2007-12-26 14:23:56

ĐỨC HỒNG Y COTTIER NÓI VỀ ĐỨC CỐ HỒNG Y LUSTIGER


Đức Hồng Y Georges-Marie Cottier (dòng Đaminh) từng là Thần học gia Phủ Giáo Hoàng dưới thời Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II (1978-2005) từ 1990 đến 2005. Đức Hồng Y Cottier chào đời ngày 25-4-1922 tại Genève, Thụy Sỹ.

Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger qua đời ngày 5-8-2007, hưởng thọ 81 tuổi. Đức Hồng Y Lustiger sinh ngày 17-7-1926 trong một gia đình Do Thái Ba Lan tại Pháp với tên gọi Aaron. Năm 14 tuổi, Aaron trở lại Công Giáo và chọn tên thánh Jean-Marie. Thầy Jean-Marie Lustiger thụ phong Linh Mục năm 1954 lúc 28 tuổi. Năm 1979, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II bổ nhiệm Cha Lustiger làm Giám Mục giáo phận Orléans và năm sau đó bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Paris rồi thăng Hồng Y vào tháng 2 năm 1983. Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger cai quản Tổng Giáo Phận Paris trong vòng 25 năm cho đến khi về hưu hồi tháng 2 năm 2005.

Sau đây là chứng từ của Đức Hồng Y Cottier về Đức Hồng Y Lustiger và mối liên hệ đặc thù giữa Đức Hồng Y Lustiger với Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II. Với tư cách là thần học gia tại Phủ Giáo Hoàng và dấn thân trong đối thoại giữa Do Thái và Kitô Giáo, Đức Hồng Y Cottier từng làm việc với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II cũng như với Đức Hồng Y Lustiger. Đức Hồng Y Georges-Marie Cottier nói.

Đức Hồng Y Lustiger vẫn giữ nguyên vẹn ý nghĩa sâu thẳm về nguồn gốc Do Thái của mình. Nguồn gốc Do Thái luôn hiện diện trong các hoạt động mục vụ và là chìa khóa giúp hiểu rõ các dấn thân của Đức Hồng Y Lustiger cũng như mối hòa nhịp thâm trầm với Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II.

Ngay từ gặp gỡ đầu tiên, vị hồng y tương lai Lustiger đã lôi kéo sự chú ý của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II vì sức mạnh thiêng liêng của ngài. Có mối hòa điệu tinh tế giữa hai vị. Hai vĩ nhân gặp và nhận ra nhau trên bình diện thiêng liêng của lịch sử Giáo Hội Công Giáo và lịch sử Israel. Nếu Đức Hồng Y Lustiger có đủ các đức tính nhân bản thì chính linh đạo của ngài dệt nên mối liên hệ thân hữu với Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II. Đức Hồng Y Lustiger trải qua lộ trình tuyệt diệu giống như Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II.

Khi Đức Hồng Y Karol Wojtyla đắc cử Giáo Hoàng, ngài mang về Roma hành trang kinh nghiệm của Giáo Hội Công Giáo Ba Lan vững mạnh, dám đương đầu với chế độ cộng sản vô thần. Lúc ấy Đức Gioan Phaolo II gặp thấy nơi chân trời Tây Âu một Giáo Hội Công Giáo mù-mờ với các vị Giám Mục ngập-ngừng do-dự. Cuộc khủng hoảng năm 1968 vẫn còn đậm nét nơi tất cả mọi người. Trong khi đó, Đức Gioan Phaolo II gặp thấy nơi Đức Hồng Y Lustiger một mẫu người xác tín, dám dấn thân và không sợ làm mất lòng người khác. Đức Hồng Y Lustiger vừa táo bạo vừa kiên trì. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II và Đức Hồng Y Lustiger là hai viên đá tảng. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II là đá tảng nơi thân hình còn Đức Hồng Y Lustiger là đá tảng nơi sức mạnh thành tín.

Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger thường xuyên về Roma và gặp gỡ dễ dàng với Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II. Nhưng những gì hai vị nói với nhau thì hoàn toàn giữ kín. Cả hai vị đều có khả năng nhìn xa trông rộng. Đức Hồng Y Lustiger có nhãn quan cỡ trung và dài hạn. Ngài là người của niềm hy vọng. Đức Hồng Y Lustiger không uổng phí thời giờ để ngăn cản các bức tường khỏi đổ. Không. Ngài dùng thời giờ để thực hiện và để xây dựng. Có lẽ một phần nhờ lợi điểm ngài là Tổng Giám Mục Paris. Giống như các Tổng Giám Mục khác của các thủ đô, ngài được lợi thế nắm trong tay một quyền bính vượt ra ngoài khuôn khổ giáo phận và sang tới tận Roma. Tôi từng chứng kiến cảnh Đức Hồng Y Lustiger tỏ lòng ngưỡng mộ và thái độ hoàn toàn tuân phục Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II. Đức Hồng Y Lustiger nhận ra Đức Thánh Cha đúng thật là người kế vị thánh Phêrô tông đồ. Đức Hồng Y Lustiger không bao giờ dám đặt mình ngang hàng với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II.

Trước Đại Năm Thánh 2000, khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II trình bày với các Hồng Y chuyện xin lỗi về các lầm lỗi mà Giáo Hội Công Giáo vấp phạm đối với anh chị em Do Thái suốt dòng lịch sử, thì nhiều Hồng Y không hiểu rõ ý định của Đức Thánh Cha và tỏ ra hoảng sợ. Trong khi đó Đức Hồng Y Lustiger nắm bắt ngay ý định và hiểu rõ Đức Thánh Cha muốn gì. Cả hai vị hiểu nhau sâu xa. Trong vấn đề liên hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Do Thái Giáo, Đức Hồng Y Lustiger nắm giữ vai trò then chốt quan trọng. Ngài là vị Giám Mục mang nặng ý nghĩa thâm sâu về nguồn gốc do thái của mình. Tất cả thảm trạng liên hệ đến lịch sử Israel, Đức Hồng Y Lustiger đều trải qua ngay trong gia đình của ngài. Thân mẫu Đức Hồng Y Lustiger bị Đức quốc xã lưu đày sang trại tập trung Auschwitz và bị sát hại tại đây vào năm 1943. Đức Hồng Y Lustiger không quên tất cả những điều ấy khi ngài dấn thân hoạt động mục vụ.

Đó là chìa khóa để hiểu Đức Hồng Y Lustiger. Ngài hoàn thành đặc tính Do Thái khi gặp gỡ Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Ban đầu người Do Thái hơi tránh né ngài. Nhưng dần dần họ hiểu rõ ngài. Đức Hồng Y Lustiger thường xuyên viếng thăm Thánh Địa. Ngài trở thành tác nhân chính dệt nên mối thân hữu Do Thái và Kitô Giáo. Trong cuộc đối thoại song phương, mỗi người phải trung thực với chính mình. Nếu người ta bắt đầu toan tính tìm cách chinh phục đối phương thì không còn sự thật nữa. Đức Hồng Y Lustiger có trái tim ngay chính và trung thực. Trong mối liên hệ giữa Do Thái và Kitô Giáo, không phải chỉ có mối giao hảo thân hữu mà cần có vấn đề thần học nữa. Về điểm này, Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger đúng thật là người giữ vững mối giây thần học này.

... ”Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức GIÊSU, Con THIÊN CHÚA. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng Đức Tin. Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Ngưi đã chịu thử thách về mọi phương din cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai THIÊN CHÚA là ngồn ân sủng, đ đưc xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Thư gửi tín hữu Do-Thái 4,14-16).

(”Le Figaro”, Lundi 6 Aout 2007, trang 7)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.