2008-01-07 17:44:45

Bảo vệ căn cội kitô và vai trò của tín hữu công giáo Pháp


Phỏng vấn Đức Hồng Y Jean Louis Tauran về lập trường của tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy bảo vệ căn cội Kitô của Pháp và vai trò của tín hữu công giáo trong việc xây dựng quốc gia

Sáng ngày 20-12-2007 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp kiến tổng thống Pháp ông Nicolas Sarkozy. Vào ban chiều tổng thống đã nhận chức kinh sĩ danh dự do Đức Hồng Y Camillo Ruini, Giám Quản Roma, trao trong lễ nghi cử hành tại đền thờ Gioan Laterano. Sau đó ông đã đọc một bài diễn văn mạnh mẽ tái khẳng định căn cội Kitô của nước Pháp và vai trò cùng phần đóng góp của tín hữu Công giáo cho quốc gia. Tổng thống Sarkozy nhắc lại các liên hệ chặt chẽ giữa Pháp và Tòa Thánh, được biểu lộ bằng nhiều dữ kiện lịch sử. Kể từ khi vua Clovis lãnh bí tích rửa tội, nước Pháp đã trở thành trưởng nữ của Giáo Hội và từ đó Kitô giáo lan tràn trên toàn Âu châu. Tước kinh sĩ danh dự đền thờ thánh Gioan Laterano đã được trao cho vua Henri IV lần đầu tiên, và từ đó các vua và quốc trưởng Pháp vẫn tiếp tục nhận tước hiệu truyền thống này.

Ngoài các sự kiện lịch sử, lòng tin Kitô đã đâm rễ sâu trong cuộc sống xã hội Pháp, trong nền văn hóa, trong cảnh trí cũng như cách sống và khoa kiến trúc. Tổng thống Sarkozy khẳng định rằng ”Nước Pháp có các căn cội Kitô sâu đậm, và nước Pháp đã đóng góp một cách ngoại thường cho việc giãi tỏa Kitô giáo trên thế giới, qua các thánh thuộc mọi thời đại: từ thánh Bernard thành Clairveaux cho tới vua thánh Louis, thánh Vincent de Paul, thánh nữ Bernadette của Lộ Đức, thánh nữ Terexa Hài Đồng Giêsu thành Lisieux, thánh Jean Marie Vianney, Frederic Ozanam, và Charles de Foucauld ... Trong lãnh vực nghệ thuật có các văn sĩ và họa sĩ như Couperin, Péguy, Claudel, Bernanos, Vierne, Poulenc, Duruflé, Mauriac, Messiaen ... Rồi có các triết gia và học giả và thần học gia nổi tiếng như Blaise Pascal, Jacques Bénigne Bossuet, Jacques Maritain, Emmanuel Mounier, Henri de Lubac, Yves Congar, René Girard... Nước Pháp cũng đóng góp nhiều cho nghành khảo cổ Kinh Thánh và khoa chú giải Kinh Thánh, đặc biệt với trường Kinh Thánh và khảo cổ Pháp tại Giêrusalem.

Sự kiện Kitô giáo ghi đậm dấu vết trong lịch sử và nền văn hóa Pháp cũng dễ nhận ra ngay tại Roma qua sự hiện diện liên tục của các nhân viên trong các cơ quan trung ương của Tòa Thánh. Điển hình như các Đức Hồng Y Roger Etchegaray, Paul Poupard, Jean Louis Tauran, và Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti. Công việc của các vị làm vinh danh nước Pháp. Các căn cội Kitô của Pháp cũng còn được diễn tả ra qua các học viện và dòng tu. Kitô giáo rất quan trong đối với nước Pháp.

Tiếp đến tổng thống Sarkozy thừa nhận việc áp dụng tính cách đời đã gây ra rất nhiều khổ đau cho các tín hữu công giáo và linh mục tu sĩ nam nữ Pháp trước và sau năm 1905. Nhưng nhờ các hy sinh và việc chia sẻ số phận của người dân trong thời thế chiến, chính các linh mục tu sĩ Pháp đã đánh đổ được khuynh hướng bài giáo sĩ và nhờ trí thông minh của các vị mà nước Pháp và Tòa Thánh đã tái lập các liên hệ ngoại giao với nhau.

Ngày nay chế độ chính quyền đời của Pháp là một sự tự do: tự do tin hay không tin, tự do sống một tôn giáo và thay đổi tôn giáo, tự do không bị xúc phạm đến sự nhậy cảm bởi các thói quen phô bầy bên ngoài, tự do của giới phụ huynh trong việc lựa chọn một nền giáo dục cho con cái phù hợp với các xác tín của họ, tự do không bị lãnh vực hành chánh kỳ thị vì niềm tin của mình. Tính cách đời là một sự cần thiết và là một cơ may cũng như điều kiện chung sống hòa bình dân sự. Vì thế nó không thể là việc chối bỏ qúa khứ. Nó không có quyền cắt đứt nước Pháp khỏi các căn cội Kitô của mình. Một quốc gia không biết tới gia tài luân lý đạo đức tinh thần và tôn giáo trong lịch sử của mình, là phạm tội chống lại chính nền văn hóa của mình, chống lại sự trộn lẫn lịch sử, gia tài, nghệ thuật và truyền thống bình dân từng thấm nhuần cung cách sống và suy tư của dân Pháp. Bứt nhổ các gồc rễ của mình có nghĩa là đánh mất đi ý nghĩa, làm suy yếu nền tảng căn tính quốc gia và làm khô cằn các tương quan xã hội cần tới các biểu tượng của ký ức.

Vì thế cần phải duy trì hai đầu dây: chấp nhận các căn cội Kitô của nước Pháp, đánh giá cao các căn cội đó, và tiếp tục bảo vệ tính cách đời trưởng thành... Đã tới lúc các tôn giáo, đặc biệt là Công Giáo là tôn giáo của đa số dân và tất cả các lực lượng sinh động của quốc gia phải cùng nhau nhìn về thế đứng trong tương lai và không chỉ nhìn về qúa khứ...

Tổng thống Pháp chia sẻ xác tín của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI coi niềm hy vọng như là một trong những vấn đề quan trọng nhất của thời đại ngày nay. Từ thế kỷ của thuyết thiên quang luận cho tới nay Âu châu đã sống kinh nghiệm của nhiều ý thức hệ. Nó đã đi trệch đường trong chủ thuyết cộng sản và đức quốc xã. Và đã không có viễn tượng ý thức hệ nào đã có thể trả lời cho nhu cầu sâu thẳm của con người kiếm tìm ý nghĩa cuộc sống và lý giải được vấn nạn nền tảng liên quan tới ý nghĩa cuộc sống và cái chết.

Áp dụng vào trường hợp cụ thể của Pháp tổng thống Sarkozy khẳng định rằng cần phải chấm dứt sự kiện nhà nước duy trì một hình thức bảo hộ trên các dòng tu, không thừa nhận tính cách phụng tự của hoạt động bác ái và các phương tiện truyền thông của các Giáo Hội, không thừa nhận giá trị của các văn bằng của các học viện hay cao học của Giáo Hội Công Giáo. Tất cả những điều này gây thiệt hại cho nước Pháp. Dĩ nhiên những người không tin cần được bảo vệ khỏi thái độ bất khoan nhượng và chiêu dụ tín đồ. Nhưng một người tin là một người hy vọng, và nước Pháp được lợi lớn, nếu có nhiều người hy vọng.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, về lập trường của tổng thống Nikolas Sarkozy đối với căn cội Kitô của Pháp và vai trò của và phần đóng góp của tôn giáo cho nỗ lực xây dựng quốc gia.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, sáng ngày 20-12-2007 tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy đã đưc Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tiếp kiến riêng. Vào ban chiều tổng thống đã tham dự lễ nghi tại đền thờ thánh Gioan Laterano và nhận chức kinh sĩ danh dự. Đức Hồng Y cũng đã hiện diện tại buổi lễ, Đức Hồng Y nghĩ gì về diễn văn tổng thống Nikolas Đarkozy đọc trong buổi lễ nhận chức kinh sĩ danh dự này?

Đáp: Diễn văn của tổng thống Sarkozy đã có tầm mức rất cao và nội dung tinh thần sâu xa và súc tích. Trong qúa khứ đã có ít quốc trưởng Pháp thừa nhận gia tài tinh thần của quốc gia một cách rõ ràng và công khai như vậy. Những gì tổng thống nói sau lễ nghi nhận tước hiệu kinh sĩ danh dự đã đánh động tôi rất nhiều.

Diễn văn đã có nhiều điểm và phán đoán rất hay. Trước hết tổng thống Sarkozy đã nhắc lại các khổ đau mà tín hữu công giáo đã phải gánh chịu sau khi nhà nước Pháp ban hành luật tách rời nhà nước Giáo Hội hồi năm 1905. Thừa nhận như thế là một bổn phận, vì đã xảy ra nhiều bạo lực chống lại tín hữu công giáo sau khi luật này được ban hành. Thế rồi tổng thống Pháp cũng đã không sợ hãi đề cập đến căn cội Kitô của nước Pháp, đồng thời cũng nói tới tính chất đời tích cực, không coi tôn giáo như là một nguy hiểm đối với quốc gia, nhưng như là một tài nguyên phong phú giúp xây dựng quốc gia. Xem ra chúng ta đang từ một tính cách đời hiếu chiến sang tính cách đời thảo luận, hay nói như Regis Debray, một tính cách đời thông minh.

Hỏi: Theo Đức Hồng Y diễn văn mà tổng thống Pháp nói chiều ngày 20-12-2007 tại đền thờ thánh Gioan Laterano có giá trị nào?

Đáp: Diễn văn chứng minh cho thấy một cách rõ ràng là trong nước Pháp đa tôn giáo, Công Giáo có một chỗ đứng quan trọng trong lịch sử, nhưng các tôn giáo khác cũng có chỗ đứng của chúng. Và Nhà Nước là cơ quan bảo đảm tự do tôn giáo. Hơn là tách rời, đúng và tốt hơn phải nói là phân biệt Nhà Nước và Giáo Hội.

Hỏi: Diễn văn đã được cử tọa tiếp nhận như thế nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Tôi hài lòng ghi nhận rằng diễn văn của tổng thống Sarkozy đã được tiếp nhận một cách tốt đẹp. Cử tọa đã vỗ tay nhiều lần và đã rất chăm chú theo dõi. Các chủng sinh trẻ người Pháp hiện diện xem ra đã rất cảm động, khi tổng thống nói về ơn gọi của họ và khẳng định rằng nước Pháp rất cần đến các tín hữu công giáo xác tín, hay khi ông nói rằng sự kiện thiếu thốn các linh mục đã không khiến cho người Pháp được hạnh phúc hơn.

Hỏi: Đức Hồng Y có nghĩ rằng bài diễn văn của tổng thống Sarkozy sẽ có các ảnh hưởng cụ thể trên nước Pháp hay không?

Đáp: Tôi không biết nó có gây được các ảnh hưởng cụ thể nào không. Nhưng có điều hay là tổng thống đã nhìn nhận rằng còn có những điều chưa ổn như: chính quyền còn duy trì các dòng tu dưới sự bảo hộ của mình và không thừa nhận giá trị các văn bằng thần học của Giáo Hội. Tổng thống cũng nói thêm rằng: ”Tôi nghĩ rằng tình trạng này gây thiệt hai cho đất nước chúng ta”. Hy vọng ông sẽ thành công trong việc thay đổi các tình trạng nói trên.

Hỏi: Trong bài diễn văn của mình tổng thống Sarkozy cũng đã trích dẫn Đức Giáo Hoàng Biển Đc XVI, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vâng đúng thế, tổng thống đã trích dẫn thông điệp ”Spe salvi” của Đức Thánh Cha, và đã nói rằng niềm hy vọng là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong thời đại chúng ta. Tôi đã bị đánh động rất nhiều vì sự kiện sau khi trích dẫn thông điệp của Đức Thánh Cha, tổng thống Sarkozy đã thừa nhận rằng ”sự kiện tinh thần là khuynh hướng tự nhiên của tất cả mọi người kiếm tìm sự siêu việt”, và ”sự kiện tôn giáo là câu trả lời của các tôn giáo cho khát vọng nền tảng đó”. Sau đó ông còn nói thêm rằng: ”Giờ đây, sau thời gian dài, nền cộng hòa đời đã đánh giá thấp tầm quan trọng của khát vọng tinh thần”. Xem ra đây là một suy tư mới và có ý nghĩa trên miệng của một quốc trưởng Pháp.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, trong diễn văn tổng thống Sarkozy cũng đã nhắc tới một sự tâm đng nào đó gia nước Pháp và Tòa Thánh liên quan tới vài đề tài chính trị đối ngoại liên quan tới vùng Địa Trung Hải có đúng thế không?

Đáp: Xem ra thông cáo do Tòa Thánh công bố sau cuộc hội kiến giữa Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và tổng thống Pháp, rồi giữa tổng thống Pháp với các giới chức Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nằm trong chiều hướng ấy.

Hỏi: Đức Hồng Y có địp nói chuyện riêng với tổng thống Pháp hay không?

Đáp: Có. Tôi đã chúc mừng tổng thống sau đó. Và chúng tôi đã nhắc tới cuộc gặp gỡ đầu tiên với nhau, khi cùng nhau giải thích một câu của triết gia Alexis de Tocqueville nằm ở đầu cuốn sách của ông: ”Chủ thuyết độc tài có thể không chú ý tới lòng tin, nhưng nó không thể không chú ý tới sự tự do”. Và chúng tôi thấy điều này cũng thật đối với nước Pháp và thế giới ngày nay.

(Avvenire 21-12-2007)
 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.