2007-12-12 16:54:45

Thánh Paolino thành Nola, vị mục tử sống đời khổ hạnh và yêu thương người nghèo


Buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

Sáng thứ tư 12-12-2007 đã có hơn 6000 tín hữu và du khách tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần của Đức Thánh Cha tại đại thính đường Phaolo VI. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trình bầy gương mặt của thánh Paolino thành Nola, giáo phụ sống đồng thời với thánh Agostino và là bạn thân của thánh Agostino.

Thánh Paolino thi hành chức thừa tác tại Nola, nơi người sống đời đan sĩ rồi như là linh mục và Giám Mục. Tuy nhiên người gốc thành Aquitania bên Pháp, tức là Bordeaux ngày nay. Sinh trưởng trong một gia đình thượng lưu người đã nhận được nền giáo dục văn chương có thi sĩ Ausonio là thầy dậy.

Khi còn trẻ Paolino rời xa quê hương theo đuổi ý hướng chính trị và trở thành quan cai trị vùng Campania miền nam Italia. Tại đây người cho thấy sự khôn ngoan và khiêm nhường của mình. Đây là thời gian ân phước dọn đường cho ơn hoán cải. Lòng tin đơn sơ của dân chúng tuốn đến hành hương mộ thánh Felice tử đạo tại Cimitile đã đánh động con tim của quan Paolino khiến người chú ý tới đền thánh này và cho xây một trung tâm tiếp đón khách hành hương cũng như tu sửa đường xá để tạo dễ dàng cho việc đi lại. Đề cập tới ơn hoán cải của thánh Paolino Đức Thánh Cha nói:

Khi lo lắng xây cất kinh thành trần thế, Paolino đã khám phá ra con đường dẫn tới kinh thành thiên quốc. Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô là điểm tới của một lộ trình cần cù có nhiều thử thách. Các hoàn cảnh đớn đau xảy ra, trong đó có việc thất sủng với quyền bính chính trị, khiến cho Paolino sờ mó được cái mau qua của sự vật. Sau này khi đã lãnh nhận lòng tin, người viết: ”Con người không có Chúa Kitô thì chỉ là tro bụi và bóng đêm” (Carme X,289). Vì ước mong nhận được ánh sáng chiếu soi cuộc đời mình, Paolino tìm đến Milano và theo học với thánh Ambrogio. Sau đó người bổ túc việc học đạo và được Đức Cha Delfino, Giám Mục Bordeaux, rửa tội. Trên con đường hoán cải của mình Paolino cũng sống đời hôn nhân. Người lập gia đình với Terasia, một phụ nữ thượng lưu đạo đức, người Barcelona, và có một đứa con. Đáng lý Paolino tiếp tục sống đời giáo dân Kitô tốt lành, nhưng cái chết của đứa con mới được mấy ngày đã khiến cho Paolino bị rúng động và cho thấy Chúa muốn người theo một con đường khác. Paolino cảm thấy được mời gọi hướng trọn về Chúa Kitô trong một nếp sống khổ hạnh nhặt nhiệm.

Tiếp tục bài huấn dụ trình bầy cuộc đời thánh Paolino thành Nola Đức Thánh Cha nói: Sau khi cùng đồng ý với vợ, Paolino bán hết của cải đem giúp người nghèo rồi hai người rời Aquitania để đến thành Nola bên Italia, và sống tình huynh đệ trong sạch cạnh vương cung thánh đường của thánh Felice tử đạo, theo một hình thức có nhiều người gia nhập sau đó. Cuộc sống có tiết nhịp của một đan viện. Khi ở bên Barcelona Paolino đã được thụ phong linh mục nên giờ đây cũng bắt đầu thi hành chức vụ linh mục để trợ giúp các tín hữu hành hương. Sự kiện này khiến cho cộng đoàn tín hữu địa phương qúy mến tin tưởng Paolino, và khi Đức Giám Mục giáo phận Nola qua đời năm 409 tín hữu muốn chọn người làm Giám Mục kế vị. Giám Mục Paolino củng cố công tác mục vụ, đặc biệt đối với người nghèo. Người để lại cho hậu thế gương mặt của một mục tử có lòng bác ái sâu xa, như thánh Giáo Hoàng Gregorio Cả tả trong chương III của tác phẩm ”Đối thoại”, kể lại rằng thánh Paolino đã tự hiến mình làm tù nhân thay thế cho con trai của một bà góa. Dù chỉ là giai thoại lịch sử, nhưng nó cho thấy người là một chủ chăn có con tim cao cả, biết chia sẻ số phận buồn thảm của dân chúng trong thời xâm lăng của dân rợ.

Biến cố hoán cải của Paolino đã gây ấn tượng cho người thời đó. Thi sĩ Ausonio thầy dậy của thánh nhân cảm thấy bị ”phản bội” nên đã có những lời gay gắt, cho Paolino là dại dột khi khinh chê của cải vật chất và bỏ nghiệp văn chương. Paolino trả lời rằng sự kiện người tận hiến cho dân nghèo không có nghĩa là khinh rẻ của cải trần gian, trái lại là lượng định giá trị của chúng cao hơn cho mục đích bác ái. Còn các dấn thân văn chương, mà người từ bỏ, không phải là tài thơ phú người vẫn tiếp tục, mà là các kiểu thơ văn lấy hứng từ các thần thoại và lý tưởng ngoại giáo. Từ nay đã có một mỹ thuật mới cai quản sự nhậy cảm của người: đó là vẻ đẹp của Thiên Chúa nhập thể, bị đóng đanh và phục sinh, mà người ca hát chúc tụng. Thật ra Paolino đã không từ bỏ thơ văn, mà từ nay kín múc từ Phúc Âm nguồn cảm hứng: ”Đối với tôi nghệ thuật duy nhất là lòng tin, và Chúa Kitô là thơ nhạc của tôi” (Carme XX,32).

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: các bài thơ của thánh nhân là các bài thánh thi lòng tin và tình yêu thương diễn tả lịch sử của các biến cố lớn nhỏ như lịch sử cứu độ, như lịch sử của Thiên Chúa với chúng ta. Nhiều bài thơ như ”Các bài thơ giáng sinh” gắn liền với lễ hàng năm của thánh Felice tử đạo, mà Giám Mục Paolino chọn làn bổn mạng. Khi nhắc tới thánh Felice là Giám Mục Paolino có ý vinh danh chính Chúa Kitô, vì xác tín rằng chính nhờ sự bầu cử của thánh nhân mà người được ơn hoán cải: ”Trong ánh sáng của người tôi đã yêu mến Chúa Kitô” (Carme XXI,373). Cũng chính ý niệm này khiến cho Giám Mục Paolino xây vương cung thánh đường mới, và cho trang hoàng với các bức vẽ nhằm dậy dỗ giáo lý cho tín hữu hành hương. Ngày nay người ta vẫn còn có thể chiêm ngắm các bức vẽ khiến cho thánh Paolino trở thành điểm tham chiếu cho nghành khảo cổ Kitô.

Cuộc sống trong ngôi nhà khắc khổ Cimitile là cuộc sống khó nghèo, cầu nguyện và chìm đắm trong việc đọc và nghiền gẫm Kinh Thánh. Dưới ánh sáng của Kinh Thánh thánh Paolino dò xét tâm hồn mình và hướng về sự toàn thiện. Đối với những người ca ngợi quyết định của thánh nhân từ bỏ hết mọi của cải vật chất, thánh nhân nhắc cho biết nó không diễn tả sự hoán cải hoàn toàn, mà chỉ là bước khởi đầu: ”Việc từ bỏ hay bán các của cải có ở đời này không phải là sự thành toàn, mà chỉ là bước đầu của cuộc chay đua trong sân vận động; nó không phải là đích đến, mà chỉ là sự khởi đầu. Thật ra người lực sĩ không thắng giải khi cởi áo quần, vì anh cởi bỏ áo quần để bắt đầu chiến đấu, và chỉ xứng đáng được triều thiên chiến thắng sau khi chiến đấu như phải chiến đấu” (x. Ep. XXIV,7 a Supicio Severo).

Đề cập tới lòng bác ái của thánh Paolino Đức Thánh Cha nói:

Bên cạnh cuộc sống khổ hạnh và nghiền gẫm Lời Chúa, cộng đoàn đan tu cũng tiếp đón người nghèo. Thánh Paolino không chỉ bố thí cho họ, mà còn tiếp đón họ như tiếp đón chính Chúa Kitô nữa. Người đã dành cho họ một phần của tu viện và khi làm như thế, xem ra thánh nhân không chỉ cho mà là nhận, trong việc trao đổi các ơn giữa sự cống hiến tiếp đón và lời cầu nguyện biết ơn của những người được trợ giúp. Thánh nhân gọi các anh chị em nghèo là ”chủ nhân” của người (x. Ep. XIII,11 a Pammachio), và khi thấy họ ở tầng trệt, thánh nhân nhận định rằng lời cầu nguyện của họ là nền móng cho ngôi nhà của người (Carme XXI,393-394).

Thánh Paolino đã không viết các khảo luận thần học, nhưng các bài thơ và thư từ của người là thần học sống động rất phong phú, trích đầy Lời Chúa và thường xuyên được coi như ánh sáng chiếu soi cuộc sống. Người đặc biệt nhấn mạnh trên ý nghĩa Giáo Hội như là mầu nhiệm của sự hiệp nhất. Sự hiệp thông được thánh nhân sống qua tình bạn thiêng liêng cao độ. Trong lãnh vực này thánh nhân qủa là bậc thầy, vì đã biến cuộc sống mình thành ngã tư giao thoa giữa các nhân vật tuyển chọn thời đó: từ Martino thành Tours đến Girolamo, từ Ambrogio đến Agostino, từ Giám Mục Delfino thành Bordeaux tới Niceta thành Remesiana, từ Vitricio thành Rouen cho tới Rufino thành Aquileia, từ Pammachio tới Sulpicio Severo và rất nhiều vị khác nữa. Chính trong bối cảnh này nảy sinh ra biết bao nhiêu trang viết cho thánh Agostino. Ngoài nội dung của từng thư người ta còn thấy tỏa thoát ra sự nồng ấm, mà thánh Paolino thành Nola hát ca tình bạn, diễn tả thân mình duy nhất của Chúa Kitô được Thánh Thần linh hoạt. Điển hình như đoạn thư sau đây: ”Không cần phải ngạc nhiên, nếu chúng ta cho dù có cách xa nhau, nhưng vẫn hiện diện bên cạnh nhau, tuy đã không quen nhau nhưng biết nhau, vì chúng ta là chi thể của cùng một thân thể, có cùng một thủ lãnh, chìm ngập trong cùng một ơn thánh, sống nhờ cùng một bánh, đi trên cùng một đường, ở trong cùng một nhà” (Ep. 6,2). Đây là một diễn tả tuyệt diệu cho biết Kitô hữu, là Thân Mình của Chúa Kitô, sống trong sự hiệp thông của Giáo Hội có nghĩa là gì. Nền thần học của chúng ta ngày nay đã tìm lai được trong ý niệm hiệp thông chìa khóa giúp hiểu mầu nhiệm của Giáo Hội, như Công Đồng Chung Vaticăng II trình bầy. Chứng tá của thánh Paolino thành Nola giúp chúng ta cảm nghiệm Giáo Hội như Công Đồng trình bầy, là bí tích sự hiệp nhất thân tình với Thiên Chúa, và như thế là bí tích sự hiệp nhất của tất cả chúng ta và sau cùng là của toàn nhân loại (LG 1).

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm hiện diện, ngài cầu chúc tín hữu mùa Vọng sốt sắng, rồi cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho tất cả mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.