2008-01-14 15:34:46

Nhà nước pháp quyền hay tổ chức tội phạm?


Từ ngày 18-12-2007 giáo dân công giáo tổng giáo phận Hà Nội đã bắt đầu các buổi đốt nến cầu nguyện trước Tòa Khâm Sứ, mở màn cho chiến dịch thắp nến cầu nguyện cho công lý. Mục đích là đòi lại đất đai và tài sản của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã bị nhà nước cộng sản cưỡng chiếm từ gần 50 năm qua, ở đây là Tòa Khâm Sứ, bị nhà nước cưỡng chiếm năm 1959.

Trước đó ngày 15-12-2007 trong thư gửi các linh mục tu sĩ chủng sinh và anh chị em giáo dân Tổng giáo phận, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt cho biết từ nhiều năm qua sinh hoạt của Tổng giáo phận bị giới hạn vì thiếu thốn cơ cở vật chất. Tòa Tổng Giám Mục là nơi đặt trụ sở chính của Hội Đồng Giám Mục cũng chưa có được một căn phòng riêng nào. Vì thế từ nhiều năm qua Tòa Tổng Giám Mục và Hội Đồng Giám Mục đã nhiều lần đệ đơn lên Chính quyền các cấp xin giao lại Tòa Khâm Sứ để Giáo Hội có đủ phương tiện cần thiết cho những hoạt động tôn giáo tối thiểu. Đề nghị chính đáng của tôn giáo chưa được đáp ứng, trong khi quận Hoàn Kiếm lại dùng Tòa Khâm Sứ để kinh doanh buôn bán, trước đây đã bán phở, nay lại mở ngân hàng. Và ngày 13-12-2007 thêm kinh doanh giữ xe với quang cảnh hỗn độn nữa. ”Vì thế, Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt viết trong thư, xin anh chị em hãy tích cực cầu nguyện để những nơi tôn nghiêm của tôn giáo được tôn trọng, nhu cầu chính đáng của Giáo phận và của Hội Đồng Giám Mục được đáp ứng và những sinh hoạt tôn giáo được thuận lợi, góp phần xây dựng xã hội, đặc biệt khuôn mặt của thủ đô được tốt đẹp”.

Các buổi cầu nguyện đã diễn ra rất trang nghiêm sốt sắng và trật tự. Ban đầu đã có nhiều công an cảnh sát chìm nổi hiện diện. Giáo dân đem cả tượng Đức Mẹ Sầu Bi bồng xác Chúa đặt dưới cây đa trong sân Tòa Khâm Sứ. Bầu khí đã căng thẳng, sau khi các bình hoa đặt trước tượng Đức Mẹ đêm hôm đó bị hất vãi tung tóe. Nhưng hôm sau tín hữu lại đặt thêm một cây thánh giá gỗ nữa. Và các buổi cầu nguyện sáng tối vẫn tiếp tục với cùng bầu khí trang nghiêm sốt sắng và tin tưởng.

Đức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang Giám Mục Thái Bình và Đức Cha Phaolo Nguyễn Văn Hòa, Giám Quản Ban Mê Thuật, nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục, cũng gửi thư bầy tỏ tình hiệp thông với nguyện vọng chính đáng của Tổng Giáo phận Hà Nội yêu cầu chính quyền trả lại Tòa Khâm Sứ cho Tổng Giáo phận và Giáo Hội Việt Nam, để đáp ứng các nhu cầu của Giáo Hội.

Thật ra Tòa Khâm Sứ không phải là cơ sở duy nhất tại Hà Nội bị nhà nước cộng sản Việt Nam cưỡng chiếm. Đất đai của các nhà thờ như nhà thờ Đa Minh, nhà thờ Đức Bà, giáo xứ Hàm Long, giáo xứ Thái Hà, do các cha dòng Chúa Cứu Thế trông coi, cũng đã bị cưỡng chiếm. Điển hình là đất của giáo xứ Thái Hà gồm hơn 61 ngàn mét vuông, nhưng bị nhà nước cưỡng chiếm chỉ còn lại 2.700 mét vuông.

Chiến dịch thắp nến cầu nguyện cho công lý nhằm đòi lại Tòa Khâm Sứ của giáo dân nhà thờ chính tòa Hà Nội đã lan sang giáo xứ Thái Hà. Ngày mùng 6 tháng giêng vừa qua giáo dân Thái Hà đã phản đối Công Ty may Chiến Thắng dựng hàng rào bằng lưới B40 và giây thép gai trên đất của giáo xứ. Mặc cho lực lượng công an cảnh sát của quận Đống Đa đe dọa và uy hiếp, tín hữu vẫn không lo sợ lui bước. Và trong các ngày qua họ cũng liên tục thắp nến cầu ngyyện, treo thánh giá, hoa và ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp trên đoạn lưới tường và lưới đã xây. Thế rồi ban đêm họ còn thay phiên nhau chăng màn ngủ tại hiện trường để ngăn chặn việc xây cất.

Trong các năm qua nhà nước cộng sản việt Nam liên tục ăn cướp đất đai của Giáo Hội, trong đó có đất của dòng Thiên An, của Trung Tâm Thánh Mẫu Lavang, của nhiều giáo xứ thuộc Tổng giáo phận Huế cũng như tại nhiều nơi khác trên toàn nước. Ngày mùng 3-12-2007 Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn cũng đã viết thư cho linh mục tu sĩ và giáo dân tổng giáo phận Sài Gòn để chia sẻ nỗi băn khoăn của ngài liên quan tới phần đất 4.000 mét vuông thuộc tài sản của giáo phận, được dành cho các Linh Mục thừa sai Paris sử dụng, nhưng bị nhà nước tiếp quản, mà không có sự bàn bạc và trao đổi trước với Tòa Tổng Giám Mục. Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolo Nguyễn Văn Bình đã từng khiếu nại với nhà nước, nhưng không nhận được câu trả lời nào. Từ năm 1976 đến nay nhà nước đã giao cơ sở đất đai này cho Viện Quy Hoạch và Thiết Kế thuộc Bộ Xây Dựng để làm văn phòng, sau đó lại biến thành xưởng cưa, cuối cùng làm thành nhà ở cho cán bộ công nhân viên gọi là khu nhà tập thể 11 Nguyễn Du, và hiện có 50 hộ gia đình sinh sống. Đức Hồng Y xin mọi người cầu nguyện để có thể tìm ra giải pháp tốt đẹp nhất.

Như mọi người đều biết, trong bao nhiêu thập niên qua nhà nước để cho các quan chức tự do ăn cướp đất của các Giáo Hội hay tư nhân, rồi chia chác với nhau để bán cho các xí nghiệp doanh thương hoặc xây nhà cho chính mình. Nghĩa là nhà nước hiên ngang vi phạm và đi ngược lại các luật lệ do chính mình đưa ra. Thí dụ như Chỉ thị số 379 của Thủ tướng chính phủ năm 1993 khẳng định rằng: ”Nơi thờ tự của các tôn giáo cho mượn có thời hạn nay đã hết hạn thì phải trả lại. Nếu còn nhu cầu sử dụng phải thỏa thuận với Giáo Hội. Nếu chưa hết hạn mà sử dụng không đúng mục đích thì phải trả lại... Không để dân lấn chiếm nơi thờ tự. Ở những nơi đo tồn tại của qúa khứ nơi thờ tự có dân đang ở thì chính quyền địa phương phải có kế hoạch giải tỏa trong một thời gian nhất định”.

Nếu nhà nước Việt Nam qủa thực là nhà nước pháp quyền, thì đây là lúc phải thực thi các cam kết ấy theo đúng tinh thần của Hiến Pháp bảo đảm công lý, trả lại mọi đất đai cơ sở đã cưỡng chiếm của các Giáo Hội cũng như của tư nhân và tôn trọng tự do tôn giáo, nghiêm minh trừng phạt tất cả các vi phạm nói trên. Nếu không thì trước mắt toàn dân và dư luận quốc tế nhà nước chỉ là một tổ chức tội phạm. Và đây là thực tại thật xấu hổ cho cho Việt Nam trên trường quốc tế!

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.