất nhiều phản ứng từ các giới chính trị, văn hóa và tôn giáo tại Italia về việc hoãn chuyến viếng thăm. Những thành phần cực tả thì hoan hô. Nhiều người trong phe hữu thì gọi tình trạng này là một sự kiện rất trầm trọng vì quyền tự do ngôn luận bị chối bỏ, kể cả đối với một vị như Đức Giáo Hoàng.

Thủ tướng Italia, Romano Prodi, mạnh mẽ lên án những kẻ đã gây nên tình trạng căng thẳng không thể chấp nhận được.

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.